Chuyện về những con tàu không hạ thủy

Mai Quốc Ấn,
Chia sẻ

Để thiết kế được những con tàu mô hình chính xác đến từng chi tiết thì đòi hỏi người thợ thủ công phải chế tạo một cách tỉ mỉ.

tàu mô hình
Để hình thành nên một mô hình tàu, trước tiên anh Phan Quang Trưởng (42 tuổi, ngụ xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) phải làm việc trên máy tính để máy cắt cắt đúng theo từng chi tiết của bản thiết kế. Anh Trưởng là chủ một cơ sở tại xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom, từ những năm 1994, anh Trưởng bắt đầu tìm học nghề làm mô hình ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom), đến năm 1997 anh tìm học các lớp về đồ họa vi tính. Nhờ kỹ năng đọc bản thiết kế chi tiết các loại tàu nên khi thành lập cơ sở sản xuất riêng vào năm 2004 ở xã Quảng Tiến, anh Trưởng đã thu hút được nhiều khách hàng hướng đến các loại mô hình thuyền hiện đại có tên tuổi trên thế giới. 

tàu mô hình
Anh Trưởng cùng người thợ đưa ván ép vào máy cắt và cố định ở các mép. Có 2 loại chất liệu thịnh hành là gỗ tự nhiên và ván gỗ MDF (ván gỗ ép bằng cái vụn gỗ, keo tổng hợp), với loại thuyền giả cổ theo phong cách châu Âu các thế kỷ trước thì phải dùng gỗ tự nhiên, còn các mẫu thuyền hiện đại thì dùng ván gỗ MDF để tiện cho việc lắp ráp. “So với gỗ tự nhiên thì ván gỗ MDF dễ cắt, dễ tạo hình, độ dày tương đồng trên từng miếng ván và nhẹ hơn rất nhiều” – anh Trưởng giải thích về các loại chất liệu được sử dụng trong lắp ráp mô hình.  

tàu mô hình
“Rồi, chậm thôi, chậm thôi, cho mũi khoan xuống từ từ…” vừa dõi mắt theo từng đường cắt trên tấm ván gỗ, anh Trưởng  vẫn liên tục ra hiệu cho nhân viên điều khiển máy cắt đang đứng gần đó. “Nếu không tự cải tiến kỹ thuật thì các nghề thủ công truyền thống sẽ mai một hết, kể cả nghề làm thuyền mô hình của chúng tôi cũng vậy…” – anh Trưởng cho hay.

tàu mô hình
 Mũi dao trên máy cắt từng tấm ván theo như lập trình trong máy tính, để tạo ra những chi tiết của con tàu trước khi giao vào tay người thợ lắp ráp. 

tàu mô hình
Một công nhân tiến hành chà nhám sản phẩm thô. Để trở thành thợ giỏi, đòi hỏi tính kiên nhẫn phải được đặt lên hàng đầu, chỉ riêng công việc chà nhám sản phẩm, thợ mới phải làm liên tục trong 3, 4 năm mới được chuyển sang công đoạn khác. 

tàu mô hình
Những chi tiết sau khi được cắt ra sẽ chuyển qua tay người thợ lắp ráp. Các mảnh ghép của mô hình được ghép cố định với nhau bằng keo dán sắt nên việc này được giao cho người thợ khéo tay nhất, vì chỉ 1 sơ suất nhỏ thôi là phải gỡ ra chà nhám, sơn lại từ đầu, rất mất thời gian và làm chậm tiến độ giao hàng.

tàu mô hình
 Các chi tiết được gắn lại với nhau bằng keo dán sắt, kể cả những chi tiết nhỏ nhất, vì hoàn toàn làm bằng thủ công nên những người thợ có thể tỉ mỉ kiểm tra được từng góc nhỏ nhất để kịp thời chỉnh sửa lỗi.

tàu mô hình
Anh Lê Đình Quý (34 tuổi, ngụ xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) tâm sự anh đã có hơn 15 năm kinh nghiệm làm thợ sản xuất mô hình, do số lượng đơn hàng rải đều quanh năm nên không xảy ra tình trạng thiếu thợ vào thời điềm gần Tết. Vì là loại “đồ chơi” khá đặc biệt, có giá thành cao, dùng để tặng, biếu những mối quan hệ lớn, nên khách hàng cũng lựa chọn thời điểm giữa năm để đặt hàng. Nếu có bất kỳ sai sót nào có thể điều chỉnh kịp trước khi đem tặng vào dịp lễ, đó cũng chính là điểm đặc biệt của công việc sản xuất mô hình, luôn đặt chất lượng lên hàng đầu chứ không rút ngắn thời gian giao hàng để lấy lòng khách.

tàu mô hình
Anh Trưởng cầm chiếc tàu mô hình vừa trải qua công đoạn lắp ráp chờ được phun sơn và đánh bóng. Không chỉ chăm chú đến phần hình thức mà bỏ quên đi chất lượng sản phẩm, một số mô hình được dùng để xuất khẩu hoặc khách hàng tặng cho đối tác nước ngoài nên phải đảm bảo chất liệu sản xuất có độ bền cao. Yêu cầu bất thành văn của mô hình trưng bày mà bất kỳ người thợ nào cũng phải biết là sản phẩm không bị cong, vênh trong mùa Hè, không bị rạn nứt lớp sơn vào mùa Đông. Để làm được điều đó, việc lựa chọn chất liệu tốt cũng góp phần không nhỏ vào độ bền của sản phẩm, với gỗ tự nhiên, thường phải chọn những loại gỗ tốt cứng. Nhưng do yêu cầu bảo tồn rừng nên hiện nay phần lớn các cơ sở sản xuất chọn gỗ tràm để làm mô hình.

tàu mô hình
Anh Phạm Văn Thành (25 tuổi, ngụ xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) – người có hơn 10 năm làm thợ sản xuất mô hình chia sẻ công đoạn anh đang phụ trách là sơn màu cho sản phẩm. Do các loại sơn trên thị trường không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về đa dạng màu sắc nên người thợ phải pha màu sao cho giống với nguyên bản của mô hình. “Khó nhất là sơn màu đỏ và màu trắng, màu đỏ rất khó pha giống với bản gốc, còn màu trắng thì trong quá trình sơn lên dễ bị dính tạp chất, mạt cưa trong cơ sở. Ngoài ra còn có thời lượng sơn thế nào cho vừa đủ, lớp sơn không được quá dày dẫn đến bị vón cục, cũng không quá mỏng dễ bong tróc” – anh Thành cho hay.

tàu mô hình
Những con tàu vừa được sơn xong, đang chờ khô để lắp ráp những chi tiết cuối cùng. “Mỗi người thợ trong cơ sở sản xuất sẽ phụ trách một công đoạn khác nhau từ cắt, mài giũa, chà nhám, lắp ráp… Mô hình đến tay khách hàng phải có độ chính xác, tinh xảo cao, nên chúng tôi cũng buộc phải nâng cao trình độ theo thời gian. Để đào tạo ra một người biết cách tạo ra mô hình hoàn chỉnh đòi hỏi thời gian học nghề từ 3 đến 5 năm. Thời gian đó mới là để học các bước cơ bản của nghề chứ chưa nói đến việc học cách làm nhiều mẫu mã đa dạng” – anh Trưởng nhấn mạnh.

tàu mô hình
Anh Trưởng và con tàu mô hình hoàn chỉnh do một đơn vị phía Bắc đặt hàng. “Ngày trước để cắt một miếng gỗ tự nhiên thành cách chi tiết giống nhau mất ít nhất phải một ngày, bây giờ dùng ván gỗ MDF và máy cắt nên nâng cao hiệu suất công việc được khoảng 40%. Đối với các mô hình mẫu, sản xuất lần đầu tiên hoặc chỉ sản xuất 1 mẫu duy nhất sẽ có giá thành rất đắt, khoảng 10 triệu đồng, đến khi đưa vào sản xuất đại trà thì giá sẽ hạ xuống nhiều” anh Trưởng tâm sự.
Chia sẻ