"Cò" bệnh viện lại ngang nhiên "bán" bệnh nhân cho phòng khám để kiếm lời

Quốc Hùng,
Chia sẻ

Tiếp cận với những người có nhu cầu muốn khám nhanh, những đối tượng là “cò” chuyên nghiệp đưa bệnh nhân đến một cơ sở ở gần đó để khám. Thực tế của hành động này là “cò” đang “bán bệnh nhân” cho phòng khám để kiếm lời.

Khởi đầu từ “cò” bán sổ y bạ

Trước những thông tin phản ánh của nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về việc “cò” sổ khám, "cò" lấy số thứ tự phòng khám ở bệnh viện K (Quán Sứ, Hà Nội) lộng hành khiến cho nhiều người bức xúc, chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu sự việc. 

Theo đó, để bán được sổ, các đối tượng thường lôi kéo bệnh nhân với lời chào hấp dẫn: Mua sổ khám bệnh nhanh. “Cò” lại có mối quan hệ thân thiết với các y, bác sỹ nên làm thủ tục cho bệnh nhân không phải chờ đợi.

Trong vai bệnh nhân đi khám bệnh tại Bệnh viện K (Quán Sứ, Hà Nội), chúng tôi không khỏi ù tai với hàng loạt những lời chèo kéo từ những “cò” bán sổ, số thứ tự khám đến "cò" hứa hẹn đưa trực tiếp vào phòng khám. Thấy tôi có vẻ "lơ ngơ", một phụ nữ trạc 40 tuổi rỉ tai: "Để chị giúp cho, chứ xếp theo số thứ tự có đợi cả ngày cũng chưa chắc đã có, vừa mất thời gian lại tốn công sức chờ đợi. Mất có 250 nghìn đồng được vào phòng khám luôn, ưu tiên tặng em luôn sổ khám”.

Thấy tôi lắc đầu từ chối, người phụ nữ vừa đi khuất bóng, anh Nguyễn Công Kh., một người nhà bệnh nhân bức xúc chia sẻ: “Tôi đưa người nhà đi viện khám từ sớm, mới 5h30 phút nhưng “cò” y tế đã đứng nhan nhản. Mình ở số thứ tự thứ 8 nhưng đã đến cả chục người vào khám rồi mà vị trí thứ 8 vẫn cứ bị đẩy xuống sau những người không số. Thấy vậy, bản thân tôi và những người ở số thứ tự phía sau cũng rất bức xúc. Có hỏi thì được trả là họ lấy số trước nhưng chẳng lẽ lại có đến 3-4 số thứ tự 7 hay sao?”.

Thủ đoạn mới “bán bệnh nhân” của  “cò” bệnh viện
Hình ảnh được cho là “cò” lộng hành do người nhà bệnh nhân phản ánh.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, với tâm lý muốn được khám nhanh, không phải chờ đợi lâu, nhiều người nhẹ dạ cả tin nên bị mất tiền oan. Theo đó, thủ đoạn của "cò" bệnh viện là lân la làm quen, chào mời bệnh nhân mua sổ khám bệnh với giá 10 ngàn đồng (giá này có đắt hơn giá mua tại bệnh viện khoảng 5 ngàn đồng). Sau đó, họ lừa bệnh nhân rằng có cách để "nhảy số", không cần chờ đợi vẫn được khám nhanh, chỉ cần bệnh nhân chi khoảng 200 - 300 nghìn đồng. 

Chán cảnh chờ đợi, sốt sắng muốn được khám nhanh, không ít bệnh nhân đã sa bẫy "cò". Thế nhưng, ngay sau khi cầm tiền của bệnh nhân, những kẻ này đã lợi dụng cơ hội lặn mất tăm. Nếu bệnh nhân có thắc mắc hoặc đòi trả lại tiền, chúng sẵn sàng giở thói côn đồ dằn mặt. Tuy nhiên, khi đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi còn phát hiện một thủ đoạn khác của “cò”...

Ngang nhiên bán... bệnh nhân

Tình trạng "cò" lộng hành không chỉ ở bệnh viện K mà ngay tại bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội, các đối tượng "cò" cũng thường xuyên xuất hiện. Qua tìm hiểu chúng tôi cũng được biết, "cò" không chỉ lộng hành tại khu vực trước cổng các bệnh viện mà họ còn ngang nhiên lấn sân vào trong khuôn viên của các bệnh viện rồi dùng một thủ đoạn mới tinh vi hơn là “bán bệnh nhân”.

Với chiêu bài chung tiếp cận, làm quen, rồi rỉ tai bệnh nhân rằng biết nơi khám bệnh uy tín, nhanh và không phải mất công chờ đợi. Họ bắt chuyện và tỏ ra tốt bụng, thông cảm với bệnh nhân: “Tôi giúp chị không công, đưa đến chỗ khám nhanh chị chỉ cần trả giúp tôi tiền xe ôm. Khoảng cách gần tiền xe ôm chỉ khoảng 15-20 nghìn đồng" và “cò” này giữ lời hứa không lấy gì thêm. Nghe bùi tai, không ít người bệnh sập bẫy "cò". Và, chỉ bởi phương thức ấy, mỗi người những người này kiếm được cả triệu đồng tiền xe ôm và "hoa hồng" phòng khám/ ngày.

Theo đó, ngoài số tiền "xe ôm" thu của bệnh nhân, những "cò" này sẽ được hưởng một khoản không nhỏ từ phía phòng khám. Đương nhiên, người chịu thiệt lớn nhất là người bệnh. Bởi, những phòng khám này sẽ "chặt chém" phí khám bệnh với giá rất cao. Tuy nhiên, ở đây việc tổn thất về kinh tế của người bệnh chỉ là một khía cạnh, nhưng cái hại từ những việc đó thì nghiêm trọng hơn. Trong khi bệnh hiểm nghèo mà lại đến những cơ sở không đảm bảo về trang thiết bị và tay nghề bác sĩ thì tính mạng bệnh nhân sẽ khó được đảm bảo.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, mặc dù các bệnh viện và cơ quan chức năng cơ sở có mối liên hệ, phối kết hợp với nhau nhằm chấn chỉnh lại trật tự tại các bệnh viện. Tuy nhiên, hàng trăm người bệnh vẫn phải trả giá khá đắt cho việc rơi vào "mê cung" do "cò" bày ra, đặc biệt là những người bệnh và người nhà bệnh nhân ở các tỉnh, thành khác đến Hà Nội khám chữa bệnh.

Bệnh viện biết nhưng cần thời gian để giải quyết

Để làm rõ về vấn đề, PV đã liên hệ làm việc với ông Bùi Công Toàn – PGĐ Bệnh viện K (Quán Sứ, Hà Nội). Trong buổi làm việc ông Toàn thừa nhận, hầu hết các Bệnh viện đều có những tình trạng như vậy. Bệnh viện K cũng có nắm được tình trạng này. Tuy nhiên, ông Tòan cho rằng, để giải quyết tình trạng này không thể trong thời gian ngắn mà cần có thời gian.

Thủ đoạn mới “bán bệnh nhân” của  “cò” bệnh viện
Bác sĩ Bùi Công Toàn – PGĐ Bệnh viện K (Quán Sứ, Hà Nội).

“Để giải quyết được vấn đề này bệnh viện đã phối hợp với các đơn vị như tổ bảo vệ, bên công an phường hỗ trợ thường xuyên, công an quận, công an thành phố thường xuyên kiểm tra nên tình trạng này đã giảm. Trong 6 tháng gần đây tình trạng này đã lắng xuống rất nhiều. Lắng xuống ở đây là một phần đã giảm đi rõ rệt nhưng cũng có thể đã chuyển sang những hình thức khác tinh vi hơn, kín đáo hơn nhưng có lẽ... dã man hơn”, ông Toàn cho biết.

Ông Toàn cũng cho biết thêm: “Vấn đề bán y bạ, dẫn người bệnh ra ngoài khám là vấn đề thông thường nhất. Bệnh viện cũng đã cam kết với Bộ y tế là giải quyết việc khám bệnh một cách nhanh nhất. Đối với những bệnh thông thường thì giải quyết trong nửa ngày. Loại bệnh cần phải can thiệp bằng công nghệ cao mất vài ngày thì trong 3 ngày là xong, bệnh nghiêm trọng hơn thì trong 1 tuần. Tránh để cho bệnh nhân rơi vào guồng máy lừa đảo của "cò". Bên cạnh đó, chủ trương xây dựng các tuyến bệnh viện tỉnh, bệnh viện vệ tinh để giảm bớt gánh nặng cho bệnh viện Trung ương cũng đang dần phát huy tác dụng”.

PGĐ Bùi Công Toàn cũng đưa ra lí giải: “Chúng tôi đã quan tâm và đi sâu vào tìm hiểu những nơi xuất hiện những thông tin bàn tán về những vấn đề “cò” liên quan trực tiếp đến nhân viên của bệnh viện. Vì vậy tất cả các cá nhân đều phải kí với trưởng khoa, trưởng khoa kí với giám đốc phải đeo biển. Nếu chúng ta chú ý quan sát, “cò” thường là những người không đeo biển, mặc quần áo bình thường. Nhiều khi ta thấy mười mươi là nhân viên của mình hỏi đi đâu thì liền nhận được câu trả lời “nay cháu nghỉ trực, cháu dẫn người nhà đi khám”. Giữa hai cái quyền của người ta và quy định lại khó, đây cũng là cái tinh vi và dã man hơn rất nhiều bởi mối hại của nó lớn. “Cò” bây giờ nó biến tướng thành các hình thức khác, nó mới và tinh vi hơn rất nhiều”.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân khi đến khám bệnh tại các bệnh viện cần thực hiện đúng các thủ tục, quy trình khám bệnh của bệnh viện, tránh để các đối tượng “cò mồi” lợi dụng để thu lợi cá nhân, gây ảnh hưởng đến trật tự chung của xã hội.

Chia sẻ