Cụ bà nguy kịch vì thường xuyên uống An cung phòng đột quỵ

Bảo Nam,
Chia sẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai (Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc), hiện nay có nhiều thông tin không chính thức về tác dụng của thuốc An cung trong việc phòng ngừa đột quỵ.

Cụ bà nguy kịch vì thường xuyên uống An cung phòng đột quỵ

Gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận cấp cứu một nữ bệnh nhân 79 tuổi.

Gia đình cho biết, bệnh nhân này đã mắc tăng huyết áp và đái tháo đường trong 10 năm qua, và từng bị đột quỵ trước đó. Trong khoảng 2 tháng gần đây, bà thường xuyên sử dụng thuốc An cung do gia đình mua để phòng ngừa đột quỵ tái phát, nhưng sau đó xuất hiện các triệu chứng không bình thường.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân đã lạm dụng thuốc An cung, dẫn đến tình trạng thiếu máu, rối loạn đông máu nặng, và viêm dạ dày. Sọ não của bệnh nhân xuất hiện nhiều ổ nhồi máu bán cầu ở cả hai bên. Sau khi được điều trị trong khoảng 1 tuần, tình trạng của bệnh nhân đã được cải thiện. Bệnh nhân đã được chuyển xuống tuyến dưới điều trị tiếp.

dot-quy-vi-an-cung-951.png

Bệnh nhân nhập viện vì lạm dụng thuốc An cung để phòng ngừa đột quỵ tái phát. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai (Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc), hiện nay có nhiều thông tin không chính thức về tác dụng của thuốc An cung trong việc phòng ngừa đột quỵ. 

Điều này đã dẫn đến việc nhiều người lạm dụng thuốc An cung mà không tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, hy vọng có thể phòng ngừa đột quỵ. Cũng theo bác sĩ Mai, hiện nay không có bất cứ khuyến cáo nào của Bộ Y tế về sử dụng An cung trong việc dự phòng đột quỵ não.

Lạm dụng thuốc An cung phòng đột quỵ, coi chừng phải trả "giá đắt"

Với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", nhiều gia đình dự trữ sẵn thuốc An cung (hay còn gọi là An cung ngưu hoàng hoàn) cho cha mẹ uống để điều trị và dự phòng tai biến mạch não ở bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường. Tuy nhiên, các bác sĩ cho hay loại thuốc này không có tác dụng phòng đột quỵ như nhiều người lầm tưởng.

Theo Lương y Đinh Công Bảy (Tổng Thư ký Hội dược liệu TP.HCM), bài thuốc An cung ngưu hoàng hoàn chuyên trị ôn nhiệt bệnh, nhiệt tà nội hãm tâm bào, đàm nhiệt ủng bế tâm khiếu dẫn đến sốt cao phiền táo, hôn mê, rối loạn ngôn ngữ...

Được biết, An cung ngưu hoàng hoàn là bài thuốc y học cổ truyền có từ lâu của Trung Quốc. Thành phần của An cung ngưu hoàng hoàn có các vị chính như: sừng tê giác, sỏi mật bò, xạ hương… Tuy nhiên, hiện nay, sừng tê giác đã được thay bằng sừng trâu; sỏi mật bò tự nhiên hầu như không có nên thay bằng sỏi nhân tạo. Xạ hương cũng có nhiều loại: tự nhiên hoặc tổng hợp. 

Đáng nói, bài thuốc này cũng gồm có cả các thành phần như: thạch tín, thủy ngân,... Đây đều là các dược liệu có độc tính và khi dùng phải có sự kiểm soát chặt chẽ về liều dùng, đường dùng, người dùng và phải có sự tư vấn của bác sĩ.

an-cung-1528602130.jpeg

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đột quỵ (tai biến mạch máu não) có hai dạng chính: đột quỵ chảy máu não (xuất huyết não, chiếm 15%) xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ và máu chảy vào hoặc xung quanh não. Và đột quỵ nhồi máu não (thiếu máu não, chiếm 85%) xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hoặc hẹp do vữa xơ vữa động mạch.

Theo đó, thuốc An cung ngưu hoàng hoàn chỉ có tác dụng giúp giảm tình trạng đông máu đối với các trường hợp đột quỵ nhồi máu não. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn tiềm ẩn nguy cơ chảy máu trong vùng nhồi máu. Ngược lại, nếu bị đột quỵ chảy máu não, việc sử dụng thuốc An cung ngưu hoàng hoàn sẽ tăng nguy cơ chảy máu do máu không thể đông lại.

Để xác định loại đột quỵ là nhồi máu não hay chảy máu não, bác sĩ cần thực hiện các phương pháp chụp chiếu và xét nghiệm. Do đó, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc.

GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Đột quỵ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng cho biết rằng thuốc An cung ngưu hoàng hoàn không có tác dụng phòng ngừa đột quỵ. Vị chuyên gia nói: "Thuốc bất kỳ nào khi vào cơ thể, tác dụng dược lý cũng chỉ có trong vài giờ, sau đó được bài tiết, làm sao có tác dụng dự phòng thời gian dài được. Nếu muốn thuốc tồn tại trong vòng 7 ngày thì cần phải được chế tạo bằng công nghệ cao hoặc viên thuốc phải được bao bọc bằng chất liệu đặc biệt để có thể giữ lại trong dạ dày".

ancungnguuhoanghoan-6921-1522769791.jpeg

GS Thông cũng chia sẻ, ông đã từng trực tiếp sang Trung Quốc từ hơn 10 năm trước, đến các bệnh viện cũng như cơ sở Đồng Nhân Đường - nơi sản sinh ra thuốc An cung ngưu hoàng hoàn nhưng tuyệt nhiên không thấy nơi nào sử dụng loại thuốc này để phòng đột quỵ. 

Cũng vì quá tin tưởng vào công dụng thần thánh của thuốc An cung ngưu hoàng hoàn mà nhiều bệnh nhân đã phải trả cái giá rất đắt. Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từng gặp nhiều bệnh nhân bị tai biến mạch máu não không qua khỏi, hoặc để lại di chứng nặng nề do uống An cung ngưu hoàng hoàn. Có bệnh nhân bị xuất huyết não, được người nhà cho uống thuốc An cung ngưu hoàng hoàn trước khi nhập viện. Hậu quả là máu chảy ồ ạt, bác sĩ cũng không thể cứu được người bệnh.

dot-quy-6_800x1132.jpeg

Các bác sĩ khuyên rằng, để phòng ngừa đột quỵ não, quan trọng nhất là kiểm soát huyết áp và mỡ máu, sử dụng thuốc chống đông dưới sự hướng dẫn và tham khảo định kỳ của bác sĩ. Nếu xuất hiện các triệu chứng của đột quỵ não như khó nói, yếu liệt vận động, người bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị. Ngoài ra, cần tuyệt đối không tự ý cho người đột quỵ uống an cung ngưu hoàng hoàn hoặc uống loại thuốc này để dự phòng đột quỵ.

Từng chia sẻ về thuốc An cung, PGS-TS Trần Thị Hồng Phương, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý y - dược cổ truyền (Bộ Y tế), cũng cảnh báo hiện sản phẩm An cung bị làm giả, làm nhái nhiều. Để tránh mua nhầm thuốc giả, tốt nhất nên tìm mua đúng sản phẩm đã được kiểm định chất lượng và được Bộ Y tế cấp phép. Chỉ dùng khi có chỉ định của thầy thuốc.

Chia sẻ