Cho con ngủ với người giúp việc, bà mẹ ân hận khi bị con gái xem như người xa lạ: Chuyên gia giáo dục chỉ ra những sai lầm phổ biến của bố mẹ

PHAN HIỀN,
Chia sẻ

Nếu chủ quan để con cái ngủ với người khác nhiều, sau này bố mẹ sẽ trở thành người xa lạ với trẻ, đặc biệt trong giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi.

Vương Tiểu Sảnh là khách mời trong một chương trình của đài CCTV Trung Quốc. Bên cạnh sự nghiệp thành công của mình, cô chia sẻ mình có không ít những sai lầm trong quá trình nuôi dạy con cái.

Sau khi sinh con gái, cô Vương thuê một người giúp việc để chăm sóc con mình. Người giúp việc này rất tốt, không có điểm nào để chê trách. Buổi tối, khi có thời gian rảnh cô muốn tự tay chăm sóc con gái, người này luôn đẩy cô về phòng rồi nói: "Chị cứ về phòng nghỉ ngơi đi, có em ở đây chăm em bé là được rồi".

Cô Vương cũng không nghĩ nhiều, cảm thấy an tâm hơn khi con gái ngoan ngoãn ngủ với người giúp việc. Kết quả 4 tháng sau đó khiến cô chết lặng, con gái không chịu cho bố mẹ bế, lúc nào cũng bám lấy người giúp việc.

Cô Vương cảm thấy có gì đó không ổn nên đã tham khảo ý kiến của một chuyên gia nuôi giáo dục và nhận được câu trả lời: "Không phải người mẹ không quan tâm tới con cái mà lý do thực ra rất đơn giản, đứa trẻ ngủ với ai thì nó sẽ bám lấy người đó".

Đứa trẻ ngủ với ai sẽ xem người đó là mẹ mình

Các chuyên gia về nuôi dạy con cái cho biết: "Trẻ sơ sinh nhận biết người lạ và người quen qua khứu giác".

Khi có một người thường xuyên ôm ấp, ru ngủ, hát cho trẻ nghe, dần dần chúng sẽ quen thuộc với mùi của người này và nghĩ họ là mẹ của mình.

Trẻ ngủ với ai có ảnh hưởng tới tính cách và cuộc đời của chúng sau này - Ảnh 1.

Trẻ thường xuyên ngủ với ai thì sẽ xem người đó là mẹ mình. (Ảnh minh họa)

Nhà động vật học Konrad Lorenz từng thực hiện một thí nghiệm:

Ông chia đàn vịt thành 2 nhóm A và B. Nhóm A do vịt mái ấp, nhóm B được ấp nhân tạo. Vịt con nhóm A khi mới sinh ra đã nhìn thấy mẹ chúng đầu tiên, còn vịt con nhóm B nhìn thấy Konrad đầu tiên.

Kết quả khi gặp nguy hiểm, vịt con nhóm B không chạy tới chỗ vịt mẹ như vịt con nhóm A, chúng lại núp sau Konrad. Điều này cho thấy, vịt con nhóm B xem Konrad như là "vịt mẹ".

Áp dụng điều này vào việc chăm sóc trẻ con. Trong giai đoạn sơ sinh, trẻ có xu hướng phụ thuộc vào người chăm sóc chúng nhiều hơn, đó có thể là mẹ, ông bà, người giúp việc...

Những vấn đề tiềm ẩn có thể phát sinh nếu trẻ không ngủ với bố mẹ

Vì bận rộn công việc nên không ít bố mẹ để con cái ngủ với ông bà hoặc người khác. Ngoài những vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe liên quan tới đường hô hấp, trẻ có thể đối diện với một số nguy cơ khác như ông bà chiều chuộng cháu, khiến chúng sinh ra một số tật xấu.

Cho con ngủ với người giúp việc, bà mẹ ân hận khi bị con gái xem như người xa lạ: Chuyên gia giáo dục chỉ ra những sai lầm phổ biến của bố mẹ - Ảnh 2.

Trẻ ngủ và tiếp xúc với ông bà nhiều hơn bố mẹ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. (Ảnh minh họa)

Cô Trần rất bận rộn nên giao con cho ông bà ngoại nuôi từ lúc đi học mẫu giáo. Thế nhưng, khi con được 4 tuổi vẫn đòi sờ ti mẹ mới ngủ khiến cô cảm thấy khó hiểu. Sau đó, cô phát hiện ra thói quen này là do mẹ mình gây ra. Ban đầu, bà ngoại nghĩ rằng vì cháu mình nhớ mẹ nên cho sờ ti, dần dần trở thành thói quen lúc nào không hay.

Cô Trần cảm thấy tức giận mẹ mình nhưng cảm thấy bản thân cũng là người có lỗi.

Ông bà chỉ là người chăm sóc cháu, còn bố mẹ mới là người đồng hành quan trọng trong tuổi thơ của con mình. Dù ông bà có thương cháu đến mấy, nếu đứa trẻ không có sự chăm sóc, quan tâm của bố mẹ mỗi ngày, chúng có xu hướng mắc các vấn đề về tâm lý.

Bố mẹ có nên ngủ chung với con cái?

Về mặt tâm lý, khi con cái ngủ chung với bố mẹ sẽ khiến chúng có cảm giác được an toàn.

Giáo sư Lý Mai Cẩn cho biết: "Nếu một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong tình yêu thương của bố mẹ, chúng sẽ vững tâm lý và có bản lĩnh chống chọi lại với những khó khăn sau này".

Trẻ ngủ với ai có ảnh hưởng tới tính cách và cuộc đời của chúng sau này - Ảnh 2.

Trẻ rất thích được ngủ cùng với bố mẹ mình. (Ảnh minh họa)

Những điều cần chú ý khi để con cái ngủ chung với bố mẹ:

- Kê giường riêng của con cái bên cạnh giường của bố mẹ

Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo rằng, bố mẹ và con cái nên ngủ khác giường nhưng trong cùng một căn phòng. Khi đặt giường bên cạnh bố mẹ, sẽ cho phép trẻ ngủ gần mẹ hơn, 2 bên có thể tiếp cận nhau ở cự ly gần.

Từ 0 đến 3 tuổi: Trẻ và mẹ nên nằm khác giường trong một phòng để thuận tiện cho người mẹ cho bú và thay bỉm, đồng thời tránh được tình trạng chăn gối của người lớn phủ lên mặt trẻ, gây ngạt thở.

Trên 3 tuổi: Trẻ bước vào độ tuổi đi học mẫu giáo nên đã biết được nhiều kỹ năng như dọn dẹp giường, tự mặc quần áo... Lúc này, việc ngủ trong phòng riêng rất có lợi cho sự phát triển của đứa trẻ.

- Thời điểm ngủ riêng của mỗi đứa trẻ khác nhau

Một số đứa trẻ có thể tự ngủ riêng lúc 3,4 tuổi nhưng cũng có những đứa khác đến khi vào tiểu học mới ngủ riêng. 

Về vấn đề này, giáo sư Lý Mai Cẩn cho biết: "Nếu bố mẹ thực sự không thể ngủ cùng con, chẳng hạn như đi công tác dài ngày, có thể nhờ ông bà chăm sóc hộ. Tuy nhiên, bố mẹ cần tránh thay đổi người ngủ với trẻ liên tục. Bố mẹ cũng cần nhớ rằng, nuôi dạy con cái là trách nhiệm của bản thân và cần dành nhiều thời gian hơn cho con mình. Thời điểm ban đêm lúc bố mẹ nên quan tâm, tương tác nói chuyện với con mình nhiều hơn".

Nguồn: 163, Sogou, QQ

Chia sẻ