Có bằng tiến sĩ tại Mỹ vẫn vật lộn tìm cách mưu sinh

Vigro (Lược dịch theo New York Times),
Chia sẻ

Những lời tâm sự cay đắng của các tiến sĩ tại Mỹ về công việc họ đang làm có thể làm tan vỡ giấc mộng học hành, nghiên cứu của nhiều người.

Phỏng vấn một nhóm các tiến sĩ trong các lĩnh vực như: lịch sử, tâm lý, ngôn ngữ… tại thành phố Manhattan – Mỹ, tất cả họ đều khẳng định đã dành rất nhiều năm học tập, nghiên cứu để có thể đạt được học vị này.

Tuy nhiên, dù là lựa chọn của bản thân hay do hoàn cảnh xô đẩy, không có một ai trong số họ có cơ hội làm công việc giảng dạy và nghiên cứu tiếp lên giáo sư, tất cả đều đang làm những công việc trái nghề để kiếm sống, thậm chí có người sống phải vật lộn, tằn tiện với mức thu nhập chỉ vỏn vẹn 9000$/năm (tương đương 189 triệu đồng).

Có bằng tiến sĩ tại Mỹ vẫn vật lộn tìm cách mưu sinh 1
Adam Capitanio, tiến sĩ nghiên cứu về nước Mỹ tại Đại học Michigan.
Hiện anh đang là trợ lý biên tập ở nhà xuất bản Berghahn Books.


Adam Capitano – người vừa nhận được bằng tiến sĩ nghiên cứu về nước Mỹ tại đại học Michigan vào năm 2012 sau 9 năm ròng học tập, tâm sự rằng anh đã dành 3 năm để tìm kiếm một công việc mang tính chất học thuật và nghiên cứu. Anh nộp đơn cho ít nhất 60 công việc tại Bắc Mỹ nhưng chưa bao giờ được gọi đi phỏng vấn một lần.

Hiện tại, anh chấp nhận làm trợ lý biên tập cho một nhà xuất bản để kiếm tiền trong khi đó vẫn loay hoay đặt ra một kế hoạch dài hơi hơn cho mình. “Tôi gần như tuyệt vọng trước khi nhận làm công việc này. Giờ tôi chấp nhận nó để có thời gian tìm hiểu xem mình thực sự muốn gì.”

Thực tế, trường hợp như tiến sĩ Capitanio không phải là hiếm gặp. Theo một khảo sát của Hiệp hội Khoa học quốc gia Hoa Kì thực hiện năm 2011, 35% số người nhận bằng tiến sĩ và 43% tiến sĩ ngành khoa học nhân văn không ký được bất kỳ hợp đồng làm việc nào sau khi hoàn thành luận án. Có rất nhiều người trong số đó tình nguyện đi tìm một công việc khác để có mức lương cao hơn hoặc gần gũi với thực tiễn hơn là tiếp tục thực hiện các công trình, dự án nghiên cứu.

Có bằng tiến sĩ tại Mỹ vẫn vật lộn tìm cách mưu sinh 2
Karen Shanton, tiến sĩ Triết học, Đại học Rutgers. Hiện cô đang là
chuyên viên phân tích việc làm ở Hội Lập pháp quốc gia Hoa Kì.


Do đó, có rất nhiều nhóm như nhóm tiến sĩ ở Manhattan đã được lập ra trong các thành phố lớn khắp nước Mỹ như New York, Chicago, Los Angeles… nhằm để các tiến sĩ giúp đỡ lẫn nhau, tư vấn trong việc hoàn thiện đơn xin việc, tiếp thị bản thân để tìm kiếm những công việc ngoài nghề.

Vấn đề nằm ở chỗ, với tiến sĩ những ngành khoa học tự nhiên (công nghệ, kỹ thuật, toán học…), công việc trong các lĩnh vực công nghiệp có thể là một lựa chọn không tồi. Nhưng với tiến sĩ các ngành khoa học nhân văn như văn học, lịch sử, lựa chọn công việc lại bị thu hẹp rất nhiều.

Trong bối cảnh đó, các tiến sĩ phải tìm đến những công việc có ít tính chất học thuật hơn gọi là “nghề bán học thuật” – chỉ những công việc trong trường đại học nhưng không phải giảng dạy, nghiên cứu như làm hành chính, làm trong phòng thí nghiệm hoặc các nghề như phụ trách bảo tàng, nhà sử học làm việc cho chính phủ…

Như trong trường hợp của Karen Shanton – một tiến sĩ triết học ở đại học Rutgers. Khi đang học tiến sĩ, Karen nhận ra mình yêu thích chính trị hơn là công việc giảng dạy. Sau khi hoàn thành một vài chương trình thực tập ở Washington, cô đã giành được công việc nghiên cứu luật tại Hội Lập pháp quốc gia.

Có bằng tiến sĩ tại Mỹ vẫn vật lộn tìm cách mưu sinh 3
Anh Carlo Yuvienco, nghiên cứu sinh ngành công nghệ
y sinh tại New York. Hiện đang là doanh nhân.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như Karen, rất nhiều các tiến sĩ sau khi nhận bằng loay hoay tìm cho mình một công việc phù hợp. Chính vì thế, một số người lựa chọn làm công việc hoàn toàn trái ngành trái nghề. Anh Carlo Yuvienco, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành công nghệ y sinh tại New York. Thay vì tiếp tục học tập và nghiên cứu, Carlo dự định bắt tay vào kinh doanh phần mềm sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ của mình.

Nhận ra được sự bế tắc này, rất nhiều trường đại học ở Mỹ đã tìm cách cải thiện tình hình bằng cách tăng cường mối quan hệ với các đơn vị, tổ chức kinh tế, tăng cường trang bị cho nghiên cứu sinh các kỹ năng bên ngoài như hợp tác, công nghệ, quản lý dự án…. tìm cách định hình lại việc đào tạo tiến sĩ và định hướng lại các kỹ năng đào tạo cho nghiên cứu sinh.

Tuy nhiên, mọi sự thay đổi mới chỉ bắt đầu, và có người đã nói: ngành giáo dục như một con tàu lớn, để chuyển hướng sẽ cần rất nhiều thời gian.

Chia sẻ