Đám cưới lạ lùng, hóa giải thù hận giữa hai gia tộc ở Hưng Yên
Vì một chức vụ của làng, hai gia tộc ở Hưng Yên đã mâu thuẫn thù hằn cho tới khi đám cưới của đôi trẻ diễn ra.
GS Dương Quảng Hàm (1898 - 1946) người làng Phú Thị (Văn Giang, Hưng Yên). Thuở nhỏ GS Hàm học chữ Nho, lớn lên ra Hà Nội học chữ Quốc Ngữ. Sau Cách mạng Tháng 8, ông giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Bưởi (trường Chu Văn An ngày nay).
Phóng viên đã có dịp gặp anh Dương Trung Hiếu (SN 1977), cháu nội Giáo sư Hàm và được anh kể nhiều câu chuyện về gia đình mình.
Xung đột nảy lửa giữa hai gia tộc
Anh Hiếu cho biết, ‘Nhắc đến cuộc hôn nhân của Giáo sư Dương Quảng Hàm, mọi người trong nhà vẫn thường kể: ‘Đó là chìa khóa, hóa giải xung đột giữa hai gia tộc, họ Trần và họ Dương.
Theo các bác tôi kể lại, lúc đó, cụ Trần Khắc Tế (đỗ tú tài nên hay gọi là cụ Tú Bụt) đang làm Tiên chỉ, chức vụ danh dự đứng đầu làng.
Anh cả giáo sư Hàm là ông Dương Bá Trạc - đỗ cử nhân (cao hơn tú tài) năm 17 tuổi. Cả làng lấy đó làm vinh dự nên cấp đất, sửa đường, dựng cổng đón tiếp ông Trạc lúc vinh quy, bái tổ.
Họ Dương tỏ ý muốn đòi chức Tiên chỉ của họ Trần về cho ông Trạc. Từ chỗ đòi chức, hai dòng họ xảy ra kiện tụng, hiềm khích. Mối xung đột căng thẳng suốt một thời gian dài.
Tuy nhiên, ông Dương Bá Trạc không thiết tha gì với chức vụ đó, bỏ ra Hà Nội tham gia thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục, dạy học và tuyên truyền lòng yêu nước, chống Pháp.
Ở quê, cụ Dương Trọng Phổ (cha giáo sư Dương Quảng Hàm và ông Dương Bá Trạc) tìm cách xóa bỏ xung đột bằng cách kết thông gia với họ Trần.
Cụ Phổ đến chơi nhà cụ Tú Bụt ngỏ lời: ‘Không để hậu họa một đời đi kiện, ba đời thù nhau, chúng ta sẽ gả con cho nhau, chuyển từ thù thành bạn’’, anh Hiếu nhớ lại.
Đám cưới hóa giải mâu thuẫn
Theo lời anh Hiếu, cụ Tú Bụt bằng lòng gả con gái đầu lòng cho con trai thứ 4 của cụ Phổ. Hai dòng họ hoan hỉ, bắt tay vào chuẩn bị đám cưới. Khắp làng Phú Thị, chỗ nào cũng khen và hoan nghênh mối nhân duyên hòa hiếu của hai họ Dương - Trần.
Trớ trêu thay, cách ngày cưới một tháng, cô dâu đột ngột qua đời do cảm lạnh. Cụ Dương Trọng Phổ sững sờ nhưng một lần nữa cụ đến nhà chơi với cụ Tú Bụt rồi lựa lời, muốn mai mối con gái thứ hai của cụ Tú là Trần Thị Vân cho con trai thứ 5 của mình là Dương Quảng Hàm.
Sau đó, bên nhà cụ Phổ nhiều lần cho người sang đặt vấn đề nối tiếp sợi dây tơ hồng đang bị đứt đoạn giữa chừng.
Năm đó, bà Trần Thị Vân mới 16 tuổi, dù là làng trên, xóm dưới nhưng chưa bao giờ bà biết mặt ông Hàm.
Về phía hai nhà, dù đồng ý mối hôn sự này nhưng chưa tổ chức cưới ngay mà trải qua các thủ tục khác như: Sêu tết, dạm ngõ, ăn hỏi… kéo dài đến 2 năm mới chính thức xem ngày, làm đám cưới. Khi ấy, bà Vân 18 tuổi còn Giáo sư Hàm 16 tuổi.
‘Đích thân cụ Phổ và cụ Tú cùng so tuổi, chọn ngày ăn hỏi, làm lễ vu quy. Bà tôi hơn ông nội 2 tuổi. Xưa các cụ quan niệm rằng, đó là độ tuổi đẹp đôi. Ông nội tôi đang học ở Hà Nội thì bị gọi về lấy vợ’, anh Hiếu nói.
Đúng ngày lành tháng tốt, đám rước dâu từ nhà họ Trần lên đê rồi rẽ vào nhà thờ họ Dương. Đi đầu là một cụ già tóc bạc phơ.
Cô dâu mặc quần lĩnh đen, tóc vấn khăn nhung, chiếc nón quai thao che nửa khuôn mặt đỏ hồng. Tiếng pháo nổ giòn, bà con hai họ ăn trầu, uống nước mừng cho đôi lứa hạnh phúc.
‘Buổi chiều khi rạp cưới đã dỡ, bà tôi cởi áo dài, ra ngoài dọn dẹp thì mọi người giục vào nghỉ ngơi vì mai ông nội tôi phải về Hà Nội.
Buổi sáng làm lễ tơ hồng, bà mới chính thức biết mặt ông. Bởi hôm làm lễ ăn hỏi, bà được gọi ra bưng trầu mời khách nhưng e thẹn không dám nhìn ai.
Sau đó ông nội tôi nghỉ thêm một ngày, làm lễ nhị hỉ (lại mặt) mới tạm biệt vợ lên đường’, anh Hiếu kể thêm.
(Còn nữa)