Đêm tân hôn, cào rách mặt chú rể vì tiền mừng

Theo Xzone,
Chia sẻ

Âm thanh phát ra từ phòng tân hôn của đôi vợ chồng Quế - Lâm không phải những tiếng động hoan lạc, mà là tiếng ẩu đả vì… phong bì mừng cưới.

Đôi tân hôn ẩu đả vì phong bì

Hết cả hơi, Quế mới gội được mái tóc cứng đơ vì cả lạng keo xịt và tẩy trang xong khuôn mặt tầng tầng lớp lớp mỹ phẩm. Tắm xong đã mệt lử, cô về phòng riêng và cau mày khó chịu khi thấy chú rể của mình đã lôi đống phong bì ra xé xé, đếm đếm, ghi ghi mà không thèm đợi vợ.

Hì hụi cả tiếng đồng hồ, họ cũng thống kê xong chỗ tiền mừng cưới. Quế ôm đống tiền định cất vào cái hòm nhỏ của mình thì Lâm vội bảo: “Thôi đưa đây, mai anh đem vào ngân hàng gửi, em đoảng bỏ xừ”. Quế cãi: “Anh đã thấy em làm mất tiền bao giờ chưa? Mai chính em đưa vào ngân hàng gửi, để tên em thì mới yên tâm được, chứ giao cho anh ấy à, khi hỏi đến chả còn đồng nào. Có điều, trước khi gửi còn phải trả ông bà ngoại tiền cỗ, chứ có phải của mình hết đâu”.

Bố mẹ Lâm nghèo và già yếu, không góp được đồng nào vào đám cưới của con. Đôi trẻ cũng không có nhiều, nên chuyện cưới xin được bên vợ hỗ trợ phần lớn. Từ tiền mua sắm các vật dụng cho đôi vợ chồng trẻ đến tiền nhẫn cưới, chụp ảnh cưới… đều bên ngoại lo. Riêng chuyện cỗ cưới, tuy hai nhà tổ chức chung, nhưng theo lệ thường vẫn phân định rõ ràng khu vực nhà trai, nhà gái, hoặc có ngồi lẫn lộn thì chí ít cái hộp tiền mừng cũng để riêng.

Biết thông gia khó khăn, bố mẹ Quế sẵn sàng trả tiền cả phần cỗ của nhà trai, nhưng Lâm ngại, và Quế cũng không đồng ý. Cô một là sợ mang tiếng bố mẹ bỏ tiền ra “mua” chồng cho mình, hai là không muốn tạo cho chồng thói quen ỷ lại nhà vợ. Vì thế, quyết định cuối cùng là bố mẹ Quế cứ thanh toán hết với nhà hàng, sau đó hai vợ chồng sẽ dùng tiền mừng đưa lại ông bà phần cỗ của nhà trai. Trong đêm tân hôn, thấy chồng có vẻ “quên mất” số nợ này, chỉ lăm lăm đòi gửi tất vào ngân hàng dưới tên anh nên Quế có phần bực bội.

Đêm tân hôn, cào rách mặt chú rể vì tiền mừng 1
Ảnh minh họa

Nghe vợ nhắc, Lâm cau mặt. Anh nghĩ, ông bà nhạc đồng ý chuyện cỗ nhà ai nhà ấy thanh toán chẳng qua cho đẹp mặt con rể thôi, chứ đối với ông bà, số tiền ấy đáng gì, đằng nào khi mình đem sang trả, ông bà cũng cho lại hai vợ chồng làm vốn, sao Quế lại nói năng cứ như anh định quỵt nợ nhạc gia vậy. “Bố mẹ có so đo mấy đồng lẻ ấy đâu mà sao em cứ phải chắc lép với chồng như thế?”, Lâm nói. Quế giận quá, bảo cô cũng chỉ muốn bảo vệ danh dự của anh và gia đình anh, chứ nếu chỉ nghĩ đến cái thân cô thì cứ lấy tiền bố mẹ đẻ mà tiêu cho sướng chứ tội gì, rằng số nợ đó bố mẹ cho hay không thì tùy bố mẹ, nhưng trước hết cứ phải trả đã.

Thực ra, Lâm đang nóng ruột về món nợ của bố mẹ anh, bị người ta đòi đã lâu. Anh những muốn trả giúp từ trước nhưng phải dồn tiền lo đám cưới, định bụng cứ lấy tiền mừng và “mượn tạm” vàng hồi môn của vợ trả cho xong đã, sau này sẽ từ từ nói với Quế sau, kẻo vừa về đến nhà chồng đã mất hết của nả vì món nợ chẳng liên quan đến mình, cô sẽ sốc. Lúc này, thấy thái độ của Quế, Lâm muốn nói toạc ra luôn, nhưng nghĩ đến vẻ xem thường đang hiện trên mặt vợ, anh sợ cô có những câu xúc phạm đến gia đình mình, nên chỉ buông mấy tiếng cộc cằn: “Chưa trả, sau này sẽ trả”.

Thấy chồng ngang quá, Quế giận dữ thốt ra một câu mang tính “đụng chạm”, khiến Lâm giơ tay lên định tát vợ, nhưng kịp dừng lại. Có điều, vừa thấy cánh tay chồng vung lên định hành hung, Quế đã điên tiết vừa thét lên lăn sả vào cào cấu rách cả mặt anh. Hai người làm um cả nhà, khiến bố mẹ Lâm sợ hãi mà không dám can thiệp.

Thông gia om sòm chuyện tiền nong

Hôm Ngà về lại mặt, bố mẹ cô thấy mặt con gái có vẻ hậm hực không vui thì lo sốt vó, cứ tưởng con mình trước đây có gì lầm lỡ hay trót dại khiến thằng rể gây khó dễ khi phát hiện ra. Ông nháy cho bà, bà lôi con gái vào phòng lựa lời “moi tin”. Có chỗ xả, Ngà tuôn một tràng những lời ấm ức về nhà chồng.

“Ông bà nhà ấy đúng là nói một đằng làm một nẻo, nói thì ngọt mà nuốt lời còn nhanh hơn chớp mắt”, cô dâu mới tức tối nói. Chuyện là, trước khi cưới, hai bên thông gia ngồi họp với nhau, có trao đổi về chuyện sẽ tặng quà gì cho đôi trẻ. Bên ngoại bảo sẽ cho con một cây vàng làm của hồi môn, bên nội đáp lời rằng anh chị cho con gái đã được như vậy, chúng tôi cho con trai dĩ nhiên cũng phải tương xứng, là hai cây vàng. Bên ngoại nói tuy chúng tôi bỏ tiền lo cỗ cưới cho con, nhưng phong bì thu được bao nhiêu cho chúng nó cả. Bên nội bảo tất nhiên rồi, nếu như ý anh chị đã giống ý chúng tôi thì ta tổ chức chung một chỗ cho chúng nó đỡ mệt, đằng nào hai đứa cũng cầm hết; chúng tôi cũng sẽ thêm vào chỗ đó một số tiền nữa cho các con có vốn làm ăn.Hai bên thông gia tâm đầu ý hợp, nói chuyện với nhau vô cùng tương đắc.

Ấy thế mà buổi tối sau đám cưới, mục đếm phong bì không phải do hai vợ chồng “tự lo” mà được bố mẹ chồng đốc thúc, giám sát từ đầu đến cuối. Rồi ông bà gọi Ngà ra nói chuyện, nhưng chẳng thấy dặn dò gì dâu mới về nếp nhà hay ăn ở, chỉ yêu cầu đưa hết tiền mừng lẫn vàng hồi môn cho mẹ giữ: “Tài sản trong gia đình phải quy về một mối, mai này mẹ chết thì con thay mẹ quản lý tài sản của cả nhà”. Trước giọng nói dứt khoát của mẹ chồng và ánh mắt nghiêm lạnh của bố chồng, cô dâu mới rất muốn phản kháng nhưng không biết nói thế nào cho khỏi thất lễ, bèn ngoảnh sang chồng cầu cứu. Trông anh rất khó xử, nhưng sau mấy giây ngần ngừ cũng thúc vào người vợ: “Thôi em đưa tất cho mẹ đi”.

Chỉ cần nghe thấy thế, mẹ chồng đã đứng dậy kéo Ngà vào phòng. Tiền vẫn để trên bàn phấn, vàng thì Ngà lấy trong hộp tư trang ra. Ngà định giữ lại những chiếc nhẫn mà chị em, cô dì chú bác của cô tặng, tổng cộng cũng hơn một cây vàng, nhưng mẹ chồng đã nhanh tay cầm lấy cả. Hận quá, khi chỉ còn hai người, Ngà nói với chồng: “Giờ thì em trắng tay còn hơn cả hồi con gái, lương 3 tuần nữa mới có mà chẳng còn một xu để chi tiêu. Thôi, mấy chục triệu tiền chúng mình góp với nhau để sau cưới đổi xe máy đâu, đưa cho em để còn đi trăng mật”. Chú rể thú nhận, số tiền đó, theo yêu cầu của bố mẹ, anh đã đưa để chi cho đám cưới rồi, vì ông bà bảo thiếu thứ nọ thứ kia. Ngà uất đến mức muốn ngất xỉu, chỉ biết nằm vật ra khóc suốt đêm, không cho chồng động đến người mình.

Nghe xong chuyện của con gái, mẹ Ngà tức lộn ruột, chạy ra mắng chàng rể một trận vì tội toa rập với bố mẹ lừa đảo gia đình bà, bắt nạt con gái bà. Bên nhà trai biết được, vừa mắng con dâu vừa gọi điện sang trách thông gia xúc phạm gia đình họ. Hai bên lời qua tiếng lại một lúc thì mẹ Ngà điên lên, lôi kéo chồng và mấy cô em gái sang bên đó nói cho ra nhẽ.

Bố mẹ chồng Ngà bảo quản lý tiền nong như thế nào là chuyện riêng của gia đình họ, thông gia không có quyền can thiệp; đám cưới tổ chức phần ai nấy lo, bên này chả nhờ vả gì bên đấy, còn tiền vàng đã cho con, định đòi lại hay sao mà phải thắc mắc là ai giữ? Mẹ Ngà bảo, các người trước mặt làng nước thì nói cho con thứ nọ thứ kia hoành tráng lắm, thứ gì cũng phải gấp đôi nhà gái, hóa ra cưới con trai nhưng một xu cũng không mất mà còn giàu to vì vớ được của nhà gái, trông thì đạo mạo mà cướp từng đồng của con dâu.

Bị thóa mạ, bố chồng Ngà nổi cơn thịnh nộ, tuyên bố trả dâu về cho thông gia. Mẹ Ngà cười nhạt nói hay nhỉ, người thì trả, chứ tiền vàng có trả không? Cứ thế, hai bên xửng cồ, đỏ mặt tía tai như gà chọi, may có mấy người họ hàng vừa bình tĩnh vừa khéo nói, mãi mới can ra được. Mẹ chồng Ngà nhượng bộ, trả cho con dâu số vàng do bên ngoại cho, còn toàn bộ tiền mừng bà vẫn giữ, còn vàng của bà cũng như của họ hàng bên nội tặng đôi trẻ thì dĩ nhiên vẫn được khóa chặt trong hòm bà.

Dù chưa ai thỏa ý thì rốt cuộc chuyện tiền cũng được giải quyết xong xuôi, chỉ có chuyện tình là có vẻ “như có như không” ngay sau đám cưới.



Ly rút nhẫn cưới ném xuống trước mặt chồng rồi òa khóc lao ra khỏi nhà ngay trong đêm tân hôn

Đêm tân hôn, cào rách mặt chú rể vì tiền mừng 2
Chia sẻ