Chia tay vì nàng… đòi cưới

BĐVN,
Chia sẻ

Bạn bè gặng hỏi mãi lý do chia tay, Dũng mới thú thật: “Phương đòi cưới dữ quá trong khi mình mới 26 tuổi đầu, chưa có gì trong tay”.

Chờ mãi không thấy hỏi cưới

Từ lâu mấy “nhà tiên tri” là bạn cùng lớp cấp 3 của Trung phán rằng: “Hai đứa chúng nó giống nhau thế chắc chắn sẽ lấy được nhau”. Chẳng là thoạt nhìn, Trung và Mai Phương như hai anh em ruột với những đặc điểm giống nhau không ngờ như cùng gương mặt thanh tú, dáng cao cao, gầy gầy, đeo kính cận, mồm mép nhanh nhẹn đến cách ăn mặc bụi bặm cũng y chang. Các cụ thường bảo vợ chồng nào hao hao sẽ “ăn đời ở kiếp” với nhau. Mà cũng thật, mặc dù chưa cưới nhưng đi đâu hai người cũng có đôi.
 

Thế nhưng đùng một cái Trung thông báo với bạn bè đã chia tay Mai Phương. Gặng mãi cậu mới thú thật là “Phương đòi cưới dữ quá trong khi mình mới 26 tuổi đầu, chưa có gì trong tay”. Trung không chịu vậy là “nàng” giận doạ sẽ về quê lấy chồng. Trung thách thức “Có giỏi thì về mà lấy”, tưởng đùa, ai ngờ một tuần sau Phương đã xong hành lý về Vũng Tàu. Khi bạn bè hỏi lý do cô khóc lóc: “Yêu nhau 3 năm rồi vậy mà Trung chưa bao giờ nói chuyện cưới xin. Em hỏi thì anh ấy gạt đi bảo em đang trẻ, cứ từ từ”.

Không chỉ dừng lại ở đó, chuyện của Hà còn có thêm sự tác động của gia đình. Nhà Hà cũng thuộc dạng khá giả giữa Thủ đô thế nhưng đùng một cái ba mẹ bị “phá sản” phải bán nhà ra ở thuê. Ngày đầu yêu Dũng, Hà bị gia đình mắng te tát vì bỏ anh người yêu cũ nhà giàu đi yêu trai tỉnh lẻ, không môn đăng hậu đối, sinh viên mới ra trường không có gì trong tay. Nhưng rồi khi gia đình gặp nạn, bỗng dưng bố mẹ Hà thúc giục chuyện cưới xin. Dũng vặn vẹo người yêu mãi mới khai thật: “Cưới gấp vì gia đình em cần tiền để trả nợ”.

Đang trong lúc choáng váng chưa biết xử thế nào thì Dũng phát hiện mẹ Hà thường xuyên gọi người yêu cũ của cô đến để mong nối lại tình xưa và “cứu tinh” gia đình trong lúc hoạn nạn. Dũng càng bối rối vì Hà liên tục giục cậu cưới trong khi nghề kiến trúc sư của cậu mới chỉ đủ sống qua ngày làm sao có tiền để cưới. Vừa cảm thấy thua kém “người ta”, vừa tự ái… Dũng đã nói lời chia tay với lý do “Anh không xứng với gia đình nhà em”.

Những chàng trai chưa đủ… lớn

Hầu hết các cuộc chia ly trong giai đoạn cuối là “nàng” không thể chờ đến khi “chàng” “trưởng thành” hay “có gì trong tay”. Nhìn bạn bè lấy chồng có con hết trong khi người yêu thì “dửng dừng dưng” lo cho sự nghiệp, đa số các bạn nữ đều sốt ruột, nôn nao nhất là khi có thêm sự tác động của gia đình. “Con gái ngần ấy tuổi mà không chịu cưới xin”; “Định chờ đến bao giờ”; “Trời sinh voi sinh cỏ, lo cái gì”… là những câu nói muôn thuở của các bậc phụ huynh khi con gái mình cứ bị “giam hãm”.
 

Theo điều tra nhỏ về tâm lý của con trai trước giờ “G” (trước khi quyết định cưới), những câu trả lời kiểu như “Chưa tự tin làm chủ của gia đình”; “Muốn lo cho sự nghiệp trước khi dính dáng đến chuyện vợ con”; “Không có gì sợ vợ con sẽ khổ”; “Phải chuẩn bị mọi thứ thật kỹ”… hay theo kiểu trách móc như “Sao con gái cứ đòi cưới sớm để làm gì?”; “Suy nghĩ ngắn, nóng vội”; “Cưới xong khổ lắm sao cứ thích” là phần lớn suy nghĩ của đàn ông… Tất cả đều chung tâm trạng “Muốn nhưng sợ”.

Thuỳ và Huy cũng phải chịu một kết cục tương tự khi hai người học cùng lớp cấp 3 với nhau. Sau nhiều năm trời yêu nhau “đằng đẵng”, Thuỳ và gia đình chờ mãi lời cầu hôn của Huy mà vẫn “khất lần”. Ngày trước yêu nhau bố mẹ Thuỳ giao hẹn phải học xong ra trường, công việc tử tế mới tính đến chuyện cưới xin.

Thế nhưng đến nay đã ra trường gần 4 năm mà Huy “vẫn như ngày nào” hứa hẹn đầu năm sau rồi lại cuối năm nay. Tết nhất lại đến nơi, con cái bạn bè, đồng nghiệp cưới ầm ầm, ông bà đi mừng cho bao nhiêu đám mà chả thấy đến lượt con mình đang luống tuổi dần. “Giục chúng nó cưới mà chưa có tiền nong, công việc gì thì khổ. Chả lẽ cứ thế này đến già à?”, bố mẹ Thuỳ sốt ruột kêu.

Tranh luận nhiều, mỗi người đều giữ quan điểm riêng, cuối cùng, Huy và Thuỳ đành “giải phóng” cho nhau để “nàng” đi tìm hạnh phúc mới còn “chàng” chờ thời gian cho trưởng thành hơn.

Chia sẻ