Chia sẻ đẫm nước mắt của cô gái từng tự tử vì bị bố mẹ bạo hành: "Em từng mong mình có bố mẹ khác"

Phong Linh,
Chia sẻ

"Nhà là một từ ngắn ngủi, nhưng nó không đồng nghĩa với sự bình yên. Nếu nó trái nghĩa với bình yên, thì là khởi đầu của sự bất hạnh"

Tuổi thơ trong đòn roi và tủi hổ vì bị bố mẹ bạo hành

"Có ai khổ sở vì bố mẹ đẻ của mình như em không? Hơn chục năm rồi, ra ngoài đi học, đi làm, có bạn bè, em mới cười nói vui vẻ. Cứ về nhà là nước mắt lại rơi. Bố mẹ đánh nhau cãi nhau, em về một lúc chỉ muốn bỏ nhà đi mãi... Nay bố đuổi mẹ con em đi, hai mẹ con đi trên xe máy, mẹ chở em đến chỗ làm, nước mắt hoà nước mưa..." - Nguyễn Hải Hoàng, cô gái 22 tuổi đang là sinh viên năm cuối bắt đầu câu chuyện của mình như thế.

Nếu như với nhiều người, tuổi thơ là quãng thời gian êm ấm, đẹp đẽ và hồn nhiên nhất, thì với Hải Hoàng, tuổi thơ của cô tràn ngập những ám ảnh đòn roi, sỉ vả của bố mẹ trút lên mình, rồi những cuộc ẩu đả, cãi vã của bố mẹ. Hoàng kể, hồi nhỏ, cô sống cùng mẹ và nhà ngoại vì bố đi làm ăn xa. Đến khi Hoàng lên lớp 6, dù hết sức ngăn cản, vì đã từng thấy bố mẹ đánh chửi nhau, mẹ Hoàng vẫn quyết định đưa hai mẹ con về quê nội cách nhà ngoại hơn 100km. Đó là lúc sóng gió bắt đầu.

"Bố mẹ sống gần nhau mà mâu thuẫn rất nhiều. Ngoài mâu thuẫn chuyện muốn có thêm con, mà sức khỏe mẹ em yếu, sinh thêm con có thể nguy hiểm tính mạng, còn là vấn đề kinh tế nữa, nhà nợ nần triền miên, rồi mối quan hệ giữa mọi người trong gia đình phức tạp... nên bố thường xuyên đánh mẹ, đánh em thậm tệ. Có điều lạ là toàn hàng xóm can ngăn, còn họ hàng bên nội thậm chí còn cổ vũ, hùa vào chuyện bạo lực ấy. Hồi đó em còn bé, nhưng đã biết buồn và xấu hổ với bạn bè vì mình có một gia đình như thế. Mẹ em, mỗi lần cãi nhau đều có ý định tự tử. Có lần, mẹ cầm dao định tự đâm, em giằng lấy và bị chảy máu" - Hoàng rùng mình nhớ lại ký ức kinh hoàng về gia đình mình. 

gia đình
Những lúc quá buồn, Hoàng lên mạng xã hội tâm sự với những người bạn ảo cho nhẹ lòng.

Cô cay đắng tâm sự: "Câu nói bố mẹ nào cũng thương con chắc không đúng với nhà em đâu, vì từ khi em còn rất nhỏ, bố mẹ đã đối xử với em rất tệ bạc. Em còn nhớ, năm em học lớp 8, vì mẹ em không sinh được em bé do điều kiện sức khỏe, bố và mọi người trong gia đình gây áp lực dữ lắm. Mẹ cứ có thai là đều bị sảy. Bố mẹ mâu thuẫn, em lại là đứa bị trút đòn roi.

Đến năm 15 tuổi thì em bị trầm cảm, lúc nào cũng có ý muốn tự tử, đêm nằm thì giật mình thon thót. Em chán ghét và áp lực mỗi khi về nhà, vì cảm giác nhà mình như nhà tù vậy. Em nhìn thấy bạn bè hạnh phúc bên gia đình thì ghen tị, u uất, và chỉ ước mình có bố mẹ khác.

Đó cũng là quãng thời gian em bị đánh đập, chửi bới thậm tệ nhất. Có lần, em đi học về, ngồi ăn cơm, bố em cầm bát cơm hất đi, đẩy em xuống sàn nhà rồi đánh. Mẹ em, cũng vì chuyện áp lực không sinh được em bé mà cũng kiểu như ghét em, chửi mắng em suốt. Mãi sau này, có lẽ sau khi em gái em ra đời (khi Hoàng 17 tuổi), mẹ mới thương em và không chửi em nữa. 

Người sống trong một gia đình hạnh phúc rồi sẽ không hiểu được giá trị của hạnh phúc đâu! Hạnh phúc với em là bố mẹ đừng cãi nhau và đánh chửi nhau nữa, vậy thôi!".

Vì những nỗi đau đó, khi bố mẹ không sống chung, nhiều lần Hoàng đã khuyên mẹ hãy ly hôn. Cô hiểu, ly hôn là điều khó khăn, không dễ dàng chấp nhận được, nhưng thuyết phục mẹ, nếu thực sự muốn nghĩ cho con cái, hãy ly hôn để con được sống trong yên bình. Hoàng tin, có một thứ hạnh phúc khác, là buông tay. Nếu đã không còn yêu nhau, không còn hợp nhau thì buông bỏ cũng là tình yêu, cũng là hạnh phúc, đừng sống vì định kiến bỏ chồng sẽ thế nọ thế kia.

"Em không cổ súy cho việc ly hôn, vì đó là điều không ai mong muốn, nhưng thực sự, phải rơi vào hoàn cảnh những đứa con như em, sống trong một gia đình chẳng khác gì địa ngục thì ly hôn như cách để giải thoát, để cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng nhất. Nhưng mẹ không nghe, và họ sống với nhau đến bây giờ, trong sự giày vò lẫn nhau, và giày vò con cái" - Hoàng bày tỏ quan điểm.

Vững vàng sống, nhưng không còn tin vào tình yêu

Mang theo nỗi đau nhân đôi, bị cả bố và mẹ làm mình đau đớn cả về thể xác và tâm hồn, Hải Hoàng lao vào học và kiếm tiền. Những năm tháng sống ở nhà, Hoàng bảo, mình sống như người câm, không đi học cũng lấy cớ đi học, chỉ để không phải ở nhà. Thời điểm lớp 12, áp lực thi cử, áp lực gia đình, ý định tự tử lại trở lại trong cô gái trẻ. Cô kể, bố mẹ cô gần như không quan tâm đến con. Cô không đi học thêm, chỉ học trên lớp, mà lần nào mẹ cũng kêu tiền đóng học tốn kém.

Cô gái trẻ nín nhịn tất cả, quyết tâm thi đỗ khoa tiếng Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội và chuyển lên sống ở Hà Nội luôn, gần như không về quê nữa. Hoàng không mất tiền học phí, ở thì ở ký túc xá nên chỉ tốn tiền ăn là nhiều. Lúc đầu, bố có cho tiền sinh hoạt phí, nhưng lại mắng cô là "đồ ăn bám", mẹ thì bị bệnh tim, tiền lương chỉ đủ tiền thuốc, nên được vài tháng, cô thôi không lấy tiền nữa. Bươn chải, tự kiếm tiền bằng sức lao động của mình: làm gia sư, rửa bát, phục vụ hội nghị..., cô gái tuổi 22 đang là sinh viên năm cuối không có tài sản gì quý giá ngoài việc tự xoay sở nuôi thân, cái điện thoại và laptop tự mua. 

gia đình
Quá khứ và tuổi thơ dữ dội vẫn ám ảnh Hà Hoàng đến tận bây giờ.

Hồi năm nhất, vì đau buồn chuyện gia đình, Hoàng từng nghĩ đến chuyện bỏ học để đi xuất khẩu lao động, nhưng rồi lại cố gắng học tiếp và chậm 1 năm so với các bạn cùng tuổi. Hoàng bảo, động lực để cô sống sót qua những ngày tháng kinh khủng vừa qua, không phải là gia đình, mà là vì "em nhìn thấy xung quanh mình có nhiều hoàn cảnh tệ hơn, ví dụ như có bạn bị bố mẹ bỏ, chỉ sống với ông bà mà vẫn đỗ á khoa đại học, có người bố bỏ đi, mẹ thì điên mà vẫn là thủ khoa. Em không thể buông được những gì em đã phấn đấu và nỗ lực thật nhiều mới có được. Nhiều lúc nghĩ mình thật là bất hạnh, nhưng nhìn vào những gì em đã đạt được trong học tập, em lại quyết tâm hơn. Nếu nghĩ dại, em sẽ mất tất cả. Dù không có một gia đình hoàn hảo, em vẫn có quyền sống tốt chứ!"

Mặc dầu vậy, những nỗi đau hiện hữu cụ thể từ gia đình cũng khiến Hoàng bị ảnh hưởng nhiều về tư tưởng. Điều khiến Hoàng nghĩ nhiều nhất về gia đình của mình hiện tại là cô em gái mới 5 tuổi đầu của mình. Lần về nhà gần đây nhất, bố mẹ Hoàng lại đánh nhau, bố đuổi mẹ và Hoàng ra đường. Cô hoảng sợ nhìn thấy em gái mình không biểu hiện cảm xúc gì trên mặt. "Mới 5 tuổi thôi, vậy mà nó đã chai lì với những trận đánh vậy rồi... Hồi xưa, tầm 2 tuổi, mỗi lần bố mẹ đánh nhau nó còn khóc, giờ, có lẽ chứng kiến nhiều lần quá, nó đứng nhìn thôi, không biểu hiện thái độ gì cả". 

Còn Hoàng, cô đã từng yêu, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, cô tự ti và mặc cảm. Hoàng trải lòng: "Em không tin vào tình yêu nữa rồi, vì ngay cả trong nhà mình, nơi tưởng chừng như yên bình nhất, em cũng không thấy được tình yêu. Những gì em chứng kiến trong gia đình như một lỗ hổng lớn trong tim mà không bao giờ, không điều gì có thể hàn gắn hay bù đắp nổi. Người ta cứ lên án những người tự tử, nhưng em hiểu tại sao họ lại quyết định vậy. Đó là kết quả của sự bế tắc và dồn nén, hơn hết là không có sự động viên, chia sẻ hay cảm thông từ những người gần nhất. Con người ta khi bị dồn đến bước đường cùng thì sẽ không suy nghĩ được gì sáng suốt nữa. 

Với em, nhà là một từ ngắn ngủi, nhưng nó không đồng nghĩa với sự bình yên. Nếu nó trái nghĩa với bình yên, thì là khởi đầu của sự bất hạnh".

Điều mà bố mẹ nghĩ rằng sẽ tốt cho con chưa chắc đã là điều mà các con thực sự cần. Hãy lắng nghe mong ước của những đứa trẻ nếu bạn thực sự muốn con mình có một tuổi thơ hạnh phúc. We Are Family - chiến dịch thường niên của trang tin Afamily.vn với sứ mệnh gắn kết, truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu thương cũng như các giá trị tích cực trong gia đình đã quay trở lại với nhiều hoạt động ý nghĩa. Chúng tôi sẽ giúp bạn nhìn thấu mong ước của các con và kéo các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn nữa. 

Hãy truy cập waf.afamily.vn mỗi ngày để lắng nghe những mẩu chuyện hạnh phúc, những trải lòng của những người con về câu chuyện buồn vui của gia đình mình.


Chia sẻ