Chuyện thú vị về đi đẻ ngày Tết

Theo Xzone.vn,
Chia sẻ

30 Tết, vợ kêu đau đẻ, Thuận nhăn nhó: 'Chết rồi, vỡ hết bao nhiêu kế hoạch ăn chơi của anh. Em chịu khó nhịn mấy bữa, ra Tết hẵng đẻ có được không?’.

Ngày đứa con ra đời luôn luôn là kỷ niệm khó quên. Nhưng nếu em bé lại ‘chui ra’ vào đúng dịp Tết thì kỷ niệm đó càng sâu sắc hơn nữa.

“Em ơi, khoan hẵng… đẻ!”

Mỗi lần nhắc lại về ngày ra đời của cu Hiếu, nay đã 2 tuổi, Tố Uyên lại bật cười lườm chồng: “Chẳng ai như bố mày, người ta đã đau đẻ mà còn bắt chờ sáng trăng, lại còn đòi chờ đến mấy ngày cơ chứ”.

Ngày dự sinh cu Hiếu được bác sĩ xác định là khoảng một tuần sau Tết. Để phòng con đòi ra sớm, vợ chồng Uyên – Thuận vẫn chuẩn bị sẵn sàng giỏ đồ để khi cần kíp là xách luôn vào bệnh viện. “Chuẩn bị vậy thôi chứ bọn em vẫn hay nhắc nhở thằng con trong bụng là từ từ hẵng ra, để bố mẹ ăn một cái Tết tròn vẹn đã, chứ Tết nhất mà vặn vẹo chờ đẻ trong bệnh viện thì khổ quá. Ai ngờ, như để trêu tức bố mẹ, thằng con ương bướng lại nhất định đòi ra để kịp ăn Tết”.

Trưa 30 Tết, trong lúc đang soạn lễ để chiều thắp hương thì Uyên thấy nhâm nhẩm đau bụng. Cơn đau không đến mức khó chịu lắm nên cô hy vọng không phải là đau đẻ, nhưng vẫn cẩn thận vào giường nằm, hy vọng con trai “cố thủ” trong bụng mẹ vài hôm nữa. Nhưng cơn đau cứ mau và mạnh dần, nên cô biết chắc mình sẽ phải vượt cạn đúng ngày Tết. Thấy vợ thông báo, Thuận lo lắng bảo: “Chết rồi, thế thì vỡ hết bao nhiêu kế hoạch ăn chơi của anh. Em chịu khó nhịn mấy bữa, ra Tết hẵng đẻ có được không?’.

Chuyện thú vị về đi đẻ ngày Tết 1
Ảnh minh họa: SKĐS.

Đang đau mà Uyên cũng phải bật cười, vừa buồn cười vừa tức. Cô cáu: “Nhịn hay không, em muốn mà được à? Anh chuẩn bị đi, lúc nào đau dồn dập là phải vào viện đấy”. Thuận lúc này mới thực sự hoảng, vội gọi điện sang nhà anh trai. Chỉ lát sau, ông anh đã đèo mẹ tất tưởi sang. Họ gọi taxi đưa sản phụ vào bệnh viện. Ngồi chờ vài tiếng đồng hồ mà cổ tử cung của Uyên vẫn chưa mở thêm phân nào, mẹ chồng sốt ruột bảo Thuận: “Con ngồi đây chờ nhé, mẹ phải về nhà làm nốt cơm cúng tất niên, lẽ ra giờ này phải cúng rồi nhưng chắc chị dâu mày vẫn sờ chưa ra đâu”.

Thuận kể lại, sau khi mẹ về, anh vêu mỏ ngồi chờ ở hành lang, trong khi vợ bị cách ly ở phòng chờ đẻ. Anh chẳng biết làm gì để giết thời gian, bèn lôi điện thoại ra chơi game. Chơi đến lúc hết cả pin, Thuận đành nhét điện thoại vào túi, đi qua đi lại một lát chán quá, mới ra đường kiếm quán phở làm một bát, nhìn đường phố đã vắng đi, thiên hạ hối hả lao về nhà mà sốt cả ruột. Ăn xong, anh lại về khoa sản chầu chực, vừa gặp lúc Uyên lẻn được ra lỗ cửa gặp chồng, mếu máo kêu đau, nói chưa được mấy câu đã bị y tá lùa vào.

Thuận như ngồi trên đống lửa, bực bội vì mãi chả có người nhà nào đến, lôi điện thoại ra định gọi cho mọi người trách móc một trận thì mới nhớ ra điện thoại hết pin, thế là ba chân bốn cẳng đi kiếm chỗ xạc. Kiếm không được, anh phải ra đường mua cục pin khác lắp vào, vừa quày quả quay lại bệnh viện vừa gọi cho mẹ, gắt ầm lên. Bà bảo tao đang bận lắm, còn phải chuẩn bị cỗ cúng giao thừa, không có tao thì chẳng cái gì được làm cho đúng ý cả. Rồi thấy thằng con căng thẳng quá, bà bảo sẽ cho con dâu lớn vào.

Hai chị em đợi thêm một lúc thì rụng rời khi bác sĩ thông báo Uyên có sự cố, phải mổ. “Cũng may, ca mổ diễn ra nhanh chóng, em mẹ tròn con vuông. Có điều cũng vì mổ mà em đi toi cả cái Tết. Lúc đi đẻ, em tự an ủi là thôi đẻ xong về nằm nghỉ ở nhà, bắt chồng ở nhà cùng cả Tết, bắt bố mẹ, anh chị em sang chơi với mình thì cũng vui rồi. Nhưng vì mổ, em phải nằm ở bệnh viện hết Tết mới được về. Năm mới, bạn bè, người quen chả ai dám đi thăm bà đẻ, nhất là lại ở bệnh viện, người nhà cũng chỉ thỉnh thoảng mới vào, may được bù lại bằng thiên thần bé nhỏ”, Uyên nói.

Sợ hãi và tủi thân

Cả nhà chồng lẫn nhà vợ đều ở Thái Nguyên, Thủy và Mạnh lẽ ra sẽ về quê ăn Tết, nhưng ngặt nỗi Thủy có thể sinh bất cứ lúc nào vào dịp này nên cứ nấn ná ở Hà Nội. Bố mẹ hai bên bảo cứ về quê đẻ, vừa được ăn Tết với gia đình vừa có người chăm sóc, nhưng hai vợ chồng sợ nhỡ ra trong sinh nở có tai biến gì, trình độ bác sĩ địa phương không xử lý kịp nên chấp nhận chịu khổ để sinh con ở Hà Nội.

Được cái đồ ăn Tết, bố mẹ đều gửi lên cho rất nhiều nên hai vợ chồng không phải mua sắm hay cặm cụi chế biến gì. Họ chỉ chơi với nhau và xem tivi. Mạnh sốt ruột, muốn vợ đẻ mau mau, trong khi Thủy thì muốn con gái chờ đợi thêm ít ngày nữa. Cô sợ rằng nếu đẻ đúng dịp Tết, bệnh viện sẽ có ít y bác sĩ, sợ rằng các nhân viên y tế tuy thân ở bệnh viện nhưng lòng lại ở nhà họ nên không được hết lòng.

Không ngờ, điều Thủy sợ đã xảy ra: vài giờ sau giao thừa, các cơn đau chuyển dạ xuất hiện. Hai vợ chồng vội vàng vào viện. Được cái dù là Tết nhất, người ta cũng không thể hoãn cái sự đẻ được nên tuy các khoa khác vắng teo, riêng khoa sản vẫn đông người.

Thủy nhớ lại: “Em đi đẻ lần đầu nên chẳng biết so với mọi hôm, y bác sĩ đông hay vắng hơn, nhưng mấy chị xung quanh đều bảo mọi ngày bác sĩ chẳng những đông hơn mà còn nhiệt tình hơn nhiều, nên em sợ chết khiếp. Có mấy lần em đau quá, cứ gọi y bác sĩ để hỏi, xin họ kiểm tra hộ, họ chẳng thèm ngoái lại, vừa đi vừa bảo còn lâu mới đẻ, chứ chờ đi. Sau đau quá, em đánh liều níu một chị áo trắng, em cũng chẳng biết bác sĩ hay y tá nữa, xin xem qua cho em một chút, thế là bị ăn mắng. Chị ấy bảo cô mở mắt nhìn xung quanh đi, có mỗi mình cô đau đẻ đấy à? Em vừa sợ hãi vì không biết mình có làm sao không, vừa tủi thân”.

Đến tối mùng một Tết, Thủy vẫn chưa đẻ. Việc phải chịu đau gần một ngày trời khiến cô kiệt sức. Gọi điện cho chồng, cô khóc hu hu, khiến Mạnh ngồi ngoài cũng cuống cuồng. Khi chồng được vào thăm một chút, Thủy đang nắm lấy tay anh khóc như mưa thì những cơn đau lại dội đến, khủng khiếp đến mức dù xoay trở sang tư thế nào, cô cũng cảm thấy không thể chịu nổi. Cô kêu với chồng: “Anh ơi, em chết mất, em sắp chết rồi. Anh bảo bác sĩ mổ cho em đi, em không chịu nổi nữa đâu. Cho em mổ, hu hu”.

Mạnh kể: “Nhìn vợ mắt dại đi vì đau, môi thì khô nẻ, rớm máu, lòng em như xát muối. Em gọi ầm lên bảo cho vợ em mổ đi ạ, kẻo nó chết mất đây này. Vị bác sĩ đang kiểm tra cho một chị gần đó bực mình quay sang gắt, bảo còn kêu to được như thế thì không chết đâu mà sợ. Nói vậy nhưng sau khi khám cho chị kia xong, bà ta cũng sang xem cho vợ em, rồi quát cô ấy vào phòng sinh, lên bàn đẻ nằm. Một lát sau thì con gái em ra đời. Chúng em mừng quá, cảm ơn các y bác sĩ rối rít, sung sướng đến nỗi cảm thấy có bị mắng thêm nhiều câu nữa cũng chẳng sao”.

Năm đó, vợ chồng Thủy – Mạnh ăn Tết muộn. Sau khi hai mẹ con xuất viện được mấy ngày, Mạnh thuê taxi, cả gia đình về quê. Đã mẹ tròn con vuông, nằm giữa sự chăm sóc ấm áp của gia đình nên dù đã mùng 7, họ vẫn cảm thấy như cái Tết vừa mới bắt đầu.


Chia sẻ