Đã có 1 trường hợp trẻ mắc viêm não Nhật Bản tại Hà Nội: Bệnh viêm não Nhật Bản có lây không và những ai dễ mắc bệnh?

TT,
Chia sẻ

Mặc dù mới có 1 ca bệnh mắc viêm não Nhật Bản được ghi nhận nhưng cha mẹ cũng cần hết sức chú ý phòng ngừa bệnh cho con mình.

Trong tuần vừa rồi (13-5 đến 19-5), Sở Y tế Hà Nội ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2019 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đó là một bệnh nhi 4 tuổi (ở xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ). Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật… và được điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhi đã tiến triển khả quan.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, mùa hè là giai đoạn cao điểm của viêm não trong đó có VNNB (thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi). Bệnh có tỉ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%). Đây cũng chính là nỗi lo sợ của các bà mẹ có con nhỏ trong mùa hè. Tử vong do viêm não Nhật Bản thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương não.

Đã có 1 trường hợp trẻ mắc viêm não Nhật Bản tại Hà Nội: Bệnh viêm não Nhật Bản có lây không và những ai dễ mắc bệnh? - Ảnh 1.

Mặc dù mới có 1 ca bệnh mắc viêm não Nhật Bản được ghi nhận nhưng cha mẹ cũng cần hết sức chú ý phòng ngừa bệnh cho con mình.

Bệnh viêm não Nhật Bản có lây truyền không?

Bệnh viêm não Nhật Bản lây theo đường máu, do côn trùng (muỗi) đốt hút máu động vật nhiễm virus rồi đốt người, qua đó truyền virus cho người. Virus được truyền qua vết đốt của muỗi cái, từ tuyến nước bọt có chứa virus.

Ở nước ta, loài muỗi này có nhiều ở miền Bắc, xuất hiện nhiều vào những tháng mùa nóng, thích hút máu gia súc, ban ngày sống trong các bụi cây ngoài vườn, đêm bay vào nhà hút máu gia súc và đốt người người, thường vào thời điểm từ 18h00 - 22h00, muỗi thích đẻ trứng trong ruộng lúa, mương máng.

Bệnh viêm não Nhật Bản không thể lây trực tiếp từ người sang người. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, hoặc tiếp xúc gần gũi với người bệnh cũng không làm lây nhiễm bệnh.

Đã có 1 trường hợp trẻ mắc viêm não Nhật Bản tại Hà Nội: Bệnh viêm não Nhật Bản có lây không và những ai dễ mắc bệnh? - Ảnh 2.

Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc viêm não Nhật Bản

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh. 

Hiện tại ở Việt Nam tỉ lệ mắc viêm não Nhật bản cao nhất ở nhóm trẻ em 5-9 tuổi, hoặc lớn hơn. Người lớn có nguy cơ bị lây nhiễm nếu chưa từng được tiêm chủng, họ có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch, đi hợp tác lao động hoặc đi công tác vào vùng bệnh VNNB đang lưu hành.

Bệnh viêm não Nhật Bản hiện nay vẫn được xem là bệnh lý nguy hiểm cho con người vì nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời khả năng dẫn đến tử vong là rất cao. Theo các báo cáo thống kê tỉ lệ tử vong của bệnh chiếm khoảng 30%.

Những bệnh nhân may mắn qua khỏi cơn bệnh thì cũng có khoảng 1/3 để lại nhiều di chứng nặng nề về thần kinh như liệt, chậm phát triển tâm thần, co giật, động kinh, một số trường hợp có thể bị mất khả năng ngôn ngữ hoặc không nói được, mất trí nhớ, cử động bất thường ngoài ý muốn như run rẩy, uốn éo, gồng cứng người…

Để biết thêm các triệu chứng bệnh viêm não Nhật Bản, cách phòng ngừa bệnh... bạn có thể đọc thêm tại đây.

Chia sẻ