Cho con đi học nhưng vẫn lo con mắc Covid: Bác sĩ gợi ý cách chăm sóc

Khánh Chi,
Chia sẻ

Từ ngày 6/4, học sinh từ tiểu học lên tới lớp 6 của Hà Nội sẽ quay lại trường học sau gần 1 năm học online vì dịch bệnh. Thông tin này khiến nhiều phụ huynh vui mừng vì cuối cùng con cũng được đến trường.

Chị Nguyễn Thị Lý (Ba Đình, Hà Nội) cho biết hai con chị dù chưa mắc Covid-19 nhưng chị vẫn muốn con đến trường từ rất lâu. Bởi vì, ở nhà con ngoài học online thì không biết làm gì, chúng chỉ biết chơi điện thoại.

Dù mong ngày con đi học, tuy nhiên chị Cao Thị Hòa (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn lo lắng vì con chị “yếu phổi” nếu không may mắc Covid-19 sẽ nguy hiểm. Chị Hoà cho biết con chị học lớp 1, cháu có tiền sử sinh non, dù lớn nhưng thi thoảng vẫn bị viêm phổi. Vì vậy, chị Hòa vẫn có chút lo lắng khi con đi học mà chưa được tiêm vắc xin.

Theo BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM, nguyên trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM trẻ cần phải đến trường. Nếu chậm trễ việc đến trường sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Trẻ cần có môi trường học, giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa. Vì vậy, việc trẻ quay trở lại trường học là điều cần thiết và quan trọng.

“Nếu chúng ta nói vì trẻ con, thì hãy cho con chích ngừa. Nếu chúng ta nói vì trẻ con đi học có thể mang nguồn lây cho người lớn, thì người lớn hãy lo chích ngừa, kể cả người lớn tuổi và bệnh nền, không còn cách nào khác” – BS Khanh cho biết.

Nếu trẻ không may trở thành F0 cũng cần bình tĩnh, vì đa phần trẻ mắc Covid-19 còn nhẹ hơn sốt xuất huyết, sốt siêu vi, tay chân miệng… nhẹ hơn rất nhiều bệnh lý thông thường khác ở trẻ.

Cho con đi học nhưng vẫn lo con mắc Covid: Bác sĩ gợi ý cách chăm sóc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Nếu trong gia đình có người bị F0 thì phụ huynh cần báo ngay cho nhà trường. Khi trẻ có biểu hiện nóng, ho, sổ mũi… cũng nên cho trẻ ở nhà theo dõi và đi khám bệnh. Nhưng nếu trong nhà cùng lúc có từ 2 người trở lên có triệu chứng tương tự như nhau thì khả năng mắc Covid-19 cao, lúc đó mới cần xét nghiệm, không cần xét nghiệm đại trà. Trẻ đi học không cần đeo kính che giọt bắn.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM và Hệ thống Y tế Mayo Clinic, Mỹ khuyến cáo việc đeo khẩu trang, đối với trẻ mầm non, phụ huynh cần đeo khẩu trang cho bản thân và cho trẻ khi đưa con đến trường, từ trường về nhà, hoặc khi tham gia giao thông công cộng.

Học sinh tiểu học, trung học cần đeo khẩu trang khi đến trường, trong lớp học (khuyến khích), khi ra về và khi cần thiết. Việc đeo khẩu trang đặc biệt được chú ý ở những nơi khó duy trì khoảng cách, như trên xe buýt, tàu điện...

Chuẩn bị nhiều khẩu trang sạch dự phòng. Phụ huynh nên hướng dẫn trẻ cho khẩu trang vào túi sạch có kéo khóa khi con không sử dụng, hoặc làm ký hiệu dán nhãn trên khẩu trang của trẻ để không bị nhầm lẫn khẩu trang của trẻ khác.

Cha mẹ hướng dẫn trẻ thực hành đúng cách đeo và tháo khẩu trang, tránh chạm vào các phần vải bên ngoài. Nhắc con nên rửa tay sạch trước và sau khi chạm vào khẩu trang, không chia sẻ, dùng chung, trao đổi khẩu trang với người khác, nói với con về tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang.

Lưu ý không đeo khẩu trang cho trẻ dưới hai tuổi, trẻ có vấn đề về hô hấp... Phụ huynh cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và duy trì tập luyện thể dục nhẹ nhàng cho trẻ để nâng cao đề kháng. Chế độ ăn đầy đủ vitamin C, chất xơ, đạm và bổ sung nước đầy đủ.

Cho trẻ ăn uống đúng giờ, ngủ đủ giấc và duy trì các thói quen vệ sinh đúng cách khi ở trường và về nhà, đảm bảo sức khỏe để trẻ học tập đạt hiệu quả tốt nhất trong thời kỳ bình thường mới.

Chia sẻ