Chồng ăn bám vẫn được mẹ chồng bênh chằm chặp "đàn ông ai lại xuống bếp", vợ cười mỉa nói 1 câu nhỏ nhẹ nhưng sức công phá lớn buộc anh phải thay đổi

Hướng Dương HT,
Chia sẻ

10 giờ trưa đi chợ về vẫn thấy chồng đang nằm ngủ, Phương cất tiếng gọi anh xuống bếp hộ mình nấu cơm thì mẹ chồng đã vội bênh vực: "Con cứ kệ cho nó ngủ. Đàn ông ai lại xuống bếp làm việc đàn bà".

Tuấn - chồng Phương đẹp trai, là con một, gia đình lại có điều kiện nên anh được chiều chuộng từ nhỏ. Trong mắt bà Loan - mẹ anh, con trai đúng như cục vàng, bà nâng niu hơn nâng trứng. Trời nóng anh đổ mồ hôi, bà đã cảm thấy xót lòng không chịu nổi.

Về làm dâu nhà bà Loan, Phương mới nhận ra mình đã chọn sai chồng. Vì chồng cô là kẻ lười biếng, ăn bám. Đã thế mẹ chồng lại bênh con chằm chặp đến mức mù quáng.

Tuấn gần 30 tuổi, đã đi làm nhưng anh vẫn nhận viện trợ của mẹ thường xuyên. Dăm bữa nửa tháng, bà Loan lại dấm dúi tiền đưa cho con trai tiêu vặt. Phương lấy Tuấn được 4 năm rồi mà cô chưa biết đồng lương của chồng nhiều ít ra sao. Mọi chi tiêu, sinh hoạt của hai vợ chồng và đứa con đều do Phương cáng đáng.

Bà Loan còn mặc định rằng việc nhà, việc chăm sóc con cái là trách nhiệm của con dâu. Còn Tuấn chỉ cần đi làm thôi là đủ rồi. Nhiều hôm vì quá bức xúc, Phương nói rõ với mẹ chồng rằng chăm con, nuôi con là trách nhiệm của cả bố lẫn mẹ nhưng bà Loan lại bênh con trai. Bà lý lẽ rằng ngày xưa bố anh đi bộ đội đằng đẵng từng ấy năm trời, một mình bà ở nhà nuôi con, lo cấy hái các thứ mà vẫn xong.

Cứ vậy, trong nhà chồng, Phương luôn là người dậy sớm nhất để đi chợ, lo bữa ăn cho cả nhà, cho con đi học,... Chồng Phương đi làm về là lại nằm dài ở ghế sofa chơi điện tử, đợi đến giờ ăn cơm.

Nhiều hôm bận quá, Phương nhờ chồng lên phơi quần áo hộ thì mẹ chồng đã lên tiếng: "Nó biết cái gì mà động chân động tay. Thôi để đấy tý mẹ làm. Có cái việc cỏn con cũng gọi chồng". Mẹ chồng nói thế nhưng cuối cùng vẫn là Phương phải động tay động chân.

Chồng ăn bám vẫn được mẹ chồng bênh chằm chặp "đàn ông ai lại xuống bếp", vợ cười mỉa nói 1 câu nhỏ nhẹ nhưng "sức công phá lớn" buộc anh phải thay đổi - Ảnh 1.

Vợ thì đi làm vất vả, về lại cuống cuồng lo việc gia đình, chồng vẫn nằm dài chơi game. (Ảnh minh họa)

Thời gian gần đây, mẹ đẻ của Phương từ quê lên chữa bệnh và phải nằm viện khá lâu. Phương đành xin nghỉ việc để vừa có thời gian chăm mẹ, vừa lo việc gia đình nhà chồng.

Mẹ Phương nằm viện hơn 1 tuần nhưng chỉ có mỗi cô vào chăm sóc. Còn Tuấn chỉ mang cân cam vào hỏi thăm. Anh còn chưa kịp ngồi nóng ghế, bà Loan đã vội vàng gọi về, sợ con ở bệnh viện lâu sẽ lây bệnh của người khác. Tiền viện phí hay tiền hỏi thăm mẹ, cả chồng Phương và mẹ chồng đều không nhắc tới bao giờ.

Tuần trước, mẹ Phương phải phẫu thuật nên cô phải ở trong bệnh viện với bà hết buổi sáng. Đến trưa về nhà, Phương thấy cơm nước chẳng ai đoái hoài. Cô lại vội vàng đi chợ mua thức ăn.

Thấy chồng vẫn còn đang ngủ trên nhà, Phương gọi to kêu anh xuống hộ mình. Nhưng bà Loan vừa nghe thấy đã ra hiệu cho cô nói nhỏ giọng lại: "Con cứ để cho nó ngủ, hôm qua thấy nó thức khuya chắc làm việc cực lắm. Mà đàn ông con trai, ai lại xuống bếp". Phương bực dọc đáp lại: "Anh ấy thức đêm chơi game chứ làm việc gì đâu ạ. Mà cũng hơn 10 giờ trưa rồi. Lười biếng thế này thì làm ăn gì được?"

Mẹ chồng có vẻ không hài lòng với câu nói của Phương, mặt bà xị ra: "Của cải nhà này ăn mấy đời không hết, tội gì mà đi làm. Đấy là nó thích đi làm đấy chứ, không thì mẹ cũng bắt ở nhà".

Phương thở dài không nói thêm câu nào nữa, tập trung nấu ăn cho xong đúng bữa. Nghe thấy 2 mẹ con dưới nhà lớn tiếng, Tuấn bấy giờ mới dậy. Anh uể oải bước xuống dưới nhà, vừa đi vừa ngáp, rồi lại ra ghế sofa nằm ngủ tiếp.

Chồng ăn bám vẫn được mẹ chồng bênh chằm chặp "đàn ông ai lại xuống bếp", vợ cười mỉa nói 1 câu nhỏ nhẹ nhưng "sức công phá lớn" buộc anh phải thay đổi - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Đến bữa ăn, mẹ chồng vẫn hậm hực câu nói của Phương lúc nãy. Bà mỉa mai: "Các chị giờ sướng quá, nhàn quá rồi nên động tý là kêu bận bịu, vất vả chứ như chúng tôi ngày xưa thì... Mới có chăm mẹ đẻ mấy hôm mà đã về mặt nặng mày nhẹ với chồng con. Bận quá thì gọi người nhà lên chăm bà, con gái đi lấy chồng rồi lại cứ đi lo đằng ngoại người ta cười cho". Vừa nói bà vừa gắp thức ăn cho Tuấn, mỉm cười ra hiệu anh ăn luôn đi cho nóng.

Phương nghe thấy thế liền mỉm cười đáp lại luôn: "Vâng, là sức con nó có hạn mẹ ạ. Con trai mẹ thì được quyền nghỉ ngơi còn con dâu của mẹ 4 năm nay chưa bao giờ thấy mẹ nói rằng cứ để việc đấy, ngồi uống cốc nước đã. Thôi thì con trả lại cục vàng cho mẹ, con chẳng dám đụng vào nữa. Mẹ làm cái lồng kính mà đặt anh ấy vào trong. Đơn ly hôn con sẽ soạn nhanh chóng để gửi cho Tuấn".

Phương nói xong đi thẳng lên nhà dọn quần áo. Con giun xéo lắm cũng quằn, cô quá chán việc vừa là chồng vừa là vợ trong cái gia đình này rồi.

Nhưng từ lúc Phương vùng lên nói thẳng 1 câu như thế, bà Loan lại lo lắng, run sợ. Bởi dù gì Phương cũng là cô con dâu tốt, bà không thương cô thì cũng thương con trai mất danh dự. Giờ 1 đời vợ thì sau này không biết có ai lấy con trai bà không?

Còn Tuấn cũng lo lắng không kém. Bởi anh cũng rất yêu Phương. Anh lên phòng xin lỗi vợ rối rít. Phương thẳng thắn ra túi hậu phương buộc chồng phải thay đổi. Nếu anh không xắn tay giúp đỡ cô làm việc nhà, chăm 2 con, cô sẽ ly dị. Phương nói rõ, cô không thể sống với người chồng vô tâm, vô trách nhiệm như vậy thêm nữa. Và nếu mẹ chồng còn bênh anh 1 cách mù quáng, vợ chồng cô sẽ dọn ra ở riêng.

Tuấn nghe vậy cũng nhân nhượng. Mẹ chồng cũng chẳng dám cằn nhằn nhiều. Bởi lần đầu tiên sau 4 năm làm dâu, Phương mới vùng lên đầy thẳng thắn như vậy.

Chia sẻ