Cơn địa chấn từ Hollywood tới Hàn Quốc, nhưng #METOO lại chìm nghỉm ở Việt Nam, vì sao?

HH,
Chia sẻ

Phong trào vì nạn nhân tình dục "#metoo" đang ngày một dâng cao tại Hàn Quốc song dường như không được chào đón ở làng giải trí Việt.

#Metoo: Từ Tây sang Đông

Ngày 15/10 năm ngoái, giữa lúc cơn địa chấn Harvey Weinstein đang khuynh đảo Hollywood, phong trào "metoo" - vì nạn nhân tình dục - đã được khởi xướng bởi ngôi sao phim Phép thuật Alyssa Milano thông qua một dòng "tweet" trên Twitter: "Một người bạn đã đề nghị tôi thế này, nếu tất cả phụ nữ từng bị quấy rối hay tấn công tình dục cùng đăng trạng thái "#metoo" (tôi cũng thế), chúng ta có thể khiến cho mọi người nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này".

Cơn địa chấn từ Hollywood tới Hàn Quốc, nhưng #METOO lại chìm nghỉm ở Việt Nam, vì sao? - Ảnh 1.

Hàng trăm ngôi sao hạng A, bao gồm nhiều tên tuổi quen thuộc với công chúng Việt Nam như Angelina Jolie, Jenifer Lawrence, Gwyneth Paltrow, Uma Thurman, Lady Gaga, Ellen DeGeneres... đã lên tiếng ủng hộ "metoo".

Hollywood đã dậy sóng bởi "#Metoo". Hàng trăm ngôi sao hạng A, bao gồm nhiều tên tuổi quen thuộc với công chúng Việt Nam như Angelina Jolie, Jenifer Lawrence, Gwyneth Paltrow, Uma Thurman, Lady Gaga, Ellen DeGeneres... đã lên tiếng ủng hộ "#Metoo".

Sức ép của "#Metoo" đã làm ông trùm Harvey Weinstein đã phải trả giá đắt. Dù không nhận lỗi và cũng không bị xử lý hình sự, Harvey Weinstein cũng bị loại trừ ra khỏi Hollywood, bị thu hồi danh hiệu Bắc đẩu bội tinh, bị vợ bỏ và đối mặt với nguy cơ phá sản.

Cơn địa chấn từ Hollywood tới Hàn Quốc, nhưng #METOO lại chìm nghỉm ở Việt Nam, vì sao? - Ảnh 2.

Sức ép của "#Metoo" đã làm ông trùm Harvey Weinstein đã phải trả giá đắt.

Sau Harvey Weinstein, nhiều "quý ông" khác của Hollywood đã phải ra trình diện trước ánh sáng "#Metoo". Điển hình là danh hài Bill Cosby, người từng đoạt 9 giải Grammy trong sự nghiệp và được nhiều thế hệ khán giả Mỹ yêu mến gọi là "America’s Dad" (Ông bố Mỹ).

Bill Cosby bị 50 phụ nữ cáo buộc đã tấn công tình dục họ trong quá khứ. Kém may mắn hơn Harvey Weinstein, một trong 50 người phụ nữ đó có bằng chứng đủ thuyết phục để Bill Cosby bị kết án 30 năm tù ở tuổi 80. Kết luận của công tố viên về vụ Bill Cosby có thể được xem là mẫu số chung cho phần lớn các vụ việc tấn công tình dục ở Hollywood nói riêng và thế giới giải trí nói chung: "Ông ta đã sử dụng sự nổi tiếng, sự giàu có và mạng lưới người hâm mộ đông đảo để giúp che dấu các tội lỗi của mình".

Thành công của "#Metoo" ở Hollywood đã khiến nó được chào đón long trọng khi tới làng giải trí xứ sở kim chi. Và không có gì ngạc nhiên khi phần lớn những cái tên bị tố cáo đều là các ông lớn của điện ảnh xứ Hàn, những người luôn được ca ngợi vì tài năng, sự cống hiến, tầm ảnh hưởng và cả... nhân cách cao đẹp.

Kẻ đầu tiên bị vạch trần là nam tài tử 52 tuổi Jo Min Ki - ngôi sao Hallyu quen thuộc với khán giả truyền hình Việt Nam. Hơn 20 nạn nhân đã lên tiếng tố cáo những hành vi quấy rối tình dục thô tục của Jo Min Ki, trong đó có nhiều người là sinh viên của ông. Khác với Harvey Weinstein và khác với cả Bill Cosby, Jo Min Ki đã thừa nhận tội lỗi. Nhưng không có phiên tòa nào diễn ra, bởi chỉ vài ngày sau, nam tài tử tự tìm đến cái chết.

Cơn địa chấn từ Hollywood tới Hàn Quốc, nhưng #METOO lại chìm nghỉm ở Việt Nam, vì sao? - Ảnh 3.

Nam tài tử Jo Min Ki đã tìm tới cái chết sau khi thừa nhận các cáo buộc tấn công tình dục.

Một "danh sách đen" các gương mặt "quý ông" khác tiếp tục bị lật tẩy. Nam diễn viên gạo cội Choi Il Hwa, đại thi sĩ Ko Un, đạo diễn Lee Yoon Taek, đạo diễn Oh Tae Suk, nam diễn viên Cho Jae Hyun, nam diễn viên Oh Dal Soo, nam diễn viên Han Myung Goo ... Và Kim Ki Duk - tượng đài điện ảnh Hàn Quốc.

Phần lớn các "quý ông" trong danh sách nói trên đã bị sức mạnh của "#Metoo" làm cho phải nhận lỗi và chấp nhận mất các danh vị mà họ đã phấn đấu cả cuộc đời để đạt được.

Ngoại trừ Kim Ki Duk - vị đạo diễn lừng danh mà công chúng Hàn đang chờ xem "#Metoo" sẽ làm gì được "Ngài".

Cơn địa chấn từ Hollywood tới Hàn Quốc, nhưng #METOO lại chìm nghỉm ở Việt Nam, vì sao? - Ảnh 4.

"Danh sách đen" của "#Metoo" Hàn Quốc có tên tượng đài điện ảnh Kim Ki Duk.

Điều khiến những người tham gia phong trào "#Metoo" ở Hàn Quốc cảm thấy có động lực chính là việc vụ đại án liên quan đến nữ diễn viên quá cố Jang Ja Yeon được lật lại. Trước khi tự sát, ngôi sao phim "Vườn sao băng" đã để lại di thư tố cáo hàng loạt cái tên có máu mặt trong làng giải trí xứ Hàn đã cưỡng hiếp cô. Công chúng Hàn hi vọng rằng tiếng nói của "#Metoo" sẽ đủ mạnh để lôi những kẻ đó ra ánh sáng, an ủi linh hồn của Jang Ja Yeon.

Cơn địa chấn từ Hollywood tới Hàn Quốc, nhưng #METOO lại chìm nghỉm ở Việt Nam, vì sao? - Ảnh 5.

Một bài báo về bức di thư của Jang Ja Yeon tố cáo 31 kẻ đã tấn công tình dục cô.

Khát vọng nổi tiếng và luật im lặng

Shin Hee Joo - đạo diễn, nhà sản xuất phim kiêm thành viên tích cực của phong trào "#Metoo" - nói trên tờ New York Times rằng: "Có một "nền văn hóa hãm hiếp"… tồn tại ở Hàn Quốc."

Nữ đạo diễn cho rằng, nền văn hóa này được gây dựng nên bởi "văn hóa im lặng" của nữ giới ở nơi mà nữ quyền không thực sự được coi trọng như phương Tây. Bằng chứng là Jang Ja Yeon khi lấy hết dũng cảm để viết ra danh sách những tên đồi bại thì sau đó cô đã chọn cách từ bỏ cuộc sống. Nạn nhân của nam tài tử gạo cội Choi Il Hwa phải chờ đến lúc biết mình bị ung thư sắp chết mới quyết định phơi bày sự thật từ 25 năm trước. Nạn nhân của Kim Ki Duk cũng chỉ tố cáo khi ý thức được rằng bản thân không còn gì để mất, danh vọng sự nghiệp, giấc mơ hào quang đã tan biến từ lâu cùng sự khủng hoảng tâm lý không thể hồi phục.

Nhưng, không chỉ ở phương Đông. Ngay tại Hollywood, nơi nữ quyền luôn được đề cao, "luật im lặng" cũng được thực thi với các cô gái trẻ chân ướt chân ráo tìm một chỗ đứng ở thiên đường điện ảnh.

Trong một buổi thuyết trình hưởng ứng "#Metoo", nữ minh tinh Jennifer Lawrence đã thú nhận quá khứ bị quấy rối nhưng cô đã giữ im lặng trong sợ hãi và chấp nhận, tất cả chỉ vì khao khát được làm nghệ thuật, được nổi tiếng.

Cơn địa chấn từ Hollywood tới Hàn Quốc, nhưng #METOO lại chìm nghỉm ở Việt Nam, vì sao? - Ảnh 6.

"Nếu tôi tố cáo họ, con đường đến với điện ảnh sẽ hoàn toàn khép lại. Hollywood sẽ đóng cửa vĩnh viễn với tôi. "

"Nếu tôi tố cáo họ, con đường đến với điện ảnh sẽ hoàn toàn khép lại. Hollywood sẽ đóng cửa vĩnh viễn với tôi. Lý do đơn giản, những kẻ quấy rối có quyền lực vô đối, và họ thường câu kết với nhau để hại một diễn viên mới vào nghề như tôi. Trong thế giới của giấc mơ điện ảnh, kẻ "chân ướt chân ráo" bao giờ cũng con mồi cho những tay thợ săn tình dục. Họ không được cư xử một cách bình đẳng và tôn trọng. Rất nhiều cô gái đã và đang trở thành nạn nhân.", Jennifer Lawrence cho hay.

Nhìn sang Việt Nam, bức tranh có lẽ cũng không có nhiều khác biệt.

#Metoo có được chào đón ở Việt Nam?

Còn nhớ, giữa lúc địa chấn mang tên Harvey Weinstein nổ ra ở Hollywood, cựu người mẫu Vũ Thu Phương đã lên tiếng chia sẻ về việc từng bị "ông trùm" gạ tình. Câu chuyện của Vũ Thu Phương chỉ xôn xao được vài ngày, sau đó rơi tõm vào im lặng.

Đã có lác đác vài người mẫu, ca sĩ hạng trung cất tiếng chia sẻ về quá khứ từng bị quấy rối, gạ tình bởi bầu show hay đại gia. Nhưng những chia sẻ của họ như ném đá ao bèo. Mặt nước showbiz Việt chẳng vì thế mà gợn sóng. Dù rằng, chuyện đổi bán xác thân để tiến thân trong showbiz Việt vẫn được nhắc tới như cơm bữa.

Tất nhiên, có lí do để các nghệ sĩ im lặng, bao gồm cả những người là nạn nhân và không phải nạn nhân.

Giống như ở Hollywood hay Hàn Quốc, các nạn nhân của quấy rối tình dục thường không có bằng chứng gì trong tay. Thời điểm họ gặp nạn lại thường cách qua xa thời điểm họ lên tiếng. Chứng cứ không đủ, họ không thể buộc tội được ai, không thể lấy niềm tin ở công chúng, không thể chống lại lực lượng người hâm mộ đông đảo của thủ phạm (vốn thường là các ngôi sao nổi tiếng) và càng không thể bảo vệ được bản thân trước pháp luật.

Cơn địa chấn từ Hollywood tới Hàn Quốc, nhưng #METOO lại chìm nghỉm ở Việt Nam, vì sao? - Ảnh 7.

"Metoo" đã không lan tới Việt Nam dù đang làm khuynh đảo nhiều làng giải trí lớn trên thế giới.

Rất có thể việc đứng ra tố cáo sẽ khiến họ bị rơi vào lao lý, bị biến thành kẻ vu khống. Hoặc nhẹ nhàng nhất là bị dán mác những con mồi đu bám vào danh tiếng của các "quý ông" hạng A hòng có một nấc tiến mới trên bậc thang danh vọng. Chỉ riêng việc mỗi ngày đều nhận được vô vàn những chỉ trích, phỉ báng, miệt thị từ lực lượng fan cuồng của thủ phạm đã đủ dìm chết chút dũng khí cuối cùng của các nạn nhân.

Trong khi ấy, những đồng nghiệp thân thiết cũng rất ngại lên tiếng. Bởi hoặc là họ cũng đang chênh vênh trên tìm một chỗ đứng không thể vì bạn mà đánh đổi. Hoặc là họ đang có chỗ đứng vững chắc, không thể liều lĩnh làm điều gì có thể gây tổn hại tới bản thân. Nhất là khi thủ phạm luôn mạnh.

Nói như Jennifer Lawrence: "Những kẻ quấy rối có quyền lực vô đối". Còn nói như vị công tố viên trong vụ án Bill Cosby thì những kẻ quấy rối luôn biết cách "sử dụng sự nổi tiếng, sự giàu có và mạng lưới người hâm mộ đông đảo để giúp che dấu các tội lỗi của mình".

Luật im lặng vì thế luôn được thực thi và thậm chí là tôn sùng.

Cách duy nhất để có thể đưa thủ phạm ra ánh sáng là cùng nhau lên tiếng, cùng "#Metoo" để tạo ra sức ép dư luận thì phần lớn nghệ sĩ còn vô cùng dè dặt. Hai chữ "#Metoo" vì thế sẽ khó có chỗ đứng trong lòng bàn tay của làng giải trí Việt.

Cơn địa chấn từ Hollywood tới Hàn Quốc, nhưng #METOO lại chìm nghỉm ở Việt Nam, vì sao? - Ảnh 8.

Hai chữ "#Metoo" sẽ khó có chỗ đứng trong lòng bàn tay của làng giải trí Việt.

Mỗi khi một scandal tình ái nào xảy ra trong showbiz, người ta luôn mượn câu thành ngữ dân gian để phán đoán "Không có lửa thì sao có khói". Nhưng điều đáng buồn là, nếu "#Metoo" không được chào đón, showbiz Việt sẽ luôn có lửa mà không bao giờ có khói.

Chia sẻ