Chợ thuốc lớn nhất Hà Nội tấp nập xe vận chuyển: KIT test nhanh Covid-19 có cháy hàng như lời đồn?
Chủ cửa hàng kinh doanh dược phẩm cho hay, các hãng sản xuất vẫn phân phối, sản phẩm vẫn về bình thường, nay mai sẽ "bão hòa".
Sáng 23/2, chúng tôi ghi nhận tại khu vực chợ thuốc Hapulico – nơi phân phối và trung chuyển các mặt hàng về dược phẩm lớn nhất thị trường miền Bắc.
Phía bên trong sân, khu tập kết, các xe vận chuyển tấp nập hơn bình thường, các xe tải lớn, nhỏ ra vào liên tục và những chiếc xe đẩy hàng tranh thủ từng khe hở để lách qua.
Người dân giao dịch tăng đột biến tại chợ thuốc Hapulico
Còn tại phía mặt đường Vũ Trọng Phụng, đa số là các phương tiện mang biển kiểm soát tỉnh lẻ đứng đợi nhân viên chuyển hàng ra ngoài rồi tranh thủ cho vào thùng, hoặc các shipper nhanh chóng nhận hàng để giao cho khách.
Trong khi đó, nhiều cửa hàng thuốc ở mặt đường phía đối diện chợ thuốc cũng không kém phần đông đúc khách ra vào, thậm chí phải xếp hàng chờ đợi mới đến lượt.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Vũ Văn T, chủ một cửa hàng dược trong chợ thuốc cho hay, tại đây quanh năm vẫn tấp nập, tuy nhiên trong những ngày nay, mật độ ra vào có phần gia tăng hơn, tuy nhiên không hoàn toàn liên quan vấn đề liên quan đến mặt hàng Kit test Covid-19 đang cháy hàng.
"Đó là các công ty chuyển hàng đi các tỉnh lẻ, mấy ngày nay thuốc đề kháng, thuốc bổ bán rất chạy, chủ yếu chuyển đi các kênh ở các tỉnh, chứ không hoàn toàn là kit xét nghiệm Covid-19", anh T chia sẻ.
Riêng về Kit xét nghiệm Covid-19 nhanh, anh T khẳng định, không hoàn toàn "cháy hàng" mà do hàng chưa kịp về.
Theo anh T. trong vài ngày nay do tâm lý đám đông, cùng với việc F0 tăng đột biến nên nhiều người đổ xô đi mua số lượng nhiều hơn.
"Bình thường các hãng vẫn sản xuất, vận chuyển về thị trường, giá vẫn không thay đổi, chỉ có điều là người dân có tâm lý khan hàng nên mua dự trữ".
Không phải mặt hàng thiết yếu, giá nhập hàng không đổi
Vậy phải làm thế nào, là người kinh doanh nhưng anh T chân thành chia sẻ: "Hãy coi đây không phải mặt hàng thiết yếu như khẩu trang, khẩu trang là bắt buộc nhưng sau đó đã bão hòa. Còn, việc test nhanh thì mong các chuyên gia vào cuộc truyền thông để người dân thấy được lợi ích hay không. Theo tôi, người nào thấy biểu hiện thực sự cần test để biết mình chắc chắn mắc Covid-19 hay không thì hãy dùng, hoặc khi nào bắt buộc phải test để đi làm ở công ty, cơ quan thì dùng, không nên lãng phí, cũng không giải quyết được gì".
Để giải quyết việc này, anh T bật mí, hàng vẫn về đều, trong khi đó giá nhập không thay đổi, giá bán ra chắc chắn cũng không thay đổi.
"Bộ y tế đã quy định rồi, tại các phòng khám, bệnh viện không quá 78 nghìn/ lần test nhanh Covid-19. Các công ty cũng không dại gì nâng giá, vì Bộ Công thương có đội quản lý thị trường luôn kiểm tra đột xuất, đột xuất bất phát hiện cửa hàng nào bán giá cao hơn, thu về vài trăm đồng nhỏ/ test, nhưng bị phạt vài chục triệu, thì bao nhiêu cho đủ bù lại.
Người tiêu dùng thông minh nên lựa chọn phương án an toàn, cần thiết lắm thì vào các phòng khám, bệnh viện test để có kết quả chính xác hơn. Thay vì mua 2 đến 3 hộp tích trữ, thì nên mua vài cái để khi nào thực sự cần thì dùng, rồi vài hôm chắc chắn sẽ bão hòa. Nếu hiểu được như vậy thì có lợi cho bệnh nhân, đỡ lãng phí và dành 'nguồn' cho xã hội", anh T. phân tích.
Mặt hàng Kit test nhanh Covid-19 đã có phần giảm nhiệt
Cũng trong sáng nay, một chủ cửa hàng thuốc cho hay, sau vài ngày "lên đỉnh" thì hôm nay mặt hàng Kit test nhanh Covid-19 đã có phần giảm.
"Tôi nhận được phản hồi của một số khách rằng, test để biết mình có mắc bệnh hay không, nhưng nhiều người ở quê căn ke mua loại rẻ tiền nên bị lỗi. Ngoài ra, cũng có một số cửa hàng cho biết, khách của họ cũng đỡ hoang mang nên hạn chế dùng đến kit test Covid-19. Nếu ở Hà Nội mà cháy hàng, thì cứ alo về quê sẽ gom cho đủ, giá không thay đổi", chị Dương chủ cửa hàng dược ở Ninh Bình chia sẻ.
Đáng chú ý, một số chủ cửa hàng còn đưa ra lời khuyên rằng, người dân không nên quá quan tâm đến các nhóm bán hàng online hiện đang tạo cơn sốt "ảo".
"Vì một số người muốn bán được hàng càng nhanh càng tốt nên bất chấp những lời quảng cáo không đúng sự thật. Mua hàng online cũng được, nhưng nếu có nhu cầu thì hãy tìm đến những người bán hàng có uy tín để còn được tư vấn, vì đây là sản phẩm liên quan đến sức khỏe", một chủ cửa hàng, chia sẻ.
Bản tin Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 21/2 đến 16h ngày 22/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 55.879 ca nhiễm mới tại 62 tỉnh, thành phố.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau:
Hà Nội (6.860), Bắc Ninh (2.842), Bắc Giang (2.500), Hải Dương (2.485), Quảng Ninh (2.087), Hòa Bình (2.087), Phú Thọ (2.084), Lào Cai (2.056), Nam Định (1.943), Vĩnh Phúc (1.811), Hải Phòng (1.798), Ninh Bình (1.665), Thái Nguyên (1.645), Sơn La (1.494), Nghệ An (1.441), TP. Hồ Chí Minh (1.352), Hưng Yên (1.312), Yên Bái (1.290), Thái Bình (1.282), Khánh Hòa (1.213), Thanh Hóa (995), Đắk Lắk (989), Quảng Nam (976), Đà Nẵng (946).
Tuyên Quang (845), Bình Định (835), Lạng Sơn (765), Hà Tĩnh (690), Cao Bằng (649), Lâm Đồng (630), Quảng Bình (567), Điện Biên (499), Quảng Trị (494), Gia Lai (461), Bà Rịa - Vũng Tàu (441), Bình Phước (429), Lai Châu (388), Hà Nam (380), Cà Mau (351), Phú Yên (316), Thừa Thiên Huế (237), Bắc Kạn (233), Đắk Nông (232), Hà Giang (181), Kon Tum (157), Bình Thuận (155), Quảng Ngãi (135), Bình Dương (132), Tây Ninh (113), Bến Tre (64), Bạc Liêu (50), Đồng Tháp (47), Cần Thơ (46), Vĩnh Long (40), Đồng Nai (37), Trà Vinh (37), Long An (27), Kiên Giang (17), Ninh Thuận (14), An Giang (9), Sóc Trăng (9), Hậu Giang (6).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Thanh Hóa (-262), Thái Nguyên (-217), Quảng Bình (-211).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội ( 1.383), Bắc Giang ( 878), Lào Cai ( 875).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 43.605 ca/ngày.
- Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 205 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại TP. Hồ Chí Minh (97), Quảng Nam (27), Hà Nội (18), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (20), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (2), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1), Hưng Yên (6), Bình Phước (1), An Giang (1).
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.890.252 ca nhiễm, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 29.261 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 2.882.983 ca, trong đó có 2.302.264 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh.
TÌNH HÌNH XÉT NGHIỆM
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 33.203.787 mẫu tương đương 78.586.958 lượt người, tăng 40.171 mẫu so với ngày trước đó.