Đây là 6 việc bố mẹ cần làm hàng ngày để bảo vệ trẻ khi tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức nguy hại

H.Thanh,
Chia sẻ

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và khả năng kiếm tiền của trẻ sau này. Vì vậy, bố mẹ cần hành động ngay để hạn chế tác động tiêu cực của nó đối với con em mình.

Theo số liệu quan trắc ngày 11/11 và sáng nay 12/11, chỉ số chất lượng không khí AQI ở Hà Nội tiếp tục ở mức báo động, lên tới 341, ngưỡng tím theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng NGUY HẠI theo cách tính AQI của Việt Nam. Đây là ngưỡng ô nhiễm cao nhất trong thang bậc ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe tất cả mọi người.

Thậm chí tại một số địa điểm vào đầu giờ sáng và buổi chiều, nồng độ bụi mịn dao động 150-200µg/m3.

Theo một số chuyên gia, nguyên do là ảnh hưởng của thời tiết khô hanh, tốc độ gió thấp, ban ngày có nắng, đêm trời lạnh... Đó là các điều kiện xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt nên các chất ô nhiễm, trong đó có PM 2.5, không thể phát tán lên cao và đi xa.

Đây là 6 việc bố mẹ cần làm hàng ngày để bảo vệ trẻ trong tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội  ở mức nguy hại - Ảnh 1.

Nhiều trẻ có dấu hiệu ho, sổ mũi dai dẳng, kéo dài (Ảnh minh họa).

Với mức độ ô nhiễm này, trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị nguy hại đến sức khỏe nhất.

Thực tế, nhiều bố mẹ cũng than thở con mình có các biểu hiện bệnh trong những ngày gần đây. Ông bố Nguyễn Quốc Vương cho biết: "Mấy đứa trẻ nhà tôi ho, chảy mũi không ngừng". Mẹ Nguyễn Nhật Hạ cũng than thở: "Sáng ngủ dậy thấy máy lọc không khí báo đỏ, đi qua trường Bin thấy thầy cô giáo còn đeo khẩu trang chống bụi mịn".

Bụi siêu mịn làm giảm khả năng kiếm tiền của trẻ sau này

Thạc sĩ, dược sĩ Trương Minh Đạt - một trong những chuyên gia hàng đầu về tiêu hóa, hô hấp và sữa cho trẻ em với 10 năm kinh nghiệm, Phó viện trưởng viện nghiên cứu Y dược Hà Nội chỉ rõ ảnh hưởng nghiêm trọng của ô nhiễm không khí với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như sau:

"Với trẻ nhỏ, ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và khả năng kiếm tiền của trẻ sau này.

Thật vậy, trong không khí ô nhiễm, tồn tại các hạt bụi siêu mịn, có kích thước nhỏ hơn 1/25 sợi tóc, khi trẻ hít phải chúng sẽ theo miệng vào đường thở, đi tới phế nang là đơn vị sâu nhất của phổi, tại phế nang chúng thấm qua màng phế nang vào máu và đi lang thang trong cơ thể gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan như: phổi, hệ miễn dịch, tim, não bộ đang phát triển của trẻ.

Đây là 6 việc bố mẹ cần làm hàng ngày để bảo vệ trẻ trong tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội  ở mức nguy hại - Ảnh 2.

Não bộ trẻ đang phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn sơ sinh, thơ ấu và thiếu niên, đóng vai trò quan trọng trong ghi nhớ, khả năng tập trung, điều khiển cảm xúc và tương tác xã hội của trẻ. Khi não trẻ vẫn đang còn phát triển, bụi siêu mịn có thể làm tổn thương tế bào não. Hệ quả làm suy yếu phát triển nhận thức, khả năng học hỏi của trẻ. Điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến hạnh phúc và khả năng kiếm tiền sau này. Bên cạnh đó còn làm tăng nguy cơ thoái hóa tế bào thần kinh.

Không chỉ ảnh hưởng đến não, bụi siêu mịn còn tăng nguy cơ khiến trẻ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng khác như: đột quỵ, viêm phổi, thiếu máu cơ tim cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi".

Những việc cần làm hàng ngày để bảo vệ sức khỏe của trẻ

Để bảo vệ trẻ khỏi tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, bố mẹ cần lưu ý những việc sau:

1. Nên để trẻ ở trong nhà trong những ngày không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng

2. Đeo khẩu trang hoặc mặt nạ chống bụi khi bắt buộc phải cho trẻ ra ngoài

Theo BS Trịnh Hồng Nhiên, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, khẩu trang tốt cần có đủ 5 lớp, trong đó có 3 lớp lọc: màng than hoạt tính, màng lọc tĩnh điện, màng lọc các hạt nhỏ.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến cáo người dân nên chọn loại khẩu trang chuyên dụng ký hiệu N95, N99 chứa than hoạt tính, giúp lọc tới 99% các loại bụi có trong không khí, kể cả bụi siêu mịn.

Đây là 6 việc bố mẹ cần làm hàng ngày để bảo vệ trẻ trong tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội  ở mức nguy hại - Ảnh 3.

3. Nếu có điều kiện, gia đình có trẻ nhỏ nên lắp đặt máy lọc không khí

Khi chọn mua máy lọc không khí, bố mẹ nên lựa chọn những loại máy có thêm khả năng lọc mùi, diệt khuẩn và hút ẩm hoặc bù ẩm để đảm bảo độ ẩm trong không gian sinh hoạt của trẻ ở mức dễ chịu.

Ngoài ra, ưu tiên chọn máy lọc không khí hoạt động êm ái bởi trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với âm thanh, tiếng ồn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.

4. Ăn uống thực phẩm giàu Vitamin A, C, E, D

Đây là việc cần làm để bảo vệ sức khỏe của trẻ từ bên trong. Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên ngoài việc xây dựng chế độ ăn lành mạnh, cha mẹ lưu ý hạn chế cho trẻ ăn đồ lạnh vì dễ khiến vòm họng bị tổn thương, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập.

5. Uống đủ nước để thanh lọc cơ thể

Ngoài ra, có một thói quen rất tốt cho sức khỏe của trẻ nhưng thường bị cha mẹ lơ là hoặc hay quên đó là cho trẻ nhỏ uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh để cơ thể đào thải độc tố.

6. Vệ sinh mắt, mũi thường xuyên

Thói quen này giúp loại bỏ những vi khuẩn, bụi bẩn dính ở trong khoang mắt, mũi, họng, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Một ngày nên duy trì xịt mũi, rửa mắt, súc miệng 2 lần với nước muối sinh lý nhằm hạn chế tác nhân gây các bệnh liên quan đến đường hô hấp cho trẻ.

Chia sẻ