Dù Chính phủ đã có các Chiến lược can thiệp dinh dưỡng theo từng giai đoạn nhưng hiện tại, Việt Nam vẫn đang tồn tại gánh nặng kép về dinh dưỡng ở trẻ em.

Năm 2023, tình trạng Suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi là 18,2%, vẫn ở ngưỡng trung bình về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng của Tổ chức Y tế Thế giới. Đặc biệt, tỷ lệ Suy dinh dưỡng ở vùng Trung du và Miền núi phía Bắc lần lượt là 24,8% và 25,9%. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ 5-9 tuổi gia tăng từ 8,5% năm 2010 lên đến 19,0% vào năm 2020, tăng hơn gấp đôi sau 10 năm. Đặc biệt khu vực thành thị cao cấp đôi nông thôn.

Song song với sự mất cân bằng về dinh dưỡng, trẻ em Việt Nam còn thiếu vận động. Theo WHO thống kê vào năm 2022, tỷ lệ vận động thể lực không đủ tại Việt Nam còn khá cao, trong đó ở nhóm đối tượng từ 11-17 tuổi, con số này là 81% ở trẻ em nam và lên tới 92% ở trẻ em nữ.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để giải quyết các vấn đề dinh dưỡng ở trẻ, trước hết cần bắt đầu từ bữa ăn học đường. Bữa ăn học đường không đơn thuần là bữa ăn cung cấp dinh dưỡng, mà còn giáo dục cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh, góp phần thay đổi thói quen ăn uống tại gia đình.

Một thực đơn học đường đạt chuẩn phải cung cấp đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng gồm: Đường, đạm, béo, vitamin và chất khoáng. Tuy nhiên, bữa ăn học đường ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như không đủ định lượng, no bụng nhưng lại không cân bằng các chất,...

Nói về bữa ăn của con ở trường tiểu học, chị Phương Nga (Hà Nội) cho biết: “Thực đơn ở trường con mình có hôm trông rất “sắc màu”, đầy đủ rau xanh, nhưng có những hôm toàn màu vàng của các món chiên rán. Nhiều phụ huynh dễ tính, nghĩ con ăn no, khen ngon là được, nhưng mình không đồng tình. Ăn nhiều đồ chiên rán như vậy rất hại”.

Chị Phương Nga chia sẻ một bức ảnh chụp bữa trưa của con, gồm cơm chiên trứng và xúc xích. Theo phụ huynh này, ăn thực phẩm sẵn như xúc xích đã không tốt, lại kết hợp thêm với cơm chiên dầu mỡ thì càng không nên.

Một số hình ảnh bữa ăn bán trú của con được chị Phương Nga chia sẻ.

Trong khi đó chị Phương Uyên (TP.HCM) lại lo lắng vì thực đơn bán trú ở trường con không được công khai. “Tôi thường hỏi buổi trưa con ăn gì. Một bữa 33 nghìn, theo lời con kể thì chỉ xoay quanh thịt lợn và thịt gà, hiếm khi được ăn cá. Trong khi cá chứa nhiều vitamin, tốt cho sức khỏe. Có hôm đi học về con kêu no, có hôm lại kêu đói. Ngoài ra, suất ăn cũng không có sữa, không có hoa quả trái miệng”, chị Uyên chia sẻ.

Không yên tâm về chất lượng nên dù đã đăng ký ăn bán trú ở trường nhưng ngày nào, bà mẹ này cũng phải gói thêm thức ăn, hộp sữa cho con mang đi học. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025”.

Mục tiêu chung là nâng cao hiểu biết về dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực phù hợp đối với cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên, trẻ em, học sinh sinh viên, cha mẹ học sinh nhằm dự phòng các bệnh không lây nhiễm. Đồng thời thực hiện dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với trẻ em, học sinh sinh viên.

Tại Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần II - Dinh dưỡng học đường, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT chia sẻ:

Mô hình điểm còn xây dựng các chương trình tập huấn, cung cấp tài liệu huấn luyện, truyền thông nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường, học sinh và phụ huynh.

Tại Trường Mầm non Sơn Ca (Quảng Nam), chương trình bữa ăn học đường được triển khai vào đầu năm học 2020-2021. Thực đơn được xây dựng dựa trên thực phẩm sẵn có ở địa phương, phù hợp với vùng miền. Hàng tuần, trường trao đổi với các đơn vị chuyên môn ở Bộ GD&ĐT để thống nhất các món ăn phù hợp cho trẻ.

Cô Phan Thị Thuận – Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca cho biết: “Được sự hướng dẫn của các chuyên gia, các giáo viên cấp dưỡng chế biến món ăn đa dạng hơn. Cụ thể, từng món ăn được chế biến sao cho ngon, mùi vị hấp dẫn cho trẻ, đặc biệt là phải đảm bảo dinh dưỡng”. Trước đây, món ăn trưa chủ yếu là cơm nhưng sau đó thêm nhiều món mà trẻ thích như: phở, mỳ Ý, miến… khiến trẻ thích thú, ăn tốt.

Các phụ huynh khi được khảo sát ý kiến hào hứng chia sẻ, con họ trước đây rất biếng ăn, không thích ăn rau quả và uống sữa. Tuy nhiên, sau khi áp dụng bữa ăn học đường, con đã tiến bộ nhiều, không còn biếng ăn.

Trường Tiểu học Lê Lợi (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cũng là một trong những mô hình điểm thực hiện bữa ăn học đường. Bữa ăn của học sinh bán trú tại trường bao gồm một bữa chính (đáp ứng 30-40% nhu cầu năng lượng/ngày) và một bữa phụ (đáp ứng 5-10% nhu cầu năng lượng/ngày). Thực đơn của các em được cân đối về tỷ lệ chất đạm, chất béo, chất đường bột, sử dụng hợp lý lượng đường, muối cho từng món ăn.

Tại các bữa ăn ở trường thí điểm, các chuyên gia cũng hướng dẫn hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn (giò, chả, xúc xích...) và các thực phẩm không thân thiện (nước ngọt, bánh ngọt...). Các món rau, củ được chế biến phù hợp với khẩu vị của trẻ, tập cho trẻ ăn đa dạng các loại rau củ và các thực phẩm theo tháp dinh dưỡng hợp lý.

Trường cũng được hỗ trợ cung cấp các dụng cụ bếp ăn cần thiết như: Máy rửa chén chuyên dụng, máy thái rau củ quả, máy xay thịt, bàn sơ chế thức ăn, khay ăn inox, bàn chậu rửa, bộ dao và thớt, xe đẩy thức ăn chuyên dụng để hỗ trợ nhân viên bếp.

Bên cạnh đó, Ban điều hành mô hình điểm cung cấp thêm dụng cụ luyện tập thể dục thể thao chuyên dụng, hỗ trợ bổ sung chi phí và sửa chữa bảo đảm thực hiện bộ thực đơn chỉ định theo nghiên cứu của chuyên gia.

Đối với nhà trường, mô hình điểm đã nâng cao năng lực tổ chức và quản lý của các cơ sở giáo dục trong công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ việc đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học.

Hoạt động truyền thông, giáo dục dinh dưỡng và tăng cường hoạt động thể lực đã góp phần thay đổi tích cực nhận thức, thói quen ăn uống, vận động thể lực của học sinh.

94,5% phụ huynh cho biết đã phối hợp với nhà trường trong việc tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ.

Tại Hội nghị tổng kết Mô hình bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em học sinh, sinh viên Việt Nam năm học 2020-2021, TS Đàm Quốc Chính – Giám đốc Văn phòng Ban Điều phối Đề án 641, Tổng Cục Thể dục thể thao, Bộ VHTTDL bày tỏ: Mô hình điểm như một cuộc cách mạng tại Việt Nam về dinh dưỡng học đường khi kết hợp vấn đề dinh dưỡng với tăng cường thể lực cho trẻ em, học sinh.

Tại Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt (Lần II) - Dinh dưỡng học đường, nhiều chuyên gia đều nhận định tính cấp thiết của việc xây dựng luật Dinh dưỡng học đường.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Đề: “Dinh dưỡng và vận động là 2 yếu tố có mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời nhau trong việc phát triển thể chất, tầm vóc của con người nói chung, học sinh nói riêng. Tuy nhiên, ở Việt Nam các chương trình về dinh dưỡng học đường chưa được thực hiện đồng bộ, liên tục trên cả nước”.

Vấn đề dinh dưỡng học đường tại Việt Nam đã được quan tâm nhưng chưa có các luật định, quy định cụ thể như một số quốc gia phát triển trên thế giới. Do đó, việc tổ chức, quản lý và giám sát bữa ăn học đường cũng như công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường còn nhiều hạn chế.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất kiến nghị sớm "luật hóa" dinh dưỡng học đường làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và cơ sở giáo dục chuẩn bị và tuân theo.

Đồng tình với PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, PGS.TS Nguyễn Phương Mai đến từ Hà Lan cũng chỉ ra: Đến nay, các quy định, nghị định và hướng dẫn đã có rải rác trong một số văn bản, nhưng chưa được tập hợp lại và luật hóa một cách có hệ thống, cũng như chưa được áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp cung cấp bữa ăn học đường.

“Một bộ Luật về dinh dưỡng học đường cần được nghiêm túc cân nhắc bởi đó chính là khoản đầu tư cho tương lai của đất nước”, PGS.TS Nguyễn Phương

Trong khi đó, trao đổi về nội dung luật Dinh dưỡng học đường, PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế cho rằng, luật cần tập trung vào các nội dung: cơ sở vật chất, nhân lực, đào tạo; tiêu chuẩn bữa ăn học đường; giáo dục dinh dưỡng trong trường học; vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát cung ứng thực phẩm và suất ăn trường học, giáo dục thể chất; môi trường thực phẩm, tiếp thị quảng cáo thực phẩm; theo dõi sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng cho trẻ học đường.

Thực chất, bữa ăn học đường không phải câu chuyện của riêng ngành Giáo dục mà còn cần sự tham gia của cả xã hội, trong đó vai trò của doanh nghiệp thực phẩm rất quan trọng.

Khi doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc việc sản xuất các sản phẩm giàu dinh dưỡng, lành mạnh (không chứa quá nhiều đường, không chứa quá nhiều muối, chất béo không no, minh bạch nguồn gốc thực phẩm,...) thì bữa ăn của trẻ sẽ ngày càng được cải thiện.

Luật hóa dinh dưỡng học đường cũng sẽ tạo điều kiện, môi trường để có chuỗi cung ứng thực phẩm lành mạnh, thúc đẩy việc cung ứng và sản xuất thực phẩm an toàn, các doanh nghiệp nhận thức trách nhiệm khi đưa thực phẩm vào trường học. Đồng thời thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm không lành mạnh.

Nhật Bản chính là một minh chứng. Nước này đã ban hành “Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và Dinh dưỡng (Shokuiku Basic Act)” vào năm 2005, chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp thực phẩm. Nhờ có luật mà trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp thực phẩm tại Nhật Bản tăng cao rõ rệt.

Phát biểu tại Hội thảo, Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH cho hay: Ngoài chính sách hành lang pháp lý thì các nhà kinh doanh thực phẩm phải xem sứ mệnh nâng cao tầm vóc của dân tộc là của mình, cùng gánh vác trọng trách này.

“Tôi mong muốn truyền cảm hứng để mọi người thúc đẩy sự ra đời của những hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường. Tôi sẽ kiên định và bền bỉ với hành trình này. Tôi cũng có ước mơ, khát vọng là làm một nhà sản xuất thực phẩm tử tế trước hết cho chính người dân Việt Nam rồi mới ra quốc tế”, bà Thái Hương nói.