Chuyển trường cho con từ tư sang công, ông bố Hà Nội chia sẻ loạt bí kíp hữu ích

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Quyết định chuyển con từ trường tư sang trường công từ năm lớp 7, ông bố ở Hà Nội đã rút ra những bài học hữu ích, cả trong việc chọn trường và giúp con thích nghi môi trường mới.

Khi con đến tuổi đi học, rất nhiều bố mẹ loay hoay đứng giữa chọn lựa "nan giải": Nên học trường công hay trường tư... Trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh, học trường công thì sợ con bị nhồi nhét kiến thức, thiếu trải nghiệm, theo trường tư thì đau đầu vì học phí cao, sợ con được "tự do" quá mức thành vô kỷ luật... Chín người mười ý, cứ thế, câu hỏi "học công hay tư" mùa tuyển sinh năm nào cũng được đặt ra và bàn luận rôm rả.

Từng bị cuốn vào "vòng xoáy" công - tư đó, anh Trần Đức Giang (Hà Nội) đã tìm hiểu và cho các con trải nghiệm cả hai môi trường này. Con trai lớn nhà anh Giang học trường tư từ lớp 6 đến lớp 12; bé thứ hai học trường tư từ lớp 3 đến lớp 7 thì chuyển sang trường công. Có kinh nghiệm cùng con "chinh chiến" cả hai nơi khác nhau với hai mốc thời gian cũng khác nhau, anh Giang rút ra những bài học hữu ích, cả trong việc chọn trường và giúp con thích nghi khi đột ngột chuyển sang môi trường hoàn toàn mới.

Hành trình chuyển trường cho con từ tư sang công và loạt bài học hữu ích từ ông bố ở Hà Nội - Ảnh 1.

Các con anh Giang khi còn nhỏ.

Tại sao anh Giang chuyển con từ trường tư sang trường công?

Theo anh Giang, thời điểm ban đầu cho hai con trai nhập học một trường tư thục, đây là trường rất tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, dịch vụ, triết lý giáo dục. 

Tuy nhiên khi con trai thứ hai học ở đây được 5 năm, đến lớp 7, anh quyết định chuyển con về trường công lập gần nhà vì cảm nhận thấy có một số vấn đề không thực sự phù hợp và không giống như những gì gia đình mong đợi. Thời điểm đó, con trai lớn nhà anh Giang đã học lớp 12 nên vẫn tiếp tục ở lại trường.

Thứ nhất, nhà anh Giang ở xa trường nên hàng ngày các con sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe buýt. Cái này có ưu điểm an toàn, yên tâm cho phụ huynh tuy nhiên lại hạn chế kỹ năng tự lập trong việc tham gia giao thông của các con, các con ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài xã hội nên khá "tồ". Thời gian chủ yếu là ở nhà, xe ô tô, trường học nên hạn chế về khả năng thích nghi và nhân sinh quan khá hạn hẹp, ít bạn bè. Ngoài ra do lượng học sinh quá đông nên việc quan tâm đến năng khiếu của các con và tạo môi trường phát triển năng khiếu bị hạn chế, gần như không có gì khác biệt.

Thứ hai, giáo viên ở trường không bị áp lực thành tích nên không ép các con học, nhận xét về các con chưa thật sự sát với năng lực, các con được khen, động viên khá nhiều, ít khi bị chê trách. Việc này có cái tốt làm các con tự tin, happy nhưng không tốt là làm các con ngộ nhận về năng lực của mình, không định vị được đúng năng lực của bản thân. 

Thứ ba, nhiều gia đình có điều kiện khá chiều và bao bọc con, luôn chăm lo các con từ A-Z cùng với dịch vụ khá đầy đủ của nhà tường nên nhiều con khá lười, ỷ lại, ít chủ động trong việc học và rèn luyện. Các cháu đi picnic thì lúc nào cũng có cả đoàn "bà mẹ trực thăng" hộ tống. 

Thứ tư, với các con nhà xa trường thì ít thời gian được vận động do hết giờ phải theo xe về cũng là thiệt thòi phải chấp nhận, kỹ năng tham gia giao thông cũng yếu, ít bạn bè gần nhà để giao lưu.

Hành trình chuyển trường cho con từ tư sang công và loạt bài học hữu ích từ ông bố ở Hà Nội - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Hành trình giúp con thích nghi với môi trường mới

Vợ chồng anh quyết định chuyển cháu thứ hai về trường công gần nhà với rất nhiều trăn trở, tranh luận. Về phía anh Giang, điều anh mong muốn khi đó chính là con phải biết hoà nhập, thích nghi với cuộc sống ngoài xã hội, biết nỗ lực vươn lên và bớt "ảo tưởng sức mạnh", định vị đúng giá trị bản thân để tự lập. 

Những ngày đầu sang trường công, con phải đối diện với "núi" bài vở mà chưa bao giờ con nghĩ là phải hoàn thành, đang từ ngôi sao trong lớp giờ tụt xuống mức trung bình, top dưới trong lớp. 

"Con đi học về bảo các bạn ở đây học chăm và giỏi hơn bố ạ. Mình động viên, không sao đâu con, rồi sẽ quen thôi. Hỏi có cần học thêm hay gia sư không, con bảo chưa cần bố ạ, để con tự học trước", anh Giang kể.

Đang quen tự do, suốt ngày được khen, cậu nhóc đã được hiểu thế nào là kỷ luật. Anh Giang chia sẻ, năm đầu tiên, anh thường xuyên được cô mời đến trường để "trao đổi", hôm thì tội "chém gió" quá to trong giờ học để lớp mất thi đua, hôm thì "câu kết" với bạn cố tình trêu thầy phá lớp, hôm thì làm vỡ kính hộp cứu hoả đề nghị gia đình đến khắc phục…. Khi bố "tra khảo" thì luôn đưa ra lý do chính đáng.

"Con mình bị xếp vào nhóm học sinh lười và vô kỷ luật, học "lớt phớt". Một hôm cô giáo mời mình đến để làm cam kết với Hiệu trưởng vì điểm thi kiểm tra chất lượng thấp. Mình bảo với cô là nhờ cô có hình phạt lao động nào để con thay đổi giúp gia đình, con cần phải tự chịu trách nhiệm mới tiến bộ được. Sau một hồi bàn bạc cô thống nhất con sẽ phải có trách nhiệm "giữ sạch hành lang" trong 1 kỳ học. Và từ hôm đó cứ sáng phải đến sớm để lau hành lang, các bạn làm bẩn, giờ ra chơi lau. Có hôm đạp xe đi học về rõ muộn, thở phì phò vì mệt", ông bố hai con nhớ lại.

Biết con có thế mạnh Thể thao và Tin học, anh Giang động viên con đăng ký thi đội tuyển bóng bàn của trường. Tin học, anh cho đi học ở trung tâm. "Nước đi" này xem ra hiệu quả, vì có một hôm, con rầm rập vào phòng làm bố mẹ thót tim, bảo bố mở zalo ngay, thầy gửi kết quả điểm thi học sinh giỏi Tin học Thành phố, con được 16.55/20 điểm cao nhất đội thi của Quận. Anh Giang cảm thấy vui trong lòng, không phải chỉ vì thành tích, mà điều đó chứng tỏ con cố gắng hòa nhập. Và sự nỗ lực đó cũng được bạn bè, thầy cô công nhận.

"Khi chuyển con về trường công gần nhà, mình xác định tự rèn con, không ép con học thêm lấy thành tích hay thi chuyên chọn vì quan điểm của mình là điểm số cao thấp không quan trọng mà kiến thức cần thực chất, hiểu bản chất để nhớ và áp dụng, các con cần biết nỗ lực tự học mới tốt. Lúc đầu con cũng bị sức ép nhưng sau 2 năm thấy thành quả rõ rệt. 

Các kỹ năng con khá hơn rất nhiều, cứng cáp hơn, đã tự tin tham gia giao thông, tự đạp xe đến trường và hòa nhập với các bạn. Con đã tự ra ngoài đi chơi, bạn bè rủ nhau đi đá bóng, mua sắm, đến nhà nhau chơi..., con rất hạnh phúc. Con cũng dành được nhiều thời gian hơn cho lao động việc nhà và môn năng khiếu mình thích do không phải học ở trường cả ngày. Con kém anh trai 5 tuổi nhưng mình thấy nhận thức, kỹ năng khá hơn anh. Thỉnh thoảng mình cho con về trường cũ thăm bạn bè, con cũng tự nhận thấy bạn bè con vẫn không thay đổi mấy so với 2 năm trước.

Gia đình đồng ý rằng phải tự trang bị kiến thức, rèn kỹ năng, lao động, tăng cường trải nghiệm xã hội cho con chứ chạy theo thành tích, điểm số ở trường công, cắm đầu vào học, học thêm cả ngày cả tối hay lớt phớt như ở một số trường tư đều không ổn", anh Giang nói.

Hành trình chuyển trường cho con từ tư sang công và loạt bài học hữu ích từ ông bố ở Hà Nội - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Nói về việc chọn trường công hay tư, anh Giang nêu ý kiến: 

"Trường tư khá phù hợp khi con học cấp 1 vì đây là giai đoạn học trường công hay bị áp lực học hành quá nhiều, khiến một số học sinh có tâm lý sợ học và thui chột các năng khiếu khác. Thời điểm này, nếu con học trường công thì hạn chế cho con chạy theo học thêm. Cấp 2, cấp 3 nên tùy định hướng gia đình. 

Nếu có định hướng học đại học trong nước thì nên học trường công để dễ thi hơn. Còn du học thì học không đóng vai trò quyết định 100%. Quan trọng là cần cho trẻ lao động, vận động, ra ngoài tiếp xúc xã hội chứ không nên nhốt ở trường cả ngày. Nếu tối về lại đi học thêm thì trẻ mất tuổi thơ, hạn chế kỹ năng và nhận thức xã hội. Mình ủng hộ phát triển tự nhiên, cân bằng. Tập trung vào các thế mạnh chứ không ganh đua theo phong trào".

Chia sẻ