Chồng xin tòa án cấp lệnh bảo vệ vì bị vợ bạo hành nhiều lần

Minh Thu,
Chia sẻ

Bị vợ liên tiếp bạo hành, một người đàn ông ở Trung Quốc đã phải viết đơn xin tòa án cấp lệnh bảo vệ.

Tòa án thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc mới đây đã ban lệnh cấm hay còn gọi là lệnh bảo vệ cho một người đàn ông. Nguyên nhân là người này đã 2 lần bị vợ mình tấn công và gây thương tích bằng dao. Đây là vụ việc liên quan tới bạo lực gia đình.

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, người đàn ông mang họ Zhao (28 tuổi) đã phải hứng chịu hành vi bạo lực gia đình do bị vợ mang họ Gao dùng dao chém vào đầu và vai hồi tháng 11/2020 và tháng 2/2021.

Chồng xin tòa án cấp lệnh bảo vệ vì bị vợ bạo hành nhiều lần - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều nam giới là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình ở Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Không thể chịu đựng được thêm hành vi bạo lực của người vợ, vào ngày 9/2, anh này đã đệ đơn lên Tòa án Nhân dân quận Lương Bình trực thuộc thành phố Trùng Khánh để xin cấp lệnh bảo vệ. Trong đơn, anh Zhao đề nghị tòa án yêu cầu vợ mình dừng đánh đập và chửi bới anh.

Tòa án đã xem xét đơn đề nghị của anh Zhao, cùng các bằng chứng liên quan như giấy chứng nhận thương tích được bệnh viện cấp, và đơn trình báo của anh Zhao cho cảnh sát. Cuối cùng, tòa án đã chấp thuận cấp lệnh cấm lại gần.

Đáng nói, hai vợ chồng anh Zhao gần đây đã sống ly thân và anh Zhao cũng đã đệ đơn xin ly hôn lên tòa.

Theo dữ liệu năm 2018 được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc và Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc công bố, 19,9% nam giới và 22,9% nữ giới chịu cảnh bạo lực gia đình ở các cấp độ khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc gần 1/2 số nạn nhân chịu cảnh bạo lực gia đình ở Trung Quốc là nam giới.

Người dân Trung Quốc vẫn nhìn nhận việc chồng đánh vợ là vấn nạn bạo lực gia đình, trong khi vợ đánh chồng chỉ được xem là hành động phản kháng của phái yếu. Song theo các chuyên gia luật, nhận định này là hoàn toàn sai.

Theo Luật Chống Bạo lực Gia đình được Trung Quốc lần đầu tiên thi hành vào ngày 1/3/2016, bạo lực gia đình liên quan tới các hành vi xâm phạm thể chất và tinh thần giữa các thành viên trong gia đình ở dạng đánh đập, bắt trói, gây thương tích, hạn chế sự tự do cá nhân, thường xuyên có lời lẽ chửi bới và hăm dọa. Do đó, nếu như người vợ làm những việc như trên với người chồng, vụ việc phải được xem xét theo góc độ bạo hành gia đình.

“Dù là nam hay nữ, mọi người cần dùng tới pháp luật để bảo vệ bản thân một khi sự an toàn cá nhân bị xâm phạm”, ông Li Yong, Phó Giáo sư tại Đại học Luật và Khoa học chính trị Tây Nam chia sẻ trên thecover.cn.

Kể từ khi Luật Chống Bạo lực Gia đình được ban hành, nhiều khu vực trên lãnh thổ Trung Quốc đã cấp lệnh bảo vệ cho không ít nam giới là nạn nhân của vấn nạn bạo hành gia đình. Nhiều tỉnh và thành phố như Bắc Kinh và Cát Lâm đã lần đầu tiên cấp lệnh cấm cho nạn nhân của bạo hành gia đình là nam giới vào tháng 12/2016 và tháng 11/2019.

Chia sẻ