Để bé tự ăn không nghẹn, sặc

,
Chia sẻ

Trong các cấp cứu tai nạn trẻ con, cấp cứu do trẻ bị hóc thức ăn là cấp cứu thường gặp nhất. Việc cho trẻ ăn tưởng đơn giản nhưng cũng đòi hỏi cha mẹ phải có kỹ năng.

Cho ăn không đúng cách có thể dẫn đến những nguy hiểm nhưng nếu vì thương con mà cứ đút ăn cho đến lớn sẽ làm cản trở tính tự lập của trẻ.

Làm sao biết bé sẵn sàng tự ăn?

Thái độ của bé về bữa ăn cho biết bé đã sẵn sàng tự ăn hay chưa. Một số bé trở nên hứng thú với bữa ăn, thích chơi với thức ăn, cúi về phía trước và há miệng để biểu lộ rằng chúng muốn ăn miếng kế tiếp, bắt đầu thích một số thức ăn hơn, với tới thức ăn, muỗng, chén và tìm cách đưa vào miệng.

Quan sát thật kỹ những kỹ năng của bé sẽ giúp cha mẹ biết bé đã sẵn sàng để tự ăn chưa.

Cha mẹ có thể giúp gì?

Học cầm bình sữa là bước đầu tiên, thường vào lúc 5 – 6 tháng tuổi. Để có thể tự dùng bình sữa, con của bạn phải đưa hai bàn tay lại với nhau. Tư thế nghiêng một bên là dễ nhất, bởi vì khi ấy hai bàn tay sẽ tự động đưa vào phía giữa. Bước tiếp theo là cho bé ăn bằng ngón tay. Đến chín tháng tuổi, bé có thể cầm bánh và tự ăn. Lúc đầu, bạn có thể nhúng các ngón tay của bé vào khoai tây nhuyễn vì bé có khuynh hướng tìm tòi bằng cách đưa những ngón tay vào miệng. Khi bé sẵn sàng cầm thức ăn, một mẩu bánh mì mềm là thứ thích hợp. Tránh những thức ăn có thể gây nghẹn như nho, bắp rang hoặc khoanh xúc xích.

Cho bé ăn bằng muỗng là bước kế tiếp. Lúc đầu bé dùng muỗng như đồ chơi và cha mẹ có thể tình cờ phát hiện bé đưa thức ăn vào miệng. Đến hai tuổi, đa số bé đã dùng muỗng khá tốt. Để dùng muỗng hiệu quả, bé phải ngồi vững, bằng cách dựa vào bàn chẳng hạn. Để bé ngồi vững hơn, bạn hãy giữ khuỷu tay của bé và hướng nhẹ cánh tay và bàn tay ra ngoài. Để bé nắm tay bạn, trong khi bạn đưa muỗng vào miệng cũng giúp bé ngồi vững hơn. Cuối cùng, bé có thể cầm muỗng với sự hỗ trợ của bạn, để rồi sau đó bạn giảm dần dần sự trợ giúp này.

Dụng cụ ăn nào nên dùng?

Để chọn dụng cụ nào là tốt nhất cho con của bạn, bạn phải biết được bé đã sẵn sàng tự ăn như thế nào. Quan sát thật kỹ những kỹ năng của bé, giúp bạn biết bé đã sẵn sàng ra sao để thực hiện những bước đi tiến tới sự tự lập của bé.

Lúc đầu bé dễ sử dụng muỗng có tay cầm ngắn hơn. Một số muỗng có tay cầm cong giúp bé đưa vào miệng dễ. Cũng nên chú ý đến độ sâu của miệng muỗng, lấy thức ăn ra khỏi muỗng có miệng nông thì dễ dàng hơn, nhưng muỗng có miệng sâu thì lại dễ giữ thức ăn hơn. Với dĩa, nên chọn dĩa có thành bên cao cho phép bé múc tựa vào thành dĩa. Chọn chén phù hợp với miệng của bé, vành chén tròn giúp bé giữ vững. Bé cũng nên cho dùng ống hút vì hút bằng ống hút rất thú vị. Ống hút cũng giúp bé kiểm soát lượng dịch. Lúc đầu bạn nhúng ống vào trong dịch và đặt một ngón tay lên đầu ống để giữ dịch trong ống, đầu kia đặt vào miệng bé và từ từ thả ngón tay ra để dịch chảy xuống.

BS Phạm Ngọc Thanh
(bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM)
SGTT

Làm gì khi bé sặc thức ăn?

Sặc là tai nạn thường gặp nhất, có thể xảy ra bất cứ lúc nào như khi ép bé ăn trong lúc bé đang khóc hay khi bé bỏ những vật nhỏ vào miệng mà người lớn không biết. Khi bé bị sặc, trước tiên cần giữ bé trong tư thế mặt úp, đầu chúc xuống thấp hơn thân, sau đó vỗ mạnh nhiều lần vào giữa hai xương bả vai của bé. Với những bé lớn hơn có thể đặt nằm sấp trên đầu gối của bạn. Nếu dùng biện pháp vỗ mạnh vào giữa hai xương bả vai vẫn không lấy được dị vật, hãy đặt bé ngồi vào lòng bạn, lưng áp vào ngực bạn. Một tay bạn đỡ lấy lưng bé, tay kia nắm lại thành quả đấm (ngón cái nằm trong) rồi ấn mạnh vào khoảng giữa rốn và phần cuối xương sườn của bé, hướng lên trên. Trong trường hợp sau khi lấy đi dị vật, bé không thở lại được bình thưởng thì cần làm hô hấp nhân tạo. Còn nếu sau khi đã sơ cứu vẫn không thể lấy ra được dị vật thì cần nhanh chóng chuyển bé tới cơ sở y tế để xử trí.

Chia sẻ