Chuyện về phi tần bị thất sủng của Hoàng đế Khang Hi: Sống thọ 96 tuổi, sinh con trai rồi trở thành nữ nhân huyền thoại trong hậu cung nhà Thanh
Dù có xuất thân thấp kém và không được sủng ái nhưng bà vẫn sống thọ đến 96 tuổi.
Hoàng đế Khang Hi có hơn 50 vị hậu phi, trong đó có một người đã trở thành truyền kỳ trong lịch sử nhà Thanh. Dù có xuất thân thấp kém và không được sủng ái nhưng bà vẫn sống thọ đến 96 tuổi, trở thành phi tần sống thọ nhất trong thời kỳ Hoàng đế Khang Hi trị vì.
Đó là Định phi Vạn Lưu Ha thị, bà đã hạ sinh cho Hoàng đế Khang Hi một người con trai văn võ song toàn tên là Dận Đào. Vị hoàng tử này cũng tương tự như thân mẫu (mẹ ruột) của mình, là người con sống lâu nhất của Hoàng đế Khang Hi. Họ là cặp mẹ con đặc biệt nhất trong hậu cung nhà Thanh.
Vạn Lưu Ha thị xuất thân từ Chính Hoàng kỳ Bao y, gia tộc nhiều đời làm việc tại Tân Giả khố của Nội vụ phủ, do đó, từ nhỏ số phận của bà đã được định sẵn sẽ phải nhập cung. Đến khi tròn 13 tuổi, Vạn Lưu Ha thị tham gia đợt tuyển tú của Nội vụ phủ. Bà cùng Ô Nhã thị và Giác Thiền thị được lựa chọn vào cung với thân phận Quan nữ tử.
Với dung mạo vượt trội so với các cung nữ khác nên đã lọt vào mắt xanh của Hoàng đế Khang Hi. Sau khi được Hoàng đế sủng hạnh, Vạn Lưu Ha thị có được vị trí thấp bé trong hậu cung rộng lớn. Thời kỳ đầu của nhà Thanh, trong hậu cung chưa có hệ thống phân vị cụ thể, chính vì thế bà chỉ nhận được danh hiệu Thứ phi và không có phong hiệu chính thức.
Vào năm Khang Hi thứ 24, Vạn Lưu Ha thị 26 tuổi đã hạ sinh một vị hoàng tử, xếp thứ 12 và đặt tên là Dận Đào. Vì xuất thân quá thấp, bà không có quyền nuôi dưỡng Thập nhị Hoàng tử, nên Hoàng đế Khang Hi đã giao lại con trai này cho Tô Ma Lạt Cô chăm sóc.
Tô Ma Lạt Cô là thị nữ thân cận của Hiếu Trang Văn Hoàng hậu (bà nội của Hoàng đế Khang Hi) và cũng là người dạy dỗ của hai đời Hoàng đế nhà Thanh là Thuận Trị và Khang Hi. Vào cuối đời, Tô Ma Lạt Cô được giao trọng trách nuôi dưỡng Thập nhị Hoàng tử và cũng nhờ vào sự dạy dỗ đó, vị Hoàng tử này đã trở thành một con người thận trọng và an phận.
Thập nhị Hoàng tử Dận Đào không kết bè phái với những thế lực khác, cũng không tham gia vào sự kiện lịch sử "Cửu tử đoạt đích". Vào những năm cuối thời Hoàng đế Khang Hi trị vì, ông được sắc phong là Đô thống Mãn Châu Tương Hoàng kỳ, được trọng dụng vô cùng. Năm Khang Hi thứ 61, ông được tấn phong Gia Quận vương.
Đến thời Hoàng đế Ung Chính trị vì, Dận Đào đổi tên thành Doãn Đào để tránh kỵ húy. Năm Ung Chính nguyên niên, Doãn Đào bị cách chức Đô đốc. Năm Ung Chính thứ 8, Doãn Đào được phục vị Quận vương nhưng phong hào bị đổi từ "Gia" thành "Lý".
Khi Hoàng đế Càn Long đăng cơ, ông đã tấn phong Doãn Đào thành Lý Thân vương. Năm Càn Long thứ 28, ông qua đời ở tuổi 77, được truy thụy là Lý Ý Thân vương. Ông là người con sống thọ nhất của Hoàng đế Khang Hi.
Năm Khang Hi thứ 57, Hoàng đế tấn phong phi tần lần cuối cùng, Vạn Lưu Ha thị trở thành Định tần, lúc đó bà đã 58 tuổi.
Sau khi Hoàng đế Khang Hi qua đời, Hoàng đế Ung Chính quyết định tấn phong một số phi tần của tiên đế, Vạn Lưu Ha thị được tôn thành Định phi, xưng là Hoàng khảo Định phi. Từ đó gia tộc của bà nhập vào Chính Hoàng kỳ thuộc Mãn Châu, thoát khỏi thân phận Bao y.
Vạn Lưu Ha thị trở thành nữ nhân lớn tuổi nhất hậu cung nhà Thanh qua 2 đời Hoàng đế Ung Chính và Càn Long. Dựa theo di huấn của Hoàng đế Khang Hi, các phi tần có con trai đều được rời khỏi Hoàng cung và đến sống tại phủ riêng của con trai. Mỗi khi đến ngày lễ tết hay tổ chức yến tiệc, Vạn Lưu Ha thị đều được Hoàng đế mời vào cung tham dự.
Năm Càn Long thứ 22, Định phi Vạn Lưu Ha thị vì bệnh nặng mà mất tại phủ Lý Thân vương Doãn Đào, thọ 96 tuổi. 6 năm sau, Lý Thân vương cũng qua đời. Họ là hai mẹ con sống thọ nhất hậu cung của Hoàng đế Khang Hi.
Khi Định phi Vạn Lưu Ha thị qua đời, Hoàng đế Càn Long đích thân đến trước mộ bà tế rượu.
Nguồn: Sohu, Sina, Qulishi, KKnews, Baidu