Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất

Hoàng Hồng,
Chia sẻ

1 năm 10 ngày sau liveshow Đôi bàn tay thắp lửa, Trần Lập đã trở lại đúng như lời hứa: "Hẹn gặp lại" trước lúc ra đi. Khán giả không chỉ gặp lại anh mà còn được gặp lại tuổi thanh xuân của chính mình.

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 1.

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 2.

Tối 26/2, đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại đã diễn ra tại cung Quần Ngựa, Hà Nội. Hơn 1000 khán giả đã được sống trọn vẹn một thời thanh xuân đầy đam mê, chìm đắm trong những dịu ngọt diết da cháy bỏng của tình yêu và hừng hực những khát khao dâng hiến cho đời chỉ trong 3 tiếng đồng hồ. 3 tiếng được cười, được khóc, được gào thét, được cuồng nhiệt, được lặng lẽ nhắm mắt tận hưởng những phút giây kì diệu khi nhận ra giá trị của thanh xuân, giá trị của cuộc sống chỉ qua một câu hát.

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 3.

"Biển ánh sáng" từ những chiếc điện thoại trong đêm nhạc Trần Lập - Hẹn gặp lại

Trần Lập trở lại. Nhưng không phải bằng xương thịt. Tinh thần của Trần Lập đã được những đồng đội của anh trong ban nhạc Bức tường cùng các nghệ sĩ thể hiện và truyền tải một cách vẹn nguyên tới công chúng. Và khán giả đến cung Quần Ngựa không phải để nghe Trần Lập hát, cũng không hẳn đến để tưởng niệm anh hay để hồi ức anh. Họ đến để hồi ức về tuổi thanh xuân của chính mình. Tuổi thanh xuân gắn liền với những Bông hồng thủy tinh, Mắt đen, Cây bàng, Cơn mưa tháng 5 hay Tiếng gọi. Tuổi thanh xuân được truyền cảm hứng từ người chiến binh mang tên Trần Lập.

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 4.

Mai Hoa - người vợ dũng cảm của Trần Lập - vượt qua nỗi nhớ thương để trở thành một khán giả cuồng nhiệt trong đêm nhạc

Thế nên, dù ai hát nhạc Trần Lập trong đêm "Hẹn gặp lại", dù là Rock hay không phải Rock, thì khán giả cũng nồng nhiệt chào đón và cổ vũ họ, như cổ vũ những vị khách của thanh xuân.

Hiếu "Voi", vocalist của ban nhạc Hotsky được chọn làm người kéo chiếc còi tàu khởi hành về tuổi trẻ của mỗi người. Hiếu có vóc dáng thấp đậm, bộ râu giống Trần Lập, khoác một chiếc áo da cũng na ná phong cách của Trần Lập. Hiếu đứng giữa hiệu ứng ánh sáng và khói sân khấu khiến khán giả rú lên vì giống Trần Lập quá. Nhưng dĩ nhiên, chẳng ai hiểu lầm. Mà BTC chắc cũng không định khiến khán giả hiểu lầm. Chỉ đơn giản là mang một sự khơi gợi trực diện hơn cho người xem trước khi họ bước lên chuyến tàu đặc biệt. Tiếng guitar điện của Tuấn Hoàng rít lên những nốt nhạc kích động: Rock xuyên màn đêm.

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 5.

Hiếu HotSky mở màn đêm nhạc với "Rock xuyên màn đêm"

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 6.

Vóc dáng của Hiếu "voi" khiến khán giả liên tưởng với Trần Lập

Nhưng người thực sự làm cho không khí của cung quần Ngựa đặc quánh mùi Rock, mùi của tuổi trẻ, đó là Phạm Anh Khoa. Anh Khoa cạo trọc đầu, mặc áo ba lỗ hát bài tủ Ra khơi, ca khúc đã giúp anh giành Quán quân Sao Mai Điểm hẹn 2006. Giọng hát sinh ra là để dành cho Rock của Anh Khoa, từng cú vẩy tay cuồng nhiệt của Anh Khoa khiến phía dưới sân khấu như nổ tung. Người ta nhìn thấy ở Anh Khoa sức trẻ, lửa nghề, lửa sống và lửa Rock như đã từng nhìn thấy ở Trần Lập những năm cuối 90 cho đến đầu thập niên 2000.

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 7.

Phạm Anh Khoa làm nổ tung sân khấu với "Ra khơi"

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 8.

Khi Trần Lập mất, không ít khán giả đã rơi nước mắt tiếc nuối một tượng đài không thể thay thế. Nhưng có lẽ người ta sẽ nghĩ khác khi nghe Anh Khoa hát Rock, mà là Rock của Trần Lập, với một màu sắc khác, một tinh thần khác, song vẫn là tinh thần cao thượng của người chơi Rock mà Trần Lập cùng những người bạn Bức tường đã lan tỏa nó từ lần xuất hiện đầu tiên tại SV96. Tượng đài kia, dĩ nhiên không ai thay thế, song sẽ không cô đơn trên đỉnh vinh quang.

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 9.

Anh Khoa xúc động khi hát "Cha và con"

Khác với Phạm Anh Khoa, Tuấn Khanh của Microwave lại diễn đạt Trần Lập ở một góc khác. Góc cho những nổi loạn hồn nhiên và "mô-đen".

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 10.

Tuấn Khanh của Microwave hát liền ba bản: "Khám phá" (song ca với Hà My), "Ngày khác" và "Những chuyến đi dài"

"Thử một hôm bước chân ra đường, đi lề bên kia khác thường, gọi café bên góc quán xa lạ, mua tờ báo mới thấy lần đầu. Một ngày chẳng muốn để ai giống mình. Mầu áo khác và tóc lùa kiểu rất riêng. Tìm tòi để biết một chân dung lạ. Phác nét nơi nào từ dấu xăm.Oh. Một ngày khác Đặt dấu chân vượt trên bụi vàng. Ai chọn lối khác. Để bước đi xa đám đông vội vã…"

Ngày khác – ca khúc được Trần Lập ra mắt trong album cùng tên năm 2010, 6 năm sau album Nam châm và 4 năm sau khi tuyên bố giải nhóm. Một ca khúc rạo rực chất Modern Rock với ca từ phá phách. Nhưng Trần Lập sau 6 năm, dù đã bớt đi bao nhiêu say đắm yêu đương ngọt ngào của thủa Bông hồng thủy tinh, thì vẫn không thoát được cái nỗi hồn nhiên ngây thơ của tâm hồn. Một tâm hồn càng trải nghiệm, càng phiêu lưu, càng khám phá, càng nối dài những chuyến đi dài, thì lại càng trong veo và tươi non với đời. Không thể nào cay nghiệt nổi.

"Vì đời là những chuyến đi dài, những giấc mơ dài

Để được sống với đam mê, dẫu có dại khờ

Rồi có lúc vượt qua bao nhiêu bão giông." (Những chuyến đi dài) – Lúc Tuấn Khanh hát ca khúc này, bất giác người nghe lại nhớ đến tâm sự của Mai Hoa, người vợ dũng cảm của Trần Lập. Mai Hoa chia sẻ chị quyết định gắn bó cuộc đời với Trần Lập không hẳn là vì yêu âm nhạc của anh ấy mà vì chị nghĩ rằng chị có thể giúp anh ấy trên con đường âm nhạc.

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 11.

Mai Hoa khi cuồng nhiệt, lúc lặng lẽ theo dõi từ đầu đến cuối chương trình

Không ai hiểu hơn Mai Hoa những khốn đốn, trở ngại, "bao nhiêu bão giông" mà Trần Lập phải trải qua khi theo đuổi Rock. Những chỉ trích, những ghẻ lạnh, những mối lo thường nhật mà một người đàn ông phải gánh vác. Trần Lập có lúc khiến khán giả nghĩ rằng anh đã bỏ nghề khi nhiều năm không ra album mà chỉ đi làm MC và viết nhạc cho các gameshow, rồi lại sang Mỹ học nghề truyền thông. Nhưng cuối cùng, anh vẫn trở lại. Sự trở lại ấy hẳn là nhờ niềm đam mê dại khờ của anh, chứ không thể khác.

Trong làng Rock Việt, khó có thể tìm thấy một ánh mắt Rock đầy lửa đam mê mà hiền lành khờ dại như ánh mắt của Trần Lập. Người ta nhận ra anh bởi ánh mắt ấy. Và may sao, giờ đây người ta lại có thể gặp lại ánh mắt ấy ở Tạ Quang Thắng. Tạ Quang Thắng hát Trở về Cơn mưa tháng 5 với chiếc guitar mộc quen thuộc, hát theo phong cách country rock quen thuộc. Tiếng đàn mộc mạc, giọng hát hồn hậu của Thắng khiến khán giả lặng đi. Như vương vất hình bóng giản dị của người thủ lĩnh Bức tường đâu đây.

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 12.

Tạ Quang Thắng hát Trở về và Cơn mưa tháng 5 với chiếc guitar mộc và phong cách country rock quen thuộc.

Tạ Quang Thắng chẳng nhảy nhót, cứ đứng nhún nhẩy trên sân khấu thôi, nhưng đủ làm nên cơn mưa đầu hạ mát lành, gội rửa và cuốn trôi đi nhưng bề bộn bụi bặm còn vương vất ngoài kia, để không gian trong sân khấu chỉ còn lại không gian lồng lộng của tuổi thanh xuân với những mối tình trong văn vắt. Tuổi thanh xuân ấy có những chàng trai 7x, 8x cầm chiếc guitar bập bùng mang nhạc của Trần Lập đi "giăng lưới", hòng mong có cô gái nào cắn câu. Tuổi thanh xuân ấy có những rung động không một chút vụ lợi, yêu chỉ vì yêu, xốn xang chỉ vì xốn xang cái người biết hát và biết nghe những giai điệu đẹp như thơ:

"Dấu chân lạc bước trên phố quen, nơi cơn mơ tôi đi vào.

Để tìm lại đúng nơi trước khi ào ạt cơn mưa tới

Muốn sửa lại phút giây đã sai cho em sẽ quay ngoảnh lại

Bài tình ca tháng 5 dành cho em" (Cơn mưa tháng 5)

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 13.

Một biển ánh sáng lấp lánh nơi khán đài. Khán giả đồng loạt bật flash điện thoại, lắc lư theo nhịp guitar mộc của Tạ Quang Thắng. Thắng vẫn đứng rung nhịp chân tại chỗ, say mê kể về mối tình vụng dại. Không gian xung quanh lấp lánh sáng như những hạt mưa rơi trên mặt phố dưới ánh đèn đường một đêm tháng 5 mưa bất chợt.

Bất ngờ lớn nhất và cũng là dấu ấn đặc biệt nhất của đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại là Tùng Dương. Nam ca sĩ nhạc Pop số 1 Việt Nam cứ ngỡ chỉ là khách mời chấm phá của đêm Rock thôi, hóa ra lại là nhân vật chính. Tùng Dương hát tới 5 bài Rock, nhiều hơn tất cả những nghệ sĩ Rock chính cống còn lại.

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 14.

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 15.

Tùng Dương là nhân tố bất ngờ nhất của đêm nhạc Trần Lập - Hẹn gặp lại

Ai có thể chê Tùng Dương biến Người đàn bà hóa đáMen say thành nhạc dân ca đương đại, ai có thể chê nhưng đoạn feeling của Tùng Dương đậm đặc vị Pop, ai có thể chê Tùng Dương giao lưu màu mè khác hẳn cái mộc của người Rock, nhưng không ai có thể phủ nhận Tùng Dương đã khám phá những màu sắc rất lạ trong Rock của Trần Lập. Rock của Trần Lập, thứ nhạc Rock từng bị chỉ trích là "phi Rock", nhưng chưa bao giờ thôi làm người ta say mê. Say mê là bởi thứ nhạc ấy kể cả khi lột bỏ đi tấm áo rực lửa của Rock, kể cả khi đứng ngoài tính thể loại, thì vẫn nguyên sự ám ảnh. Đó là sự ám ảnh của chiều sâu ngôn từ. Ám ảnh bởi người viết không đứng ngoài cuộc sống nhìn vào mà viết, mà rút ruột gan từ cuộc sống ấy mà viết nên. Tùng Dương đã bắt được cái cốt lõi ấy cùng với giọng hát ma quái tinh mị của mình mà khuấy động được đêm nhạc. Nhất là khi anh hát Tâm hồn của đá, thì Rock không chê vào đâu được.

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 16.

Không ai có thể phủ nhận Tùng Dương đã khám phá những màu sắc rất lạ trong Rock của Trần Lập

Và nếu ví Phạm Anh Khoa là lửa của thanh xuân, Tạ Quang Thắng là vụng dại của thanh xuân, Tùng Dương là những viên mãn của thanh xuân, thì những cặn lắng ngọt ngào của thanh xuân là Triệu Lưu Hoàng Lân và Anh Tuấn.

Anh Tuấn làm cả khán phòng nghẹt thở vì phi motor của Trần Lập lên sân khấu. Và sau đó là khiến cả khán phòng lặng người đi khi kéo một bản cello đệm cho Trần Lập hát Mắt đen. Trần Lập hát nhưng không có Trần Lập, chỉ có Anh Tuấn ngồi một góc kéo cello và Tuấn Hùng ngồi góc khác gảy guitar gỗ. Giọng hát của Trần Lập cất lên thật như chạm được vào. Những thanh âm da diết khiến khán giả nghẹn ngào. Phía dưới, Mai Hoa lặng lẽ lau nước mắt.

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 17.

Anh Tuấn khiến khán giả lặng người vì xúc động khi chơi đàn cello trên nền tiếng hát Trần Lập

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 18.

Tuấn Hùng, linh hồn hiện tại của nhóm Bức tường, cũng là linh hồn của liveshow Trần Lập - Hẹn gặp lại trong tiết mục đệm đàn cùng Anh Tuấn

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 19.

Chiếc motor quen thuộc của Trần Lập được Anh Tuấn đưa lên sân khấu

Không khí ấy giống như lúc Triệu Lưu Hoàng Lân của The Sand xuất hiện. Lân "ốc" bước ra sân khấu, bảo anh không ra đây để hát mà để kể cho khán giả nghe một câu chuyện tình.

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 20.

Triệu Lưu Hoàng Lân với "Tiếng gọi"

"Tiếng gọi rất quen nơi khung trời bỏ ngỏ

Nuôi những ao ước dù lẻ loi

Gọi tên tôi vượt qua những hãi hùng

Chênh vênh bờ đêm sâu bao gọi mời

Em kề vai tôi ngồi bên thềm

Bỏ lại đằng sau những khúc quanh co

và cám dỗ để quay về…"

Khán giả nhiều người bật khóc. Những đôi trai gái đứng dưới khán đài bật chợt ôm lấy nhau và hát nối "Ở đó có tôi với em/ Này đây tiếng gọi rất mềm/ Thổi ngọn lửa bừng trong mắt thêm sâu/ Hẹn ước ngày tháng êm đềm..." Ca khúc này cách đây một năm họ đã được nghe Trần Lập hát cho vợ mình. "Ca khúc này không được sáng tác tặng vợ tôi nhưng giờ tôi sẽ hát cho vợ tôi" – Trần Lập đã nói vậy trong lần cuối cùng đứng trên sân khấu.

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 21.

Nhiều khán giả bật khóc khi nghe Lân "ốc" hát

Không phải tự nhiên mà Lân "ốc" nói anh chỉ kể chuyện tình chứ không hát. Đó là một câu chuyện tình đẹp. Đẹp không phải vì nó lãng mạn và đầy mật ngọt. Đẹp vì nó rất đời. Người đàn ông trong bài hát như con ngựa hoang, lúc nào cũng mải miết đi theo những tiếng gọi đầy cám dỗ. Mà người đàn ông nào ngoài đời chả vậy. Chỉ có điều, có người tỉnh táo để quay về nơi cánh đồng quen, có người thì lạc lối. Quan trọng là người đàn bà có đủ bao dung để làm cánh đồng thản nhiên chờ đợi đón chú ngựa trở về hay không mà thôi. Người đàn ông của Trần Lập thì đã bỏ lại đằng sau những khúc quanh co và cám dỗ để quay về. Cũng như người đàn bà của anh ấy đã tình nguyện làm một cánh đồng quen, cất một "tiếng gọi rất mềm" và "cười thứ tha" để thức tỉnh người đàn ông dừng chân mà không băng qua ranh giới của những tiếng gọi hoang dã hấp dẫn ngoài cánh cửa. Và người ta gọi đó là "Tổ ấm".

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 22.

Mai Hoa nghẹn ngào, bàn tay nắm chặt để kìm nén những giọt nước mắt trên sân khấu

Tổ ấm của Trần Lập nay chỉ còn Mai Hoa và hai con. Mai Hoa cố gắng mạnh mẽ để duy trì một cuộc sống bình thường cho chính mình và các con. Nhưng nỗi đau dường như vẫn chưa nguôi ngoai chút nào sau 1 năm. Phát biểu để khép lại đêm nhạc, Mai Hoa cứ nói một đôi câu lại phải dừng lại cắn môi cho khỏi khóc. Trong căn nhà nhỏ của ba mẹ con, cô vẫn giữ nguyên mọi vật dụng đồ đạc của Trần Lập ở vị trí cũ như ngày anh còn sống, để có thêm niềm tin rằng anh chỉ đi công tác xa thôi. Còn các con nhớ bố tới nỗi thi thoảng lại cảm giác như bố vẫn đang hiện diện, dù đôi khi là một mùi thơm vô hình giống mùi nước hoa bố thường dùng.

Đêm nhạc Trần Lập – Hẹn gặp lại: Gửi thanh xuân mà ta sẽ mất - Ảnh 23.

Nỗi đau dường như vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng vợ Trần Lập sau 1 năm anh ra đi

Cuộc sống này, rất nhiều khi có những thứ trôi qua rồi ta mới thấy nó quý giá biết bao. Ví như mùi nước hoa ấy. Và ví như thanh xuân. Những năm tháng đẹp nhất của đời người ta thường làm gì cho nó? Khao khát, đam mê, khám phá, yêu đương hay biếng lười, bạc nhược, sớm chiều chẳng biết vui hay buồn, chẳng biết theo đuổi hay chờ đợi điều gì? May mắn sao cho những khán giả của đêm nhạc này, những người chắc chắn đã và đang sống một thời thanh xuân sôi nổi bất, rực rỡ nhất. Thời thanh xuân đầy lửa và được tiếp lửa bởi âm nhạc của Bức Tường, "để sống có ý nghĩa hơn/ Dù mùa đông buốt giá/ Lá rơi như giọt máu đỏ. Vẫn tin rằng rồi xuân sẽ tới mầm sống đâm chồi/ Đón nắng vàng."

Trần Lập – Hẹn gặp lại anh, để chúng ta lại gửi những lời ca cháy bỏng cho tuổi thanh xuân mà ta sẽ mất.

Chia sẻ