Con không nghe lời kể từ khi bố bị bà nội mắng

,
Chia sẻ

Một lần cả nhà giật mình khi con anh cãi lại bố: "Bố có chịu nghe lời bà nội đâu mà sao cứ bắt con phải nghe lời".

Cu Tít không tập trung học, bực mình quá anh Chiến mắng con vài câu thế mà bà nội sót ruột bênh cháu, còn mắng lại anh: "Anh làm gì mà ép cháu tôi học tối ngày. Ngày xưa anh mải chơi, cũng đâu chịu học". Báo hại, từ câu nói đó của bà nội mà cu Tít được thể: "Con lười học là giống bố chứ ai". Sau đó Tít chẳng chịu nghe lời bố nữa, nhất định không cho bố kèm học vào buổi tối.

Nhà anh Hùng cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Mẹ anh và anh đều nóng tính nên hay xảy ra xung đột. Bà rất hay mắng anh trước mặt cháu nội, lần nào cũng có câu: "Anh thì có bao giờ chịu nghe lời tôi". Một lần cả nhà giật mình khi con anh cãi lại bố: "Bố có nghe lời bà nội đâu mà sao cứ bắt con  phải nghe lời".(?!)


Những tình huống ông bà bênh cháu khi cha mẹ đang dạy dỗ con không phải là hiếm.

Bất đồng trong việc nuôi dạy trẻ giữa ông bà và bố mẹ của trẻ có thể được giải thích là do sự chênh lệch về thế hệ, tuổi tác, vốn sống... Ông bà luôn cho rằng mình có nhiều kinh nghiệm, còn cha mẹ thì tin vào những tiến bộ của khoa học. Nhưng việc ông bà mắng bố mẹ trẻ trước mặt chúng là điều vô cùng tai hại, nhất là để trẻ phải chứng kiến những cuộc cãi vã không có tính xây dựng. Tai hại đầu tiên có thể thấy là trẻ bị ảnh hưởng từ xô xát của người lớn sẽ khiến chúng tổn thương tinh thần và có thể học theo.

Thứ nữa, việc ông bà mắng mỏ con cái cũng là điều bình thường nhưng khi ông bà mắng bố mẹ chúng trước mặt các cháu thì vô hình chung khiến trẻ có những nhìn nhận khác về bố mẹ. Bố mẹ có thể mất đi cái uy trước mặt trẻ dẫn đến trẻ không sợ và không nghe lời. "Tình yêu thương mạnh hơn roi vọt" nhưng một khi chỉ bằng lời lẽ mà cha mẹ cũng không thể điều trị được trẻ thì sẽ khó mà dạy con nên người được.

Nguy hiểm là khi hai cách dạy vênh nhau thì trẻ sẽ mất phương hướng. Trẻ không nhận thức được điều gì là đúng, điều gì là sai. Thậm chí, có trẻ còn biết “tận dụng” sự nuông chiều của ông bà để “đối phó” với cha mẹ. Dần dần, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của bé.

Theo các chuyên gia tâm lý, cách xử lý tình huống trong trường hợp này là nghiêm túc ngồi nói chuyện với trẻ và trao đổi thẳng thắn với ông bà để thống nhất cách dạy trẻ đúng phương hướng. Trẻ cần được làm gương từ người lớn để học tập nên bố mẹ cũng cần giúp trẻ nhận ra cái đúng, cái sai. Khi góp ý với ông bà thì cần nhẹ nhàng, mềm mỏng. Như trường hợp của anh Chiến sau đó đã góp ý với ông bà: "Chẳng lẽ bố mẹ lại muốn cháu ham chơi, lười học như con?",thì ông bà cũng nhận ra và ôn tồn khuyên bảo Tít.

Kinh nghiệm khi dạy trẻ là kiên nhẫn, nhẹ nhàng và làm gương. Và trong những gia đình có nhiều thế hệ chung sống thì việc dạy dỗ trẻ phải có được sự thống nhất, tránh trường hợp "Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

An Khánh

(Tổng hợp)

Chia sẻ