Đeo bạc bị pha tạp, dễ dị ứng!

,
Chia sẻ

Kinh nghiệm dân gian, đeo các đồ trang sức bạc rất "lành", vừa kị gió, vừa tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, không ít người mua đồ bạc về đeo, lành chưa thấy đâu đã rước bệnh ngứa, nổi mụn.

Xỉn màu do oxit hóa

Chị Trần Thu Trang (Kim Mã, Hà Nội) mua cho con gái 2 tuổi chiếc vòng bạc đeo tay với giá 50.000đ, bởi nghe nói bạc an toàn và giúp "cản gió" nên tốt cho trẻ. Thế nhưng, chỉ mới sau vài giờ đồng hồ đeo vòng vào, phần da đeo vòng đã bị xám và bắt đầu nổi mẩn ngứa. Thấy vậy, chị Trang không dám đeo vòng cho con nữa mà phải rửa bằng nước muối. Còn anh Nguyễn Đức Lợi (Hà Đông, Hà Nội) cũng mua một chiếc nhẫn mặt đá đen tại Lào Cai. Nhưng cũng chỉ sau khoảng 5 tiếng đeo nhẫn, ngón tay anh bị ngứa, rát và nhẫn chuyển màu xám.

Khi tiếp xúc phải bạc sẽ bị phân huỷ thành những loại muối như sunfua bạc, nitrat bạc... dễ tan trong nước có thể làm hỏng da, sạm da

Theo PGS.TSKH Đinh Phạm Thái, nguyên giảng viên khoa Khoa học và Vật liệu kim loại, bạc về cơ bản không thể gây hại cho người sử dụng như các trường hợp nêu trên mà thậm chí còn rất tốt cho người sử dụng. Trong số các kim loại, chỉ có bạc là có khả năng chống khuẩn, nhất là bạc ở dạng nano. Tuy nhiên, bạc cũng là kim loại dễ bị oxy hóa bởi lưu huỳnh, mà bản thân trong không khí cũng có phần nhỏ lưu huỳnh. Khi gặp độ ẩm cao trong không khí bạc sẽ tạo màng oxit để bảo vệ phần lõi bạc phía trong vì thế phần ngoài có thể bị sẫm màu.

GS.TS Phan Trương Thị, viện trưởng Viện Đá quý - Trang sức Việt Nam cũng khẳng định, bạc có màu trắng, nhưng cũng có thể bị oxy hóa chuyển màu sẫm. Khi đeo vào người bạc có thể bị xỉn hay trắng một phần cũng là do mồ hôi. Nếu mồ hôi có nhiều axit sẽ khiến bạc bị chuyển màu. Ngoài ra, trong khí quyển có chứa các loại axit như axit sunfuric, axit nitric, khi tiếp xúc phải bạc sẽ bị phân huỷ thành những loại muối như sunfua bạc, nitrat bạc... dễ tan trong nước. Các muối đó có thể làm hỏng da, sạm da, thậm chí khi ngửi phải ở nồng độ cao có thể làm tổn thương phổi...

Bạc pha hay bạc giả?

Theo các chuyên gia, trong chế tác đồ trang sức hiện nay người ta thường pha thêm nhiều chất để có thể tạo được nhiều kiểu phong phú và đẹp hơn. Tuy nhiên, PGS.TSKH Đinh Phạm Thái cho hay, phương thức pha thêm các chất khác vào khiến tuổi hay còn gọi là hàm lượng % bạc nguyên chất bị ít đi. Bản thân bạc hợp với các kim loại như sắt, kẽm, đồng... Tuy nhiên, các chất pha lẫn này có thể là nguyên nhân gây dị ứng ở người đeo. Các cơ sở sản xuất cũng có thể làm bạc giả để đánh lừa người sử dụng bằng cách chỉ mạ bạc cho lớp ngoài của sản phẩm trong khi lõi bên trong có thể bằng sắt hoặc vật liệu khác rẻ hơn.

Theo các chuyên gia, có thể phân biệt được bạc pha sắt bằng cách dùng nam châm hoặc bằng phương pháp phân tích quang phổ hay phân tích hóa học để biết chất lượng bạc. Theo kinh nghiệm trước đây cũng có thể dùng lửa để thử bạc, nếu gặp lửa mà đồ trang sức vẫn trắng thì là bạc thật. Tuy nhiên, cách này không thể phân biệt được bạc giả và bạc đã pha thêm kim loại khác.

Các đồ trang sức bằng hợp kim cũng thường được người bán giới thiệu bừa là bạc. Tuy nhiên, loại bạc giả này tiềm ẩn nhiều nguy cơ chứa các kim loại độc hại như chì, niken. Các thành phần này không ở dạng riêng rẽ mà được tổng hợp thành các hợp kim khác nhau, làm tăng độ sáng bóng và dễ gia công chế tác. Do vậy, bằng mắt thường không có cách nào nhận biết được sự có mặt của thành phần chì trong các đồ trang sức đó. Chỉ có thể nhờ vào các phương pháp hóa học hoặc chiếu xạ vật lý mới có thể phân tích được các thành phần này.
 
Theo Bee
Chia sẻ