Chưa đầy 30 ngày và 2 vụ xâm hại trong thang máy: Phụ nữ không đấu tranh cho quyền được an toàn của chính mình bây giờ thì còn đợi đến bao giờ?

Hoàng Hồng - Thiết kế: Bi,
Chia sẻ

Chỉ chưa đầy 30 ngày sau vụ cưỡng hôn 200 ngàn, vụ xâm hại trong thang máy thứ hai xảy ra như một cái tát đầy thách thức vào dư luận. Lần này, nạn nhân là một bé gái mới chỉ 7 tuổi.

Chưa đầy 30 ngày và 2 vụ xâm hại trong thang máy: Phụ nữ không đấu tranh cho quyền được an toàn của chính mình bây giờ thì còn đợi đến bao giờ? - Ảnh 1.

Cuối cùng thì những lời đùa cợt của cư dân mạng, rằng chỉ cần trả 200 ngàn đồng để được ôm hôn sờ soạng trong thang máy, đã trở thành sự thật.

Người đàn ông 61 tuổi trong lúc bình thản ngồi xuống ôm chặt đứa trẻ gái và sau đó là quàng tay ghì cổ lôi bé lại để "nựng" vào tối ngày 2/4 tại chung cư G., TP.HCM kia, hẳn đã thoáng nghĩ về số tiền rẻ mạt 200 ngàn đồng có thể rút ví không cần suy nghĩ chăng?

Hay thậm chí ông ta nghĩ sẽ chẳng mất một đồng xu nào như thầy giáo có sở thích "véo má, sờ mông, sờ đùi" những đứa trẻ gái là học trò của mình ở độ tuổi còn chưa dậy thì tại Trường tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - người đã được cơ quan chức năng của huyện tuyên bố không dâm ô vì không để lại một dấu vết gì.

Chưa đầy 30 ngày và 2 vụ xâm hại trong thang máy: Phụ nữ không đấu tranh cho quyền được an toàn của chính mình bây giờ thì còn đợi đến bao giờ? - Ảnh 2.

Vụ cô gái trẻ 21 tuổi Cao Thị M.D bị sát hại kinh hoàng ở Điện Biên xảy ra trên một địa bàn miền núi kém phát triển, dân cư thưa thớt và dân trí thấp. Sát nhân là một đám nghiện ma túy, vô công rỗi nghề.

Nhưng vụ cô gái 20 tuổi bị tấn công tình dục trong thang máy ở Hà Nội xảy ra tại một chung cư cao cấp, dân cư tập trung và dân trí cao. Người đàn ông tấn công cô là người có công ăn việc làm ổn định, và còn thể hiện là có nhiều tiền.

Vụ bé gái 10 tuổi bị xâm hại tình dục ở Chương Mỹ xảy ra tại vùng nông thôn với kẻ thủ ác là một người bán thịt lợn. Nhưng vụ bé gái 7 tuổi bị dâm ô trong thang máy ở TP.HCM xảy ra tại một chung cư cao cấp.

Và người đàn ông tấn công cháu bé là một quan chức về hưu. Tức là người có trình độ văn hóa cao, có địa vị xã hội cao. Kinh ngạc hơn, người này còn từng giữ vị trí Viện Phó Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, tức là người có hiểu biết cao về pháp luật, lại giữ trọng trách trong một cơ quan tư pháp có nhiệm vụ nhân danh Nhà nước để thực thi công lý.

Điều gì đang xảy ra với cuộc sống của chúng ta vậy? Đó là câu hỏi làm hoang mang chao đảo tinh thần của hàng triệu bà mẹ Việt trong những ngày qua.

Chưa đầy 30 ngày và 2 vụ xâm hại trong thang máy: Phụ nữ không đấu tranh cho quyền được an toàn của chính mình bây giờ thì còn đợi đến bao giờ? - Ảnh 3.

Xã hội ngày một hiện đại hơn, những phương tiện, thiết bị bảo vệ con người ngày càng nhiều và tinh vi hơn. Nhưng phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là bé gái lại đang bị tấn công trực diện hơn. Bất kể thời gian, không gian, địa điểm, môi trường xã hội từ những đối tượng bất kể tuổi tác, trình độ, hiểu biết pháp luật và địa vị.

Có lẽ dù trí tưởng tượng phong phú đến mấy, chúng ta cũng khó có thể nghĩ ra nổi, những nơi công cộng như thang máy, trường học lại trở thành điểm nóng về xâm hại. Thang máy chung cư nơi có camera giám sát 24/24h và lực lượng bảo vệ tức trực ngày lẫn đêm tưởng là bất khả xâm phạm. Trường học – nơi tưởng là an toàn tuyệt đối. Ấy thế tại chính những địa điểm công cộng được cho là không thể an toàn hơn ấy lại là nơi kín đáo cho những gã yêu râu xanh hồn nhiên lột mặt nạ?

Khi sự vụ xảy ra, nhiều bà mẹ đã lên tiếng, thậm chí cãi vã nhau, chỉ trích nhau, rằng đã quá chủ quan với con trẻ, rằng tại sao có thể để một em bé dưới 14 tuổi đi lại một mình trong thang máy, rằng tại sao có thể rời mắt khỏi con dù chỉ một giây. Nhưng các bà mẹ có lẽ vì quá hoang mang với sự an toàn của con cái mà quên mất chính bản thân mình cũng đang bị đe dọa.

Chưa đầy 30 ngày và 2 vụ xâm hại trong thang máy: Phụ nữ không đấu tranh cho quyền được an toàn của chính mình bây giờ thì còn đợi đến bao giờ? - Ảnh 4.

Sự thật là, dù con gái bạn dưới 14 hay trên 14, dù dưới 20 hay trên 20, thì chúng vẫn cứ là nạn nhân dự bị của những kẻ xấu. Cũng như, không loại trừ chính bạn có tên trong danh sách dự bị. Bởi bạn không phải là "phái mạnh" và "Hãy luôn bảo vệ con, em chúng ta", "Hãy bảo vệ phụ nữ và trẻ em" dường như vẫn đang chỉ là những khẩu hiệu nặng về tính hô hào.

Sau 2 sự cố đau lòng, các chung cư đang ồ ạt lắp đặt camera, hòng mong mọi sự cố đều có mắt thần của camera bao quát. Nhưng nếu sự cố xảy ra, không có vị thần nào xuất hiện để giải cứu nạn nhân ngoài chính họ.

Nhân viên an ninh được dân cư trả tiền để ngồi trước màn hình giám sát, nhưng không có nhân viên nào nhấn nút báo động khẩn cấp khi chứng kiến cảnh cô gái hay em bé bị tấn công. Cũng không có ban quản trị nào chủ động báo công an khi danh dự và an toàn của cư dân mình bị đe dọa và xâm hại. Họ để mặc cho mọi sự xảy ra, khi được yêu cầu thì trích xuất camera là hết nhiệm vụ.

Phía cơ quan chức năng, nơi mà người dân gửi gắm nhu cầu tha thiết được bảo vệ, cũng không rốt ráo trong việc xử lý những hành vi mang tính tấn công tình dục ở cấp độ chưa xảy ra giao cấu. Án hành chính 200 ngàn đồng là một ví dụ điển hình cho sự thờ ơ, xem nhẹ nhân phẩm phụ nữ tồn tại trong quan điểm của số đông.

Trong khi đó, dư luận vô ý góp phần làm sự việc bị đơn giản hóa bằng cách sử dụng các từ ngữ nói giảm nói tránh như "cưỡng hôn", "sàm sỡ", "có hành động khiếm nhã" thay vì dùng từ ngữ đúng bản chất là "tấn công tình dục". Luật Hình sự hiện tại không xử lý những vụ cưỡng hôn, sàm sỡ, khiếm nhã với phụ nữ, cũng không xử lý hành vi quấy rối tình dục với người trên 16 tuổi.

Chưa đầy 30 ngày và 2 vụ xâm hại trong thang máy: Phụ nữ không đấu tranh cho quyền được an toàn của chính mình bây giờ thì còn đợi đến bao giờ? - Ảnh 5.

Có một thực trạng đáng buồn đó là dù ai cũng tỏ ra bức xúc trước tình trạng xâm hại phụ nữ. Nhưng rất nhiều người, ngay cả những người làm cha làm mẹ hay nữ giới trưởng thành cũng không có đủ tri thức, hiểu biết và kĩ năng để bảo vệ chính mình, kĩ năng phòng ngừa sự cố, ứng phó với sự cố và giải quyết sự cố xảy ra.

Cô gái trong vụ "cưỡng hôn" im lặng tức tưởi cho qua chuyện, có lẽ với suy nghĩ "kiện tụng cũng chẳng được gì". Gia đình cháu bé bị dâm ô ở chung cư G. cũng không khởi tố đối tượng, mặc dư luận sục sôi.

Chưa đầy 30 ngày và 2 vụ xâm hại trong thang máy: Phụ nữ không đấu tranh cho quyền được an toàn của chính mình bây giờ thì còn đợi đến bao giờ? - Ảnh 6.

Nhiều người trưởng thành, nhiều vị phụ huynh khi được hỏi về cách xử lý tình huống bị xâm hại đã thể hiện sự bối rối vì không biết phải đệ đơn lên các cơ quan nào, đề nghị sự trợ giúp từ đâu. Phần lớn người dân rơi vào cảnh hoang mang, bị động. Ráo riết đưa con đi học võ tự vệ, hay ráo riết siết lại sinh hoạt của con cái, nuôi nhốt con trong nhà cũng chỉ là hành động tức thời theo cơn giận dữ, sợ hãi đang dâng cao.

Cuối cùng thì, quyền được an toàn cứ ngỡ là quyền tất yếu của cuộc sống lại trở thành một thứ quyền xa xỉ giữa bối cảnh nhìn đâu cũng thấy nguy cơ, nhìn ai cũng thấy nghi ngờ. Nỗi sợ hãi níu theo từng bước chân, dập dình theo sự lên xuống của cái thang máy, đỏ lòe theo từng phím bấm số tầng. Và những cô gái, dù nhỏ tuổi hay đã trưởng thành, dù độc thân hay đã làm mẹ, cứ sau mỗi dịp 8/3 được tôn vinh lên trời bên bàn tiệc lại trở về mặt đất với ám ảnh xâm hại vây bủa khắp nơi.

Đã có rất nhiều ý kiến chuyên môn, kiến nghị các nhà làm luật cần sửa đổi một số nội dung trong Bộ luật Hình sự về tội tình dục theo hướng mở, trong đó, chỉ cần tiếp cận trái ý muốn với nạn nhân là đã có thể kết tội. Song, tiến trình sửa đổi một bộ luật đòi hỏi rất nhiều thời gian. 

Trong lúc chờ các nhà lập pháp điều chỉnh các bộ luật phù hợp hơn với thực tế, điều mà phụ nữ cần là những hành động cấp bách, thiết thực, là các chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền an toàn của phụ nữ và trẻ em. Bao gồm nhận thức về giới tính, về sự bất khả xâm phạm của thân thể, về nhận diện các nguy cơ, về cách ứng phó với các mối đe dọa và thiết lập hệ thống cảnh báo, báo động nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho phụ nữ và trẻ em ở các không gian khác nhau.

Chưa đầy 30 ngày và 2 vụ xâm hại trong thang máy: Phụ nữ không đấu tranh cho quyền được an toàn của chính mình bây giờ thì còn đợi đến bao giờ? - Ảnh 7.

Cuối cùng, chính mỗi người chúng ta, những người phụ nữ chân yếu tay mềm phải thay đổi. Hãy thôi đừng im lặng vì xấu hổ, vì sợ lên án khi bị xâm hại, dù bằng hành động hay lời nói mà mạnh dạn lên tiếng, hành động để bảo vệ chính mình. 

An toàn vốn là quyền tất yếu với bất kì ai. Với phụ nữ, trẻ em, nhóm được xếp vào hàng ít khả năng phòng vệ, điều này càng quan trọng hơn bao giờ hết, vì nó đồng nghĩa với sự tôn trọng, bảo vệ và yêu thương. Khi những vụ xâm hại ngày càng diễn ra nhiều với những hậu quả đau lòng, phụ nữ nếu không hành động ngay bây giờ thì còn chờ đến bao giờ nữa?!

Phụ nữ, trẻ em phải được an toàn dù ở bất cứ nơi đâu. Hãy lên tiếng cùng aFamily trong chiến dịch "Quyền an toàn" để chặn đứng xâm hại, sàm sỡ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, vì một cộng đồng tốt đẹp hơn!

Đã đến lúc lên tiếng. Im lặng là đồng lõa với tội ác.

Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại ĐÂY hoặc qua email doisong@afamily.vn và Fanpage chính thức của aFamily để góp tiếng nói của mình vào chiến dịch này. Chúng tôi sẽ đảm bảo bí mật danh tính của bạn.

Chia sẻ