Đây là lý do tôi cho con đi học tại một trường mầm non không điều hòa và ít nổi tiếng
Với một em bé đang tuổi lên 3 như N.A nhà tôi, việc lựa chọn một trường mầm non đáp ứng tiêu chí có chút khó khăn của một người mẹ khó tính: "Con phải được chơi và trải nghiệm thật nhiều" quả không phải là đề bài dễ giải.
Để chọn trường mẫu giáo cho con, tôi đã đi dạo qua rất nhiều ngôi trường quanh khu vực mình ở. Ngôi trường nào cũng có những lời mời chào hấp dẫn, nhưng để con thực sự hạnh phúc khi được đến trường hay không vẫn là điều tôi canh cánh.
Cháu họ tôi đang học tại trường Choco House, nhân sinh nhật cháu, tôi tới tham dự bữa tiệc do trường tổ chức. Chứng kiến cháu mình sung sướng khi trở thành nhân vật chính của bữa tiệc mang phong cách "cướp biển" mà cháu yêu thích, tôi khá ngạc nhiên. Lần đầu tôi thấy có ngôi trường "chiều" trẻ đến thế, mỗi bạn nhỏ đều được làm tiệc sinh nhật riêng theo chủ đề yêu thích của chính mình chứ không gộp chung như các trường mầm non khác.
Lớp học gồm cả khu bếp để trẻ được chơi mà học.
Aha, có thể đây là nơi mình cần, tôi tự nhủ. Tôi quyết định gửi N.A theo học thử!
Gọi là trường, nhưng nơi tôi gửi con giống với mái nhà trẻ thơ, với hai lớp học rộng rãi giới hạn mỗi lớp chỉ 25 trẻ theo chuẩn của hiệp hội Montessori thế giới. Tôi có tìm hiểu về Montessori nên cũng biết qua, tiền thân của các lớp học theo phương pháp giáo dục này là những "child house" - nơi trẻ được trải nghiệm cảm giác thân thiện như trong ngôi nhà của chính mình - nên không nhất thiết cơ sở vật chất phải choáng ngợp. Thực tế, tôi khá ưng khuôn viên nhỏ và ấm cúng ở đây, trông như một ngôi nhà - gồm cả khu bếp - để trẻ được lao động, chơi mà học toàn diện - theo lời chủ trường.
Ngôi trường của con tôi lại nằm trong khu dân cư an ninh tốt và có đầy đủ không gian cho trẻ trải nghiệm như vườn thực vật, thủy cung, sân bóng, sân vận động trẻ em... Các bé có thể vận động ngoài trời mỗi ngày để phát triển lành mạnh trong môi trường an toàn.
Các con được trải nghiệm thật nhiều.
Một ưu điểm lớn nhất của trường mà tôi đánh giá cao cho tới giờ đó là các con được trải nghiệm rất nhiều. Tháng nào con nhà tôi cũng "quần quật" tham gia vô vàn các hoạt động: đi đào khoai, nằm ngắm mây trên cỏ, đi xe bus nhanh, lên sân bay để ngắm máy bay, học về các phương tiện giao thông công cộng, làm bánh, chuẩn bị các loại lễ hội, lội suối, đi bảo tàng, đi trại gấu, đi xem kịch, múa rối.... Có lẽ cũng nhờ quy mô nhỏ xinh mà trường mới có thể có thời gian thiết kế các chương trình ngoại khóa phong phú và độc đáo đến vậy.
Trường chẳng giống ai nên phụ huynh cũng đi qua vài cú sốc nhỏ
Cú sốc đầu tiên là việc trường không có điều hòa. "Điều hòa không tốt cho sức khỏe của trẻ, chúng tạo nên những không gian đóng ngột ngạt, không khí khô. Trẻ cần được hứng gió trời, được ra mồ hôi để khỏe mạnh" - đó là lập luận của anh chủ trường - một người cha cũng có con nhỏ luôn muốn nuôi con tự nhiên và khỏe mạnh. Nên điều hoà sẽ được sử dụng có chủ đích và rất hạn chế.
Phòng học không điều hòa.
Cú sốc thứ hai là trường cũng không ép trẻ ngủ trưa, không ép ăn, không ép ăn đồ ăn lỏng, mà nấu đủ món nước ngoài lẫn món thuần Việt cho trẻ. Hôm nào con cũng hớn hở khoe: hôm nay con ăn mỳ Ý, hôm nay con được làm và ăn sushi, hôm nay có phở cuốn, bún thang, sườn xào chua ngọt... khiến người lớn nghe cũng phát thèm. Điều khiến tôi "khoái chí" nhất là món "táo bón" lâu năm của con cũng được cải thiện nhờ phương pháp "ăn rau trước rồi mới ăn cơm" của trường.
Cú sốc tiếp theo là họp phụ huynh mặt đối mặt. Theo quý, từng phụ huynh sẽ được họp với ban giám hiệu về con em mình. Cách họp này chủ yếu là để nhà trường đồng hành với bố mẹ trong việc tìm ra các ưu điểm, thiên hướng bẩm sinh, sở thích của trẻ. Để N.A nhà tôi có thể được phát huy hết mức những tiềm năng - là duy nhất - của con - đúng với tôn chỉ "nơi cá không phải leo cây". Lối họp riêng này ban đầu cũng khiến tôi hoang mang nhưng sau đó lại thấy vô cùng dễ chịu vì cha mẹ và giáo viên có thể thoải mái "tâm sự", chia sẻ, giác ngộ về con mình.
Cú sốc nặng nữa với tôi đó là các cô... bắt các con tự làm nhiều quá: Nào là tự mặc quần áo, đi giày dép đã đành, đằng này còn bắt các con còn tự chuẩn bị đồ ăn, tự dọn bàn ăn, các bé lớn tự rửa bát sau khi dùng bữa. Rất nhiều món ăn trong ngày đều do các bé "phải" chuẩn bị: từ bánh mochi, bánh trôi bánh chay, tới bánh giò, cuốn nem... Tôi nghĩ hẳn các cô phải kiên nhẫn và hiểu trẻ vô bờ mới có thể chờ đợi cũng như hướng dẫn được cho các bé tự làm thành thục đến thế. N.A nhà tôi từ cậu trai nhỏ cứ ỉ i vào mẹ ấy thế mà bây giờ đã biết tỉnh queo tự chuẩn bị quần áo, vui vẻ dọn nhà, lau kính cho mẹ...
Các con phải tự dọn dẹp và tự làm một số món ăn cho mình.
Cú sốc cuối cùng, là cú sốc con học bằng Anh ngữ 100% cả ngày với giáo viên AMI, mẹ cũng hơi ngần ngại liệu có quên văn hóa Việt, may thay chẳng ngày lễ nào của dân tộc, từ lớn tới nhỏ mà con không về hào hứng kể những gì được học ở trường và mang thành phẩm về cho mẹ.
Mà quan trọng là con vui. Ngày nào cũng vui vẻ hớn hở như đi hội, đời sống tinh thần phong phú hẳn, việc của cha mẹ khi đưa con về nhà không cần lo lắng cho con đi học thêm nữa mà chỉ cần dành cho con sự ôm ấp yêu thương và hơi ấm của cha mẹ. Thế nên mặc dù học phí của trường hơi "chát" (10 triệu đồng/tháng), tôi vẫn kiên trì cho con theo học vì theo quan điểm của riêng tôi, hạnh phúc và niềm vui của con mỗi ngày đi học là điều vô giá.
Chọn được trường phù hợp với điều kiện mỗi gia đình chưa hẳn đã khiến các bà mẹ yên tâm bởi trong quá trình theo học, sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh. Chuyện ăn uống, ngủ nghỉ của con, chuyện dạy dỗ của giáo viên, sự tương tác giữa gia đình và nhà trường, cơ sở vật chất của trường.... Tuy nhiên, mỗi phụ huynh lại có một cách nhìn nhận khác nhau đối với từng vấn đề khi con đã đi học.
Các bố mẹ có thể gửi những câu chuyện liên quan đến việc con đi mẫu giáo về email mevabe@afamily.vn để chia sẻ mình đã hài lòng và không hài lòng vấn đề gì về môi trường mà con theo học. Các bài viết sẽ được đăng tải sẽ có nhuận bút xứng đáng.