"Cô giáo không nghỉ hưu" và câu chuyện về "bộ giáo án" siêu đặc biệt đến mức ai cũng phải thốt lên: Chỉ có thể là 1 người thôi!

ĐX,
Chia sẻ

Nghề nào bạn đi làm cũng được trả lương và có tuổi nghỉ hưu, nhưng có 1 nghề cho đi mà không cần nhận lại, cũng chẳng có thời gian nghỉ hưu. Họ làm được những việc đến chính bản thân mình cũng chưa từng nghĩ rằng mình có thể...

Người ta bảo mỗi trái tim bà mẹ là một kỳ quan thế giới. Nó sinh động và đặc biệt đến mức chẳng có kỳ quan nào giống kỳ quan nào. 

Mẹ là tất cả: Là mẹ, là bà nội trợ, là osin, là quản gia... và là cả cô giáo nữa. Đó là với những đứa trẻ bình thường, còn với những trẻ tự kỷ thì cô giáo trong mỗi bà mẹ còn cực kỳ vất vả với tư duy sáng tạo, sự kiên nhẫn không ngừng nghỉ. Chuyện của Ong và mẹ là một ví dụ.

Nghề không nghỉ hưu và câu chuyện về "bộ giáo án" đặc biệt khiến ai cũng phải thốt lên: Chỉ có thể là mẹ thôi! - Ảnh 1.

Con còn nhỏ thì miệt mài học để can thiệp cho con biết nói, biết hỏi, biết trả lời, dạy từng kỹ năng vận động tinh, vận động thô, tự chăm sóc bản thân, biết tự đi vệ sinh, bớt những khó khăn về rối loạn giác quan. Đến lúc được đi học, thì lo làm sao để người ta nhận con vào học. 

Con vào được lớp 1 rồi thì lo học tiếp để đồng hành cùng con, giúp con làm sao vừa học được bằng chúng bạn lại vừa hòa nhập được với trường với lớp, được bạn bè thầy cô chấp nhận, biết chơi biết nói chuyện với các bạn. 

Mỗi năm học qua đi, cha mẹ trẻ bình thường tíu tít khoe nhau bảng điểm chói lòa, cha mẹ trẻ đặc biệt thì chỉ cần con được lên lớp, được tiếp tục nhận vào học là đã hạnh phúc lắm rồi chứ nói gì đến giấy khen hay giải thưởng.

Nghề không nghỉ hưu và câu chuyện về "bộ giáo án" đặc biệt khiến ai cũng phải thốt lên: Chỉ có thể là mẹ thôi! - Ảnh 2.

Như chị Bạch Thùy Linh - Nguyệt Ca (Mẹ Ong) so sánh thì "việc làm cha mẹ trẻ bình thường là 1 công việc chỉ cần tốt nghiệp đại học, thì nghề làm cha mẹ những em bé đặc biệt cần bằng thạc sĩ, tiến sĩ". 

Nói thế để thấy các bà mẹ có con tự kỷ đã phải can trường như thế nào chỉ để mong 2 từ cho con, không phải là học giỏi, chẳng phải thành công, cũng chẳng phải đầu bảng mà là... hòa nhập.

Dù Ong (năm nay lên lớp 3) vẫn luôn đứng top 3 của lớp suốt năm lớp 1 và 2, ít nhất ở các môn bằng tiếng Anh. Thì mỗi tối, ngoài việc kèm con làm bài tập ở lớp như các bạn bình thường, mẹ Ong lại phải nghĩ giáo án giúp con học thêm về ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi, tập cho con các bài tập vận động... 

Rồi lại tự nhủ, thế này chưa là gì đâu, khi con vào tuổi dậy thì còn khó khăn nữa, giờ mà đã nản, đã buông thì giai đoạn sau biết làm thế nào? Cứ như thế mà chiến đấu cùng con, mà niềm vui và nỗi buồn đủ cả nhưng trái tim thì lúc nào cũng đong đầy yêu thương.

Giai đoạn này, mẹ Ong tập trung vào tìm nguồn các câu chuyện xã hội để giúp Ong điều chỉnh các hành vi chưa tốt, cải thiện kỹ năng giao tiếp. Truyện nào có sẵn ở các app mua được của các nguồn từ nước ngoài, mẹ cùng Ong đọc thẳng bằng tiếng Anh, rồi mẹ lại dịch ra tiếng Việt, đè tiếng Việt lên phần chữ tiếng Anh, in ra cho cô giáo đọc cho Ong ở trường hàng ngày. Có những truyện mẹ phải tự nghĩ ra rồi chỉnh sửa trên thực tế của Ong như truyện dưới đây "Pusheen học cách kiềm chế tức giận".

Nghề không nghỉ hưu và câu chuyện về "bộ giáo án" đặc biệt khiến ai cũng phải thốt lên: Chỉ có thể là mẹ thôi! - Ảnh 3.

Bộ giáo án đặc biệt mẹ mất rất nhiều công sức tâm huyết và cả tình yêu dồn vào để "soạn" cho Ong.

Để giải thích về "bộ giáo án" trông đơn giản mà kỳ công hết sức này, mẹ Ong cho biết chị mượn tứ truyện của cô, phần cách giải quyết để kiềm chế cơn tức giận, mẹ cho Ong chọn 3 trong số 10 cách mẹ gợi ý ra, nhân vật Pusheen là do Ong chọn, Ong thích... 

Tổng hợp tất cả các thứ đó vào, mẹ nhờ chú nhân viên designer của công ty mẹ thiết kế thành bản in màu đẹp mắt, đóng gáy xoắn, vài ngày lại đảo lại cho nhớ. Nhân vật trong truyện cũng chọn những con vật quen thuộc trong nhà. Pusheen là con mèo ở nhà Ong rất yêu và đặt tên. 

Rồi mẹ lại quan sát, để ý xem Ong đang thiếu kỹ năng nào, chậm phát triển ở mặt nào về giao tiếp, hành vi, lại lui cui ghi vào điện thoại, lúc nào đầu óc rảnh lại sáng tác truyện để dạy Ong.

Nghề không nghỉ hưu và câu chuyện về "bộ giáo án" đặc biệt khiến ai cũng phải thốt lên: Chỉ có thể là mẹ thôi! - Ảnh 10.

Phương pháp này được mẹ Ong gọi là dùng câu chuyện xã hội. Cách thức là:

1. Đọc thường xuyên cho trẻ để trẻ ghi nhớ cách xử lý, vì câu chuyện xã hội thường có 3 phần: vấn đề - nguyên nhân - giải pháp. Trẻ cần hiểu nguyên nhân và ghi nhớ giải pháp.

2. Giải pháp này cần được thảo luận trước với trẻ. 

3. Khi trẻ bắt đầu cơn bùng nổ, cô/mẹ sẽ nhắc nhở trẻ về giải pháp mà trẻ đã đồng ý từ trước. Khi mọi người nhắc Ong về 3 giải pháp Ong chọn, con đã nhanh chóng kìm nén cơn bùng nổ, có lần thì tự cho tay vào túi quần và đi bộ 1 đoạn để tự xoa dịu, có lần không mặc quần có túi thì con nói "con sẽ vẽ số 8" và tự vẽ số 8 trên không trung. Khi con tập trung vào hành động, con sẽ dần quên mất cơn bùng nổ của mình. Các cơn bùng nổ có giảm rõ rệt.

Mẹ Ong cho biết hiệu quả của câu chuyện rất tuyệt. Hồi nhỏ, khi bạn ấy tức giận và không kiềm chế được, bạn ấy có thể cấu, đánh, thậm chí cắn người làm cho bạn ấy giận. Sau 5 năm can thiệp, tần suất các cơn giận giảm dần, hành vi cắn đã mất, chỉ còn thỉnh thoảng cấu nhẹ hoặc đánh nhẹ nhưng không gây thương tích. 

Câu chuyện xã hội không phải phương pháp can thiệp duy nhất nhưng cũng góp phần khá lớn để trẻ đặc biệt giảm hành vi và học cách kiềm chế cảm xúc. Thời gian thay đổi cũng tính bằng năm và nhiều năm chứ không phải vài ngày.

Chia sẻ