Covid-19 tại Đông Nam Á diễn biến phức tạp, châu Âu tính nghiên cứu vaccine đặc biệt

ĐÌNH NAM,
Chia sẻ

Khi nhiều nước triển khai tiêm vaccine trên diện rộng, sự lây lan của Covid-19 có dấu hiệu chậm lại song ở một số khu vực, tình hình lại chuyển biến theo hướng ngược lại với số ca mắc tăng lên.

Sự lây lan dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang có dấu hiệu chậm lại, khi nhiều nước đang triển khai các chiến dịch tiêm chủng vaccine trên diện rộng, cùng với hàng loạt các biện pháp hạn chế phòng bệnh được tăng cường. Tuy nhiên, tại một số quốc gia châu Á và châu Phi, tình hình dịch bệnh lại đang chuyển biến theo chiều ngược lại, với số ca mắc mới tăng lên. Đây cũng là quan ngại của Tổ chức Y tế Thế giới WHO hiện nay.

Covid-19 tại Đông Nam Á diễn biến phức tạp, châu Âu tính nghiên cứu vaccine đặc biệt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Tại Mỹ, trong 24 giờ qua, vẫn có tới hơn 100.000 ca mắc mới. Hiện chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho người dân, mục tiêu cung cấp 1,6 triệu liều vaccine cho các bang mỗi tuần. Với chiến dịch này, Mỹ hi vọng có thể mở cửa các trường trên toàn quốc vào tháng 4 tới. Tuy nhiên, hiện số người dân Mỹ được tiêm vaccine mới chỉ là hơn 31 triệu.

Tại châu Âu, trong 24 giờ qua, Anh là nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất, với hơn 21.000 ca; tiếp sau là Pháp, Nga và Italy. Căn cứ diễn biến dịch bệnh, các nước đã thực hiện các biện pháp phòng dịch khác nhau. Bồ Đào Nha hôm qua (31/1) bắt đầu thực hiện lệnh cấm nhập cảnh. Theo Bộ Nội vụ Bồ Đào Nha, hiện nước này có tỷ lệ ca dương tính với SARS-CoV-2 cao nhất thế giới tính theo đầu người.

Trong khi đó, bất chấp những lo ngại liên quan đến các biến thể của SARS-CoV-2, chính phủ Hà Lan hôm qua (31/1) thông báo sẽ mở cửa các trường tiểu học và mầm non từ ngày 8/2.

Tại châu Á, Indonesia ghi nhận số ca mắc mới trong 24 giờ qua cao nhất khu vực với hơn 12.000 ca, vượt qua cả Ấn Độ. Trong khi đó, tại Malaysia, số ca mắc trong ngày cũng ở mức cao là hơn 5.000 ca. Myanmar, với hàng trăm ca mắc mới, cũng đã phải thông báo gia hạn các biện pháp hạn chế để phòng dịch Covid-19 tới cuối tháng 2 mà lẽ ra đã hết hiệu lực vào hôm qua (31/1).

Trước bối cảnh số ca lây nhiễm liên quan đến trường học và bệnh viện tăng, chính phủ Hàn Quốc cũng vừa mới quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần.

Hiện 1 số quốc gia châu Phi và châu Á đang chứng kiến số ca mắc mới tăng, trong khi việc tiếp cận vaccine lại khó khăn hơn các nước phát triển. Đây cũng là điều khiến Tổ chức Y tế Thế giới WHO quan ngại.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Các quốc gia phát triển đang tiêm vaccine cho công dân của họ trong khi những quốc gia kém phát triển đang theo dõi và chờ đợi. Điều này không chỉ khiến những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới gặp rủi ro mà còn là tầm nhìn ngắn hạn và cuối cùng là thất bại. Chủ nghĩa dân tộc tiêm vaccine sẽ chỉ kéo dài đại dịch”.

Trong khi nhiều nước chưa có vaccine Covid-19 vốn đã được phê duyệt gần đây, giới chức y tế hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) hôm qua đã thảo luận với các hãng dược phẩm lớn, như BioNTech/Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, CureVac và Sanofi, về việc nhanh chóng phát triển và bào chế vaccine đặc biệt phòng ngừa những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Trong một thông cáo báo chí, Ủy ban châu Âu cho biết, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang làm gia tăng quan ngại về nguy cơ giảm hiệu quả của các loại vaccine ngừa Covid-19 được phê duyệt gần đây, theo đó, điều quan trọng là phải sẵn sàng ứng phó với sự xuất hiện của các biến thể này. Các bên đã thảo luận về nhu cầu nhanh chóng phát triển, sản xuất và phê duyệt tại EU các loại vaccine ngừa những biến thể mới của virus SARS-CoV-2./.

Chia sẻ