Công nhân làm việc quần quật cả tháng lương hơn 2 triệu đồng

Lê Bảo,
Chia sẻ

Làm quần quật cả tháng trời chỉ được hưởng hơn 2 triệu đồng nếu tăng ca đêm được hưởng thêm gần 1 triệu đồng, đã thế các tiền phụ cấp như: tiền ăn, tiền xăng, thai sản rất thấp. Trong quá trình làm việc, nhiều công nhân bị bảo vệ hách dịch dọa đánh đập, bóp cổ!

Làm quần quật cả tháng được 2 triệu đồng

Sáng ngày (24/8) hàng ngàn nữ công nhân may mặc của công ty TNHH Ivory Việt Nam (Hậu Lộc – Thanh Hóa) đã đồng loạt đình công, ngừng tham gia sản xuất để đòi quyền lợi vì họ cho rằng phía công ty không đáp ứng những nhu cầu thiết yếu.

Công nhân làm việc quần quật cả tháng lương hơn 2 triệu đồng 1

Công nhân làm việc quần quật cả tháng lương hơn 2 triệu đồng 2
Hàng ngàn nữ công nhân đình công vì bị công ty tước đoạt nhiều quyền lợi.

Theo phản ánh của nhiều công nhân, hiện tại lương chính và lương tăng ca của các công nhân tại đây rất thấp. Nếu làm theo giờ hành chính thì mỗi người chỉ được hưởng 1,850 triệu đồng, tiền phụ cấp xăng xe 200 ngàn đồng/tháng, tiền ăn trưa hiện tại là 14 ngàn đồng/ngày, tiền chuyên cần 200 ngàn đồng/tháng. Như vậy nếu một công nhân làm việc theo giờ hành chính (8 tiếng, được nghỉ ngày chủ nhật) thì số tiền nhận được + phụ cấp chỉ hơn 2 triệu đồng, những công nhân tăng ca đêm thì được hưởng mức thu nhập + phụ cấp chỉ hơn 3 triệu đồng. 

Công nhân làm việc quần quật cả tháng lương hơn 2 triệu đồng 3
Làm quần quật cả tháng chỉ được hơn 2 triệu đồng không thể đủ trang trải cho sinh hoạt tối thiểu.

Với mức thu nhập trên rất nhiều công nhân đang làm việc tại Ivory không thể đủ trang trải cho cuộc sống. Đứng trước tình cảnh đó, hàng ngàn công nhân yêu cầu công ty tăng thêm 100 ngàn đồng phụ cấp tiền xăng, tăng thêm 100 ngàn đồng tiền chuyên cần, tăng thêm 6 ngàn đồng/bữa ăn, chế độ nghỉ thai sản đúng theo luật Lao động của Việt Nam…

Tuy nhiên dù đã đề xuất nhưng phía công ty Ivory chỉ hứa suông. Trao đổi với chúng tôi, chị L.T.T – một nữ công nhân cho biết: “Chúng tôi chỉ mong muốn phía công ty quan tâm hơn đến đời sống của công nhân, từ đó chúng tôi mới yên tâm làm việc cũng như cống hiến cho công ty được”.

Ngoài ra việc giải quyết ngày nghỉ phép cũng khiến nhiều người bức xúc: “Theo luật Lao động thì hàng năm chúng tôi có 14 ngày nghỉ phép, thế nhưng số ngày nghỉ này lại khó được công ty giải quyết, nếu chúng tôi nghỉ thì bị trừ điểm chuyên cần, trừ lương”, chị P.H nói.

Hễ có bầu là… sa thải?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc hàng ngàn công nhân đình công trong buổi sáng ngày 24/8 không chỉ xuất phát từ nguyên nhân lương thấp, phụ cấp eo hẹp mà còn nhiều lý do khác.

Được biết, công ty may Ivory đóng trên địa bàn huyện Hậu Lộc đã thu hút và giải quyết được hàng ngàn lao động nữ cho địa phương, hầu hết những lao động nữ đều ở lứa tuổi từ 18 – 30. Đó là độ tuổi để chị em phụ nữ lập gia đình, sinh con đẻ cái thế nhưng theo phản ánh của rất nhiều công nhân thì phía công ty đã sa thải nhiều người khi… có bầu!

Công nhân làm việc quần quật cả tháng lương hơn 2 triệu đồng 4
Hầu hết các nữ công nhân đều trong độ tuổi sinh nở, thế nhưng theo phản ánh của nhiều người thì hễ ai có bầu là bị sa thải?

Nói về điều này, chị L.M nói: “Có nhiều đồng nghiệp xin nghỉ thai sản hay có bầu là phía công ty ép nghỉ việc luôn nên những chế độ thai sản cũng chẳng hề được hưởng”. 

Công nhân làm việc quần quật cả tháng lương hơn 2 triệu đồng 5
Bất mãn các công nhân tiếp tục đình công.

Không chỉ phía công ty Ivory ép buộc người mang thai nghỉ việc mà trong lúc làm việc bộ phận bảo vệ, lãnh đạo có thái độ hách dịch, thậm chí bị dọa đánh đập, bóp cổ…

Theo ghi nhận của chúng tôi ngày 25/8 dù là ngày nghỉ nhưng một số công nhân vẫn tụ tập trước cổng công ty. Đặc biệt một vài công nhân cho chúng tôi biết rằng: “Nếu còn ý kiến, còn đình công thì sẽ bị ‘đầu gấu’ chặn đường đánh đập”? 

Dù điều này có đúng hay không thì đã và đang dấy lên sự hoang mang của hàng ngàn nữ công nhân, nhất là những người phải vượt cả chục km, qua nhiều đoạn đường hoang vắng để đi làm.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Luệ (Phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: “Sau khi chúng tôi phát hiện sự việc, lãnh đạo huyện phối hợp cùng công an, công đoàn và Liên đoàn Lao động tỉnh đến lắng nghe ý kiến của công nhân và đề nghị công ty TNHH Ivory có văn bản trả lời cụ thể cho công nhân biết”.

Từ chối tăng phụ cấp, tiếp tục đình công

Sáng sớm hôm nay (26/8) khoảng 3.000 công nhân trở lại nhà máy làm việc nhưng bất ngờ nhận được thông báo từ Ban lãnh đạo công ty, theo nội dung trong thông báo thì phía công ty từ chối tăng phụ cấp.

Công nhân làm việc quần quật cả tháng lương hơn 2 triệu đồng 6
Sáng sớm nay, khi nhận được thông báo khoảng 3.000 công nhân tiếp tục bỏ làm việc, đình công và bỏ về.

Ngoài ra phía công ty cho rằng những yêu cầu đó của công nhân là việc đòi hỏi quá đáng bởi trong bản thông báo có ghi: “Từ tháng 4/2013 công ty đã tăng tiền xăng 100 ngàn đồng/tháng lên 200 ngàn đồng/tháng; Từ ngày 19/8 công ty đã thông báo về việc tăng tiền xăng từ 200 ngàn đồng lên 220 ngàn đồng/tháng; tăng tiền cơm từ 12 ngàn đồng/bữa lên 14 ngàn đồng/bữa và một số thay đổi khác”.

Công nhân làm việc quần quật cả tháng lương hơn 2 triệu đồng 7
Nội dung thông báo mà công ty Ivory ban hành.

Lý do mà phía công ty Ivory từ chối những yêu cầu của công nhân là: “Trong quá trình kinh doanh sản xuất hiện nay, công ty liên tục bị thua lỗ, sản lương không tăng. Vì vậy công ty đang gặp rất nhiều khó khăn, với tình hình đó công ty không thể tăng các khoản phụ cấp theo yêu cầu của công nhân. Trong tương lai nếu công ty có thêm lợi nhuận và công nhân làm việc chăm chỉ hơn thì công ty sẽ tăng thêm tiền phụ cấp cho công nhân”.

Công nhân làm việc quần quật cả tháng lương hơn 2 triệu đồng 8

Công nhân làm việc quần quật cả tháng lương hơn 2 triệu đồng 9
Khoảng 3.000 công nhân tiếp tục bỏ làm việc sáng hôm nay (26/8).

3.000 công nhân may công ty Ivory tiếp tục không làm việc, bỏ về khi đọc được thông báo trên. Một công nhân cho rằng: “Việc yêu cầu tăng phụ cấp là chính đáng, đó không phải là sự đòi hỏi”.

Trong thông báo cũng ghi rõ: “Ban lãnh đạo công ty nhận định đây là cuộc đình công bất hợp pháp, do đó trong những ngày đình công những công nhân cố tình tự ý bỏ việc, tụ tập trái phép bên ngoài xưởng sẽ không được tính công và tiền chuyên cần. Công ty không hỗ trợ thêm bất cứ khoản phúc lợi nào”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hậu Lộc là một huyện đông dân bậc nhất tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy lượng lao động cho công ty Ivory rất dồi dào, không phải ai xin vào công ty cũng được, thậm chí nhiều người phải đi “cửa sau” nên phải chăng phía công ty Ivory cũng không cần đến công nhân khi trong thông báo có đoạn: “Những công nhân có nguyện vọng làm việc cho công ty thì ở lại làm việc, còn những công nhân nào thấy các khoản phụ cấp của công ty không thể đáp ứng nguyện vọng của mình thì có thể viết đơn xin thôi việc”?


Chia sẻ