Chống Covid-19, ngôi trường cách Hà Nội 40km biến thành trang trại thực phẩm sạch; giáo viên tự bắt cá, làm shipper, chốt đơn “nhà nghề”

Thanh Ba - Thiết kế: Thuỷ Tiên,
Chia sẻ

Bằng sự nhanh nhạy, các thầy cô giáo của Trường Đồi (Spring Hill) đã biến trường học thành trang trại thực phẩm sạch, giải quyết vấn đề khó khăn mùa dịch. Hơn hết đây còn là cách để thầy cô làm gương, dạy cho học sinh của mình cách vượt qua nghịch cảnh.

Chống Covid-19, ngôi trường cách Hà Nội 40km biến thành trang trại thực phẩm sạch; giáo viên tự bắt cá, làm shipper, chốt đơn “nhà nghề” - Ảnh 1.

Spring Hill (hay còn được gọi là Trường Đồi) cách trung tâm Hà Nội 40km vốn được biết đến như một ngôi trường có phương pháp giáo dục đặc biệt. Ở đây, học sinh không bị gánh nặng điểm số, đồng thời bên cạnh học văn hóa, các em còn được trao rất nhiều cơ hội để tự khám phá thiên nhiên, học kiến thức thực tế từ cách hoạt động ngoại khoá.

Giờ đây giữa mùa dịch bệnh Covid-19, Spring Hill lại có một bước chuyển mình thức thời và văn minh. 6ha đất canh tác của trường đã biến thành trang trại, giáo viên chẳng ngần ngại chân lấm tay bùn đi cuốc đất, hái rau, bắt cá… Facebook các thầy cô và fanpage của nhà trường đều biến thành shop bán hàng online, giáo viên kiêm luôn shipper...

Nhưng để có sự chuyển đổi nhẹ tênh như trên mạng người ta thấy lại là biết bao câu chuyện hậu trường hay những trải nghiệm thực tế họ chưa từng kể. 

Đó là kế hoạch “tự giải cứu” với niềm hạnh phúc có thật, điều kỳ diệu biến rủi thành may khi ở ngoài kia vẫn có bao người còn đang thở hắt ra vì chẳng tìm được cách kiếm sống nào đi qua mùa dịch bệnh.

Chống Covid-19, ngôi trường cách Hà Nội 40km biến thành trang trại thực phẩm sạch; giáo viên tự bắt cá, làm shipper, chốt đơn “nhà nghề” - Ảnh 2.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ tháng 2, Spring Hill phải cho học sinh nghỉ học và trường không thu được một đồng học phí nào. Vốn là trường tư, không có hỗ trợ của nhà nước trong khi đó bảo hiểm xã hội cho giáo viên và nhân viên toàn trường gần 50 người vẫn phải đóng, dù có quỹ dự phòng nhưng để đối phó với tình hình, ban lãnh đạo cần có hành động thiết thực hơn.

Sau những buổi họp bàn với thành viên ban lãnh đạo nhà trường, cô hiệu phó đưa ra ý tưởng trường sẽ sử dụng nguồn thực phẩm sạch mà trường đang duy trì để nấu ăn cho học sinh để cung cấp thực phẩm cho phụ huynh trong và ngoài trường. Như vậy vừa giải quyết được thực phẩm đang nuôi trồng, vừa giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho toàn thể GV và nhân viên trong mùa dịch.

Vốn chủ trương tự cấp, tự túc để đảm bảo nguồn nguyên liệu đảm bảo an toàn cho học sinh nên sản phẩm của trường đồi vô cùng đa dạng, đủ thịt, cá, trứng, rau, mật ong... không khác một siêu thị thực phẩm sạch chuyên nghiệp.  

Chống Covid-19, ngôi trường cách Hà Nội 40km biến thành trang trại thực phẩm sạch; giáo viên tự bắt cá, làm shipper, chốt đơn “nhà nghề” - Ảnh 3.

Các loại tôm ao, hồ, cá các loại, chai chai, trùng trục là các thực phẩm đánh bắt ở ao nuôi do trường thầu của bà con Mường. Đó là các ao có nguồn nước trên suối thượng nguồn trên rừng phòng hộ ở đỉnh đồi chảy xuống nên rất ngon. Thịt lợn từ nhà các bác nhân viên nhà bếp chăn nuôi bằng bỗng rượu trong làng. Bò thì từ trang trại của đồi nuôi lấy phân cho trồng trọt. Ngoài ra còn là các loại gia cầm như gà vịt ngan, mật ong, rau củ quả đều được nuôi trồng từ các trang trại của trường mới được cải tạo từ tháng 2.

Nguồn nguyên liệu có sẵn, tuy nhiên chuyển đổi từ việc dạy học sang bán thực phẩm chẳng hề dễ dàng. Bắt tay vào làm, các thầy cô giáo và nhân viên trường đồi đều không ngờ là công việc cung cấp thực phẩm lại khó nhọc tới vậy!

Việc sản xuất và thu hái phân chia bảo quản thực phẩm thì nhà bếp và trang trại của trường đã làm quen vì hàng ngày đi học trường phải cung cấp đồ ăn hàng bữa cho gần 500 người. Nhưng về việc bán hàng online và nhất là ship hàng thì họ đã phải vừa làm vừa học rất nhiều.

Công việc thu hái và đóng gói để phân chia cho từng đơn hàng, hàng ngày, cần rất nhiều thời gian. Các thầy cô phải dậy từ 4h sáng mỗi ngày, công việc khá căng thẳng và cần độ chính xác cao, không được phép nhầm lẫn vì khách hàng sẽ cáu nếu họ đặt mua chuối ương mà mình lại chuyển cho họ chuối xanh.

Rồi việc vận chuyển hàng từ đồi tới các gia đình cũng là một thách thức rất lớn vì các thầy cô chưa quen với việc này. Ban đầu khách kêu ca rất nhiều vì rau nát, thịt cá không còn tươi; bởi vì hành trình vận chuyển từ đồi xuống phố rồi từ điểm trung chuyển ở phố lại ship về các gia đình, mỗi gia đình ở một nơi. Nhưng vạn sự khởi đầu nan, sau 1 tuần thì các thầy đã quen công việc, thay đổi và hoàn thiện quy trình, tới nay dịch vụ ship hàng đã rất quy củ và khách hàng rất hài lòng, mọi thứ đi vào guồng ổn định và có quy trình. 

Chống Covid-19, ngôi trường cách Hà Nội 40km biến thành trang trại thực phẩm sạch; giáo viên tự bắt cá, làm shipper, chốt đơn “nhà nghề” - Ảnh 4.

Trước đây, giáo viên chỉ bắt đầu công việc lúc 7h30 sáng và kết thúc lúc 4h chiều, ngày nghỉ có nguyên 2 ngày là thứ 7, Chủ nhật. Bây giờ vẫn là họ nhưng bắt đầu công việc lúc 4h sáng và thường kết thúc công việc lúc 8h tối, làm 7 ngày/tuần. Có những hôm 11h đêm chưa xong hết việc vì đơn hàng nhiều và phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Có những đêm hơn 11h mà ban lãnh đạo nhà trường vẫn họp để xử lí các phản hồi của phụ huynh mua hàng, xử lý các vấn đề phát sinh trên các tuyến ship hàng, xử lý các vấn đề thu hái ở trang trại.

“Thường để kịp 4h sáng về chia và phân thực phẩm thành gói chuẩn bị ship hàng từ đồi về phố thì chúng tôi phải cắt cử nhau mỗi ngày có 1 nhóm các thầy cô giáo lên đồi hái rau củ quả từ 3h sáng. Hái tới tầm 4h là chuyển sang tôm cua cá thịt. Rau được chia trước sau đó tới thịt và trứng. 

Mọi thứ rất tuần tự và cẩn thận nhưng đợt đầu sản phẩm của họ thường xuyên bị khách trả lại đồ! Lí do là thực phẩm không được như mong muốn khi tới tay khách hàng. Ví dụ như tôm kéo lên lúc ở đồi thì tươi nhảy tanh tách nhưng tới tay khách qua quá trình ship thì có vẻ không còn tươi. Khách trả lại và tối hôm đó chúng tôi liên hoan ăn uống linh đình, vừa ăn vừa cảm ơn khách trả lại tôm thì mới có tôm ngon để ăn thế này!

Ăn uống xong chúng tôi nghĩ ra giải pháp là từ sáng hôm sau tôm sẽ được đảo qua trên chảo với chút muối trước khi đóng hàng chuyển tới khách. Từ hôm đó trở đi khách lại khen tôm ngon và chúng tôi không còn tôm để ăn!” -  Chuyện buồn ngày mới đổi từ việc dạy học sang bán thực phẩm sạch được thầy Nguyễn Đức Quang, người sáng lập và điều hành trường, người luôn bình tâm với bất kỳ hoàn cảnh nào kể bằng giọng điệu vui vẻ như thế.

Lâu dần, không chỉ là thực phẩm sạch sơ chế, thầy cô trường đồi còn làm thêm một số món ăn sẵn như giò bò, giò lợn hay bột bánh trôi nhuộm màu lá cây hoa cỏ trên đồi dịp Tết Hàn thực. Gần đây trường còn thử nghiệm sản xuất nước súc miệng từ lá trầu không trồng trên đồi nữa. 

Chống Covid-19, ngôi trường cách Hà Nội 40km biến thành trang trại thực phẩm sạch; giáo viên tự bắt cá, làm shipper, chốt đơn “nhà nghề” - Ảnh 5.

Chuyện bán đồ ăn sẵn cũng mang lại cho thầy cô trường đồi nhiều kỉ niệm. Ví dụ như hôm làm giò bò, mỗi GV ở bếp được nếm thử 1 miếng nhỏ, ai cũng muốn mua cho gia đình ăn, nhưng chưa hôm nào họ đủ giò để bán cho khách nên chưa ai có cơ hội. Thậm chí, nhóm giáo viên gồm 7 người chăm sóc khách hàng online thì chưa được nếm lần nào.

Được khách liên tục chụp màn hình gửi các thầy cô chăm sóc khách hàng để khen giò ngon, khen miếng giò có mùi ấu thơ không chỉ khiến các thầy cô trong ban chăm sóc khách hàng vui mà họ càng nôn nóng muốn ăn giò bò! Và hôm qua họ đã phải làm giò bò số lượng nhiều hơn để đủ đơn hàng và thừa ra bán cho mỗi thầy cô ban chăm sóc khách hàng nửa cân để ăn cho... bõ thèm. 

Một lần khác, thầy Quang đi nhổ rau má trên đồi thấy nhiều quá, non quá nên chụp ảnh khoe với các cha mẹ trên mạng. Tối đó khách đăng ký ào ào, sáng hôm sau thầy giáo phụ trách tổng hợp đơn hàng đã báo lên cho cô hiệu phó phụ trách phân chia hàng rằng hôm nay chúng ta cần 40kg rau má mới đủ bán. Toàn đồi nếu mỗi ngày thu hoạch thì cũng chỉ có thể nhổ được 20kg rau má là nhiều nhất, rau mọc tự nhiên nên phải đợi rau lên mới nhổ được. 

Kết quả là thầy Quang đã phải cùng 2 bác nhà bếp leo lên các đồi lân cận các đồi cao gần với rừng để nhổ thêm rau má, từ sáng tới chiều mới đủ trả lượng rau má đặt mua trong các đơn hàng. Ngày hôm đó rất mệt nhưng với họ lại rất vui.

Thầy Quang nói thêm: "Đáng nhớ nhất là trước ngày Thủ tướng công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc, các gia đình ở phố cũng đặt hàng rất nhiều và bản thân chúng tôi cũng gần như thu hái toàn bộ thực phẩm có được ở đồi để cung cấp cho các nhà. Trường sáng điện và lao động nhộn nhịp tới tận gần 11h đêm, các thầy cô gồng lên để làm việc sao cho đủ các đơn hàng và không được phép nhầm lẫn, thậm chí mọi người chỉ kịp ăn cơm với nước chan để nuốt cho nhanh để còn làm tiếp cho kịp. 

Làm lâu lâu cũng dần quen. Nếu như trước kia mỗi ngày đến trường dạy học là một ngày vui thì bây giờ mỗi ngày tới trường của chúng tôi cũng là một ngày vui, một ngày vui vì có công ăn việc làm trong thời dịch khó khăn như thế này”.

Chống Covid-19, ngôi trường cách Hà Nội 40km biến thành trang trại thực phẩm sạch; giáo viên tự bắt cá, làm shipper, chốt đơn “nhà nghề” - Ảnh 9.

Dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn, nhưng thay vì ngồi yên, thầy cô và trường đồi đã linh hoạt xoay sở để vượt qua khó khăn. Sự dịch chuyển này không chỉ giúp các thầy cô vượt qua khó khăn về kinh tế mà còn giúp họ thêm những bài học thực tế, những kiến thức và kĩ năng đó không có trong sách vở và cũng không có trường sư phạm nào đào tạo cả. Đây còn là cách gián tiếp để thầy cô của trường làm gương cho học sinh của mình.

“Chúng tôi luôn tâm niệm rằng dạy cho học sinh những kiến thức trong SGK là quan trọng nhưng nó không phải là tất cả. Học sinh sẽ thường nhìn vào những gì thầy cô làm và cách thầy cô sống để học tập. Mình muốn học sinh của mình có tư duy tích cực, có khả năng vượt khó, có ý chí và có khả năng sáng tạo; vậy thì trước tiên bản thân thầy cô phải có những phẩm chất đó trước. 

Các thầy cô nếu nghĩ rằng mình làm nông, mình bán hàng, mình ship hàng là để kiếm sống thôi thì có lẽ các thầy cô sẽ thấy ngại lắm, nhưng nếu các thầy cô nghĩ rằng mình làm nông, mình bán hàng, mình ship hàng, mình chế biến món ăn, mình sản xuất nước súc miệng… ngoài để kiếm sống ra còn để cho bản thân có thêm trải nghiệm, cuộc sống của mình thêm phong phú và tâm hồn mình thêm giàu có, mạnh mẽ; thì mình sẽ có thể đem đến cho học sinh của mình những bài học sống động hơn. Học sinh của mình sẽ được học từ mình lối tư duy và những kỹ năng sống thiết yếu cho cuộc sống hơn”, thầy Quang chia sẻ. 

Cũng có đôi lúc các thầy cô trong ban lãnh đạo vì phải thức khuya dậy sớm nhiều ngày liên tục, mọi người mệt mỏi và muốn bỏ cuộc, lúc đó thầy Quang lại phải là người vực mọi người lên để đi tiếp. Bởi nếu không đi tiếp thì cũng không có con đường nào tốt hơn để đi cả. Học sinh thì sẽ còn nghỉ học dài dài, chả nhẽ để GV không có nguồn thu nhập nào. Và rồi họ đã vui vẻ cùng nhau “tự giải cứu” chính mình bằng thu nhập kiếm được từ đôi tay, bằng nụ cười lao động mỗi ngày, bằng phản hồi tích cực nhận được từ khách hàng.

Nhưng với các thầy cô, cái được lớn nhất là có thêm trải nghiệm sát cánh đồng lòng bên nhau vượt qua khó khăn, từ đó họ sẽ có thêm vốn kiến thức và cảm xúc để truyền thụ cho học sinh khi quay trở lại trường học sau dịch. Bởi suy cho cùng, vượt qua nghịch cảnh vượt qua khó khăn cũng là một trí tuệ mà người giáo viên cần được trang bị để có thể dạy lại cho học sinh của mình.  

Chống Covid-19, ngôi trường cách Hà Nội 40km biến thành trang trại thực phẩm sạch; giáo viên tự bắt cá, làm shipper, chốt đơn “nhà nghề” - Ảnh 7.

Thầy Quang khẳng định trong niềm tự hào: “Không khí lao động hăng say và tinh thần đoàn kết gắn bó đó của toàn trường trong thời điểm cao trào của dịch bệnh, hẳn chúng tôi chẳng có ai có thể quên được. Câu chuyện đó tôi sẽ kể cho học sinh khi quay lại trường với hy vọng sau này lớn lên các con cũng sẽ có sức mạnh và ý chí để vượt qua mọi nghịch cảnh trong cuộc sống một cách an nhiên và hạnh phúc như chúng tôi ngày hôm nay”. 

Chia sẻ