Cúng lễ Tết thời hiện đại: Cách lau dọn bàn thờ đúng và những mâm cỗ nhất định phải có

Phong Linh; Ảnh: Internet;Thiết kế: Thủy Tiên,
Chia sẻ

Tết âm lịch không chỉ là dịp sum vầy, hồi hương mà còn là dịp để con cháu vọng ngưỡng tổ tiên, trời đất. Những nghi lễ thờ cúng từ bao đời truyền lại đã được áp dụng và thay đổi ra sao trong thời hiện đại?

Dù chuyện lương chuyện thưởng, việc hành chính, sinh nhật... của người Việt từ lâu đều theo Tây lịch cả. Nhưng cứ phàm việc hệ trọng của đời người, mua đất, cất nhà, dựng vợ gả chồng, ma chay, và đặc biệt là lễ tiết, thì đều dùng âm lịch mà xem. Trong đó, Tết là dịp lễ hội tính theo âm lịch được trông chờ nhất trong cả một năm của người Việt.

Cúng lễ ngày Tết: Phụ nữ lo hương khói chẳng nhẽ tổ tiên giận sao? - Ảnh 1.

Tết, trong quan niệm dân gian là dịp linh thiêng nhất trong năm. Nó là điềm báo trước các sự kiện tốt lành của các tháng âm lịch tiếp theo. Mọi người đều hoan hỉ vì đã sống những thời gian đã qua, và long trọng chuẩn bị bước vào thời kỳ đang mở ra, một năm mới nhiều hứng khởi. Và đó cũng là lý do, dịp Tết là khi người ta chú trọng vô cùng chuyện cúng lễ, ngưỡng vọng trời đất, thần Phật, tổ tiên, cầu cho một năm mới nhiều may mắn.

Cúng lễ ngày Tết: Phụ nữ lo hương khói chẳng nhẽ tổ tiên giận sao? - Ảnh 2.

Tết được cắt nghĩa là thời gian người ta chờ đợi và chuẩn bị cho dịp Nguyên đán, nên có người, Tết đã rộn ràng từ đầu tháng Chạp, có người qua Rằm tháng Chạp, cũng có người đến gần 23, lễ Ông Công Ông Táo mới bắt đầu thấy Tết.

Nhưng dù sớm hay muộn, vào dịp Tết, dọn dẹp đường làng ngõ xóm, nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là sửa chữa, dọn dẹp, trang hoàng các không gian thờ tự để bước vào năm mới là điều không thể thiếu.

Từng gia đình thì dọn dẹp bàn thờ, lau rửa đồ thờ phụng, khu vực cúng lễ. Sau khi đồ thờ được lau chùi sạch sẽ, câu đối, tranh ảnh mới được treo lên.

Về việc quét dọn ban thờ, hiện nay đang có hai luồng ý kiến, có người bảo cả năm mới phải dọn chân hương và lau bề mặt bàn thờ, tránh tối đa việc động chạm, xê dịch bát hương; có người lại nói nên tỉa chân hương, lau dọn hàng tuần cho chỗ thờ cúng mát mẻ.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, việc quét dọn bàn thờ, lau chùi đồ thờ rất quan trọng, gọi là bao sái (bao là gói ghém, sái là quét tước). Là đồ thờ, nên lấy ra cái gì thì phải gói ghém xếp đặt cẩn thận, không được uế tạp. Trong một năm, đồ thờ cơ bản là không xê dịch, tức là không làm chấn động chốn giá lâm của các cụ. Đến dịp cuối năm, thắp hương xin các cụ dọn dẹp thì mới đụng vào. 

Cúng lễ ngày Tết: Phụ nữ lo hương khói chẳng nhẽ tổ tiên giận sao? - Ảnh 3.

Cúng lễ ngày Tết: Phụ nữ lo hương khói chẳng nhẽ tổ tiên giận sao? - Ảnh 4.

Dù chúng ta đã bước sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, nhưng với nhiều gia đình, việc cúng lễ ngày Tết, đặc biệt là bao sái ban thờ, mua bán, xếp đặt đồ thờ cúng là việc dành cho nam giới, cho con trưởng, con trai, cháu nội trai trong nhà. Ngược dòng thời gian nhìn về lệ cũ, đúng là việc cúng bái, đặc biệt là cúng bái trong Tết có phần khắt khe với phụ nữ.

Trong các dòng họ ngày xưa, con trưởng ở nhà bố mẹ và đảm nhận việc cúng tế. Con dâu trưởng có vai trò quan trọng trong việc phục vụ cúng lễ trong ngày Tết. 

Con thứ có thể ra riêng thì phải đội mâm về giúp cỗ, vì đó là nhà bố mẹ. Những nhà không có con trai thì họ thường nuôi con nuôi lo việc tế tự. Nếu không nuôi được con nuôi thì họ cho một người ở rể và coi như con đẻ.

Cúng lễ ngày Tết: Phụ nữ lo hương khói chẳng nhẽ tổ tiên giận sao? - Ảnh 5.

Tuy nhiên, thực tế ngày nay rất khác. Có những gia đình chỉ có con gái hoặc phụ nữ mới là người thạo việc cúng lễ, còn đàn ông trong nhà lại vụng về hoặc ít chú ý. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ lý giải: “Cuộc sống phong phú hơn là các lễ nghi. Con trai cả đi xa thì họ có thể họp gia đình trao quyền cho con thứ (và bây giờ thì có thể trao cho con gái).

Gì thì gì, cuộc sinh tồn vẫn quan trọng hơn cả. Người sống sống hạnh phúc thì tổ tiên chắc chắn sẽ mát hồn mát vía. Chả nhẽ tổ tiên giận à? Sao tổ tiên lại cố chấp nhường vậy! Lo cho người đã mất là để bất vong bản (không mất gốc), lo cho người sống mới đích thực nhân văn”.

Việc đốt vàng mã cho người đã khuất, khi xưa cũng đơn giản hơn. Lúc đầu, người ta chia cho người đã khuất những của cải thật, sau đó thay bằng các biểu trưng, trước đây chỉ cần một mảnh giấy viết lên đốt là được.

Còn nay nhiều người đốt cả ô tô, máy bay, xe máy, nhà cửa, ô sin… cho các cụ với quan điểm trần sao âm vậy, theo ông Hùng Vĩ, là có phần lãng phí. Cổ tục ngày xưa có câu “lễ bạc lòng thành” để khuyên răn mọi người tùy theo cái tâm của mình là chính, có nhiều làm nhiều, có ít làm ít, không nên đua đòi. 

Cúng lễ ngày Tết: Phụ nữ lo hương khói chẳng nhẽ tổ tiên giận sao? - Ảnh 6.

Nhiều người quan niệm phải khấn hay, văn vẻ có vần điệu thì mới linh thiêng. Trên thực tế, các bài khấn trong sách là các “giáo án mẫu”, khi cúng, người ta cụ thể hóa vào hoàn cảnh. Có thể theo các bài mẫu đó, hoặc tùy tâm khấn theo ý mình sao cho trang nghiêm, thành tâm là được.

Người Việt Nam theo Phật giáo từ lâu nên văn hóa Phật giáo thấm đẫm hơn cả. Vì thế, khi khấn, người ta thường mở đầu bằng câu: “Lạy chín phương trời, lạy mười phương Phật”, sau đó là các vị thần linh sông núi, thành hoàng bản cảnh… rồi đến anh linh tiên hiền tiên liệt, tổ tiên các đời. Kết thúc lại bằng “Nam mô a di đà Phật (Kính ngưỡng Đức Phật trường cửu)”.  

Cúng lễ ngày Tết: Phụ nữ lo hương khói chẳng nhẽ tổ tiên giận sao? - Ảnh 7.

Các lễ cúng quan trọng, cần bày biện, soạn lễ cúng trong dịp Tết, trước hết là Rằm tháng Chạp, rồi đến Ngày 23 tháng Chạp là cúng Ông Công Ông Táo.

Lễ cúng tất niên trước đây làm vào chiều ngày ba mươi, coi như kết thúc một năm. Lễ này làm trong nhà và chỉ chú trọng vào tổ tiên ông bà ông vải mà thôi. Nó có tính chất gia đình.

Đó cũng là thời điểm con cháu đã đoàn viên đông đủ, họp mặt lại để cùng nhau hướng về cội nguồn, dặn dò những công việc cần thiết khi bước vào năm mới, phân công các thành viên làm nghĩa vụ thăm hỏi họ hàng làng nước, đặc biệt là dặn dò trẻ em các tục kiêng.

Lễ cúng quan trọng nhất trong dịp Tết đó là lễ cúng giao thừa, gọi là Trừ tịch. Trừ là cuối cùng, tịch là chiều tối đến đêm, và cúng vào thời khắc giữa đêm. 

Cúng lễ ngày Tết: Phụ nữ lo hương khói chẳng nhẽ tổ tiên giận sao? - Ảnh 8.

Người ta bày hai mâm cúng, một mâm ngoài sân, một mâm trong nhà. Tục xưa cho rằng ứng với mỗi năm có một quan Hành Khiển, một phán quan thay đổi nhau. Cúng ngoài sân là để các ông giá lâm hâm hưởng, ông xuống, ông lên cho tiện. Mâm trong nhà là để cúng gia tiên. 

Ngày nay, nhiều người giản tiện làm một mâm cúng ngoài trời rồi sau đó bê vào đặt lên bàn thờ nhà mình. Thế cũng không sao cả.

Dịp Tết đến có rất nhiều lễ cúng quan trọng. Mỗi lễ cúng lại có những điều cần lưu ý riêng.

Cúng lễ ngày Tết: Phụ nữ lo hương khói chẳng nhẽ tổ tiên giận sao? - Ảnh 9.

Sáng mùng một, tiếp tục dâng một mâm cúng nữa để cúng gia tiên. Lúc này, ngoài mâm cơm để ở bàn thấp phía dưới, bàn thờ bày biện đầy đủ như mâm ngũ quả, hai bên hai cây mía.

Dân gian vùng nào thì theo thói quen cúng hoa quả thổ ngơi vùng đó. Hợp cảnh hợp thời và thành tâm là được, không câu nệ.

Ra Tết có tục cúng khai hạ hay còn gọi là ngày hạ nêu ngày hóa vàng để tiễn gia tiên. Trước đây lễ này thường làm vào ngày mùng 7 tháng Giêng. Đó cũng là ngày hoàn tất tuần Tết, hạ cây nêu và đón Táo quân trở về. Nhưng ngày nay để gọn nhẹ, nhiều nhà thường hóa vàng vào ngày mùng 3.

Ngoài ra, ngày Rằm tháng Giêng cũng được chú trọng. Dân gian xưa nói Tết quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng là để nhấn mạnh tầm quan trọng của ngày trăng tròn đầu tiên trong năm. Phật giáo xưa lấy ngày này làm ngày đầu tháng, vì vậy nó cũng là đầu năm. Vùng miền Trung nước ta, ngày này họ tổ chức ngoài trời, cầu cúng, treo đèn kết hoa vui chung cả xóm ngõ.

Cúng lễ ngày Tết: Phụ nữ lo hương khói chẳng nhẽ tổ tiên giận sao? - Ảnh 10.

Nếu theo lệ xưa, mỗi dịp Tết có 7 ngày quan trọng cần bày biện mâm cúng, mà tính kỹ hơn (3 ngày Tết mỗi ngày 1 mâm cúng mới) thì cũng ngót 10 ngày, việc bếp núc dồn cả lên phụ nữ. Ngày nay, dù đã giản tiện nhiều nhưng cứ đến Tết là hội chị em lại than thở phải cúng nhiều, làm cơm nhiều, tốn thời gian, tốn tiền, chê Tết rườm rà.

Nhận xét về xu hướng ăn Tết theo phong cách mới: Đặt cỗ online, đóng cửa đi du lịch, chúc Tết qua mạng xã hội, ông Hùng Vĩ cho rằng, cách thức ăn Tết thế nào không quan trọng. Một cái Tết tốt đẹp là cái Tết của tự do lựa chọn trên giá trị cốt lõi của truyền thống. 

Cúng lễ ngày Tết: Phụ nữ lo hương khói chẳng nhẽ tổ tiên giận sao? - Ảnh 11.

Giá trị của Tết, với tư cách là một lễ hội lớn nhất của quốc gia dân tộc là: Uống nước nhớ nguồn, cố kết cộng đồng, bình đẳng tâm thức của mọi thân phận, là vui và ngon. Còn ứng xử như thế nào thì tự do theo hoàn cảnh của mình. Có nhiều vui nhiều, có ít vẫn vui lòng.

Dù lệ xưa truyền lại vậy, nhưng theo dòng chảy văn hóa của từng thời đại, con người tự do cải biến để hợp thời, hợp cảnh. Tết là phong tục, là “lệ” chứ không phải là “luật” để bắt buộc mọi người đón Tết như nhau. Tết tự do lựa chọn mới là cái Tết đẹp nhất.

Điều quan trọng nhất là, không có lễ hội nào trong mô năm như Tết lại có khả năng kỳ diệu cho sự đoàn tụ gia đình, cho sự gắn kết những quan hệ xa lạ, cho sự hòa giải những bất hòa, cho sự tha thứ những lầm lạc...

Bởi trong giờ phút thiêng liêng ấy, con người muốn rũ bỏ quá khứ phiền muộn, khổ đau và thất vọng để hướng về một tương lai tốt đẹp trong năm mới. Và Tết, là để vui chứ không phải để vùng vằng hay đầu tắt mặt tối. 

Cảm ơn cố vấn nội dung: Chuyên gia văn hóa dân gian Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ

Chia sẻ