Đằng sau bi kịch 21 người chết trong giải marathon Trung Quốc: Nguy hiểm chết người của một ngành công nghiệp mờ mắt vì lợi nhuận

J.D,
Chia sẻ

Đằng sau thảm kịch ấy là những câu chuyện dài của một ngành công nghiệp đang bùng nổ tại Trung Quốc.

Cuối tuần qua, Zhang Xiaotao bắt đầu chuyến hành trình chạy việt dã dài hơn 100km tại ngọn núi phía Tây Bắc Trung Quốc. Anh đã không biết rằng mình vừa tham gia vào một trong những cuộc hành trình chết chóc bậc nhất lịch sử thể thao của đất nước này.

Trong 7 người dẫn đầu cuộc đua, Zhang là người sống sót duy nhất. Cuộc đua ấy quá nguy hiểm khi nó dẫn đến những cung đường hiểm trở và xa xôi nhất. Một hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra, mưa lạnh trút xuống, nhiệt độ giảm xuống đột ngột, và 6 sinh mạng ra đi mãi mãi.

Đằng sau bi kịch 21 người chết trong giải marathon Trung Quốc: Nguy hiểm chết người của một ngành công nghiệp mờ mắt vì lợi nhuận - Ảnh 1.

Cung đường hiểm trở khiến hàng chục người chạy thiệt mạng trong cuộc đua marathon tử thần vừa xảy ra tại Trung Quốc

Một người dân địa phương đã đưa Zhang đến trú trong 1 hang động gần đó, cứu anh thoát khỏi hiện tượng hạ thân nhiệt đã giết chết các đối thủ của mình. Tổng cộng, 21 trên 172 người tham gia đã chết, bao gồm cả những nhà vô địch chạy việt dã nổi tiếng trong lịch sử thể thao của đất nước.

Thảm kịch ấy đã khiến cộng đồng chạy việt dã Trung Quốc rúng động, và gây phẫn nộ cho công chúng. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, bao gồm việc liệu các nhà tổ chức có lên kế hoạch một cách chỉn chu, và có chuẩn bị cho người tham gia khi có thời tiết xấu.

Được biết tại Trung Quốc, trước làn sóng giới trung lưu ngày càng thích chạy bộ, các đường đua marathon đang trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây. Theo Hiệp hội Thể thao Trung Quốc, có khoảng hơn 1800 cuộc đua marathon và chạy đường trường được tổ chức tại đất nước này vào năm 2019 - trước khi đại dịch xảy ra, thu hút hơn 7 triệu người tham gia. Nếu so với năm 2014 thì quả là một sự chênh lệch lớn, khi lúc đó chỉ có 51 cuộc đua trên cả nước mà thôi.

Đằng sau bi kịch 21 người chết trong giải marathon Trung Quốc: Nguy hiểm chết người của một ngành công nghiệp mờ mắt vì lợi nhuận - Ảnh 2.

Marathon trở thành một ngành công nghiệp bùng nổ thời gian gần đây tại Trung Quốc

Sự phổ biến của chạy bộ tăng nhanh một phần nằm ở nỗ lực của chính phủ để phát triển thể thao nước nhà, với việc đồng ý cho các công ty không cần xin phép Tổng cục Thể thao Trung Quốc để tổ chức các giải thể thao thương mại, đồng thời tích cực đẩy mạnh các giải đấu nhằm thu hút du lịch và tiêu dùng. Tuy nhiên, các quy định đi kèm lại không đồng bộ, dẫn đến những lo ngại về tính an toàn. Trả lời CNN, một số chuyên gia cho biết các giải đấu đang có công tác tổ chức khá kém, dẫn đến nhiều ca chấn thương và tử vong.

Cung đường tử thần

Khu vực công viên địa chất ở Cảnh Thái (thành phố Bạch Ngân), nơi cuộc đua định mệnh được tổ chức, vốn nổi tiếng với những dãy núi đá hùng vĩ. Cung đường chạy ở đây vì thế là không hề dễ dàng, với con đường uốn lượn qua các khe núi hẹp chứa đầy cát, rồi băng qua một ngọn núi cao 2000m. Và như để tăng thêm độ khó, người tham gia chỉ có 20h để hoàn thành cung đường chạy dài 100km.

Để được tham gia, các vận động viên cần hoàn thành ít nhất 2 chặng marathon, hoặc 1 cung đường chạy dài hơn 50km trong vòng 1 năm, đồng thời cần phải đóng 1000 tệ (tương đương hơn 3,6 triệu đồng tiền Việt) phí gia nhập. Ai hoàn thành đường đua sẽ nhận được 1600 tệ (khoảng gần 5,8 triệu đồng), cùng các phần thưởng dao động từ 2000 - 15000 tệ nếu nằm trong top 10.

Đằng sau bi kịch 21 người chết trong giải marathon Trung Quốc: Nguy hiểm chết người của một ngành công nghiệp mờ mắt vì lợi nhuận - Ảnh 3.

Cuộc đua được tổ chức tại vùng núi gần sông Hoàng Hà - một địa danh thu hút khách du lịch vì các rặng núi hiểm trở

Cơ quan đứng ra tổ chức là nhà chức trách thành phố Bạch Ngân, nhưng công việc thực chất thuộc về một công ty nhỏ đã đấu thầu tổ chức thành công giải đấu từ năm 2018. 

Cung đường giữa chặng nghỉ 2 và 3 được cho là khắc nghiệt nhất, khi phải vượt qua đoạn đường dài 8km ở độ cao 1000m, theo lời 1 người tham gia.

"Không có nhu yếu phẩm nào được cung cấp ở trạm nghỉ thứ 3, nghĩa là ngay cả khi người tham gia lên đến đỉnh cũng sẽ không có đồ ăn và nước uống. Trên núi cũng không có chỗ nghỉ, và chẳng có cung đường thoát hiểm nào" - trích trong bài đăng trên mạng xã hội của người này.

Các đoạn dốc đôi lúc hẹp đến mức người chạy phải xô đẩy lẫn nhau. Và đây cũng là nơi Zhang bất tỉnh nhân sự, trong khi các đối thủ nằm xuống mãi mãi. 

Zhang đã phải chống chọi lại những đợt mưa và gió mạnh trên cung đường hẹp. Thế rồi nhiệt độ đột nhiên hạ xuống. Mưa chuyển thành mưa đá, dồn dập giã vào mặt anh, khiến đôi mắt mờ đi. Vị huấn luyện viên thể thao 30 tuổi cố gắng vượt lên, nhưng gió lại quật anh ngã xuống. 

"Tôi ngã liên tục phải hơn 10 lần. Chân tay tê buốt, và tôi dần nhận ra cơ thể bắt đầu mất kiểm soát. Trong lần ngã cuối cùng, tôi không thể đứng dậy nữa" - trích trong blog của Zhang, viết sau khi anh thoát nạn. 

Khoảnh khắc cuối cùng còn ý thức, Zhang tự quấn mình trong chiếc chăn thiếc - cũng là phương tiện chống lạnh duy nhất anh có trong balo, bấm vào nút cấp cứu trên thiết bị GPS mang theo. 

Nhưng rốt cuộc, chẳng ai tới cả. 

Đằng sau bi kịch 21 người chết trong giải marathon Trung Quốc: Nguy hiểm chết người của một ngành công nghiệp mờ mắt vì lợi nhuận - Ảnh 4.

Người chăn cừu địa phương Zhu Keming đang được tôn vinh như người hùng vì đã cứu Zhang cùng 5 người chạy khác

Zhang nằm bất tỉnh trong tiết trời giá lạnh suốt 2,5h, cho đến khi một người chăn cừu gần đó phát hiện và đưa anh vào hang trú. Anh tỉnh lại, thấy mình nằm gần một đống lửa, cơ thể bọc trong rất nhiều quần áo giữ ấm. Xung quanh anh là một số người tham gia khác cũng đang trú ẩn. 

Nhà chức trách cho rằng thảm kịch xảy ra là vì "thời tiết xấu đột ngột". Tuy nhiên, rất nhiều người cho rằng đơn vị tổ chức phải chịu trách nhiệm, vì đã không thể chuẩn bị trước các nguy cơ và tính đến sự an toàn cho các vận động viên.

Yi Jiandong, chuyên gia y tế thể thao từ ĐH Ôn Châu cho biết, về cơ bản thì các cung đường chạy cần cung cấp những chặng nghỉ cho mỗi chặng dài 10km. "Lần này, chỉ có 2 trạm nghỉ cách nhau 16km, nghĩa là người chạy sẽ mất tích trong vòng 2 - 3h mà không có đồ ăn, nước uống hay lều nghỉ. Nguy cơ sẽ là rất lớn" - ông nhận định. 

Cũng theo một số người tham gia, đơn vị tổ chức đã không yêu cầu họ mang theo áo chống nước. Khi cơn mưa ập tới, nhiều người phải tự quấn vào chăn thiếc để giữ ấm, nhưng chăn của một số người bị gió thổi bay mất hoặc bị xé nát. Các chuyên gia cho biết, áo chống nước và chống gió là thiết bị quan trọng đối với cung đường núi cự ly dài, nơi thời tiết có thể thay đổi rất thất thường.

Đằng sau bi kịch 21 người chết trong giải marathon Trung Quốc: Nguy hiểm chết người của một ngành công nghiệp mờ mắt vì lợi nhuận - Ảnh 5.

Hầu hết các nạn nhân tử vong với nguyên nhân hạ thân nhiệt. Hiện tượng này khiến nạn nhân mất dần khả năng di chuyển và suy nghĩ, nhưng nguy hiểm hơn là họ không thể nhận ra cho đến khi truỵ tim và ngã xuống.

Bên cạnh đó, một số người đặt dấu hỏi về khả năng theo dõi thời tiết của nhà tổ chức. Đêm trước khi sự kiện xảy ra, dự báo thời tiết đã cảnh báo về nguy cơ gió mạnh và mưa lớn. Sáng hôm sau, Zhang cũng nhận ra gió mạnh hơn bình thường. "Khi cuộc đua bắt đầu vào lúc 9h sáng, gió mạnh đến mức thổi bay mũ của một số người" - anh chia sẻ.

Các chuyên gia cũng đề cập đến việc thiếu đi nguồn lực y tế và giải cứu tại hiện trường - đặc biệt là tại chặng nguy hiểm nhất, nơi đa số người tham gia gặp rắc rối. Khu dốc hẹp đến mức xe hơi không thể tiếp cận, chưa kể đến những rắc rối phức tạp khác.

"Họ (nhà tổ chức) đáng ra phải chuẩn bị các phương án giải cứu. Một số giải đua được trang bị trực thăng và một đội cứu hộ chuyên nghiệp, nhưng nhìn chung phải luôn có người trực chiến. Lần này thì không có" - Yi Jiandong cho biết thêm.

Mặt trái của cả nền công nghiệp đang bùng nổ: Lợi nhuận chi phối tất cả

Alex Wang, một blogger du lịch từng làm việc cho một công ty thể thao và tổ chức hơn 10 giải chạy bộ tại Trung Quốc cho biết, các sự kiện cô từng tham gia thường phải thuê xe cứu thương tại mỗi chặng nghỉ cách nhau 10km. Tuy nhiên, không phải nhà tổ chức nào cũng chấp nhận bỏ tiền để chuẩn bị.

"Mọi thứ đều rơi vào chi phí. Chuẩn bị thêm người và công cụ tại các trạm, nghĩa là thêm tiền" - cô cho biết.

So sánh với các đường đua trong thành phố, chạy việt dã vùng núi chỉ mới xuất hiện tại Trung Quốc, nhưng lại bùng nổ mạnh trong những năm gần đây. Theo Hiệp hội Thể thao Trung Quốc, 481 cuộc đua đã được tổ chức vào năm 2019 - chiếm 1/4 các cuộc thi chạy việt dã trong năm đó.

Đằng sau bi kịch 21 người chết trong giải marathon Trung Quốc: Nguy hiểm chết người của một ngành công nghiệp mờ mắt vì lợi nhuận - Ảnh 6.

Ultra-Trail du Mont-Blanc - cung đường chạy nổi tiếng thế giới

Nhưng khác với chạy đường trường trong thành phố, chạy việt dã vùng núi tại Trung Quốc đang có những lỗ hổng trong quy định - theo lời Wang. Các tiêu chuẩn là không rõ ràng.

"Một số cuộc thi chỉ tập trung vào lợi nhuận kinh tế, mà không chịu đầu tư vào dịch vụ và bảo hiểm. Một số công ty thậm chí còn không đủ tiêu chuẩn và khả năng để tổ chức một giải đấu nhiều rủi ro, mà chỉ muốn 'mì ăn liền' và thu về lợi nhuận".

Các cuộc đua ngoài tự nhiên thường được tổ chức ở các vùng hẻo lánh, nơi thiếu đi khá nhiều nguồn lực. Như chặng đua tử thần vừa qua được tổ chức tại vùng quê thuộc Cam Túc - một trong những khu vực nghèo nhất Trung Quốc.

Rao Linqun, quan chức của Hiệp hội Chạy bộ Vân Nam cũng nhận định nhiều nhà tổ chức thiếu đi kinh nghiệm và chất lượng, đồng thời có thiếu sót rất nghiêm trọng đối với hỗ trợ y tế.

Lấy ví dụ như cung đường Ultra-Trail du Mont-Blanc chạy qua Pháp, Ý và Thụy Sĩ - một trong những cung đường nổi tiếng và nhiều thách thức nhất thế giới - họ có nhiều trạm y tế xuyên suốt và luôn lên danh sách các thiết bị tối quan trọng cho người tham gia, từ áo chống nước, găng tay, quần dài cho đến băng y tế và lương thực dự trữ.

Từ hôm 24/5, hàng chục cuộc đua khắp Trung Quốc đã bị hoãn lại hoặc hủy bỏ. Trong đó, cuộc đua tại Cam Túc bị hoãn đầu tiên, với lý do lo ngại nguy cơ dịch bệnh và điều kiện thời tiết.

Bi kịch xảy ra là một bài học cho các nhà tổ chức chạy việt dã tại Trung Quốc. Nhưng với gia đình các nạn nhân, bài học ấy đi kèm cái giá quá đắt.

"Với họ, đó có thể chỉ là sai lầm. Nhưng nó khiến mẹ tôi phải chia lìa với người bà yêu thương nhất" - con gái của một nạn nhân chia sẻ trên MXH Weibo. "Và tôi thì như mất đi một phần của cuộc sống này".

Nguồn: CNN
Đằng sau bi kịch 21 người chết trong giải marathon Trung Quốc: Nguy hiểm chết người của một ngành công nghiệp mờ mắt vì lợi nhuận - Ảnh 7.

                                                                       

Chia sẻ