Con vừa thay răng đã phải đi chỉnh răng, nguyên nhân khiến các mẹ "ngã ngửa"

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Quá trình thay răng vĩnh viễn của trẻ là giai đoạn quan trọng bởi hàm răng có ảnh hưởng lớn đến diện mạo của trẻ. Có những bé răng sữa mọc rất đều, đẹp nhưng khi thay răng lại khấp khểnh, nhấp nhô...

Nhiều bà mẹ thường nghĩ rằng cho trẻ ngậm ti giả sẽ giúp bé dễ làm quen với việc ti bình khi mẹ phải đi làm trở lại. Thậm chí, mỗi khi trẻ quấy khóc thì ti giả là "cứu cánh" xoa dịu trẻ dễ dàng… Tuy nhiên, chuyên gia Răng hàm mặt hoàn toàn phản đối điều này.

Con chưa kịp thay hết răng đã phải vội vã đưa đi chỉnh

Quá trình thay răng vĩnh viễn của trẻ là giai đoạn quan trọng bởi hàm răng có ảnh hưởng lớn đến diện mạo của trẻ. Có những bé răng sữa mọc rất đều, đẹp nhưng khi thay răng lại khấp khểnh, nhấp nhô... khiến cha mẹ rất lo lắng.

Mới đây, chị Thu Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) - mẹ của bé Su (8 tuổi) đã chia sẻ về câu chuyện đưa con đi niềng răng khi con mới thay được vài chiếc: "Su nhà mình răng sữa mọc rất đẹp nhưng thay răng mới lại không đều. Nhìn răng con hàng ngày, mình sốt ruột nên sau nhiều ngày cân nhắc đã đưa con đi niềng răng. Khi nói chuyện với các nha sĩ, mình mới hiểu nguyên nhân răng xấu của con. Thông thường, răng xấu là do di truyền, nếu cả bên nội ngoại răng ai cũng đẹp mà răng con xấu là do yếu tố bên ngoài. Ở trường hợp của Su, xét mọi yếu tố loại trừ thì chỉ có ngậm ti giả. Su đã nghiện ti giả suốt 3 năm".

Con vừa thay răng đã phải đi chỉnh răng, nguyên nhân khiến các mẹ ngã ngửa - Ảnh 1.

Không ít trẻ đã 3 - 4 tuổi vẫn "nghiện" ti giả (Ảnh minh họa).

Một trường hợp khác là bé Nấm (đang hợp lớp 3 tại một trường tiểu học khu vực Đống Đa, Hà Nội). Nấm đang thay được khá nhiều răng nhưng mẹ bé rất phiền lòng: "Mỗi lần chụp ảnh, con luôn phải mím chặt môi lại chứ không dám cười tươi như các bạn. Con cũng không còn hay cười như trước kia vì hàm răng bị hô". Mẹ Nấm kể, lúc bé, Nấm cũng từng "nghiện nặng" ti giả, cứ ngậm ti thì mới chịu ngủ và đến 3 - 4 tuổi vẫn còn ngậm. "Lúc ấy, cứ nghĩ con ngậm ti ngoan là được, không biết nó ảnh hưởng đến hàm răng vĩnh viễn của con sau này. Giờ mình đã phải đưa bé đi nha sĩ để định dạng lại răng. Việc này vô cùng vất vả và tốn kém".

Ngậm ti giả - nguyên nhân khiến trẻ mọc răng xấu

Một nghiên cứu của Trường Nha thuộc Đại học Tổng hợp Iowa (Mỹ) tiến hành điều tra trên 327 trẻ có tật mút ngón cái hoặc ti giả từ khi mới sinh tới 4 tuổi cho thấy, trẻ mút ngón cái hay bị vẩu răng cửa hơn, trong khi trẻ mút ti giả lại hay bị trệch khớp cắn.

Giải thích về ảnh hưởng của việc ngậm ti giả lúc bé đến hàm răng vĩnh viễn của trẻ, Tiến sĩ Lê Ngọc Tuyến - Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương - Hà Nội khẳng định: "Dùng ti giả sẽ ảnh hưởng làm cung răng của trẻ thay đổi. Khi trẻ mút ti giả vào miệng sẽ tạo lực ép vào hàm, mút nhiều, liên tục trong thời gian dài càng làm cho hàm chịu áp lực ép mạnh và lâu, làm cho xương hàm không phát triển được ở vùng bị ép. Từ đó khiến cho hàm trên của trẻ bị nhô lên, hàm dưới thì đẩy xuống. Khi răng hàm và răng cửa của trẻ mọc ra sẽ không hợp nhau nữa dẫn đến hiện tượng "khớp cắn hở" hay còn gọi là hô, vẩu".

Con vừa thay răng đã phải đi chỉnh răng, nguyên nhân khiến các mẹ ngã ngửa - Ảnh 2.

Tiến sĩ Lê Ngọc Tuyến - Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương- Hà Nội (bên phải ngoài cùng)

Rất nhiều phụ huynh nhìn con thay răng xấu sốt ruột nên đã vội vã đưa con đi chỉnh răng ngay khi đang thay răng. TS Lê Ngọc Tuyến khuyến cáo: "Đối với các cháu bị lệch răng, thì bắt buộc phải đưa ngay trẻ đến đến bệnh viện, các cơ sở chuyên khoa, nha khoa để khám. Tại đây, các bác sĩ, chuyên gia sẽ chỉ định cho từng trường hợp cụ thể, có những trường hợp phải can thiệp sớm nhưng cũng có những trường hợp phải đợi răng trẻ thay xong thì mới tiến hành được. Không có một trường hợp nào có chỉ định chung, mỗi cháu có một thời điểm khác nhau".

Trong số các sản phẩm tiện ích chăm sóc trẻ nhỏ hiện nay, ti giả, bình sữa gần như là vật thiết yếu được các cha mẹ hiện đại tin dùng. Tuy nhiên, dù là ngậm ti giả hay bú bình sữa thì lạm dụng những việc này cũng đều không tốt cho sức khỏe răng miệng của trẻ. 

Con vừa thay răng đã phải đi chỉnh răng, nguyên nhân khiến các mẹ ngã ngửa - Ảnh 3.

Bắt buộc phải cho con đi khám răng định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần để phát hiện ra các thói quen của bé (Ảnh minh họa).

TS Lê Ngọc Tuyến cũng phân tích thêm một tác hại ít ai ngờ tới của việc cho bé ti bình sữa: "Ti giả hay bình sữa thì cũng vậy, chỉ nên cho trẻ bú bình khi ăn sữa chứ đừng cho trẻ vừa ngậm vừa ngủ. Ngoài việc làm trẻ bị lệch răng, nếu ngậm ti giả của bình sữa nhiều, bé sẽ bị sâu răng. Bởi vì môi trường trong miệng lúc nào cũng có đường, nó sẽ ăn sâu và cụt răng sữa rất nhanh. Nếu dùng thì chỉ cho bé ngậm hút sữa từ 15 - 20 phút. Sau đó phải cho bé uống nước súc miệng, chải răng cho các cháu nếu các cháu đã có răng sữa".

Từ những tác hại nghiêm trọng của việc mút tay, ngậm ti giả, ngậm bình sữa trên, TS Lê Ngọc Tuyến nhắc nhở các phụ huynh: "Nếu trẻ đã mọc răng, tối thiểu bố mẹ phải chải răng cho con trước khi đi ngủ. Khi đã chải răng rồi mà cho bé ăn gì thì phải cho bé uống một ngụm nước. Bắt buộc phải cho con đi khám răng định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần để phát hiện ra các thói quen của bé. Ví dụ như có bé có thói quen mút ngón tay, nhưng có bé thì mút môi, nhiều khi bố mẹ không phát hiện ra nhưng đến nha sỹ họ sẽ phát hiện ngay. Hoặc về bệnh lý nếu không kịp phát hiện, để lâu bị sâu răng nặng sẽ đi vào tủy, điều trị sẽ phức tạp hơn rất nhiều".

Chia sẻ