Con tôi là "đồ bỏ đi" hay chẳng qua là nhà trường chưa biết cách dạy?

Hường Phạm (Ghi) ,
Chia sẻ

Cô chủ nhiệm dùng rất nhiều từ nặng nề để nhận xét về con, cứ như thể con là “đồ bỏ đi”, và ba mẹ của con là những người bỏ bê con cái hoặc không biết dạy dỗ con mình.

Một ngày đẹp trời, tôi nhận được giấy báo mời họp phụ huynh riêng, tức buổi họp đó chỉ có tôi và cô chủ nhiệm lớp Su. Lý do cô đưa ra là vì Su, cậu con trai 6 tuổi của tôi, là học sinh cá biệt (= thành viên “bất trị”) của lớp. Su làm ảnh hưởng tới thành tích học tập của lớp. Su khiến cô rất phiền lòng. Và cô chủ nhiệm lớp Su cho rằng, tôi cần phải có một cuộc-cách-mạng với Su.

Buổi họp phụ huynh riêng kéo dài đúng hai tiếng rưỡi. Không khí vô cùng căng thẳng, dù hầu như chỉ có mình cô chủ nhiệm của Su nói, còn tôi im lặng. Không phải tôi xấu hổ mà vì tôi chẳng biết phải nói thế nào, mà có nói, chắc gì tôi và cô đã có tiếng nói chung. Cô nói con tôi “bất trị”: Lười học, hay quậy phá, dám cãi tay đôi với cô, nói chuyện riêng và ngủ gật trong giờ học, chữ viết quá xấu, làm Toán cũng dở tệ (nói thẳng toẹt ra là con tôi học dốt toàn diện, chẳng có môn nào học ra hồn, trừ môn… thể dục). Rồi cô nói Su quá hiếu động, trong khi các bạn khác ngồi trật tự nghe cô giảng bài thì Su hết ngó dọc lại ngó ngang, chọc bạn này rồi ghẹo bạn kia, có lúc hứng lên Su còn đọc rap “tự chế” nghe rất-phản-cảm. 

Dạy con
Cô nói con tôi “bất trị”: Lười học, hay quậy phá, dám cãi tay đôi với cô, nói chuyện riêng và ngủ gật trong giờ học, chữ viết quá xấu, làm Toán cũng dở tệ (Ảnh minh họa).

Quả đúng là Su rất hiếu động. Con ít khi nào chịu ngồi yên một chỗ. Nếu con chịu ngồi yên một chỗ, chắc chắn đó là lúc con đổ bệnh, con mệt và cứ nằm li bì cả ngày. Su cũng có quan điểm rất rõ ràng: Con thích học thì sẽ học, không cần ép. Khi con đã không thích học, thì dỗ ngọt hay dọa nạt bằng đòn roi cũng không có tác dụng gì. Cô chủ nhiệm dùng rất nhiều từ nặng nề để nhận xét về con, cứ như thể con là “đồ bỏ đi”, và ba mẹ của con là những người bỏ bê con cái hoặc không biết dạy dỗ con mình. Cô chỉ trích Su, mà tôi có cảm giác như cô đang chỉ trích cả gia đình mình vậy. 

Tôi dăm ba lần định nói với cô rằng, cô sẽ làm gì với một đứa trẻ hiếu động? Bắt nó khoanh tay ngồi im một chỗ ư? Cô sẽ ép một đứa trẻ chỉ thích học thể dục kiên nhẫn ngồi làm Toán và rèn chữ như thế nào? Bọn trẻ con vô tư lắm, nó đói thì nói đói, buồn ngủ thì nói buồn ngủ, muốn chơi thì nói muốn chơi, thấy tiết học chán ngắt thì sẽ không muốn học, mình càng gò ép nó làm những điều nó không thích thì nó sẽ phản kháng cực lực thôi. 

Dạy con
Su là đứa trẻ rất hiếu động (Ảnh  minh họa).

Con tôi quá khác biệt so với những đứa trẻ khác, nhưng trên đời này, chẳng có đứa trẻ nào giống nhau tuyệt đối. Cô dạy dỗ những đứa trẻ có tính cách khác nhau như thế nào? Ép chúng vô khuôn khổ bằng một danh sách dài những điều cấm kị: Cấm nói chuyện trong giờ học, cấm đi học trễ, cấm cãi tay đôi với thầy cô, cấm nghịch ngợm…? Điều đó chẳng khác gì việc cô chê màu hồng quá sến, màu vàng quá chói mắt, màu đen quá tối tăm, màu đỏ quá rực rỡ… và thế là cô quyết định trộn lẫn tất cả các bảng màu lại với nhau để tất cả các bức tranh trên đời này đều được vẽ từ một gam màu duy nhất. 

Con tôi không biết nói dối. Tôi không dạy con tôi nói dối. Và tôi hi vọng các thầy cô đừng dạy con tôi học cách nói dối để trở thành một đứa trẻ ngoan. Vì làm gì có đứa trẻ ngoan nào lại biết nói dối? Con tôi không thích học Toán. Nó chỉ mê đá banh. Thầy cô mong con tôi sẽ trở thành nhà Toán học trong khi nó chỉ muốn trở thành cầu thủ đá banh ư? 

Mẹ và con trai
Điểm cao mà áp lực, mệt mỏi, các con phải học thêm ngoài giờ, thầy cô phải quát tháo, bố mẹ phải thúc ép ngày đêm… thì điểm cao để làm gì? (Ảnh minh họa).

Tôi không muốn tranh luận với cô chủ nhiệm về nghiệp vụ sư phạm. Tôi chỉ mong cô hiểu rằng, chúng ta không thể chăm sóc tốt một cái cây khi chúng ta không hiểu hết về đặc tính của nó: Nó có chịu được nhiệt độ cao của ánh nắng Mặt Trời hay không, nó có thích tưới nước nhiều hay không, loại đất nào sẽ giúp nó sẽ phát triển tốt…? Bọn trẻ con cũng vậy. Chúng không phải những con robot, cô hô một tiếng là chúng xếp hàng, hô một tiếng là chúng rồng rắn kéo nhau vô chỗ ngồi, hô thêm tiếng nữa là chúng tự giác lấy sách ra đọc… Kỷ luật thép đôi khi lại giết chết cá tính riêng. Và đừng hi vọng sự sáng tạo sẽ có cơ hội được nảy mầm trong môi trường nhìn đâu cũng thấy nội quy.

Tôi cho Su đi học, không phải để con viết chữ đẹp như sách mẫu, giải Toán siêu nhanh hay đạt thành tích cao để bố mẹ được “nở mày nở mặt”. Mỗi ngày Su đi học về, tôi chỉ hỏi con “Hôm nay con đi học có vui không?”. Một buổi học vui là một buổi học đem lại hiệu quả. Bọn trẻ con cần niềm vui. Niềm vui có sức mạnh diệu kỳ lắm! Điểm cao chưa thể đánh giá được điều gì. Điểm cao mà áp lực, mệt mỏi, các con phải học thêm ngoài giờ, thầy cô phải quát tháo, bố mẹ phải thúc ép ngày đêm… thì điểm cao để làm gì? Su kéo thành tích học tập của lớp đi xuống cũng phải thôi, vì tôi chưa bao giờ thúc ép con học vì điểm số. Nên nếu cô muốn tôi cần phải có một cuộc-cách-mạng với Su, thì tôi xin chịu. Con tôi không cần bất cứ một cuộc-cách-mạng nào cả. 

Dạy con
Nếu buộc phải lựa chọn giữa một bên là “thành tích thi đua của lớp” và một bên là niềm vui đến trường của con, tôi sẽ chọn niềm vui đến trường của con (Ảnh minh họa). 
 
Tôi cho con đến trường là vì chính con, chứ không phải vì danh dự hay kì vọng của tôi, vì danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” của thầy cô hay vì thành tích thi đua của trường. Tôi không bỏ tiền ra để giúp nhà trường thăng hạng trong cuộc chạy đua thành tích. Tôi cũng không bỏ tiền ra để biến con tôi trở thành cái máy “cày điểm”. Cả tôi và Su sẽ chẳng có cuộc-cách-mạng nào. Và nếu buộc phải lựa chọn giữa một bên là “thành tích thi đua của lớp” và một bên là niềm vui đến trường của con, tôi sẽ chọn niềm vui đến trường của con. Tôi sẽ sớm cho con chuyển trường. 

Chia sẻ từ mẹ Mai Thy
Chia sẻ