Chuyện đánh giá cuối năm khi đi làm - Bạn đã bao giờ hiểu sếp của mình chưa?

Z.V,
Chia sẻ

Kết quả bản đánh giá cuối năm của bạn với sếp năm nay thế nào? Đó có phải là một buổi đối thoại căng thẳng như hồi bạn phải đi thi đại học không? Hay bạn đang cảm thấy buổi đối thoại đánh giá đó chả có tác dụng gì cho sự nghiệp của mình?

Dưới góc độ của một người làm quản lý, hãy để tôi giúp bạn cởi bỏ từng khúc mắc và hiểu sâu hơn về ý nghĩa, mục đích của hành động này hàng năm nhé.

Bạn muốn biết bí quyết làm thế nào để tăng lương?

Trước khi đề xuất vấn đề tăng lương với sếp của mình, bạn hãy thử tự đánh giá lại trong năm vừa qua công việc của bạn có gì thay đổi không?

Nếu bạn làm tốt tất cả những gì đúng với vai trò, vị trí công việc của bạn trong công ty, xin chúc mừng, bạn đã hoàn thành tốt công việc được giao của mình và đại đa số các sếp sẽ hài lòng, không có gì phàn nàn với bạn. Trong con mắt của sếp, đó là điều tối thiểu bạn phải đạt được khi đi làm. Mức tăng/thưởng của bạn sẽ đa số bằng với số phần trăm trung bình trên thị trường.

Đánh giá cuối năm - Bạn đã bao giờ hiểu sếp của mình chưa? - Ảnh 1.

Dưới góc độ của các nhà quản lý, họ sẵn sàng tăng 30%, 50% hay thậm chí là 100% so với mức lương hiện tại của bạn, với điều kiện bạn phải chứng minh với sếp rằng bạn đã và đang làm những công việc lớn hơn công việc hiện tại rất nhiều.

Ví dụ một mình năng suất, hiệu số công việc của bạn bằng gấp hai ba lần so với các nhân viên khác cùng vị trí; hay bạn đã có thể cáng đáng những công việc thuộc cấp độ quản lý - chuyên gia. Tóm lại, sếp của bạn cần nhìn thấy bạn đã làm được (chính xác là đã-làm-được, chứ không phải là bạn hứa hẹn trong tương lai) những gì lớn hơn ở phạm vi công việc hiện thời của bạn.

Đánh giá cuối năm - Bạn đã bao giờ hiểu sếp của mình chưa? - Ảnh 2.

Không một quản lý nào sẽ từ chối tăng lương, tưởng thưởng xứng đáng cho những nhân viên đang là siêu sao, nòng cốt chính của bộ phận cả.

Nếu bạn thật sự muốn bứt phá, đừng ngần ngại đặt câu hỏi đó với sếp của mình vào đầu năm: “Sếp ạ, em muốn đạt được mức lương X trong năm tới, xin anh hãy cho em biết cách làm sao để đạt được, hay em sẽ cần chứng tỏ mình làm được những gì”. Tôi tin rằng sếp của bạn sẽ rất vui vẻ để thảo luận với bạn về vấn đề như vậy vì họ đang đánh giá bạn có ý chí cầu tiến trong công việc và sẵn sàng thử thách bạn nhiều hơn trong công việc.

Sếp sẽ muốn biết bạn có phát triển gì hơn trong năm qua không?

70% nhân viên đi làm hiện nay, khi cuối năm được hỏi câu hỏi trên, họ đều gãi đầu gãi tai, phân vân trong đầu mình không biết mình có làm gì sai với sếp không mà sếp hỏi câu này nhỉ? Hoặc sự thật là trong cả năm vừa qua, bạn thấy công việc của mình cứ bình bình như vậy và chả có gì mà đáng tự hào cả.

Một câu hỏi tưởng chừng như dễ dàng nhưng các nhà quản lý lại rất quan tâm xem nhân viên của mình đang phát triển thế nào hay họ đang giậm chân tại chỗ, không có phát triển gì hơn trong công việc hay bản thân trong năm vừa qua. Đối với các bạn nhân viên, đây thường là một cái bẫy sau một vài năm đi làm, khi bạn cảm thấy đã quá quen thuộc với công việc, môi trường. Bạn sẽ ru ngủ chính bạn trên con đường sự nghiệp của mình.

Đánh giá cuối năm - Bạn đã bao giờ hiểu sếp của mình chưa? - Ảnh 3.

Khi được sếp đặt câu hỏi đó, với những nhân viên thực sự biết mình đang làm gì trong năm vừa qua, họ trả lời rất nhanh và thậm chí câu trả lời của họ thực sự đơn giản: “Năm vừa qua, em đã đọc được 5 quyển sách mới; hay em đã dành được ít nhất ba buổi sáng dậy sớm hàng tuần để đi tập thể dục; hay em đã học được thêm những kĩ năng mới này trong công việc.”

Nếu mới chỉ thoáng nghe qua, bạn sẽ thấy những điều họ chia sẻ ở trên toàn về bản thân họ, chứ không phải về công việc họ đang làm. Nhưng sự thật ẩn sau đấy là khoa học đã chứng minh chính những thói quen tốt mới mà bản thân bạn đang đạt được sẽ giúp bạn xây dựng được thêm nhiều thói quen tốt khác trong công việc như: khả năng sáng tạo, chịu đứng áp lực trong công việc, sắp xếp và cải thiện công việc đạt năng suất cao hơn…

Dưới góc nhìn của các quản lý, họ thường sẽ đánh giá cao các nhân viên có ý thức chăm sóc và cải thiện bản thân tiến bộ hơn từng ngày. Như Bill Gates đã từng chia sẻ: “Điều tôi sợ nhất trên thế giới này là não của mình ngừng hoạt động”. Mặc dù đã là một trong những người giàu nhất hành tinh nhưng Bill Gates mỗi ngày đều đọc sách, cập nhật kiến thức của mình liên tục để làm mới bản thân và nhận thức. Vậy còn bạn thì sao? Bạn có thể trả lời được ngay lập tức câu hỏi trên cho sếp của mình không?

Khi các nhân viên cho sếp thấy được rằng bạn thực sự phát triển trong năm vừa qua, họ sẽ cảm thấy rất vui và hài lòng khi bạn đang ngày càng tiến bộ để đóng góp cho công ty hoặc môi trường của công ty cũng đang hỗ trợ cho bạn phát triển trong tương lai. Cả hai đều bổ trợ qua lại cho nhau và đó là niềm hạnh phúc của người quản lý khi thấy nhân viên của mình phát triển.

Sếp muốn biết khi nào bạn định nhảy việc

Việc nhân viên nhảy việc vào cuối năm đã trở thành một điều khá phổ biến. Cứ sau khi lãnh lương, thưởng Tết xong là các công ty lại đối mặt với bài toán nhân sự sau Tết.

Vậy nên trong buổi đánh giá cuối năm, nhà quản lý sẽ thăm dò xem nhân viên mình có ý định nhảy việc hay không và nếu có họ muốn biết là nhân viên của mình đã thực sự suy nghĩ kỹ về điều đó hay chưa.

Đánh giá cuối năm - Bạn đã bao giờ hiểu sếp của mình chưa? - Ảnh 5.

Đối với các nhân viên “lão làng” với thâm niên làm việc trên hai năm, đôi lúc các nhân viên này sẽ cảm thấy có điều gì đó không ổn và họ lập tức quyết định thay đổi vì thấy định hướng của mình và công ty đã khác biệt. Nhưng khoan đã, sâu xa hơn có phải bạn đang cảm thấy công ty không tạo điều kiện cho mình phát triển hay bạn cảm thấy chả còn gì để làm ở đây không? Khi một nhân viên nghỉ việc, các nhà quản lý sẽ rất quan tâm và đặt câu hỏi về việc nhân viên của mình đã suy nghĩ chín chắn chưa.

Rất nhiều các nhân viên - đặc biệt là các nhân viên đã làm lâu năm, thường rất hay rơi vào cái bẫy dạng này. Các bạn lâu năm sẽ thường đổ lỗi cho yếu tố ngoại cảnh xung quanh hơn là tự nhìn lại bản thân của mình: “Có phải bạn không muốn làm thêm việc này vì nó chả phải việc của tôi không?

Hoặc mấy việc mà sếp giao thêm mình chả thích một tí nào, lẽ ra nhỏ đồng nghiệp phải lãnh trách nhiệm đó mới đúng.” Nếu bạn tinh ý hơn một chút thì đó là những thử thách nho nhỏ trong công việc hàng ngày, là cơ hội để bạn tiếp tục phát triển hơn nhưng có lẽ là bạn không muốn chăng?

Đánh giá cuối năm - Bạn đã bao giờ hiểu sếp của mình chưa? - Ảnh 6.

Nó cũng giống như việc bạn muốn đi tập thể dục nhưng bạn phải muốn điều kiện thời tiết thuận lợi, hay tôi phải có người đi tập cùng, hoặc tôi chưa có giày tập… Thực chất, đó chỉ là những cái cớ bạn đang viện vào để giải thích cho việc bản thân bạn không muốn ra khỏi vùng an toàn của chính mình.

Và thông thường, các nhân viên thường hay đổ lỗi này cho sếp của mình, công ty của mình nhất. Trong các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, nếu một người thật sự muốn thay đổi bản thân, công việc của họ, 80% nỗ lực phải đến từ bản thân của người đó, 20% còn lại là các yếu tố ngoại cảnh tác động như: quản lý, công ty, công việc… Không ai có thể giúp bạn tiến bộ hơn bằng chính bản thân bạn phải nhận ra việc đấy.

Hãy để ý cách mà người quản lý ứng xử khi nhận được đơn xin nghỉ của bạn. Khi nhận được đơn nghỉ việc, thông thường nếu bạn thực sự có tài và có giá trị với công ty, các nhà quản lý sẽ có hai lựa chọn: một là thỏa thuận lại với bạn để giữ chân bạn, hai là nếu vượt quá giới hạn của công ty cho phép, họ cũng đành phải để bạn ra đi vì bạn còn có thể phát triển hơn nữa.

Còn nếu bạn là một nhân viên bình thường, hoặc thậm chí là ai cũng có thể thay thế bạn, đa số các nhà quản lý sẽ lựa chọn phương án để bạn ra đi vì họ cũng không muốn giữ lại một nhân viên không thể phát triển tiếp. Như vậy sẽ chỉ làm tốn thời gian của cả phía công ty lẫn bản thân bạn.

Vậy nhân viên nên nhìn nhận buổi đánh giá cuối năm này như nào cho đúng?

Với đại đa số nhân viên thông thường, bạn sẽ cảm thấy buổi đối thoại này thật áp lực và bạn thật sự chỉ mong nó trôi qua càng nhanh càng tốt. Nhưng đối với các nhân viên giỏi, những nhân viên biết rằng họ vẫn sẽ còn tiếp tục phát triển trong công việc, họ nhìn nhận đây là những cơ hội tốt để bản thân họ hiểu về mong muốn của sếp hơn trong công việc, họ tận dụng cơ hội để hỏi sếp nhiều hơn về định hướng của công ty sẽ thế nào, ra sao, làm sao để họ có thể giúp bản thân họ và công ty phát triển hơn nữa.

Đánh giá cuối năm - Bạn đã bao giờ hiểu sếp của mình chưa? - Ảnh 7.

Thái độ đúng đắn là bạn không chỉ đón nhận những lời khen tốt đẹp của sếp về những gì bạn đã đạt được trong năm qua, mà bạn còn sẵn sàng đón nhận những lời góp ý, thậm chí là phê bình của sếp, để bạn có thể nhận ra những hạn chế hiện tại của bản thân và tìm cách khắc phục chúng. Bạn sẽ dần nhận ra việc cởi mở hơn trong tư duy, suy nghĩ của mình sẽ là cơ hội giúp bạn tiến bộ và phát triển hơn nữa trong con đường sự nghiệp của mình.

Đánh giá cuối năm - Bạn đã bao giờ hiểu sếp của mình chưa? - Ảnh 8.

Và điều cuối cùng quan trọng hơn cả, đừng đợi đến cuối năm rồi mới đánh giá! Thực chất việc đánh giá, đối thoại, xem lại kết quả công việc là việc nên làm hàng quý, hàng tháng với sếp - quản lý của mình. Việc đợi đến cuối năm chỉ khiến bạn mất thời gian hơn trong việc nhận ra mình phải làm gì, phát triển thế nào cho đúng hướng. Thay vào đó, bạn càng sớm nhận ra thì bạn càng có cơ hội bứt phá hơn.

Qua bài viết, hy vọng các bạn có thể sớm đối mặt và xử lý thật gọn gàng việc đánh giá cuối năm này với sếp của mình theo một cách hoàn toàn tích cực, mới mẻ.

Chuyện đánh giá cuối năm khi đi làm - Bạn đã bao giờ hiểu sếp của mình chưa? - Ảnh 9.

(Tổng hợp)

Chia sẻ