Chiêm ngưỡng Sài Gòn nhìn từ trên cao đẹp lung linh

Lê Minh ,
Chia sẻ

Từ các tòa nhà cao tầng, những cây cầu vượt, hình ảnh Sài Gòn nhìn từ trên cao không chỉ đem lại một góc nhìn khác lạ mà còn là minh chứng cho sự phát triển của thành phố 40 năm sau ngày giải phóng.

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_1

Sài Gòn 40 năm sau giải phóng đã thay da đổi thịt, hàng loạt những tòa nhà cao tầng mọc lên giữa thành phố hoa lệ. Nhiều tòa nhà cao tầng đã trở thành địa điểm ngắm Sài Gòn nhìn từ trên cao quen thuộc của người dân thành phố. Trong ảnh là tòa nhà Bitexco, 65 tầng cao 262m, được chụp từ một khách sạn cao tầng ngay trung tâm Quận 1. Bitexco là một trong những tòa nhà cao nhất Việt Nam, được xem là biểu tượng cho sự năng động của TP.HCM trong thời kỳ hội nhập kinh tế.

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_2

Một góc chụp khác từ khách sạn này là cửa Tây của chợ Bến Thành, biểu tượng du lịch của Sài Gòn qua bao năm tháng.

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_3

Quảng trường Quách Thị Trang với mảng cây xanh mát nhìn từ trên cao.

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_4

 Tòa nhà AB Tower với độ cao 27 tầng cũng là một địa điểm ngắm Sài Gòn nhìn từ trên cao lý tưởng. Trong ảnh là góc chụp xuống hai con đường Lê Lai và Phạm Ngũ Lão (Q.1) bao quanh công viên 23/9. Ngoài sự xuất hiện của những tòa nhà cao tầng hiện đại, Sài Gòn vẫn giữ được mảng xanh trong lành giữa lòng thành phố.

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_5

Con đường Nguyễn Thái Học (Q1) nhìn từ tòa nhà AB Tower.

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_6

Cầu chữ Y, nối liền Quận 5 và Quận 8, chụp từ một tòa nhà cao 20 tầng trên đại lộ Võ Văn Kiệt.

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_7

 Đại lộ Võ Văn Kiệt (còn được biết đến nhiều hơn với tên gọi đại lộ Đông Tây) là một tuyến đường đi qua trung tâm TP.HCM, dài 21,89km, đi qua địa bàn các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, tạo thành một tuyến trục giao thông Đông - Tây, và kết nối hai đầu Đông Bắc - Tây Nam thành phố. Từ khi có đại lộ Võ Văn Kiệt, việc lưu thông của người dân thành phố trở nên thuận lợi hơn, các phương tiện giao thông có thể ra vào cảng Sài Gòn và từ đây đi các tỉnh miền Đông và miền Tây mà không cần đi vào trung tâm thành phố. Đại lộ Võ Văn Kiệt cũng được xem là tuyến đường đẹp nhất Sài Gòn với nhiều làn đường thoáng rộng cùng những cây cầu đi bộ phủ đầy cây xanh và hoa tươi.

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_8

 Còn đây là nhà thờ Đức Bà chụp từ tòa nhà Diamond Plaza, góc bên trái bức ảnh còn có thể nhìn thấy tòa nhà bưu điện thành phố. Bên cạnh nét cổ kính của những công trình quen thuộc của thành phố là sự xuất hiện của tòa nhà Vicom Center, một trong những thiên đường mua sắm hiện đại của người dân Sài Gòn trong những năm gần đây. Sự xuất hiện của những trung tâm thương mại cao cấp ở Sài Gòn như Diamond Plaza, Parkson, VincomCenter, Saigon Centre… cho thấy đời sống của người Sài Gòn ngày càng được nâng cao.

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_9

Không chỉ xuất hiện ở trung tâm Sài Gòn, những tòa nhà cao tầng cũng mọc lên như nấm ở khắp các quận khác trong thành phố. Trong ảnh là một góc thành phố nhìn từ tòa nhà Manor (Q. Bình Thạnh).

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_10

Khu du lịch Văn Thánh nhìn từ tòa nhà Manor

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_11

 Con đường Nguyễn Hữu Cảnh dẫn ra cầu Sài Gòn nhìn từ tòa nhà  Mamor. Từ năm 2013, cầu Sài Gòn 2, được xây dựng song song với cầu Sài Gòn 1, đã được đưa vào sử dụng để góp phần giảm ùn tắc giao thông cửa ngõ phía Đông của TP.HCM

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_13

Nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất nhìn từ tòa nhà CT Plaza (Q. Tân Bình), một trong những địa điểm ngắm máy bay và săn ảnh quen thuộc của giới trẻ Sài Gòn.

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_12

 Còn đây là góc chụp làn đường dẫn vào nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất. Năm 2007, công trình nhà ga quốc tế mới của sân bay Tân Sơn Nhất được tách hẳn khỏi ga quốc nội thành một khu riêng biệt với nhiều thiết kế hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng 23.5 triệu lượt khách, là sân bay có lượng khách lớn nhất Việt Nam.

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_14

 Con đường Trường Sơn (Q. Tân Bình) dẫn ra sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những con đường cửa ngõ của thành phố, được trang hoàng rực rỡ mỗi dịp lễ Tết.

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_15

 Ở tầm thấp hơn một chút, Sài Gòn nhìn từ những cây cầu, cầu vượt, cầu đi bộ, đem lại góc nhìn gần hơn về sự phát triển đời sống người dân thành phố qua giao thông. Trong ảnh là cảnh chụp con đường Trần Xuân Soạn (Q.7) từ cầu Kênh Tẻ trong giờ tan tầm. Xe máy đã trở thành phương tiện lưu thông chủ yếu ở Sài Gòn.

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_16

 Con đường Bến Vân Đồn (Q.4) chụp từ cầu Ông Lãnh. Dân số Sài Gòn tăng cao khiến những con đường cũng được mở rộng, thông thoáng hơn so với 40 năm về trước.

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_18

 Con đường Phạm Văn Đồng chụp từ một cầu đi bộ. Phạm Văn Đồng là trục đường quan trọng trong hệ thống giao thông của thành phố, nối từ sân bay Tân Sơn Nhất – Quốc lộ 13 – Quốc lộ 1 - 1K đi qua 4 quận gồm: Tân Bình - Gò Vấp - Bình Thạnh - Thủ Đức. Toàn bộ tuyến đường có điểm nhấn là cầu Bình Lợi vượt qua sông Sài Gòn với chiều dài 1,1km gồm 6 làn xe mỗi chiều.

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_17

 Hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh chụp từ cầu Thủ Thiêm, là tuyến đường huyết mạch từ trung tâm thành phố ra cầu Sài Gòn giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Đây là hầm chui đầu tiên của TP.HCM được đưa vào sử dụng năm 2010.

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_19

Cùng với hầm chui, trước đó, từ những năm 2002 – 2005, thành phố đã khởi công xây dựng những cây cầu vượt khắp thành phố nhằm giải quyết vấn nạn kẹt xe nghiêm trọng ở Sài Gòn. Trong ảnh là cảnh họp chợ công nhân gần khu công nghiệp Pouchen chụp từ cầu vượt tỉnh lộ 10B, nối liền Quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Sự hiện đại của Sài Gòn nhìn từ trên cao_20

Khu vực này từng là nơi thường xuyên diễn ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng mỗi giờ công nhân tan ca với gần 90.000 người ùa ra từ khu công nghiệp. Từ khi có cầu vượt tỉnh lộ 10B, tình trạng kẹt xe đã giảm hẳn.

Chia sẻ