BÀI GỐC Tôi "phát điên" khi chồng thất nghiệp

Tôi "phát điên" khi chồng thất nghiệp

(aFamily)-Tôi nói nếu anh cứ thất nghiệp như thế thì bao khoản chi phí sắp tới làm thế nào? Chồng tôi buông lời cộc lốc: “Im đi, lải nhải điếc tai”.

17 Chia sẻ

"Đằng sau thành công của đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ"

,
Chia sẻ

(aFamily)-Việc bạn chì chiết, bức xúc với người bạn đời vào giai đoạn họ bất lực do hoàn cảnh là một hành động vô ích, sứt mẻ tình cảm.

Gửi tác giả bài "Từng muốn bỏ nhà vì bị vợ khinh rẻ khi thất nghiệp",
 
Có một người con trai, ấm ức giãi bày với mẹ về thái độ của người cô ruột khi bà phản đối mối quan hệ yêu đương của cậu. Cậu ta quy cho thái độ đó là xuất phát từ lòng "trọng phú khinh bần"! Cậu nhắc lại cái giai đoạn buồn tủi, tối tăm nhất của gia đình khi cha cậu bị "hạ tầng công tác" do tình trạng đấu đá, thanh lọc lẫn nhau trong cơ quan.

Cậu nhắc và bà mẹ nhớ lại! Song song với những rối rắm từ những áp lực trong công việc, người cha còn phải chịu thêm một sự xui xẻo khó giải quyết là bị mất chiếc xe máy, phương tiện di chuyển cần thiết để đi làm. Gom góp chút tiền tiết kiệm, mượn thêm một số từ người em gái ruột, ông tạm sắm lại xe.

Cứ nghĩ rằng đó chỉ là một sự nhờ vả ở giai đoạn khó khăn, và việc cho mượn tiền là từ sự cảm thông của gia đình ruột thịt. Ấy vậy mà, Tết năm đó, khi xuống thăm Tết người cô ở tỉnh (kết hợp thăm người yêu ở cùng địa phương), cậu con trai ngỡ ngàng khi nghe người chị ruột của cha mình chì chiết về chuyện cha cậu tại sao lại "dám" mượn tiền của em gái để sắm xe, tại sao đi làm mà không biết nhẫn để xảy ra chuyện bị hạ bệ? Tại sao mẹ cậu không biết thu vén để lo cho chồng mà để phiền đến gia đình? v.v...và v.v...!

Dù sau đó, cậu trai đã từ tốn báo cho cô biết rằng trước Tết, ba mẹ cháu đã trả hết toàn bộ tiền mượn mua xe, rằng cơ quan cũ của ba cháu cuối cùng giải thể và ba cháu đã chuyển sang công tác ổn định ở một cơ quan khác cùng ngành, rằng chính mẹ cháu đã dùng toàn bộ tiền thưởng Tết của ba, tiền mẹ lặng lẽ bán một vài vật dụng trong nhà, cả tiền dành đi chợ sắm Tết để thanh toán món nợ ở "năm cùng tháng tận"!...

Trước sự ngượng ngùng giả lả của người cô, cậu con trai đang ở cái tuổi còn phải nhờ vào cơm cha áo mẹ, vẫn đắng cay tự nguyện với lòng là sẽ cố gắng học hành, sẽ thành đạt, sẽ đỡ đần ba mẹ, sẽ cùng gia đình vượt qua hết những giai đoạn khó khăn có thể xảy ra trong tương lai mà không cần nhờ đến sự hổ trợ của họ hàng một cách đầy "ấn tượng"! Bởi theo cậu, trong gai góc đời sống, chẳng có ai để nương tựa, chẳng có ai quan tâm cũng như chẳng có ai tận tình tận lực với người "sa cơ thất thế" bằng vợ và chồng, bằng cha mẹ và con cái.

Lời nhắc nhở của con trai khiến bà mẹ bồi hồi. Khúc quanh của gia đình qua đi và sự cam khổ cùng với sự cố gắng thu vén, giúp đỡ chồng trong thời gian đó đối với bà là một lẽ tự nhiên, như đi đứng nằm ngồi, như tiến thoái theo bản năng của con người mà theo bà là ai cũng vậy!

Bằng bản chất giản dị chân chất, bà ít khi có ý kiến với chồng về công việc của ông. Khi công việc của ông vẫn bình thường, đôi khi bà vẫn cằn nhằn, thậm chí... quát lên với ông mỗi lúc ông sa đà ăn nhậu. Tuy nhiên, lúc ông đau ốm, sa sút tinh thần, bà chỉ lặng lẽ chăm sóc. Thu nhập ông đưa bao nhiêu, bà điều tiết phù hợp và chắt bóp dành cho lúc lỡ làng. Trong thâm tâm, hình như lúc nào bà cũng có tâm lý ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể sẽ xảy ra. Bà chép miệng với các con mỗi lúc biến cố xảy ra, rằng:"Tội nghiệp ba con, ổng cũng đâu có muốn vậy!".

Rất may, chỉ là nỗi thất vọng của cậu con trai đối với hành xử hơi thiếu tế nhị của người cô ruột thôi. Và biết đâu nó lại rất có ích cho tự ái của tuổi trẻ, để cậu quyết tâm học hành và vươn lên "để không ai có thể coi khinh gia đình mình" nữa? Quan trọng là trong thăng trầm đời sống, gia đình này biết đồng cảm thương yêu nhau, để người vợ biết làm cái giá cho chồng tựa đầu, để những người con biết nhìn vào tâm lý khủng hoảng, mặc cảm của cha để yêu thương an ủi.

Không ai có thể phủ nhận được sự cần thiết của đồng tiền, nhưng gia đình là nơi chốn nương thân duy nhất! Tiền bạc có thể đến rồi đi, nhưng chúng ta khiến người thân yêu có nghị lực để phấn đấu từ trong khó khăn hay chán nản buông xuôi cũng từ cách hành xử phù hợp hay không lúc đó.

Có thể, rất giáo điều khi yêu cầu người phụ nữ phải mềm mỏng, nhẫn nhịn ở hoàn cảnh bế tắc như tác giả SM đã cho biết. Nhưng cũng không nên đề cập đến khía cạnh "bình đẳng giới" như của bạn đọc trang ở phần ý kiến cho bài viết trong cùng chủ đề "Từng muốn bỏ nhà vì bị vợ khinh rẻ khi thất nghiệp".

Thực tế cho thấy, chì chiết, bức xúc với người bạn đời của mình vào giai đoạn họ bất lực do hoàn cảnh là một hành động vô ích, sứt mẻ tình cảm và mất tâm sức cùng thời gian. Than van, chỉ trích, phê phán họ với người khác lại càng không đưa đến một kết quả nào tốt lành.

Người đàn ông từng có quá trình bươn chải, không phải là kẻ thụ động, giờ đây bất đắc dĩ phải nằm nhà, thì ân cần động viên cùng bàn bạc tìm kiếm một phương cách giải quyết dần dà những khó khăn là điều cần thiết nhất. Vấn đề là bạn có còn đặt tình nghĩa vợ chồng lên trên những so đo cùng... sĩ diện cá nhân không?

Một chút "buôn chuyện" cùng bạn đọc trên diễn đàn. Thân mến chúc chuyên mục Tâm sự ngày càng thiết thực và nhiều mầu sắc.

Chia sẻ