Đây là lý do tôi đã ngừng nói với con: "Con sai rồi, phải làm như này cơ"

Nguyễn Thị Thu,
Chia sẻ

Tôi nhận ra có hai lỗi sai tôi đã mắc phải khi nói với con câu: "Con sai rồi, phải làm như này cơ".

"Con sai rồi, phải làm như này cơ"

Hồi Bon được 2 tuổi 4 tháng, tôi mua bộ chơi ghép hình (puzzle) về cho Bon. Khỏi phải nói khi thấy bộ ghép hình các loại ô tô, Bon hào hứng đến thế nào và đòi chơi ngay. Khi Bon ngồi chơi, mình ngồi bên cạnh coi xem cu cậu ghép thế nào để hỗ trợ. Mẹ cứ để cu cậu tự ghép, đến đoạn khó không ghép được cu cậu cáu lên "Không làm được", loay hoay xoay tấm hình mãi mà nó không vừa. Thế là tôi hơi sốt ruột vội nói "Con ghép sai rồi, không phải miếng đó, con thử miếng này xem nào", rồi đưa miếng đúng ra ghép vô chỗ đó.

Đây là lý do tôi đã ngừng nói với con: Con sai rồi, phải làm như này cơ - Ảnh 1.

Bon luôn được chọn chơi theo những gì con thích (Ảnh: N.T.Thu).

Nhưng thấy mẹ tự ý động vào thì Bon kiên quyết "Không đúng, không đúng, là cái này cơ, không phải cái đó...", nhất định giữ ý kiến của mình, đồng thời ăn vạ "Đây không phải đồ của mẹ, đây là đồ của con, mẹ đi chỗ khác". Thế là cuộc chơi phải dừng lại. Bon cáu, mẹ cũng cáu. Tôi thấy tôi có hai cái sai. Cái sai đầu tiên là đã bỏ qua giai đoạn nhạy cảm về quyền sở hữu của cu cậu, không hỏi trước mà đã tự ý can thiệp vào.

Còn cái sai thứ hai đó là: Khi tôi nói với con "Con sai rồi, phải làm như này cơ" chính là mẹ đang tước đi cơ hội "cho con được thất bại" để tự rút ra bài học cho mình.

Chỉ khi bản thân nhận ra được lỗi sai của chính mình, chúng ta mới trưởng thành được. Câu nói này không chỉ đúng với trẻ con, mà luôn đúng với cả người lớn. Sai lầm của tôi là khi con sai lầm mình đã tự ý sửa sai cho con, và nếu như thế mãi mãi con sẽ không biết được chỗ sai của mình, và cũng không thể sửa sai được.

Tôi tin rằng tôi không phải là bà mẹ duy nhất thi thoảng có thói quen ấy, thói quen tiện tay làm thay con, chỉ sẵn con đường an nhàn cho con thay vì để con tự tìm ra chỗ khó khăn của mình ở đâu.

"Con cứ làm đi, mẹ sẽ chỉ cho con chỗ nào con không biết!"

Tôi đã sửa sai lại trong lần chơi tiếp theo như sau: Tôi để Bon tự chơi, mẹ lúc thì ngồi gần nhưng đọc sách, lúc thì nấu cơm nhưng vẫn ngó sang xem con đang làm như nào. Đến đoạn con loay hoay không biết ghép tiếp như nào, bắt đầu cầu cứu "Con không biết" và chuẩn bị bỏ cuộc. Tôi sẽ hỏi "Sao vậy con?". Sau đó nghe con nói con không biết mình lại "Con thử tấm khác xem nào. Mẹ sẽ chỉ nói cho con chỗ nào con không biết". Nếu con nói được ra "Chỗ này con không biết" thì mẹ sẽ đưa gợi ý để con thử làm, chứ không đưa đáp án ngay cho con.

Một đứa trẻ rất cần được cha mẹ nuôi dưỡng năng lực "biết được mình sai ở đâu" thông qua rất nhiều trải nghiệm thất bại từ khi còn nhỏ. Vì chỉ khi biết "bản thân yếu" ở đâu, chúng ta mới biết cách để cải thiện nó. Nguyên tắc để giúp con làm được điều ấy chính là:

- Hãy quan sát con chơi.

- Cho con được thất bại.

- Khi con chuẩn bị từ bỏ hãy hỏi han "Con không biết chỗ nào. Mẹ sẽ gợi ý chỗ nào con không biết".

- Nếu con hỏi hãy chỉ cho con gợi ý: Nếu trẻ nói toàn bộ con không hiểu, thì hãy cho con bắt đầu lại từ đầu và cùng con giải quyết từng vấn đề nhỏ vì mọi đứa trẻ đều muốn tự mình làm được. Ngay cả mối quan hệ với bạn bè cũng thế, hãy cho trẻ được thất bại với chính bạn bè, đó là những lần đánh nhau, cãi nhau, giận nhau với bạn. Chỉ khi trẻ được trải qua những va chạm ấy, trẻ mới mạnh mẽ và thích nghi với cuộc sống sau này ngoài xã hội, mới biết lần sau mình nên làm gì để tránh được thất bại.

Đây là lý do tôi đã ngừng nói với con: Con sai rồi, phải làm như này cơ - Ảnh 2.

Bon tự mình cắt bìa các tông (Ảnh: N.T.Thu).

Qua một thời gian thực hành với Bon, tôi nhận thấy việc mình không vẽ đường trước cho hươu chạy, chỉ đến khi hươu không thể chạy tiếp được nữa vì không tìm ra đường, gọi mẹ cầu cứu thì tôi mới ra tay giúp, lại khiến mẹ giảm bớt những lần bực mình, sốt ruột khi con chưa làm ngay được, mà Bon lại rất chủ động trong những việc làm của mình.

Ở giai đoạn gần 4 tuổi, Bon cũng thi thoảng cáu khi con không làm được việc gì hoặc cái gì đó không theo ý mình. Đây cũng là vấn đề mà các mẹ rất hay gặp phải, rất nhiều bé cáu lên là bỏ cuộc, vứt đồ đi không làm tiếp. Mẹ có bảo hướng dẫn thì hoặc là không cho mẹ hướng dẫn và muốn tự làm hoặc sẽ bỏ đấy không muốn làm nữa.

- Với những trẻ là người cầu toàn, tỉ mỉ muốn mọi thứ phải tốt như mình muốn thì thất bại nho nhỏ lặp đi lặp lại là điều cần thiết và kể cả cáu thì ba mẹ vẫn tiếp nhận cảm xúc ấy thôi chứ không nên can thiệp ngay. Chỉ cần sau đó bố mẹ chọn thời điểm bạn ấy bình tĩnh hơn để gợi ý, hoặc đợi khi con chủ động đến hỏi "Mẹ ơi làm cho con" thì mới ra giúp.

- Với những trẻ thiếu tự tin thì cha mẹ có thể đưa ra các phương án hỗ trợ "Mẹ thấy cách này hay này con thử làm xem sao" để trẻ được từng bước trải nghiệm dần với những thất bại, từ đó rút ra bài học cho mình.

- Với kiểu trẻ mà rất cá tính luôn muốn mọi thứ phải đúng như ý mình, nếu không đúng là nổi cáu thì cha mẹ rất cần cho trẻ nhìn thấy toàn bộ sự việc để trẻ có thể hiểu được quá trình diễn biến, nói trước cho trẻ sự thay đổi trước khi thực hiện.

Đây là lý do tôi đã ngừng nói với con: Con sai rồi, phải làm như này cơ - Ảnh 3.

Dùng những câu khích lệ, những câu tạo cho trẻ cảm thấy vui vẻ với việc trẻ vừa làm là cách tốt nhất để giúp trẻ có hứng thú và khuyến khích trẻ tham gia vào những việc nào ba mẹ muốn hướng trẻ làm theo (Ảnh: N.T.Thu)..

- Sử dụng ngôn ngữ vui tươi, khích lệ trẻ nhìn kết quả sự việc theo chiều hướng tích cực: Tầm 2-4 tuổi trẻ có những trải nghiệm thất bại còn quá ít nên trẻ thường rất hay cáu kỉnh và khóc lóc khi có sự việc xảy ra không theo ý mình. Ví dụ như bóc quả chuối mà nó bị gãy, cắt giấy để dán mà cắt quá tay nên biến thành hình khác… cũng khóc bắt đền. Những lúc ấy ba mẹ có thể vui vẻ nói với con "Ồ, làm thế nào Bon bẻ quả chuối mà nó gãy đôi được nhỉ. Thú vị quá", hay "Ồ, con cắt nó ra hình zic zắc này. Mẹ thấy cũng đẹp mà". "Hôm nay Bon tự dùng đũa gắp xúc xích ra khỏi chảo được rồi này. Tuyệt vời"… Dùng những câu khích lệ, những câu tạo cho trẻ cảm thấy vui vẻ với việc trẻ vừa làm là cách tốt nhất để giúp trẻ có hứng thú và khuyến khích trẻ tham gia vào những việc nào ba mẹ muốn hướng trẻ làm theo.

Chính vì luôn lái mọi câu chuyện theo chiều hướng tích cực để Bon nhìn nên tôi đã giảm được rất nhiều những lần con cáu, con thất bại, và con cũng không đổ lỗi cho bất kỳ ai, bất kỳ cái gì.

Đôi nét về tác giả:

Chị Nguyễn Thị Thu là sáng lập trường mầm non Tsubaki, người mẹ truyền cảm hứng cho các cha mẹ Việt qua hàng loạt bài viết về giáo dục gia đình với tư tưởng giáo dục Nhật Bản.

Chia sẻ