Dân văn phòng làm việc ở nhà, công ty có phải trả phụ cấp đi lại, gửi xe, ăn trưa?

LUẬT SƯ PHẠM THANH HỮU,
Chia sẻ

Đây là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp và người lao động quan tâm lúc này. Bởi vậy, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh để mọi người được biết rõ nhằm thực hiện đúng.

PV: Khi doanh nghiệp cho người lao động làm việc ở nhà để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì có phải trả phụ cấp đi lại, gửi xe, ăn trưa hay không, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 23 Bộ luật lao động năm 2012 thì trong hợp đồng lao động phải có nội dung bắt buộc là tiền lương, phụ cấp lương; và thông thường, trong hợp đồng lao động, quy chế của doanh nghiệp quy định khá rõ ràng, chi tiết về tiền lương, phụ cấp lương của người lao động.

Về nguyên tắc, các khoản phụ cấp lương phát sinh khi "có sự kiện thực tế đảm bảo điều kiện được hưởng". Ví dụ: Phụ cấp chức vụ đối với Giám đốc, Trưởng phòng, Trưởng nhóm… thì khi nào người lao động nắm giữ các chức vụ đó sẽ được hưởng phụ cấp chức vụ; nếu người lao động không còn nắm giữ chứ vụ đó thì không được hưởng, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác.

Tương tự, đối với phụ cấp đi lại, gửi xe, khi người lao động làm việc ở nhà thì doanh nghiệp không trả các khoản phụ cấp này là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Đối với khoản phụ cấp ăn trưa thì doanh nghiệp cần duy trì đối với người lao động; bởi vì, người lao động làm việc ở nhà hay tại trụ sở của doanh nghiệp thì người lao động cũng phải tốn chi phí ăn trưa.

 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

PV: Hiện nay vẫn có trường hợp trong hợp đồng lao động quy định tiền lương (đã bao gồm phụ cấp) mà không nêu rõ phụ cấp đi lại, gửi xe, ăn trưa… là bao nhiêu. Vậy lúc này, doanh nghiệp có được quyền cắt giảm phụ cấp đi lại, gửi xe khi cho người lao động làm việc ở nhà hay không, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ lưỡng, nên tham khảo ý kiến của công đoàn, người lao động để đưa ra việc cắt giảm khoản phụ cấp ở mức hợp lý, sát thực tế. Chỉ khi nào doanh nghiệp đưa ra được mức cắt giảm các khoản phụ cấp phù hợp thì mới hài hoà được lợi ích của các bên; tăng tính gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp, người lao động chung sức giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. 

Ngược lại, nếu việc cắt giảm các khoản phụ cấp không phù hợp sẽ tạo ra sự khó khăn cho cả người lao động và doanh nghiệp.

PV: Luật sư có lưu ý gì đối với các doanh nghiệp có ý định cắt giảm các khoản phụ cấp của người lao động khi cho người lao động làm việc ở nhà nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hay không?

Luật sư Phạm Thanh Hữu: Theo quan điểm của cá nhân tôi, pháp luật là "bộ khung để đảm bảo quyền và lợi ích cơ bản của các bên"; ngoài pháp luật, doanh nghiệp và người lao động nên ngồi lại với nhau thoả thuận trên tinh thần thiện chí. Cụ thể, doanh nghiệp nói rõ cho người lao động biết tình hình thực tế doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 như thế nào; qua đó, người lao động hiểu được tình hình của doanh nghiệp và chia sẻ phần nào khó khăn cùng doanh nghiệp (người lao động làm việc ở nhà không tốn chi phí đi lại, tiền gửi xe, đỡ tốn thời gian đi lại… nên vui vẻ chấp nhận bị cắt giảm các khoản phụ cấp đó). 

Khi các bên có được sự đồng lòng như trên thì doanh nghiệp sẽ sớm vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra; từ đó, người lao động có được việc làm và thu nhập ổn định để trang trải cho cuộc sống của mình và gia đình.

PV: Vâng, cảm ơn luật sư!

Dân văn phòng làm việc ở nhà, công ty có phải trả phụ cấp đi lại, gửi xe, ăn trưa? - Ảnh 2.

 

Chia sẻ