Chuyện ở nơi mang sứ mệnh 'chiến đấu' với virus corona mới

THÁI HÀ,
Chia sẻ

Đi theo hướng chỉ dẫn của dải băng dính đỏ chót dán dưới sàn nhà một đoạn chừng 200m, tôi khựng lại bởi tấm bảng trắng toát nổi bật dòng chữ đỏ “Khu vực cách ly”. Ở đây còn nhiều tấm biển báo đặc biệt như thế đặt ở những chỗ khác nhau. Vắng tanh, trái hẳn với không khí thường thấy tại những bệnh viện lớn. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư lúc này mang trong mình sứ mệnh “chiến đấu” với virus corona mới.

Bác sĩ Bá Đình Thắng, Khoa Cấp cứu đưa trang phục phòng hộ y tế đủ để đảm bảo cho tôi có thể an toàn khi vào tác nghiệp. Những bóng áo blouse lướt nhanh theo hành lang Khoa Cấp cứu, tôi chú ý thấy một người mặc trang phục phòng hộ chuyên dụng dành cho những nhân viên y tế tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Đó là điều dưỡng Trương Minh Trường, hôm nay Trường vào ca trực, trực tiếp chăm sóc cho những bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm virus corona mới đang điều trị và cách ly tại đây.

Mải miết vào sổ những thông tin của các trường hợp nghi nhiễm vừa nhập viện, Trường ngừng tay tiếp một đồng nghiệp từ 1 bệnh viện tư nhân trên địa bàn Hà Nội đến bàn giao bệnh nhân. Đó là hai mẹ con mới trở về từ Trung Quốc, có dấu hiệu sốt, ho. Cùng một bộ trang phục phòng hộ trắng toát, mọi giao tiếp rất dứt khoát giữa hai nhân viên y tế, Trường nhanh chóng tiếp nhận bệnh nhân mới.

Chuyện ở nơi mang sứ mệnh 'chiến đấu' với virus corona mới - Ảnh 1.

Kiểm tra thân nhiệt cho bệnh nhân N.T.D.

Tôi theo chân Trường đi dọc dãy hành lang dẫn đến thang máy. Ngay cửa thang máy là tấm biển “Khu vực cách ly”. Như hiểu điều tôi đang thắc mắc, cậu bảo: “Đây là thang dành riêng cho khu vực có bệnh nhân nghi nhiễm, chỉ đi đến được 2 tầng 6 và 7, nơi cách ly những trường hợp từ Trung Quốc về hoặc có tiếp xúc với nguồn lây bệnh”. Thang dừng ở tầng 7, chúng tôi bước ra, dãy hành lang dài hun hút trước mắt, lạnh lẽo vì sự vắng lặng.

Chàng trai mới chừng ngoài 20, bước đi tần ngần rồi hỏi: “Anh ơi em có sao đâu mà cho em vào đây?”. “Yên tâm đi em, ở đây mới an toàn cho em và mọi người, đừng lo lắng quá”. Hai nam bệnh nhân như được trấn an, đi sát ngay sau điều dưỡng Trường đến khu vực nhận quần áo bệnh nhân và phòng bệnh. Căn phòng rộng rãi, ba chiếc giường kê gọn gàng đã có sẵn 1 bệnh nhân. Tất cả đều đeo khẩu trang. Im lặng bao trùm.

“Chị không sợ khi vào đây sao?”, Trường hỏi khẽ khi chúng tôi quay trở ra. Một nụ cười thay cho lời đáp, tôi hỏi lại: “”Còn em thấy thế nào?”. “Làm mãi cũng quen rồi, nói không sợ thì không hẳn vì không ai chắc 100% sẽ an toàn nhưng công việc gắn bó, cảm thông với bệnh nhân trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy nên bọn em cũng không e ngại gì”. Lúc ấy, trong câu nói của chàng trai trẻ, tôi cảm nhận được sự chân thành…

Không thấy Trường ngừng nghỉ lúc nào khi lại có thêm những ca nghi nhiễm nhập viện. Buông cây bút xuống mặt bàn, cậu bước vào phòng cách ly áp lực âm. Vừa kiểm tra thân nhiệt, huyết áp cho bệnh nhân N.T.D. (23 tuổi, ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) cậu vừa hỏi han tâm trạng của cô gái trẻ. Dù đeo khẩu trang che nửa khuôn mặt, nhưng tôi nhận thấy trong đôi mắt cô gái trẻ, một bệnh nhân đặc biệt, ánh lên niềm vui bởi mỗi ngày sức khỏe của cô càng tốt lên.

Lúc ấy nhân viên y tế mặc trang phục màu xanh bước đến thông báo đã đến giờ ăn trưa của bệnh nhân. Không nhiều sự giao tiếp bằng âm thanh, nhưng có thể cảm nhận trong không gian này vẫn ấm áp tình người. Trường bưng suất cơm cho bệnh nhân D động viên cô ăn hết để mau khỏi bệnh.

VƯỢT QUA ÁP LỰC VÀ SỰ KỲ THỊ

Bác sĩ Bá Đình Thắng vừa hết ca trực, tháo bỏ bộ quần áo bảo hộ để vào nơi quy định, thay chiếc khẩu trang và mũ y tế mới, anh bảo: “Những ngày có dịch bệnh thế này áp lực nhiều hơn. Nguy cơ bác sĩ bị lây bệnh cũng không thấp khi phải trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân”. Trán vị bác sĩ trẻ khẽ nhíu lại khi nhắc đến những ngày đầu dịch bệnh xâm nhập. Có những lúc vừa phải tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm vừa phải giải thích cho hàng chục người khác kéo đến vì lo lắng.

Thắng vẫn nhớ hình ảnh một người hùng hổ lao vào khoa quát nạt, chửi bới, yêu cầu nhân viên y tế phải cho xét nghiệm. Khi y bác sĩ nhận thấy họ không có dấu hiệu hay yếu tố gì để cần phải xét nghiệm thì người này bắt bẻ đủ thứ, gây huyên náo cả khoa phòng. 

Áp lực từ bệnh nhân, từ những người không có ý thức cộng áp lực giai đoạn đầu khi chưa có nhiều công cụ chẩn đoán bệnh phẩm khiến bác sĩ Thắng và đồng nghiệp đôi lúc mệt mỏi. Nhưng mệt hơn nữa là thông tin về virus chưa nhiều lại đi kèm những thông tin giả làm dân hoang mang nên kéo đến rất đông. Có thời điểm 60 người ào đến khiến không gian nhẽ ra cần sự tĩnh lặng lại trở nên huyên náo, bất an.

Mới lập gia đình được 1 tháng, bác sĩ Thắng chưa kịp hưởng tuần trăng mật đã lao vào vụ dịch với những ngày trực thâu đêm. “Nghĩ nhiều gia đình được đoàn tụ trong bữa cơm tối, đầm ấm, vui vẻ còn mình lùi lũi ở bệnh viện với bao công việc, lắm lúc cũng tủi thân chị ạ”, bác sĩ Thắng trải lòng. Nhưng với anh, cùng  với sự tủi thân ấy còn còn kèm cả yêu thương bội phần dành cho người vợ trẻ. Vợ Thắng làm việc trong một công ty. 

Khi dịch bệnh xuất hiện ở Việt Nam, những ngày đầu đi làm vợ Thắng cũng bị mọi người e ngại vì sợ cô nhiễm bệnh từ người chồng làm bác sĩ điều trị bệnh nhân dương tính với virus corona mới. Nhưng rất may khi vợ Thắng hiểu được công việc của chồng. Dần dần khi được giải thích, mọi người cũng không còn kỳ thị với vợ chồng Thắng.

Rất khó để gặp được bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu những ngày này khi anh liên tục phải theo dõi tình hình bệnh nhân, tham dự các cuộc họp chuyên môn hoặc đi đến vùng dịch. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi trò chuyện anh thừa nhận: 

“Dịch đang có những diễn biến rất phức tạp như hiện nay, thực sự chúng tôi đang ở tuyến đầu chống dịch cho nên bận tối tăm mặt mũi. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như trong những ngày tới diễn biến của dịch vẫn tiếp tục mang đến sự quá tải cho nhân viên y tế”.

Rời bệnh viện trong cái lạnh tê tái, tôi hiểu cuộc chiến đấu với kẻ thù lớn nhất hiện nay của các bác sĩ là virus corona vẫn còn dài dằng dặc. Họ không chỉ đối mặt với sự bí hiểm của virus mà còn phải tự vỗ về mình để tránh những tổn thương không đáng có từ sự kỳ thị và áp lực của cộng đồng.

Chuyện ở nơi mang sứ mệnh 'chiến đấu' với virus corona mới - Ảnh 4.

Chia sẻ