Đậu mùa khỉ: 2.400 ca toàn cầu, 66 ca tử vong, WHO cảnh báo "nguy cơ có thực"

Anh Thư,
Chia sẻ

Thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay số ca đậu mùa khỉ ngoài vùng lưu hành hiện là hơn 1.000; trong vùng lưu hành là 1.400. 66 người đã tử vong từ đầu năm đến nay.

Số liệu được WHO thông báo hôm 8-6 với Hy Lạp là quốc gia mới nhất công bố phát hiện ca bệnh. Hiện có khoảng 30 quốc gia ngoài vùng lưu hành có ca bệnh, chưa có ca nào tử vong ở khu vực này.

Theo Medical Xpress, toàn bộ 66 người tử vong do đậu mùa khỉ được ghi nhận ở châu Phi, cao nhất là Congo, được nghi ngờ là do chủng virus đậu mùa khỉ ở đây gây bệnh nặng hơn chủng Tây Phi - cũng là chủng đã lan ra thế giới. Số ca đậu mùa khỉ ở các quốc gia thường xuyên lưu hành dịch bệnh là 1.400 kể từ đầu năm đến nay.

Đậu mùa khỉ: 2.400 ca toàn cầu, 66 ca tử vong, WHO cảnh báo nguy cơ có thực - Ảnh 1.

Bản đồ đậu mùa khỉ ngoài vùng lưu hành tính đến ngày 1-6 - Ảnh: ECDC

Tuy nhiên, các chuyên gia đều nghi ngờ rằng số ca thực tế toàn cầu có thể cao hơn nhiều, bởi nhiều người bị bệnh nhẹ ở khu vực ngoài vùng lưu hành không được phát hiện và xét nghiệm; trong khi tại vùng lưu hành ở châu Phi, điều kiện y tế ở các quốc gia thường xuyên có dịch còn hạn chế.

"Nguy cơ về dịch đậu mùa khỉ trở thành hiện thực ở các nước trước đây không lưu hành dịch bệnh là có thực" - Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố hôm 8-6. Tại các quốc gia ngoài vùng lưu hành, chỉ cần 1 ca bệnh đã tính là 1 ổ dịch.

Ông khẳng định hiện WHO không khuyến cáo tiêm chủng hàng loạt và nhấn mạnh chưa có trường hợp tử vong nào ngoài vùng lưu hành kể từ khi làn sóng bùng phát.

Tuy nhiên, ông Tedros đặc biệt lo ngại về nguy cơ mà virus gây ra cho nhóm dễ bị tổn thương, báo gồm phụ nữ mang thai và trẻ em; đồng thời nhìn nhận khả năng cao rằng đã có sự lây truyền âm thầm của virus trong một thời gian trước khi làn sóng toàn cầu được phát hiện, nhưng không biết là bao lâu.

Giám đốc WHO nhấn mạnh đây là điều đáng lo ngại bởi đậu mùa khỉ đã lưu hành và giết người ở châu Phi trong rất nhiều năm. "Các cộng đồng đang sống chung với mối đe dọa của loại virus này hàng ngày đáng được quan tâm, chăm sóc như nhau và được tiếp cận với các công cụ để tự bảo vệ mình" - ông Terods nhấn mạnh.

Trước đó, nhiều ý kiến để cập đến việc trong khi các nước Âu - Mỹ hoảng loạn vì vài trăm ca bệnh, tức tốc mua và tung vắc-xin, thuốc điều trị; thì tại châu Phi - vùng lưu hành của căn bệnh - điều kiện tiếp cận với các phương pháp phòng vệ, xét nghiệm và điều trị vẫn còn hạn chế.

Chia sẻ