Chúng ta đang ở kỷ nguyên của sự tị hiềm: Bạn có bị bỏ lại không?

Khải Đơn,
Chia sẻ

Tị hiềm vì bạn học cùng lớp thành đạt hơn. Tị hiềm vì các bạn đã có nhà, có xe. Tị hiềm vì con các bạn xinh xắn và trưởng thành. Tị hiềm vì bạn có học vị cao hơn và [có vẻ] sắp đạt thành công rực rỡ.

Tuần rồi, tôi đọc một bài viết trên The Guardian có tên: The age of envy: how to be happy when everyone else’s life looks perfect (Kỷ nguyên của sự tị hiềm: Làm sao để hạnh phúc khi đời ai cũng hoàn hảo).

Một bài viết thú vị, đại ý là chúng ta đang sống trong thời đại của sự ghen tị liên hồi: ghen tị vì người khác ăn ngon hơn mình, đẹp hơn mình, giàu hơn mình, sung sướng hơn mình, thành công hơn mình. Hồi xưa thì cũng ghen tức tị hiềm đầy, nhưng chưa bao giờ khía cạnh đó được thổi phồng lên như bây giờ, nhờ Instagram, Facebook, nhờ đủ loại mạng xã hội với mục đích tối thượng là giúp con người phô bày vẻ đẹp khắp nơi chốn từng giây từng phút.

Vài năm trước, tôi thường tự hỏi câu tương tự. Và trong lần nói chuyện với người bạn đang làm tiến sỹ ở Stanford, bạn kể: "Ở Silicon Valley, bạn không bao giờ nguôi được cảm giác mình sẽ bị bỏ lại, mình sẽ tụt lại, mình sẽ lỡ mất cơ hội, vì mọi người sẽ luôn thành công hơn, luôn có thành tựu mới, luôn có đầu tư thành công, luôn có cột mốc quan trọng trong học vị." – Bạn nói lý do bạn phải theo chương trình ở Stanford vì trong sâu kín bạn cảm thấy sự bất an đó, chứ không phải vì công việc hiện thời, vì bạn đã làm ở Oracle khoảng 10 năm rồi và công ty luôn có đào tạo cập nhật chứ không lỗi thời trong ngành.

Nhờ cuộc nói chuyện đó, tôi gọi tên được thứ cảm xúc trong mình: là nỗi sợ bị bỏ lại, nỗi sợ không bằng ai hết. Nỗi sợ đó đi song song với cảm giác tị hiềm. Tị hiềm vì bạn học cùng lớp thành đạt hơn. Tị hiềm vì các bạn đã có nhà, có xe. Tị hiềm vì con các bạn xinh xắn và trưởng thành. Tị hiềm vì bạn có học vị cao hơn và [có vẻ] sắp đạt thành công rực rỡ.

Nỗi sợ bị bỏ lại có thể ăn mòn tất cả không gian và khí thở. Hồi đầu năm 2018, tôi ngồi ở nhà 3 tháng để viết quyển sách mới. Mỗi lần cuối tuần hẹn gặp nhiều người, thường nghe những câu hỏi như: "Em không đi làm rồi tính làm gì?", "Em cũng phải tính cho tương lai chứ!", hay "Mình nghĩ cậu cũng nên dừng rong chơi lại để làm cái gì đó nghiêm túc đi, chứ từng này tuổi rồi" [khi ấy mình 30 tuổi]. Những câu hỏi ấy thực sự làm tôi bối rối, và nhiều khoảnh khắc thấy việc ngồi vào bàn viết như một áp lực nặng nề khủng khiếp.

Chúng ta đang ở kỷ nguyên của sự tị hiềm: Bạn có bị bỏ lại không? - Ảnh 1.

Sau tháng đầu tiên ngồi viết và nghe những câu hỏi đó, tôi mệt quá bèn… bỏ hết gặp gỡ luôn. Cách rời bỏ nỗi sợ là không nhận thức về nó, hoặc mù lòa về nó. Có thời gian tôi buộc phải che mắt mình để mù lòa trước nỗi sợ bị bỏ lại, hoặc nỗi sợ bị cuốn theo dòng chảy hoảng hốt "mình không bằng ai hết".

Khi ấy, tự dưng cơn hoảng sợ tan biến. Như thể chúng chịu im lặng ngưng làm phiền tôi. Và tôi thấy lại mỗi ngày ngồi viết đều yên ả, chậm rãi, và mọi thứ dần thành hình. Che mắt để mù lòa với nỗi sợ tạm thời thực ra là cho bản thân thêm sự tĩnh lặng, để tập trung vào điều cần làm, thay vì quýnh quáng hoảng sợ và bị phân tâm. Nỗi bất an không còn giơ móng vuốt cào cấu tâm trí nữa. Chúng nhường bước cho sự hoà hoãn với bản thân, yên tâm với vài thứ mình có và hành động vì những việc bản thân cần, thay vì rối loạn lao vào cuộc đua của những thành công hoàn hảo mà người cùng lứa có được.

Thực ra, những câu hỏi trên hoàn toàn không có ác ý gì. Chúng giúp tôi có được góc nhìn về bản thân đang tồn tại trong đại lộ mà mọi người lưu hành và thường mọi người hỏi vì quan tâm chứ chẳng để làm tôi rối lên. Nhưng vì chúng xuất hiện vào thời điểm mà tôi không thể giải thích về thứ mình làm, và cũng chẳng có gì hay ho để thấy tự tin ngẩng cao đầu, nên chúng trở thành tác nhân kích thích gây ra sự hoảng loạn.

Chúng ta đang ở kỷ nguyên của sự tị hiềm: Bạn có bị bỏ lại không? - Ảnh 2.

Có vài thứ tôi học được sau thời gian ba tháng ít gặp gỡ đó là:

Không phải khi mình ngừng lại là mình thất bại: Chỉ có bản thân biết mình muốn gì. Nếu đã quyết định tạm ngừng để làm việc riêng, thì tôi cần vui vẻ tập trung vào việc riêng đó. Rồi sau đó quay trở lại với xung quanh khi đã sẵn sàng. Đứng yên một chỗ, không kịp làm gì mà đã rối lên sợ mình bị bỏ lại chỉ khiến mình không thể làm xong điều mình muốn.

Sự hoàn hảo của người khác có giống mình không? – Tất nhiên là không. Tôi rất thích nhìn bạn tôi chụp ảnh những món ăn ngon bạn tận hưởng, nhưng bản thân tôi thực ra lại không hiểu biết gì về sự ngon lành cho lắm, và tôi cố gắng ăn để tăng sức bền khi tập luyện. Vậy nhu cầu về "đồ ăn hoàn hảo" của tôi và bạn hoàn toàn khác nhau. Vậy tại sao tôi phải ghen tị với bạn? – Câu hỏi này giúp tôi nhớ ra mình có nhu cầu và cảm xúc trước nhiều thứ khác mọi người, và vì vậy chứng kiến sự hoàn hảo không nhất thiết mình cần ghen tức làm gì.

Tôi học được điều này rõ ràng hơn sau này trong chuyến road trip ở Mỹ. Một người bạn leo núi của tôi thường không bỏ tiền để đậu xe trong vườn quốc gia mà lái xe ra khỏi vườn và cắm trại ở một nơi nào đó hoang vắng, không tính phí. Bạn nói không phải vì bạn tiếc vài USD để đậu xe trong vườn quốc gia, ở nơi đẹp hoàn hảo như trong ảnh poster, mà là vì bạn muốn có sự tự do ra vào vườn quốc gia buổi sớm để tập mà không gặp phiền hà kiểm tra vé giữ xe, có khi chờ rất lâu. Cũng vì vậy, bạn bị vài người bạn trêu chọc là "tiếc tiền". Nhưng khi tụi tôi đi cắm trại cùng bạn mới biết bạn thuộc nằm lòng khu vườn quốc gia đó suốt 12 năm qua lại, tất cả những chỗ cắm trại bạn nghỉ đều đẹp hơn trong vườn, chỉ có điều bạn không đề cập đến chúng. Sự hoàn hảo của mỗi người khác nhau có lẽ là vậy.

Chúng ta đang ở kỷ nguyên của sự tị hiềm: Bạn có bị bỏ lại không? - Ảnh 3.

Phấn đấu để hoàn hảo là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng tôi vẫn thoải mái khi mình chẳng có được sự hoàn hảo: Cô giáo tôi từng nói thế hệ của tôi là thế hệ đầy tham vọng, muốn có mọi thứ trong tay mình và cả thế giới thuộc về mình. Câu hỏi tôi nhớ lại là: sau khi có những điều ban đầu mình muốn rồi, thì tôi có hài lòng chưa? – "Hài lòng" là sự tương đối như biến số, và ta thay đổi nó từng ngày. Tôi từng hài lòng khi bài viết được tất cả bạn đọc khen. Sau đó tôi hài lòng vì mình đoạt giải thưởng. Rồi tôi hài lòng vì mình hoàn thành các kế hoạch. Tới giờ, chẳng có sự hài lòng nào tôi còn nhớ nhiều. Sự hài lòng tạm bợ là vậy. Giờ thì sự hài lòng là tôi có thể làm vài thứ mình thích và không phải nhắm mắt chiều lòng điều mình cho là không đúng với mình. Vậy nên sự hoàn hảo nằm ngoài cuộc chạy đua rồi. Tôi tôn trọng tất cả những sự hoàn hảo đang xuất hiện mỗi ngày trên newsfeed của mình, vì thực ra đó là thế giới ngoài bản thân mà giờ tôi vì bận vài thứ khác nên không đủ sức tị hiềm nữa.

Vậy mình có bị bỏ lại không? – Cảm giác đó chưa hề biến mất. Nó vẫn rõ ràng như ngày đầu tôi chuyển hướng làm việc, một người hỏi: "Em nghĩ em sẽ làm gì khi ở tuổi này bạn bè em bắt đầu có thành tựu?" – Khi ấy tôi nghĩ suy rất nhiều. Và rồi tôi nhận ra mỗi chúng ta sống cuộc đời khác nhau, và thành tựu của mỗi người cũng khác nhau theo từng ngã rẽ.

Ai sẽ bỏ tôi lại? Hay tôi sẽ bị bỏ lại sau lưng ai? – Không có ai cả. Thật vô lý khi mình cứ đeo giữ cảm giác "bị bỏ lại" khi chẳng có ai bỏ mình lại cả. Đó là thứ ám ảnh bất an khiến con người luôn lao đi, lao đi về cùng hướng. Tôi cũng vậy. Tôi chỉ cố gắng làm hòa với sự bận rộn kỳ quái của mình.

Cũng không ai bỏ rơi mình đâu mà.

Chia sẻ