Chín loại vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm nhất

Minh Nhật - Hà My,
Chia sẻ

Đầu năm nay, WHO đã đưa ra danh sách các vi khuẩn nguy hiểm nhất thế giới. Chín trong số đó được xếp vào loại được ưu tiên cao và quan trọng trong việc phát triển các loại kháng sinh mới giúp chống lại chúng.

Salmonellae

Vi khuẩn Salmonellae rất đa dạng, chia ra thành hàng nghìn chủng với hai nhánh chính. Một số chủng kén chọn vật chủ, một số lại có thể xâm nhập cả cơ thể con người cũng như nhiều loài động vật. Con người có thể nhiễm vi khuẩn Salmonellae do tiếp xúc với động vật nhiễm khuẩn, nhưng con đường lây nhiễm chủ yếu nhất là từ thực phẩm chế biến không kỹ. Chúng sẽ gây ra các triệu chứng salmonellosis, về cơ bản là một dạng ngộ độc thực phẩm kèm theo các triệu chứng như sốt, đau bụng, tiêu chảy, nôn nao hay nôn mửa. Đối với các bệnh nhân dễ bị tổn thương như người già và trẻ em, thuốc kháng sinh là cần thiết trong việc chữa trị. Tuy nhiên, một số chủng có khả năng kháng thuốc đã bắt đầu xuất hiện.

Chín loại vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm nhất - Ảnh 1.

Helicobacter pylori

Vi khuẩn này sống trên niêm mạc dạ dày và ước tính xuất hiện trong cơ thể 2/3 dân số thế giới, phần lớn không có triệu chứng gì. Một khi vi khuẩn này gây bệnh, người nhiễm khuẩn sẽ chịu các triệu chứng như loét dạ dày, thường phải điều trị bằng kháng sinh. Các tổ hợp kháng sinh điều trị khác nhau đang được sử dụng để chống lại khả năng kháng thuốc của vi khuẩn này, thí dụ như khả năng kháng kháng sinh clarithromycin.

Chín loại vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm nhất - Ảnh 2.

Enterobacteriaceae

Đây là một nhóm vi khuẩn lớn và đa dạng sinh sống trong ruột con người. Hầu hết các chủng khuẩn đều là các ký sinh trùng vô hại (vi khuẩn 'thân thiện'), nhưng có một số lại là những mầm bệnh nguy hiểm, bao gồm Salmonella, E.coli, Klebsiella và Shigella. Những chủng khuẩn này có tính kháng thuốc kháng sinh với nhóm kháng sinh mạnh nhất của chúng ta là carbapenems.

Các chủng enterobacteriaceae kháng được carbapenem (CRE) xuất hiện nhiều trong các môi trường y tế và có thể gây tử vong cho 50% trường hợp nhiễm khuẩn (E. coli và Klebsiella là những vi khuẩn chính gây ngộ độc máu).

Hiện nay chúng chỉ có thể được điều trị bằng một lượng nhỏ các thuốc kháng sinh chỉ dùng cho những lúc bất khả kháng, và thậm chí những chất này cũng không hiệu quả trong mọi trường hợp. CRE là một trong những mục tiêu quan trọng nhất đối với trong nghiên cứu kháng sinh thế hệ tiếp theo.

Chín loại vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm nhất - Ảnh 3.

Campylobacter spp.

Vi khuẩn Campylobacter xuất hiện một cách tự nhiên trong cơ thể của nhiều gia súc và do đó chúng thường lây nhiễm sang người thông qua thịt sống hoặc thịt nấu chưa chín. Vi khuẩn này có thể bị tiêu diệt dễ dàng bằng nhiệt, nhưng một khi xuất hiện trong cơ thể người, Campylobacter có thể dẫn đến các triệu chứng ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng và nhiều biến chứng bổ sung. Điều trị bằng kháng sinh thường không cần thiết, nhưng việc sử dụng kháng sinh không phù hợp ở một số nơi trên thế giới đã khiến vi khuẩn Campylobacter có khả năng đề kháng một số loại kháng sinh như fluoroquinolones.

Chín loại vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm nhất - Ảnh 4.

Neisseria Gonorrhoeae

Là tác nhân gây bệnh lậu lây truyền qua đường tình dục, khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn được ghi nhân đang ngày một gia tăng từ những năm 1940 đối với penicillin, tetracyclines, quinolones và kháng sinh macrolide. Gần đây, vi khuẩn đã bắt đầu thể hiện sức đề kháng với cephalosporin thế hệ thứ ba và được chính thức coi là "kháng đa thuốc".

Chín loại vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm nhất - Ảnh 5.

Pseudomonas aeruginosa

Vi khuẩn này có thể sống trong nhiều vật chủ, bao gồm cả thực vật. Ở người, nó là một dạng mầm bệnh cơ hội xuất hiện chủ yếu ở các môi trường y tế. Khuẩn này được chính thức tuyên bố là "kháng đa thuốc" và là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất mà loài người phải đối mặt, hiện đã bắt đầu chống lại một số thuốc kháng sinh mạnh như carbapenems và cephalosporin thế hệ thứ ba. Các chuyên gia đang lo ngại rằng trong tương lai gần sẽ không thể điều trị được vi khuẩn này và nó sẽ trở thành một mối đe dọa chết người.

Chín loại vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm nhất - Ảnh 6.

Enterococcus faecium

Mặc dù xuất hiện phổ biến trong ruột người, nhưng trong phần lớn thời gian E. faecium chung sống một cách hòa bình với chúng ta. Tuy nhiên, nó có thể gây bệnh nghiêm trọng như nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng máu và viêm màng não. Khuẩn này có tính kháng nội tại với một số loại kháng sinh, như penicillin và cephalosporin, nhưng nổi tiếng nhất là khả năng kháng vancomycin. Hiện nay người ta đã phải sử dụng một số liệu pháp phối hợp để đánh bại các enterococci kháng vancomycin (VRE).

Chín loại vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm nhất - Ảnh 7.

Staphylococcus Aureus (MRSA)

Hầu hết các chủng Staph aureus (tên rút gọn của loài vi khuẩn này) sống một cách vô hại trên da, niêm mạc mũi và phế quản. Tuy nhiên, nó có thể gây bệnh nếu nó xâm nhập sâu hơn vào cơ thể, ví dụ như qua vết thương hở. Trong các môi trường y tế, một chủng vi khuẩn này đã xuất hiện và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Đó là chủng Staphylococcus aureus kháng methicillin hay còn gọi là MRSA. Đây là "siêu khuẩn" nguyên bản, hiện có thể chống lại tất cả trừ một số ít thuốc kháng sinh cực mạnh. Nó đã được phát hiện nhiều trong cộng đồng, bên ngoài các môi trường y tế.

Chín loại vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm nhất - Ảnh 8.

Acinetobacter Baumannii

Vi khuẩn này có thể được coi là "kẻ thù số một của công chúng". Khuẩn này nằm trong danh sách ưu tiên cấp thiết trong việc điều chế kháng sinh thế hệ sau, có khả năng kháng loại kháng sinh cực mạnh carbapenem. Acinetobacter gây ra viêm phổi và nhiễm trùng vết mổ, có thể gây nhiễm trùng máu không thể chữa được. Xuất hiện chủ yếu ở các môi trường y tế, nó có nguy cơ gây tử vong cao. Vi khuẩn này có một khả năng đặc biệt mạnh mẽ là tiếp nhận gene di truyền từ các loài vi khuẩn khác. Điều lý giải tại sao nó có khả năng phát triển khả năng kháng hầu như tất cả các loại kháng sinh nào mà nó gặp phải.

Chín loại vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm nhất - Ảnh 9.


Chia sẻ