Cuộc chiến quyền lực - tiền bạc ở Trung Nguyên phân thắng bại như thế nào?

Quốc Chiến,
Chia sẻ

Phía bà Thảo muốn được chia tỷ lệ 5/5, trong đó có 51% cổ phần tại Trung Nguyên Investment (công ty quản lý Tập đoàn Trung Nguyên). Phía ông Vũ muốn chia tỉ lệ 7/3 và mua lại cổ phần của bà Thảo.

Ngày 25/2, phiên xử ly hôn giữa chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi) và Lê Hoàng Diệp Thảo (47 tuổi) sẽ tiếp tục với phần tranh luận gay gắt đến từ cả hai phía. Cụ thể

Khoản tài sản khồng lồ còn tranh chấp

Tài sản tranh chấp giữa vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên là 26 bất động sản nhưng cả hai thống nhất tranh chấp 13 BĐS đủ điều kiện pháp lý để tòa xử. Hiện ông Vũ đang nắm giữ 6 bất động sản trị giá khoảng 350 tỷ đồng, bà Thảo đang nắm giữ 7 bất động sản trị giá khoảng 375 tỷ đồng. Về tiền mặt, ngoại tệ, vàng trong các ngân hàng tương đương hơn 2.000 tỷ đồng .

Ngoài ra, tài sản còn có cổ phần, phần vốn góp của vợ chồng trong 7 công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên gồm: Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment), Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty CP Cà phê Trung Nguyên, Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên, Công ty CP Trung Nguyên Franchise, Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê, Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông.

Tất cả cổ phần, dự án bất động sản, nhà máy của doanh nghiệp dựa trên kết quả thẩm định của công ty thẩm định tài sản do tòa trưng cầu có trị giá 5.654 tỷ đồng. Như vậy, tài sản tranh chấp của 2 vợ chồng lãnh đạo Trung Nguyên có tổng trị giá gần 8.400 tỷ đồng.

Cuộc chiến quyền lực - tiền bạc ở Trung Nguyên phân thắng bại như thế nào? - Ảnh 1.

Vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên đã có những màn tranh cãi nảy lửa tại tòa.

Về bất động sản, nguyên đơn là bà Thảo đề nghị chia theo tỷ lệ 5/5 nhưng để bà và các con được sở hữu căn nhà trên đường Tú Xương (quận 3) vì đây là nơi gắn liền cuộc sống của mấy mẹ con. Khoản tài sản 725 tỷ đồng này đã được thống nhất, như vậy 2 vợ chồng "vua cà phê" còn vướng mắc ở khoản tiền khoảng 7.700 tỷ đồng, mà quan trọng nhất là khoản cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên.

Quá trình xét xử tại tòa, luật sư của ông Đặng Lê Nguyên Vũ trình bày ý chí của thân chủ về việc phân chia tài sản 5/5 đối với các bất động sản. Tuy nhiên khoản tiền mặt, vàng và ngoại tệ tại ngân hàng cũng như cổ phần tại các doanh nghiệp, ông Vũ muốn hưởng 70% và chia bà Thảo phần còn lại. Nếu chia theo tỷ lệ 7/3, bà Thảo sẽ nhận khoảng hơn 2.300 tỷ, ông Vũ được hưởng hơn 5.400 tỷ đồng.

Bà Thảo đề nghị được chia 51% cổ phần

Giải thích cho phương án phân chia của mình, phía ông Vũ cho rằng ông này là người sáng lập duy nhất và gây dựng nên Tập đoàn Trung Nguyên. Luật sư phía ông Vũ cũng trưng ra chứng cứ thể hiện việc mặc dù kết hôn năm 1998, nhưng đến 7 năm sau bà Thảo mới tham gia là thành viên HĐQT của tập đoàn.

Luật sư của ông Vũ cho rằng giấy phép kinh doanh thể hiện đến lần đăng ký thay đổi lần thứ 22 ngày 10/6/2014, với vốn điều lệ công ty là 2.500 tỷ đồng, bà Thảo chiếm tỉ lệ 28% cổ phần, ông Vũ chiếm 51%, ông Đặng Mơ chiếm 10%, Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên chiếm 9% và 1 cá nhân khác chiếm 2%.

Phản biện quan điểm nói trên, bà Thảo cho rằng việc phân chia tài sản hiện vật theo tỷ lệ này là không có căn cứ pháp luật. "Tôi phải nỗ lực lớn sau 20 năm chấp nhận lùi về sau, nghĩ chồng mình tỏa sáng thì mình cũng tỏa sáng... Một người là đại trượng phu sẽ cho vợ con, còn mình đi tạo lập cái mới", bà Thảo nói.

Cuộc chiến quyền lực - tiền bạc ở Trung Nguyên phân thắng bại như thế nào? - Ảnh 2.

Bà Thảo đòi được chia 51% cổ phần tại công ty quản lý 70% vốn điều lệ của Tập đoàn Trung Nguyên.

Ngoài ra, đại diện của bà Thảo còn có đề nghị chia cho bà Thảo 51% (tương đương 2.114 tỷ đồng ) cổ phần trong Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment), ông Vũ 39%, phần còn lại là của mẹ và chị gái ông Vũ và sở hữu căn nhà trên đường Tú Xương. Theo lý giải của luật sư của bà Thảo, với phương án chia như trên, theo phía bà Thảo, các bên có quyền biểu quyết trong đại hội cổ đông, bà Thảo có quyền tham gia vào hoạt động công ty.

Ngoài ra, bà Thảo cũng đề xuất chia đôi với một số công ty khác. Mỗi người sẽ nắm 15% cổ phần tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên (tương đương 814 tỷ đồng ) và 7,5% cổ phần tại Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên - G7 (khoảng 43 tỷ đồng ).

Ông Vũ muốn mua lại cổ phần của vợ

Trong phần tranh luận, luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ cho bà Thảo) cho rằng khối tài sản này được tạo lập từ năm 1998, giá trị tâm sức của người phụ nữ là rất lớn. Thậm chí, một người phụ nữ ở nhà nội trợ thôi cũng ngang bằng với tâm sức của người chồng lao động bên ngoài. Vì thế, theo luật sư Hoài, việc chia theo tỉ lệ 7/3 là thiếu căn cứ, không phù hợp với quy định pháp luật.

Luật sư Hoài cho rằng việc ông Vũ khởi nghiệp cùng với 4 người bạn là không thể phủ nhận. Bà Thảo đã từng nói công khai ông Vũ chồng bà là người có tư chất thông minh, đã cùng bà gầy dựng nên Tập đoàn Trung Nguyên. Nam luật sư cho rằng các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên đều được tạo lập khi ông bà kết hôn.

"Bà Thảo đóng vai trò, công sức chính yếu vào khối tài sản chung của hai vợ chồng. Đó là lý do vì sao chúng tôi cho rằng cần chia cho bà Thảo 51%. Không thể đẩy bà Thảo ra bên ngoài", luật sư Phan Trung Hoài lập luận.

Cuộc chiến quyền lực - tiền bạc ở Trung Nguyên phân thắng bại như thế nào? - Ảnh 3.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đưa phương án chia tỷ lệ 7/3 và đề nghị mua lại cổ phần của vợ.

Luật sư của ông Vũ, Hoàng Hữu Nhân bảo vệ cho quyền lợi của thân chủ không đồng ý với cách phân chia của bà Thảo, đề nghị giữ nguyên phương án phân chia 7/3 như đã trình bày ban đầu.

Về vàng và tài sản tại các ngân hàng hơn 2.000 tỷ, ông Vũ giữ nguyên yêu cầu xem xét chia cho ông Vũ 70% (tức ông Vũ được khoảng 1.472 tỷ) và bà Thảo được 30%. Căn cứ các quyết định định giá tại Công ty CP tập đoàn Trung Nguyên, ông Vũ yêu cầu toà án chia 70-30, trong đó ông Vũ được chia 70%. Tóm lại, tổng giá trị cổ phần của ông Vũ trị giá 3.958 tỷ đồng, phần cổ phần của bà Thảo trị giá 1.696 tỷ đồng. 

Ngoài ra, luật sư của ông Vũ cho rằng mâu thuẫn giữa ông Vũ và bà Thảo là rất gay gắt, sẽ ảnh hưởng đến Trung Nguyên nếu bà Thảo tiếp tục là cổ đông của công ty. Hơn nữa bà Thảo đã tạo dựng thương hiệu riêng, hãng King Coffee đã và đang cạnh tranh với Trung Nguyên.

Do đó, phía ông Vũ mong muốn bà Thảo giao lại cổ phần, thanh toán lại bằng tiền để ông Vũ được toàn quyền điều hành Trung Nguyên. Đề nghị này bị phía bà Thảo phản ứng gay gắt vì bà này cũng muốn tham gia điều hành, quản lý công ty.

Chia sẻ