Có 1 lớp học chưa bao giờ khai giảng, cô giáo thì viết bằng chân, học trò thì không nhìn thấy

Mộc Cát,
Chia sẻ

Người phụ nữ ấy chỉ còn một chân để viết. Chị viết chữ rất đẹp và bằng sự tận tâm của mình, chị vẫn dùng bàn chân ấy để dạy học cho những số phận thiệt thòi nuôi mơ ước được học hành...

Đó là lớp học của chị Huỳnh Thị Xậm (SN 1978, quê Hậu Giang). Mỗi buổi tối, chị lại miệt mài với công việc dạy chữ nổi cho những người bị khuyết tật, mù lòa.

Một năm học mới lại về, không khí tựu trường đã rộn ràng trên khắp đất nước. Nhưng với Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM (huyện Hóc Môn, TP.HCM), hơn 10 năm kể từ lúc thành lập chưa bao giờ có ngày khai giảng. Bởi nơi đây không có ngày nghỉ hè, quanh năm suốt tháng chỉ làm công việc dạy nghề kiếm sống cho học viên chứ không dạy văn hóa. Thấy nhiều trường hợp khát khao học chữ nhưng không có điều kiện, cộng thêm sự động viên của lãnh đạo Trung tâm, dù bị liệt cả hai tay và chân trái, chị Huỳnh Thị Xậm vẫn quyết định mở lớp dạy chữ cho mọi người.

15
Lớp học bắt đầu vào mỗi buổi tối, với thành phần gần 20 người khiếm thị từ 15-35 tuổi đang theo học lớp massage tại Trung tâm. Gần ba năm nay, tiếng cọc cạch đánh chữ vẫn đều đặn vang lên tại chiếc bàn nhỏ nơi thư viện, với dụng cụ học tập rất đơn sơ: Chỉ là 1 chiếc bảng chữ nổi.

9
Sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu giáo viên dạy họ - chị Huỳnh Thị Xậm không mang một hoàn cảnh rất đặc biệt. Chị bị liệt cả hai tay lẫn cẳng chân trái bẩm sinh. Với một người chịu nhiều mất mát trên cơ thể như vậy, việc ăn uống, vệ sinh cho cơ thể đã khó chứ đừng nói đến chuyện dạy học cho người khác.

1
Chị chia sẻ, ngay từ nhỏ mình đã rất ham đi học, dù cha mẹ thấy thân hình mình không trọn vẹn nên ngại chuyện đưa đón. Không có đôi tay, việc học của chị luôn chậm hơn các bạn đồng trang lứa. Bằng tinh thần bền bỉ và sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, cuối cùng chị cũng hoàn thành 12 năm phổ thông một cách trọn vẹn. Do đó, mỗi lần nhìn thấy các bạn khuyết tật như mình không biết đọc, biết viết là chị nhớ đến mình của ngày xưa. Đó cũng là động lực để có một "cô giáo Xậm" như bây giờ.

17
Lúc đầu, chị Xậm chỉ dạy chữ cho những học viên sáng mắt. Nhưng sau đó, chứng kiến những anh chị em sống trong cảnh tối tăm mà một chữ bẻ đôi cũng không biết, người phụ nữ 38 tuổi xót lòng. Vậy là bằng quyết tâm phải đem ánh sáng tri thức đến với hết thảy mọi người, chỉ vỏn vẹn ba tháng, chị Xậm đã học thành thạo bảng chữ nổi. Từ đây lớp học có thêm những học viên mới ở đủ lứa tuổi.

13
Không thể cử động đôi tay nên việc chỉ bài cho các "học trò" đều được cô giáo Xậm làm bằng đôi chân. Nhìn từng ngón chân chị quắp vào chiếc bút, cố ấn mạnh vào bảng chữ nổi mới thấy tâm huyết của người phụ nữ là lớn thế nào. Trong ảnh, chị Xậm đang hướng dẫn cách viết chữ cho em Nguyễn Thị Kim Ngân (19 tuổi, quê Bến Tre).

8
Thấy việc đi lại của chị Xậm quá khó khăn, chú Nguyễn Thanh Long (65 tuổi), nhân viên kỹ thuật của trung tâm đã mày mò, lấy sắt vụn, nhựa cùng những đồ không còn dùng được hàn lại, chế ra chiếc chân giả "có một không hai" cho chị. Từ ngày có chiếc chân giả, chị Xậm đã có thể đứng thẳng người, bước đi mà không dựa dẫm tất cả vào chiếc xe lăn.

6
Vào Trung tâm từ năm 2006, bằng tinh thần học tập tuyệt vời cùng thái độ sống tích cực, chỉ trong một thời gian ngắn, chị Xậm đã được ban giám đốc tín nhiệm giao cho công việc quản lý thư viện. Trong chức danh mới, chị Xậm vẫn vui vẻ, hoà đồng với mọi người, chỉ dẫn tận tình những cuốn sách hay cho các bạn. 

19
Công việc quản lý, phân loại đầu sách phải thực hiện hoàn toàn trên máy vi tính. Sau một thời gian mày mò, người ta lại chứng kiến một Huỳnh Thị Xậm phi thường, sử dụng máy tính bằng đôi chân nhanh nhạy một cách đáng kinh ngạc.

3
Chân trái nhấp chuột, chân phải đánh chữ bàn phím, mọi thao tác của chị Xậm đều được thực hiện rất thuần thục. 

7
Muốn học trò luôn thoải mái nhất, mỗi ngày cô giáo Xậm đều lục trên giá sách những cuốn truyện hay để đọc và kể lại cho mọi người nghe. Dĩ nhiên, việc tìm sách cũng được thực hiện bằng chân một cách khá dễ dàng.

10
Nhưng chỉ cần ra khỏi lớp học chữ, cô giáo Xậm lại trở thành "chị Xậm", "bạn Xậm", bởi người phụ nữ vẫn đang theo học lớp hội hoạ của Trung tâm từ bốn năm nay. Trên con đường đến lớp, chị Xậm vui vẻ cười nói cùng mọi người, bắt tay với họ bằng... chân, một hành động lạ lẫm nhưng cực kỳ đáng yêu.

14
Trong khi mọi người ngồi ghế và vẽ trên giá đỡ, chị Xậm được sắp xếp một chỗ riêng biệt dưới đất. Đôi bàn chân mới vừa bấm chữ, đọc sách lại trở thành đôi bàn tay họa sĩ trong phút chốc, cặm cụi cầm cọ, nhúng nước pha màu. Công việc này ban đầu còn gian nan gấp bội phần, bởi chị vốn chẳng biết gì về nghề vẽ.

12
Bà Đinh Thị Hỏi, giám đốc Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM  cho biết: "Dù chỉ dùng chân để vẽ nhưng Xậm lại tỏ ra rất có năng khiếu ở thể loại phong cảnh. Các bức tranh của em luôn được nhiều người ủng hộ và mua với giá cao. Em đặc biệt thích vẽ hoa, có lẽ để mong muốn một cuộc đời tươi đẹp, không còn buồn tủi như quá khứ".

18
Gần 40 tuổi nhưng chị Xậm toàn vùi đầu vào công việc, ngày lễ cũng chỉ thui thủi một mình đọc sách. Hỏi chị có từng nghĩ đến chuyện lập gia đình hay xin con nuôi không, người phụ nữ thẳng thừng lắc đầu: "Có muốn cũng đâu được, mà lấy về lại làm khổ người ta. Xin con nuôi lại càng không, lỡ sau này nó vô tình hỏi sao mẹ không chở con đi học được thì biết ăn nói làm sao". Giờ đây chị Xậm chỉ có một uớc muốn duy nhất là đủ đầy sức khỏe để giúp cho hết thảy mọi người biết được cái chữ.

5

2
Tại nơi không có ngày khai giảng, để mọi người trong lớp học cảm nhận không khí tựu trường, chị Xậm lại dùng chân viết nên những lời chúc tốt đẹp nhất, mong muốn những ai là học sinh đều được vui vẻ, hạnh phúc.

16
Có thể các học viên khiếm thị sẽ chẳng bao giờ thấy những lời chúc ấy, nhưng bằng tiếng cười và cử chỉ ân cần của chị Xậm, họ biết rằng mình đang có một cô giáo rất tuyệt vời.

Chân dung người phụ nữ "tàn nhưng không phế" Huỳnh Thị Xậm.
Chia sẻ