Săn thực phẩm sạch ngày Tết

Chuyện khó tin: Người dân quê cũng vất vả săn lợn sạch chia nhau ăn Tết

An An,
Chia sẻ

Con lợn 80 cân thịt được chia làm 4 góc, mỗi nhà gói ghém để tủ lạnh ăn dần. Anh Minh bảo, không chỉ người thành phố, người quê vẫn phải “săn đồ sạch” như thường.

Khi người quê cũng “khát” thực phẩm sạch

Trong khi nhiều người thành phố đua nhau tìm về quê để “săn” thực phẩm sạch cho dịp Tết Nguyên Đán thì ít ai biết chính tại nhiều vùng quê, vấn đề “thực phẩm sạch” cũng khiến người dân quê đau đầu không kém.

Bác Nguyễn Thị Hồng (sống tại một xã thuộc thành phố Hà Nội) thở dài thừa nhận: “Mang tiếng là ở quê, đất đai vườn tược, bến bãi rộng, nhưng nói thật đến rau sạch chúng tôi còn thiếu chứ đừng nói đến những thực phẩm khác như: bò, lợn".

Lý giải về điều này bác Hồng cho hay, quê bác cách trung tâm Thủ đô hơn 20 km, rất nhiều người trồng rau mang lên thành phố bán. Cũng chính bởi mục đích lợi nhuận mà rau thường xuyên được “tắm” hóa chất như: thuốc trừ sâu, thuốc kích thích…

Chuyện khó tin nhưng có thật: Người quê cũng vất vả săn lợn sạch ăn Tết

Chuyện khó tin nhưng có thật: Người quê cũng vất vả săn lợn sạch ăn Tết
Người dân gom tiền mua lợn sạch để lấy thịt sạch chia nhau dự trữ Tết.

Ngay hàng xóm nhà tôi đây thôi, mỗi ngày mang lên thành phố cả mấy trăm bó rau. Thế nhưng, hôm trước họ phun, hôm sau họ bán. Có lần họ nhờ tôi cắt rau hộ mà ngồi có mấy tiếng, đầu óc tôi choáng váng, người mệt lử vì hít phải thuốc trừ sâu. Nhưng đây chỉ là một trong số hàng trăm hộ trồng rau bán theo kiểu như vậy. Thế nhưng, tôi nghe nói cũng chính hàng xóm nhà tôi lại đang xuất cho một cửa hàng “rau sạch” tại Hà Nội. Nghe đâu giá bán đắt gấp 4-5 lần bán buôn thông thường ấy chứ.

Vậy mà, đợt nhà tôi trồng rau cần, hàng chục hộ xung quanh cứ mỗi khi muốn ăn lại đến xin, bởi nhà nào cũng phun thuốc cả. Sợ lắm!”, bác Hồng lắc đầu ngao ngán.

Thế nên, bác Hồng cho hay, đến chính “người quê” cũng chẳng tin đồ quê. Thế nên, mới có chuyện, sống giữa bạt ngàn rau xanh mà “người quê” còn khát rau sạch.

Nhà tôi không có nhiều đất nên chỉ trồng được vài khóm rau sạch thôi. Lúc thiếu rau đành phải ra chợ “nhắm mắt nhắm mũi” mua chứ cũng chẳng tin tưởng được. Mắt mình thấy, tai mình nghe, nên lại càng sợ”, bác Hồng cười mà như mếu.

Chuyện khó tin nhưng có thật: Người quê cũng vất vả săn lợn sạch ăn Tết
Sống giữa hàng trăm ha rau, nhưng rau sạch đối với “người quê” cũng rất hiếm.

Đồng tình với lời bác Hồng, chị Chu Thị Thanh, người cùng làng cũng gật đầu tán thành: “Không chỉ rau, lợn hay bò cũng thế. Chợ quê bây giờ cũng chẳng khác chợ thành phố là mấy. Bò thì họ bơm nước để nặng cân. Còn lợn thì đa phần là nuôi công nghiệp. Con lợn ngày xưa chỉ ăn cám với rau thì 7, 8 tháng mới xuất chuồng. Con lợn nuôi công nghiệp bây giờ thì chỉ phân nửa thời gian là bán. Hết cám tăng trọng, rồi chất tạo nạc…cho ăn tới tận ngày xuất chuồng.

Các hộ nuôi lợn theo mô hình trang trại cả trăm hoặc vài trăm con đều làm như vậy. Nếu nuôi kiểu truyền thống, nấu cám như ngày xưa thì sức đâu chăm được cả đàn lợn như vậy. Chưa kể, nuôi theo mô hình này thì hộ kinh doanh mới có lãi”, chị Thanh nói.

Chuyện khó tin nhưng có thật: Người quê cũng vất vả săn lợn sạch ăn Tết
Nhiều người dân thậm chí nuôi cả gà Đông Tảo để phục vụ Tết.

Người quê cũng “rộ mốt” săn lợn sạch

Lợn là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người Việt, nhất là dịp Tết. Tuy nhiên, đến chính ngôi làng nuôi cả ngàn con lợn như làng bác Hồng, chị Thanh người dân cũng hiếm khi biết đến thịt lợn sạch.

Gà, vịt thì còn có thể tự nuôi vài con để thịt ăn, chứ lợn mà nuôi để… ăn thì đúng là quá khó. Bởi thế, hàng ngày ra chợ có mua thịt lợn thì cũng vẫn là “nhắm mắt đưa chân” thôi. Vài năm trước thì người ta cứ vô tư ăn, nhưng bây giờ cũng sợ lắm rồi. Số người ung thư trong làng nhiều quá mà. Có phải ung thư do ăn uống không thì không ai rõ, nhưng nhãn tiền là ngày ngày phải ăn bao nhiêu đồ bẩn”, chị Thanh chép miệng.

Bởi thế, chị Thanh kể, ngay cả ở quê cũng rộ lên xu hướng “săn lợn sạch” cho dịp Tết nguyên Đán. Theo đó, trong Tết cổ truyền của người Việt, thịt lợn được dùng để chế biến thành rất nhiều món như: Giò nạc, thịt lợn nấu đông, lợn gói bánh chưng hay giò xào…

Chuyện khó tin nhưng có thật: Người quê cũng vất vả săn lợn sạch ăn Tết

Chuyện khó tin nhưng có thật: Người quê cũng vất vả săn lợn sạch ăn Tết
Người ở quê cũng phải săn thực phẩm sạch.

Trong làng cũng có một số hộ nuôi nhỏ lẻ khoảng 2-3 con. Đa phần với số lượng ít như vậy, họ nuôi theo kiểu truyền thống: Tức là cho ăn cám, nước gạo và rau, chứ không cho ăn công nghiệp. Ngày thường vài nhà có điều kiện hơn họ cũng tìm mua lợn sạch rồi mổ chung để cho tủ lạnh ăn dần. Ngày Tết thì nhu cầu này càng lớn hơn”, chị Thanh cho biết.

Anh Lê Văn Minh, một người dân trong làng tự hào kể: “Tôi là một trong số hộ hiếm hoi nuôi lợn sạch. Đàn lợn nhà tôi có 3 con, 1 con đã bán cách đây 2 tuần cho mấy nhà hàng xóm chung nhau. Còn 2 con, bao nhiêu người “gạ” bán để ăn Tết. Có người thậm chí còn trả giá gấp rưỡi để mổ chia cho cả họ hàng ở thành phố nhưng tôi vẫn chưa muốn bán. Bởi, tôi định sẽ mổ chung cùng mấy anh em ruột. Đằng nào cũng phải mua để ăn, nhà mình có đồ sạch thì tội gì đem bán. Không chỉ người thành phố, người quê như chúng tôi đồ sạch cũng... có giá lắm”.

Anh Minh chia sẻ, con lợn xuất chuồng cân nặng khoảng 70-80kg. Thường khoảng 4-5 nhà chia nhau. Mỗi một phần có giá từ 1-1,5 triệu đồng. Từ thủ, xương, thịt, lòng đều được đem chia nhỏ cho mỗi nhà. Hiện nay, không chỉ dịp Tết, người làng anh khi có điều kiện đều chọn cách tìm mua lợn sạch rồi tự mổ để chia mỗi nhà một ít ăn dần như thế.

Lợn sạch nhiều mỡ hơn lợn được nuôi công nghiệp, nhưng thịt thơm, mỡ không ngấy như “lợn bẩn”. Ăn một lần nhớ luôn!”, anh Minh cười khoái chí chia sẻ.

lợn sạch
Những hộ nuôi lợn sạch như nhà anh Minh giờ rất hiếm.

Hiện nay, vấn đề thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch là mối quan tâm hàng đầu trong bữa ăn của mỗi gia đình. Đặc biệt dịp Tết cổ truyền thì mối lo an toàn thực phẩm lại càng được đẩy lên cao. Thực phẩm sạch, đặc sản sạch tại Hà Nội không thiếu nhưng không phải ai cũng biết cách mua, biết cách phân biệt, chính điều này đã dấy lên phong trào nhà nhà “săn” thực phẩm sạch, người người “săn” thực phẩm sạch cho ngày Tết…


Chia sẻ