Con học online tưởng đâu tiết kiệm được chi phí ai dè mẹ Hà Nội phát hoảng khi giảm đâu chưa thấy chỉ thấy "tăng vèo vèo"
Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cả thành phố Hà Nội suốt 2 tháng nay thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Điều này vô tình lại khiến chi tiêu của các gia đình ngày đầu năm học mới trở nên tốn kém hơn trước vì các con học online.
Suốt 2 tháng nay tại Hà Nội, tình hình dịch bệnh luôn có những diễn biến phức tạp khiến việc thực hiện giãn cách xã hội trở nên nghiêm ngặt. Điều này khiến các trường học, các công sở lên kế hoạch học và làm online tại nhà để chống dịch. Tuy nhiên điều này vô tình lại khiến chi tiêu của các gia đình ngày đầu năm học mới trở nên tốn kém hơn trước.
Đó là thực tế chi tiêu của gia đình chị Nguyễn Thị Trang, 44 tuổi ở Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội. Chị Trang là nhân viên truyền thông một công ty ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội với lương tháng 9 triệu đồng. Còn chồng chị là thợ sửa chữa đồ gia dụng của một siêu thị điện máy lương tháng 11 triệu đồng. Tổng thu nhập 1 tháng của 2 vợ chồng nếu đi làm đều đặn được khoảng 20 triệu đồng.
Với mức thu nhập như vậy, vợ chồng chị Trang vẫn đủ chi tiêu cho gia đình 4 người: "Nhà mình có 2 con. 1 con gái năm nay học lớp 12 và 1 con trai năm nay học lớp 10. Do đã có sẵn nhà cửa để ở nên tiền lương kiếm về vợ chồng chỉ trang trải tiền ăn, tiền học và các khoản tiền linh tinh khác. Mỗi tháng mình vẫn để dành được khoảng 8 triệu đồng, chỉ chi tiêu hết 12 triệu".
Chi tiêu tiền học đầu năm học mới: Học online tốn hơn học ở trường gấp đôi
Chi tiêu trước dịch:
Theo bà nội trợ 2 con này cho biết, nếu như năm trước dịch bệnh chưa căng thẳng thì tháng 9 đầu năm học mới mức chi tiêu nhà chị cho tiền học của 2 con chỉ hết khoảng 6,3 triệu đồng. Số tiền này đã bao gồm tiền học phí 1 tháng, tiền sách vở, đồng phục... và tiền đóng góp các khoản đầu năm.
"Sau hơn 2 tuần vào học ổn định thì các trường bắt đầu họp phụ huynh và công khai các khoản thu, trong đó có cả những khoản thu theo quy định và thu theo thỏa thuận. Tuy nhiên tháng đầu tiên của năm học, nhà mình chỉ tiêu khoảng hơn 6 triệu đồng thôi", chị Trang nói.
Cụ thể, với con học lớp 9 và lớp 11 chi tiêu trước dịch và trong dịch của chị Trang như sau:
Do 2 con năm trước đều đang học lớp 9 và lớp 11 nên người mẹ này không phải bỏ tiền mua đồng phục mới mà tận dụng đồng phục cũ mặc. Chị chỉ mua bổ sung 1-2 chiếc áo hoặc đôi giày cho con trai đang học lớp 9. Tất cả các khoản tiền này của 2 con dù ở 2 cấp học khác nhau khá tương đồng và giống nhau. Bởi thế riêng tiền đóng học và mua sách vở đầu năm của 2 con tổng cộng hết khoảng 6,3 triệu đồng.
Chi tiêu ngày dịch:
Tháng 9 năm nay, dịch bệnh chị Trang còn nghĩ các con học online không phải đến trường nên mọi chi phí sẽ nhờ vậy mà giảm đáng kể. Thế nhưng thực tế chi tiêu tiền học đầu năm ở gia đình này năm nay lại tăng lên chóng mặt hơn 16 triệu đồng do có những khoản phát sinh từ việc học online của các con:
- Tiền mua thêm 1 laptop cho con: 13 triệu đồng
Nhà chị Trang chỉ có 1 laptop chị đang làm việc và 1 máy tính bàn cũ cho cô con gái học lớp 12 đang học. Vì thế chị đành phải xuống tiền mua thêm 1 laptop khác cho con trai học online. Chi phí mua thêm laptop mới khiến chị cũng "đi đứt" 1 khoản 13 triệu đồng.
- Tiền mua sách giáo khoa + vở ghi chép + nhãn vở cho 2 con: 1,6 triệu đồng
Năm nay dịch kéo dài nên chị Trang không thể chủ động đưa con đi mua sách giáo khoa trực tiếp ở hiệu sách. Bởi thế chị phải lên mạng đặt mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập online tại một hiệu sách lớn cách nhà 4km.
Song để tiết kiệm chi phí, chị Trang chỉ đặt mua cho con những dụng cụ học tập tối thiểu nhất còn lại vẫn tận dụng tối đa đồ dùng, quần áo năm trước.
Theo bà mẹ 2 con này cho biết, tính đến thời điểm này dù chưa họp phụ huynh nên các trường lớp chưa công khai các khoản đóng góp đầu năm. Nhưng mức chi tiêu của gia đình chị Trang đã vượt gần ½ mức chi tiêu đầu năm học trước: "Năm trước đầu năm học chi tiêu tiền học và các khoản đóng góp đầu năm hết 6,3 triệu đồng/ 2 con. Năm nay dù còn nhiều khoản như tiền học phí, đồng phục chưa được công khai để đóng góp nhưng chi phí đã dâng lên 16,1 triệu đồng. Tính ra đã vượt năm trước 8,3 triệu đồng".
Chi tiêu tiền ăn và điện nước gia đình tốn kém hơn vì cả nhà ở nhà giãn cách nhưng có nhiều khoản cắt giảm nên vẫn ổn định
Chi tiêu trước dịch:
- Tiền ăn: 5.000.000 đồng
Những ngày bình thường khi chưa dịch, nhà có 2 con đi học nên vợ chồng chị Trang thường mua sẵn đồ ăn trong tủ lạnh theo tuần để vừa tiết kiệm vừa tiện chế biến cho các con ăn uống tại nhà rồi mới đi học.
Riêng buổi sáng, có hôm bà mẹ này làm bánh mỳ kẹp thịt nướng và trứng cho con. Có hôm thì chị Trang nấu mì gạo với thịt băm, rau cải. Có hôm thì rang cơm dưa bò. Riêng bữa trưa và bữa tối thì các con đi học về ăn uống cùng cả nhà như bình thường.
- Tiền điện nước: 1.000.000 đồng
Do cả nhà năm trước đi học, đi làm hết nên chi tiêu tiền điện nước không tốn kém. Tháng cao điểm nhất dùng điều hòa buổi tối nhiều mới hết khoảng 1 triệu đồng.
"Như vậy, mỗi một con đóng các khoản đầu năm thường hết khoảng hơn 3 triệu đồng. Tổng 2 con hết khoảng 6,3 triệu đồng tiền học tháng đầu năm. Cộng với khoảng 6 triệu tiền chi tiêu tiền ăn và điện nước nên tháng 9 của gia đình mình thường hết khoảng hơn 12 triệu đồng", chị Trang nói.
- Tiền hiếu hỉ: 2 triệu/tháng
Khi chưa dịch bệnh, do ở gần nhà bà nội ngoại nên nhà chị Trang thường xuyên phải đi thăm hỏi ma chay, cưới hỏi, ốm đau, sinh nhật. Do đó, mỗi tháng tiền hiếu hỉ nhà chị hết khoảng 2 triệu đồng.
Chi tiêu ngày dịch:
Khi dịch bệnh kéo dài, gia đình 4 người nhà chị ở nhà học và làm online thực hiện giãn cách chống dịch thì chi phí chi tiêu gia đình người phụ nữ này vẫn đứng im.
- Tiền ăn: 5 triệu/tháng
Dù cả nhà ở nhà học và làm online chống dịch nhưng tiền ăn nhà chị Trang vẫn được duy trì ở mức này bởi trước đó gia đình 4 người này vẫn ít có thói quen ăn bên ngoài nên không bị ảnh hưởng.
- Tiền điện nước: 2-3 triệu/tháng
Do 2 con và bố mẹ đều ở nhà học và làm việc online nên tiền điện nước mỗi tháng của gia đình này tăng cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp 3 các tháng trước.
"Ở nhà mùa dịch nên máy tính bật liên tục, tủ lạnh cũng ra mở vào mở, quạt trần, quạt cây, điều hòa ở 2 phòng hoạt động hết công suất, nhất là ngày nắng nóng nên điện nước tháng nào cũng tăng.
Có tháng nhà mình tốn 3 triệu tiền điện nước. Ngày dịch nên không đi ra ngoài, khoản tiền hiếu hỉ ma chay không tốn kém nên bù vào điện nước thì mức chi tiêu vẫn như tháng bình thường", chị Trang nhận định.