Đánh vào mông con cũng để lại hậu quả nghiêm trọng gấp nhiều lần tưởng tượng của bố mẹ

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Biện pháp “cho roi cho vọt” này có thể để lại hậu quả dai dẳng lên sự phát triển tâm lý của trẻ gấp nhiều lần so với bạn nghĩ.

Có lẽ nhiều bậc cha mẹ, trong những lúc tức giận không thể kìm chế được, đã đôi lần đánh đòn vào mông con trẻ. Và khả năng cao hơn nữa là chính họ cũng từng bị cha mẹ đánh đòn như vậy thuở xưa. Nhưng bây giờ chính là lúc để cho biện pháp kỷ luật có từ ngàn xưa này “nghỉ hưu”. Mặc dù khoảng 70% phụ huynh nhất trí rằng, đánh vào mông là một hình thức trừng phạt chấp nhận được, một nghiên cứu mới đây khẳng định, nó để lại tác động tiêu cực hơn nhiều so với tưởng tượng.

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Texas tại Austin và Đại học Michigan đã sử dụng dữ liệu thu thập trên 1.500 trẻ em, trong khoảng thời gian hơn 50 năm để đi tới kết luận rất đáng suy ngẫm này: đánh vào mông có liên quan tới tính hiếu chiến, hành vi phản đối xã hội, các rắc rối về sức khoẻ tinh thần, khó khăn trong nhận thức, ý thức về cái “tôi” cá nhân thấp cùng vô số tác hại khác. Biện pháp roi vọt vào mông trẻ không hề có một hiệu quả tích cực nào trong việc giáo dục trẻ mà ngược lại, trở thành thủ phạm gây ra 13 hệ quả tiêu cực.

Đánh con
Biện pháp roi vọt vào mông trẻ không hề có một hiệu quả tích cực nào trong việc giáo dục trẻ mà ngược lại, trở thành thủ phạm gây ra 13 hệ quả tiêu cực (Ảnh minh họa).

Phần đáng sợ nhất mà cuộc nghiên cứu trên rút ra được là, phần lớn trẻ em đều bị tác động tiêu cực từ biện pháp đánh đòn vào mông. Trưởng nhóm nghiên cứu, Elizabeth T. Gershoff, chia sẻ trên CBS News: “Trước thời điểm trẻ bước vào cấp 3, ít nhất 85% từng bị đánh vào mông. Để khiến bản thân chúng ta cảm thấy đỡ áy náy hơn, chúng ta gọi đó là “tét vào mông” như một cách nói giảm nói tránh, nhưng thực chất đó vẫn là đánh đập. Không có cách nào khác để định nghĩa “tét vào mông” mà không sử dụng động từ “đánh””.

Và đối với những bậc cha mẹ vẫn khăng khăng cho rằng “Tôi thấy đánh vào mông con chẳng sao cả”, Gershoff đưa ra một bác bỏ quan trọng: “Chúng ta cảm thấy ổn bất chấp việc đánh vào mông con, chứ không phải cảm thấy ổn vì đánh vào mông con. Khi tôi còn nhỏ, trên xe ô tô không có thắt lưng an toàn. Liệu tôi có nghĩ mình hoá ra vẫn ổn bởi vì cha mẹ tôi đã không đeo thắt lưng an toàn cho tôi? Không đâu. Tôi nghĩ mình ổn vì chúng tôi đã không gặp tai nạn nào”.

Vậy cha mẹ nên làm gì? Nhà nghiên cứu Gershoff cho biết: “Mọi người nghĩ rằng nếu không dùng roi vọt, bạn sẽ là người quá dễ dãi. Nhưng bạn hoàn toàn có thể là một phụ huynh kiên định với kỳ vọng cao dành cho đứa trẻ của mình. Bạn không cần phải đánh con để thể hiện bạn là người nắm giữ quyền lực”. Thay vào đó, hãy đưa ra những giới hạn rõ ràng, kiên trì thực hiện quy định về giới hạn ấy và trên hết, cha mẹ hãy là tấm gương cho con cái. Những biện pháp trừng phạt bằng đòn roi sẽ chỉ dạy cho con bạn cách hành xử bạo lực và hiếu chiến mà thôi. 
Chia sẻ