Chuyên gia môi trường giải thích nghi vấn dầu thải bám đầy trong đáy các bể nước Hà Nội: Chưa chắc đã là dầu bẩn

CHUYÊN GIA MÔI TRƯỜNG ĐÀO NHẬT ĐÌNH,
Chia sẻ

Trong những ngày qua, vấn đề nước sinh hoạt ở Hà Nội bị nhiễm dầu thải đang được dư luận hết sức quan tâm. Đặc biệt, khi tiến hành thau rửa bể nước ngầm tại các khu chung cư, những chất nhờn đặc quánh, đen kịt, bốc mùi nồng nặc trong các bể. Người dân hết sức hoang mang, lo lắng liệu những chất nhờn đấy ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe khi mà nguồn nước sạch hiện nay chưa được đảm bảo.

Lời giới thiệu: Ở Hà Nội, sau cơn sốt vì mùi dầu trong nước đến cơn sốt nhà nhà thau rửa bể nước. Đối với rất nhiều người, đây là lần đầu tiên trong đời họ chui vào bể nước để tát hay bơm cạn nước ra tới đáy bể. Tất nhiên là họ thấy rất nhiều cặn, nơi thì vàng nâu, nơi thì đen (thực chất là nâu đen), có nơi đặc quánh dưới đáy. Nhưng với những người chăm chỉ chui xuống bể nước hay sửa chữa bình nước bồn cầu, vệ sinh bình nóng lạnh thì chẳng có gì là ngạc nhiên cả. Nước thì phải có cặn.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình từ Hà Nội. Ông là cử nhân ngành Hóa dầu tại Liên Xô và Thạc sĩ ngành Kỹ thuật môi trường, học viện Công nghệ châu Á (AIT). Ông làm tư vấn cho các dự án môi trường.

Chuyên gia môi trường giải thích nghi vấn dầu thải bám đầy trong đáy các bể nước Hà Nội - Ảnh 2.

Chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình.

Cặn trong bể nước đến từ đâu?

Nguồn nước chúng ta đang dùng thường có hai loại chính. Một là nước khai thác từ giếng nước ngầm; hai là từ nguồn nước mặt như sông, hồ. Nguồn phụ đối với nông thôn có thể là hứng trực tiếp nước mưa, nhưng không phổ biến ở thành phố.

Mỗi loại nước có đặc điểm riêng và không ai dám nói nước nào tốt hơn.

Nước ngầm an toàn về vi sinh và các độc tố hữu cơ, ít bị rủi ro ô nhiễm từ nguồn thải con người, nhưng lại chứa nhiều sắt, măng-gan và nhiều khi hàm lượng asen vượt chuẩn khá xa. Nước mặt chứa ít sắt, măng-gan, asen nhưng lại gặp rủi ro từ nguồn thải con người mà điển hình nhất là vụ đổ dầu thải ở nguồn nước từ sông Đà làm hàng chục vạn dân hoảng hốt.

Cách xử lý nước mặt và nước ngầm cũng khác nhau một chút, nhưng đều có hệ thống lọc và hệ thống khử trùng. Tương lai đô thị nên dùng nước mặt để tránh lún do khai thác nước ngầm.

Nước sạch cung cấp cho các đô thị lớn đa phần đã đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh. Lượng can-xi, ma-nhê, sắt, măng-gan và một số chất khác luôn nằm dưới hàm lượng cho phép. Nhưng, tuy nằm dưới hàm lượng cho phép và an toàn thì chúng vẫn tạo ra cặn.

Dù là mẫu nước sạch cung cấp cho thành phố thì tổng chất rắn hòa tan thường vẫn cỡ vài trăm đến gần 1.000 mg/L. Có nghĩa là nếu đun một lít nước cho bốc hơi toàn bộ, chúng ta thu được một cục cặn to bằng đầu đũa. Tuy nhiên, ở điều kiện bình thường chỉ có hai chất hay kết tủa là can-xi, sắt và một số chất khác đồng kết tủa như măng- gan và asen.

Can-xi và ma-nhê (gọi chung là cặn can-xi) kết tủa khi gặp nhiệt độ cao hơn bình thường, càng cao thì càng nhiều can xi kết tủa, hoặc đơn giản là khi nước bị bốc hơi. Chúng ta vẩy nước lên gương và thấy nhiều giọt nước để lại vết, phần lớn đó là can-xi. Ấm đun nước luôn bị can-xi bám. Máy giặt cũng đầy can-xi kết tủa bên trong. Bình đun nước vài năm mở ra vệ sinh một lần thấy can-xi đọng thành bùn ở đáy bình. Lượng can-xi luôn lớn vì nước đô thị có độ cứng tính theo CaCO3 khoảng 100-200 mg/L. Nghĩa là một mét khối nước có thể đọng lại vài lạng bùn can-xi.

Sắt kết tủa khi bị ô xy hóa thành oxit sắt III (Fe2O3). Bình thường sắt trong nước ở trạng thái oxit sắt II (FeO), hòa tan, không màu hay có màu xanh, hàm lượng dưới 0,3mg/L. Khi chuyển thành sắt III, sắt kết tủa và có màu nâu đỏ. Đó chính là lý do tại sao các nhà máy khai thác nước ngầm phải có dàn mưa hoặc thiết bị sục khí để cho sắt ô-xy hóa và sau đó bị thiết bị lọc cát chặn lại.

Khi sắt kết tủa, một phần măng-gan và asen cũng kết tủa theo. Măng-gan làm cho cặn có màu đen.

Sắt còn phát sinh sau khi nước sạch đã rời khỏi nhà máy nước vì sắt II tiếp tục bị hòa tan vào nước từ các đường ống thép, phụ kiện nước, thiết bị máy bơm... Nếu một đường ống cũ và hay phải sửa chữa thì ngoài những chất hòa tan, còn có gỉ sắt, cặn cát bẩn, thậm chí cả dầu mỡ do công nhân cẩu thả không làm sạch sau khi sửa chữa đường ống.

Do đường ống chảy qua những vùng có nhiệt độ khác nhau nên can-xi luôn có xu hướng kết tủa và đọng lại trên đường ống. Tương tự, ô-xy hòa tan trong nước tiếp tục ô-xy hóa sắt II thành sắt III và kết tủa ngay trong nước. Nguồn cặn thứ ba là do đường ống cũ, bẩn hay sửa chữa.

Nguồn cặn thứ tư là nếu nước gặp ánh sáng và thiếu clo dư sẽ có tảo và rêu mọc. Nhưng phần lớn nguồn cấp nước đóng kín và tối nên loại này ít gặp.

Một phần cặn bám vào chính đường ống nước mà ta có thể phân biệt dễ dàng giữa ống nước mới và ống nước cũ dù là ống thép hay nhựa. Còn lại, theo quy luật vật lý, cặn lắng ở những nơi nước không chảy hay chảy chậm, không tạo thành dòng xoắn. Một trong những nơi nước có vùng không chảy chính là bể chứa lớn của các khu nhà chung cư hay văn phòng.

Khi nhiều cặn đọng trong bể, mỗi lần cấp nước thiếu phải bơm đến phần đáy hay có xáo trộn do bơm, cặn bẩn sẽ theo ống nước dẫn đến vòi từng nhà. Cặn này có màu nâu vì giàu sắt, thậm chí là nâu đen nếu nước có măng-gan. Bản chất con người thấy không cảm thấy sạch sẽ khi nhìn thấy nước có màu nâu. Tuy nhiên cặn sắt đó gần như không ảnh hưởng đến sức khỏe mà chủ yếu là làm hỏng những bộ quần áo đẹp.

Chuyên gia môi trường giải thích nghi vấn dầu thải bám đầy trong đáy các bể nước Hà Nội - Ảnh 3.

Đáy bể nước ở một khu chung cư, tháng 7/2019. Ảnh: Đào Nhật Đình.

Chúng ta có thể thấy rõ cặn của bình nóng lạnh, ấm nước có màu vàng nhạt, trong khi cặn ở đáy bể nước lớn lại có màu nâu đen. Như trên đã giải thích, đó là vì can-xi đóng cặn nhiều ở nơi có nhiệt độ cao còn sắt kết tủa và đóng cặn đều ở trong nước và lắng xuống đáy bất cứ nơi đâu nước chảy chậm.

Nghi vấn dầu bám đầy trong đáy bể nước

Khác với cặn can-xi hay sắt, nếu trong nước có lẫn dầu thì dầu ở dạng huyền phù mịn. Đơn giản là nếu không ở dạng mịn thì những hạt dầu đó không qua được hệ thống lọc cát của nhà máy nước.

Huyền phù đã qua được hệ thống lọc và đi qua hàng ki-lô-mét đường ống khá bền vững. Quan trọng là dầu nhẹ hơn nước, nên giả sử có phép lạ tách ra khỏi dạng huyền phù mà cụm lại thành giọt dầu thì chúng cũng nổi lên trên chứ không kết tủa cùng cặn can-xi hay sắt. Nếu trong bể nước có dầu hay mỡ bám vào thành bể thì đó là do sự cẩu thả khi sửa chữa đường ống và thiết bị cấp nước sau nhà máy. Tóm lại là không phải dầu thải từ nguồn về bám đầy bể, như mọi người lo lắng mấy ngày nay. Nhưng mũi của con người có thể dễ dàng phát hiện nhiều hóa chất lạ ở hàm lượng khá thấp, tạo cảm giác bất an.

Đối với căn hộ hay nhà dân không có bể nước ngầm, chúng ta có thể nhận thấy điểm nước lặng chính là cái bình nước phía sau bồn cầu. Hãy mở ra và quan sát lượng cặn cũng như màu sắc.

Trong ảnh là một bình nước dùng được 6 năm, đã thau rửa ba lần mà vẫn đầy cặn sắt có cả măng-gan.

Chuyên gia môi trường giải thích nghi vấn dầu thải bám đầy trong đáy các bể nước Hà Nội - Ảnh 4.

Bên trong bình nước xả bồn cầu cho thấy cặn sắt và măng-gan. Ảnh: Đào Nhật Đình

Chúng ta không thể phân biệt được cặn can-xi và sắt đó hình thành ở đâu trong đường ống, chỉ biết chúng phát sinh liên tục từ trạm bơm của nhà máy nước đến vòi nước của người dùng. Từ xưa đến nay chúng ta vẫn cần những nguyên tố đó trong nước ở dạng hòa tan mà chúng ta gọi là khoáng. Nhưng chúng ta luôn cảm thất bất an khi nước có màu sắc khác thường.

Vì vậy, cần định kỳ phải thau rửa bể chứa để loại bỏ lượng cặn một cách chủ động. Thau rửa bể chứa cũng giúp loại bỏ các chất bẩn có thể đã đi theo đường ống nước hay chuột, gián... rơi xuống bể nước. Khi thau bể cần chú ý đến thông gió vì đó là nguyên tắc an toàn cơ bản nhất khi tiếp cận các khu vực kín, không có không khí lưu thông.

Chia sẻ