Chuyện những người ra đi tìm ước mơ

Theo Tri thức trẻ ,
Chia sẻ

Hạnh phúc nào, mơ ước nào cũng đáng trân trọng. Thế giới có 7 tỷ người thì 7 tỷ người ước mơ khác nhau.

Chuyện những người ra đi tìm ước mơ 1

“Mới đó mà tôi xa tổ quốc đã 25 năm rồi. Ra đi khi đầu còn xanh, tuổi còn trẻ, thế mà giờ đã qua quãng cuối của cuộc đời.”

Giáo sư của tôi bắt đầu bằng câu chuyện như thế khi tôi hỏi về chuyện đời của ông.

25 năm trước, dù mới cưới vợ chưa lâu, một chàng thanh niên trẻ tuổi đã rời thủ đô của một đất nước đang phát triển để sang Nhật học tập. Hành trang trên vai chỉ là chút quần áo và vài quyển sách.

25 năm sau, chàng thanh niên đó đã trở thành ông giáo sư tại một trường đại học nổi tiếng ở Nhật Bản. Ông làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, đầy đủ những phương tiện tốt nhất cho việc nghiên cứu. Ông đã có một số vốn tiết kiệm khá tốt, công việc với mức lương cao và vừa đón cả gia đình gồm vợ, con gái và con trai sang. Con gái ôngtheo học thạc sỹ ngay tại trường ông dạy, còn con trai cũng nhập học vào trường uy tín nơi thành phố ông đang ở. Cuộc sống hoàn hảo đó cuối cùng cũng trở thành hiện thực, nhưng để có được nó, 25 năm ông xa gia đình, mỗi năm chỉ về được khoảng 3-4 lần.

Khao khát cống hiến cho đất nước của ông vẫn còn vẹn nguyên, chưa bao giờ thay đổi. Ông đưa được rất nhiều sinh viên nước mình đến Nhật học với các chương trình học bổng ông liên hệ được, ông về nước đồng tổ chức nhiều hội thảo khoa học, tham gia các chương trình từ thiện tại quê hương. Ông cũng hỗ trợ cho các học giả Nhật đến nước ông và ngược lại, làm cầu nối đưa học giả quê hương ông sang Nhật trao đổi nghiên cứu.

Ở nửa bên kia của thế giới, tại nước Mỹ. Bạn tôi, một người Uzbekistan đang sắp xếp hành lý để về thăm nhà sau 14 năm không gặp mặt gia đình. Đến Mỹ sau một chuyến du lịch, anh đã tìm cách trở lại, làm đủ tất cả các việc vất vả khổ sở nhất và bấp bênh nhất trong cuộc đời. Chưa một lần dám nghĩ đến việc về thăm nhà bởi chỉ cần ra khỏi nước Mỹ, con đường trở lại của anh sẽ bị đóng hoàn toàn.

May mắn cũng đến với anh khi sau nhiều năm làm các công việc bán thời gian, anh bắt đầu vào làm lái xe cho một công ty taxi, rồi sau đó được ông chủ tin tưởng để trở thành quản lý. Anh quen và yêu một cô gái Mỹ, họ cưới nhau và sinh được hai cô con gái xinh đẹp. 14 năm sau lần đầu tiên đến Mỹ, anh cũng đã có thẻ xanh và cũng sau 14 năm, lần đầu tiên gia đình anh được đón anh trở về.

Vậy người giáo sư mà tôi nói, và người bạn tôi, trước khi ra đi họ cũng có một công việc tốt, một cuộc sống ổn định Tại sao họ vẫn ra đi và chấp nhận hy sinh đánh đổi không ít để lập nghiệp nơi xứ người?

Những người như vị giáo sư của tôi, mơ ước một cuộc sống được nghiên cứu trong môi trường tốt, đầy đủ trang thiết bị mà quê hương họ không thể mang lại, được nghiên cứu một cách thực sự trong môi trường đa văn hóa, đẳng cấp về nghề nghiệp. Về cuộc sống hàng ngày, họ mơ ước một cuộc sống cóhệ thống y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội tốt hơn.

Còn anh bạn tôi, anh đang có một công việc ổn định, và theo lẽ thường có thể sẽ lấy vợ rồi sinh con. Nhưng anh muốn đi xem giấc mơ Mỹ là như thế nào, và vì thế anh quyết tâm đến Mỹ. Đến giờ, dù chưa có nhà ở Mỹ nhưng anh cũng đã mua được một căn nhà khá lớn ở quê hương bằng những đồng tiền kiếm được ở xứ người và cho thuê căn nhà đó để kiếm thêm thu nhập.

Với vốn hiểu biết của mình về giáo dục, anh tư vấn được cho một số bạn bè và các cháu trong gia đình đến Mỹ học tập, làm việc. Khá nhiều trong số đó, sau khi học xong đã trở về nước và có những công việc tốt hơn so với trước khi họ ra đi.

Trong cuộc sống này, với mỗi người, dù sống trong cùng một hoàn cảnh kinh tế xã hội giống nhau, nhưng suy nghĩ và định nghĩa hạnh phúc của mỗi người khác nhau. Với người này cuộc sống đầy đủ vật chất, xung quanh nhiều người thân là hạnh phúc, một công việc sáng đi tối về là hạnh phúc; hạnh phúc của bạn có thể là những chiếc túi, bộ quần áo hàng hiệu, những món ăn ngon… Hạnh phúc nào, mơ ước nào cũng đáng trân trọng. Thế giới có 7 tỷ người thì 7 tỷ người ước mơ khác nhau.

Còn rất nhiều người bạn khác của tôi, đang ngày đêm cố gắng lập nghiệp nơi xứ người. Ban ngày, họ học tập, nghiên cứu, nhưng tối đến họ cũng đi làm thêm nhà hàng, bán hàng, làm móng… để kiếm tiền.

Tất nhiên, không phải ai cũng thành công khi rời quê hương, xứ sở. Nhưng cuộc sống ngắn ngủi lắm, khi bạn có ước mơ, thì hãy thực hiện nó!

Chia sẻ